Đào Tuấn - Tạp chí Xây dựng Đảng số ra ngày 19-3-2012 có đăng tải một bài viết của một đảng viên gần 40 năm tuổi đảng kể về những bức xúc, đau đáu bắt nguồn từ một lời giới thiệu tưởng như vô tình: “Đây là T, đảng viên, nhưng là một người đàng hoàng lắm”.
“Mới vào Đảng nên còn tốt!”. “Đảng viên nhưng là một người đàng hoàng!”. Những lời lẽ đó giờ đã thành câu dân gian cửa miệng rồi. Dẫu không ít chua chát thì người ta nghe mãi cũng quen. Dẫu là u tối thì u tối mãi cũng đã là chuyện bình thường. Và điều đáng nói là ngay chính cán bộ đảng viên nghe thế cũng chỉ… nhăn răng ra cười.
Chỉ khổ cho cụ già đảng viên 40 năm tuổi Đảng. “Tôi nghe thế cảm thấy như bị xúc phạm - ông viết- Thế ra, dưới con mắt của người dân, nhiều đảng viên hiện nay là những người không đàng hoàng? Đúng vậy không? Ngày nay Đảng ta đã có đội ngũ đông đảo hơn 3 triệu đảng viên. So với Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng năm 1935 thì Đảng ta đã đông gấp 5.000 lần. Đông hơn nhưng có mạnh hơn không?”- ông đặt câu hỏi.
Câu trả lời cho cái nhìn u tối của người dân thực ra nằm ngay trong đời sống, nơi những cán bộ đảng viên đang tha hóa, biến chất thậm chí không cần che dấu. Ngay cả khi nghị quyết TƯ 4 được rầm rộ triển khai với một trong những nhiệm vụ cấp bách là chấn chỉnh đạo đức, lối sống của đảng viên, thì vừa ngay đây, hai đảng viên là cán bộ lãnh đạo tiếp tục “dính chàm”.
Ở An Khê, Gia Lai, Công an vừa khởi tố Thị ủy viên, Bí thư kiêm Chủ tịch xã Thành An về hành vi đánh bạc. Trước đó thì đủ hết, từ miền Tây ra miền Trung, từ miền xuôi lên miền ngược, từ quan huyện, quan sở, công an, kiểm lâm, kiểm sát, thậm chí cả hiệu trưởng trường tiểu học, cả trưởng phòng văn hóa, đội trưởng đội kiểm tra liên ngành 814 có chức năng kiểm tra, giám sát, phòng chống tệ nạn cũng bị bắt vì đánh bạc. Họ đánh bạc ở bất cứ đâu: Dưới hầm, ngoài nhà nghỉ, trong trụ sở tòa án, đánh bạc ngay tại nhà dân. Dường như “đổ bác” giờ đã ngấm vào máu của không ít cán bộ đảng viên có quyền, có tiền. Dư luận hẳn còn nhớ chưa quên vụ “ván cờ bạc tỷ” của hai quan chức miền Tây để sau đó đòi nợ bằng cách thuê giang hồ đòi nợ theo kiểu xã hội đen.
Ở miền Tây, sau các vụ thẩm phán “tư vấn pháp luật” trong nhà nghỉ, Phó Chánh án “an ủi vợ người khác” trên café võng, Viện trưởng Viện kiểm sát “nhậu nhẹt, tắm sông cùng kiều nữ”; Chi cục trưởng Quản lý thị trường “đi vệ sinh nhầm vào phòng ngủ vợ dân” , giờ lại đến chuyện Phó công an “mang dầu gió vào giường vợ người khác”.
Không tháng nào, không tuần nào là không có những dòng tin nóng về sự tha hóa của một cán bộ, đảng viên nào đó, ở một đâu đó được đưa lên mặt báo.
Có câu “Tửu sắc tài khí tứ đổ tường”. Cờ bạc, rượu chè, trai gái, hút sách hễ vướng vào một trong đó thì kể như là vào bốn bức tường không lối thoát, chịu chết trong đó luôn, hư hỏng cả cuộc đời. Cũng có câu “Vui nơi đổ bác là vui khổ”. Nhưng sự hư hỏng của cán bộ, đảng viên giờ xét đi xét lại cũng nằm cả trong 4 chữ “Tửu sắc tài khí”.
Nhưng vì sao “Đổ bác”, một trong Tứ đổ tường- 4 cái nghiệp làm người ta phá gia chi tử- giờ lại thịnh đến thế trong giới cán bộ đảng viên?
Câu trả lời rất đơn giản: Bất cứ đâu cũng rất dễ dàng bắt gặp cảnh đánh bạc, từ quan đến dân, từ vỉa hè đến công sở. Đổ bác phổ biến đến nỗi nó trở thành bình thường. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Campuchia mở sòng chi chít khắp biên giới hầu như chỉ để phục vụ dân đổ bác quốc tịch Việt Nam.
