Phan Sơn (SGTT.VN) - Chỉ mới bước qua ba tháng đầu năm 2012, nhưng bệnh tay chân miệng (TCM) đã khiến 21.295 ca mắc và cướp đi sinh mạng 16 trẻ em (tính đến ngày 25.3). “Phải kéo giảm số tử vong đến mức thấp nhất vì tử vong trẻ em do TCM thực sự là điều nhức nhối cho cả xã hội, ngành y tế và gia đình”, bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến mở đầu như thế tại hội nghị Tăng cường các biện pháp giảm tử vong do bệnh TCM tổ chức hôm qua 5.4 tại TP.HCM.
Nghe nhau báo cáo
Hội nghị gần như mang tầm quốc gia, do bộ trưởng cùng hai thứ trưởng bộ Y tế chủ trì, được kỳ vọng sẽ gợi mở nhiều vấn đề giữa lúc bệnh TCM vẫn diễn biến phức tạp và khó lường. Nhưng rốt cuộc hội nghị gây thất vọng cho không ít người tham dự. Đáng tiếc đầu tiên là toàn bộ thời gian hội nghị chỉ dành để… nghe nhau báo cáo. Song những báo cáo nghiêm túc, có tính khoa học cao không nhiều. Đơn cử là hai báo cáo của cục Y tế dự phòng và cục Quản lý khám và chữa bệnh. Ở đây, các nhà quản lý chủ yếu dông dài về những chuyện đã triển khai, từ việc ban hành các văn bản cho đến cử đoàn xuống địa phương giám sát – một công việc hết sức tự nhiên vì là nhiệm vụ bắt buộc của họ.
Bác sĩ bệnh viện đa khoa Sa Đéc đang thăm khám cho trẻ bị mắc bệnh tay chân miệng. Ảnh: Ngọc Tùng
Chỉ rõ nguyên nhânThật ra hội nghị cũng có một số báo cáo chất lượng. Ví dụ như phân tích 153 ca bệnh TCM tử vong trong năm 2011 và ba tháng đầu năm 2012 do bệnh viện Nhi Đồng 1 thực hiện. Đây thật sự là một nghiên cứu khoa học có giá trị khi chỉ rõ nguyên nhân vì sao bệnh nhi mắc TCM phải tử vong một cách đau xót như: chẩn đoán nhầm của bệnh viện tuyến trước (23 ca), chuyển viện không an toàn (24 ca), bệnh nhân tự đến trong tình trạng nặng (54 ca). Từ đó đề xuất những biện pháp khắc phục.
Đồng thuận với báo cáo!
Thật ra mục đích lớn nhất của hội nghị lần này để các địa phương rút kinh nghiệm về tử vong TCM. Bởi theo thống kê trong 16 ca tử vong từ đầu năm đến nay, 13 ca xảy ra ở tuyến tỉnh, chỉ có ba ca ở tuyến trung ương. Điều này đồng nghĩa với việc điều trị TCM ở tuyến trước đang gặp vấn đề và có không ít ca tử vong TCM oan uổng. Nhưng rút kinh nghiệm làm sao đạt hiệu quả cao nhất khi ban tổ chức không dành thời gian cho các đại biểu tham gia thảo luận, dù chương trình có nội dung này. Khi đồng hồ gần điểm 12 giờ trưa, một đại diện của bộ Y tế vui vẻ gút: “Bây giờ đã gần đến giờ “nhạy cảm”. Theo luật Khám chữa bệnh thì ngoài việc lo cho bệnh nhân còn phải lo cho cả thầy thuốc, vì thế nếu không đại biểu nào có ý kiến khác với các báo cáo thì chúng ta dừng lại ở đây…”
Tham dự nhiều hội nghị phòng chống TCM, một bác sĩ từ xa đến than thở: “Lại thêm một hội nghị do bộ Y tế tổ chức mang tính phong trào, quá lãng phí thời gian và công sức. Tại sao các đại biểu bỏ công sức đến dự mà ban tổ chức không dành cho họ cả một ngày để vừa nghe báo cáo, vừa thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm với nhau...? Tôi không biết mình thu hoạch được bao nhiêu điều có ích từ hội nghị lần này”.
PHAN SƠN
Đúng ra Trời nên dành bệnh nầy cho bọn cán bộ đảng viên mới phải !