Vấn đề là ở chỗ nếu các bậc phụ mẫu của dân, nếu như những người thực thi pháp luật, thậm chí cả những người đứng trên bục giảng “chưa bị lộ” thì họ vẫn có thể chỉ tay năm ngón răn dạy dân những lời đạo lý. Nói và làm giờ chẳng mấy khi giống nhau, và sự xấu hổ, như cái cách mà người đảng viên già bức xúc, giờ có lẽ đã quá xa xỉ.
Có người đã trách báo chí bới bèo tìm bọ. Người khác bảo chỉ là con sâu. Có điều sâu, bọ bây giờ nhiều quá. Nhiều đến mức sự tha hóa có thể nhìn thấy hàng ngày mà người dân đã quen đến mức giờ chua chát cho đó là “chuyện thường ngày ở huyện”. Và bởi những người bị đưa lên báo, chỉ là “những đồng chí bị lộ”.
Việc chỉnh đốn Đảng, vì thế, không thể coi đó là những “con sâu bé”, không thể coi là “chuyện con sâu”, bởi chính những con sâu bé đó đang ngày ngày gặm nhấm niềm tin của dân chúng vào vào sự liêm chính của cán bộ, đảng viên, bởi “chuyện con sâu” đó đang làm lung lay cột rường “sự an nguy của chế độ”.
Trở lại với tâm sự của người đảng viên già. Ông đã có một phát hiện rất xác đáng, rằng hiện trong Đảng đa số đảng viên là "đàng hoàng", tâm huyết với lý tưởng của Đảng, gắn bó với dân. Có điều đa số đó là đảng viên "thường" và cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu. Chỉ có “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên không đàng hoàng. Nhưng khổ nỗi trong “một bộ phận không nhỏ” ấy, đa số lại là đảng viên có chức, có quyền, có điều kiện tiếp xúc, liên quan đến phê duyệt, quản lý tài sản công, tài chính, đất đai… là đối tượng móc nối của các đại gia, các nhà đầu tư, tham lam, hư hỏng, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi... Rồi do có lắm tiền sinh ra học đòi, ăn chơi, xa hoa, thậm chí trụy lạc, trác táng, mất hết phẩm chất, tư cách người cộng sản. Những cán bộ, đảng viên như thế ngày càng xa dân, coi thường người lao động, làm ngơ trước cảnh oan trái và nghèo đói của người dân, không được dân tin nữa, thậm chí người dân tỏ thái độ coi khinh ra mặt.
Nghị quyết Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" chỉ rõ những suy thoái, biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang làm mất uy tín của Đảng, niềm tin của dân với Đảng. Nhưng việc thực hiện phải bắt đầu bằng việc khu biệt những cán bộ, đảng viên có khả năng làm mất ủy tín của đảng “phải chỉ cho được “bộ phận không nhỏ” ấy là những ai, mức độ đến đâu và kiên quyết xử lý nghiêm khắc, cách chức, khai trừ ra khỏi Đảng những ai vi phạm đã không còn xứng đáng là đảng viên nữa”.
Trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí gần đây, GS Dương Phú Hiệp, nguyên Tổng thư ký Hội đồng lý luận TƯ cho rằng: “Đảng viên hay quần chúng không ai nằm ngoài vòng pháp luật cả. Không có con số trừ 1. Không ít vụ việc, ta sợ đụng chạm này khác, can thiệp để không làm to ra... Cách làm như vậy là không được”. GS Hiệp kêu gọi “Đã đến lúc phải đi vào thực chất: trong nhà nước pháp quyền, pháp luật là tối thượng, dân chủ và xã hội công dân là cần thiết. Nếu cán bộ lãnh đạo hay đảng viên bao che cho nhau thì chỉ làm mất lòng tin của dân với đảng”.
Sau vụ “ăn nhậu tắm sông với kiều nữ”, khiến một cô gái chết đuối, 2 vị viện trưởng viện phó VKS bị, nói đúng hơn là được, điều từ huyện lên tỉnh. Sau vụ “tư vấn pháp luật cho vợ anh xe ôm trong nhà nghỉ”, vị thẩm phán ở Cà Mau đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Có điều, ông vẫn còn nguyên chức Phó Văn phòng TAND tỉnh.
Xử lý như thế thì liệu có lấy lại được lòng tin của anh xe ôm, người chồng bị cắm sừng có lần đã quẫn đến mức ra điều kiện buộc vị thẩm phán “tư vấn pháp luật trong nhà nghỉ” phải nuôi vợ anh suốt đời?
Thực hiện điều này đến nơi đến chốn thì còn gì cái Đảng thối rữa từ trên xuống dưới, mục ruỗng từ ngoài vào trong!