Thanh Nhã (SGTT.VN) - Chỉ tay vào mảnh đất trồng keo hơn 12.000m2, ông Nguyễn Công Khư thở dài: “Chính quyền nói tôi lấn chiếm nên không công nhận. Thử hỏi có công bằng không khi 1m đất chỉ được áp giá ngang... chục trứng vịt”.
Hai chữ công bằng mà ông Khư đề cập là câu chuyện người được kẻ không và bất nhất của chính quyền trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng.
39 năm thở cùng đất
Nhà ông Khư ở thôn Mũi Đá, xã Tân Phước, thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận. Bà con trong thôn phần lớn là từ Quảng Trị vào lập nghiệp từ trước giải phóng. Ông Khư nhớ lại, năm 1973 vì chiến tranh khốc liệt, gia đình ông buộc phải rời quê hương tìm đến phương Nam. Định cư tại vùng đất mới, ông và bà con đồng hương tiến hành khai hoang sinh sống. Ngày đó khu vực Lagi toàn rừng thấp, cây bụi mọc trải dài ra đến biển. Ông Khư khai hoang được hơn 12.000m2 và sinh sống, canh tác đến nay. Diện tích đất này được xác nhận trong văn bản của đoàn pháp lý xã Tân Phước.
“Có đất, tôi dựng nhà, trồng trọt để nuôi con. Đã 39 năm trôi qua, các con tôi giờ đã có gia đình riêng. Năm 1994, tôi kê khai diện tích và đóng thuế cho chính quyền từ đó. Vậy mà khi UBND thị xã Lagi quy hoạch làm du lịch đã không xem đất này là quyền sử dụng hợp pháp của tôi. Hơn nữa chính quyền giao công ty làm dự án chứ không phải công trình công cộng hay an ninh quốc phòng”, ông Khư nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, lý do UBND thị xã Lagi không công nhận đất của ông Khư vì cho rằng đây là đất lấn chiếm nên không được bồi thường mà chỉ hỗ trợ 14.000 đồng/m2. Nhắc đến tiền hỗ trợ, ông Khư bức xúc: “Chính quyền bất nhất trong công tác bồi thường vì cùng là khai hoang như nhau từ năm 1973 nhưng tất cả các hộ khác trong thôn được bồi thường, còn tôi thì không. Đất là công sức của gia đình tôi đổ ra canh tác, tôi không chấp nhận 1m đất với bao nhiêu mồ hôi nước mắt đó chỉ đổi lại bằng... một chục trứng vịt”.
Chờ xin ý kiếnÔng Trần Khắc Hải, chủ tịch UBND xã Tân Phước, cho biết việc các hộ dân có cùng tính chất đất khai hoang như ông Khư nhưng được bồi thường còn ông Khư thì không là do cán bộ khoá trước nắm thông tin, ông mới được bổ nhiệm nên không biết. Ông Hải nói thêm hiện nay chưa thể trả lời vì dù đứng đầu chính quyền xã nhưng muốn phát ngôn phải xin ý kiến bí thư Đảng uỷ xã vì đó là quy định.
Người được, kẻ không
* Ông Khư trên mảnh đất 39 năm gắn bó của mình.
Có mặt tại nhà ông Khư, ông Phan Văn Diệp bộc bạch: “Nhà tôi giáp ranh đất của ông Khư, và cùng khai hoang từ năm 1973. Tuy nhiên hơn mười năm trước, khi UBND thị xã Lagi giao cho doanh nghiệp làm dự án thì chúng tôi được bồi thường còn ông Khư thì không. Theo ông Nguyễn Công Lào, một hàng xóm khác của ông Khư, bà con ở địa phương biết rõ nguồn gốc đất nhà ông Khư, nên 17 hộ dân ở đây làm đơn xác nhận gửi chính quyền nhằm bảo vệ quyền lợi của ông Khư nhưng chưa được giải quyết.
Trong khi đó, theo hồ sơ chúng tôi có được, đất nhà ông Khư có đóng thuế và được chi cục thuế thị xã Lagi xác nhận bằng văn bản 577 ngày 28.4.2008 hẳn hoi. Ông Nguyễn Công Diễn, một người dân ở thôn Mũi Đá cho biết thêm, ông cũng khai hoang từ năm 1973, gần đất ông Khư nhưng được doanh nghiệp làm dự án bồi thường 480 triệu đồng cho diện tích chỉ hơn 2.800m2. Ngay cả hộ ít đất nhất là ông Nguyễn Công Ba với 848m2 cũng được nhận 90 triệu đồng.
Bức xúc vì các hộ dân sát bên được bồi thường còn mình thì thiệt hại về quyền lợi, ông Khư làm đơn gửi UBND tỉnh Bình Thuận. Nhận đơn, UBND tỉnh này ban hành văn bản 5419 giao thanh tra tỉnh “nghiên cứu, xem xét” nội dung đơn của ông Khư. Trớ trêu là trong khi thanh tra tỉnh chưa có kết luận thì ngày 29.2.2012, chủ tịch UBND thị xã Lagi Phùng Thị Thọ ra quyết định hỗ trợ thiệt hại cho ông Khư với mức giá là 176 triệu đồng. “Nếu đất của tôi chỉ được 176 triệu đồng thì hiện nay với số tiền ấy, gia đình tôi chắc chắn phải ra biển ở vì không thể mua đất khác trồng trọt, nương thân”, ông Khư bức xúc.
BÀI VÀ ẢNH: THANH NHÃ
Họ lừa dân, cứ tự kiếm gạo nấu cơm mà ăn đi...đến khi cơm chín họ bảo cơm này của tao...thế là xong.
" đất đai là sở hữu toàn dân"..thế mà có thằng dân nào được cấp đất đâu mà chỉ toàn đảng viên cán bộ được mà thôi.
Sao lại cười trên sự đau khổ của người ta chứ ! chỉ qua một câu nhận xét đủ thấy ku là loai người quá tệ .
Sao các bác nông dân lại không hiểu luật đất đai cơ chứ.
Luật bảo đất là của toàn dân và Nhà nước có quyền định đoạt. Riêng câu này thì tất cả dân thua Nhà nước hết.
Ấy vậy mà các bác lại cứ đầu tư, cử mở rộng, cứ sản xuất, cứ hy vọng vv... Cái chết là nằm ở câu đó trong pháp luật về đất đai.
Với qui định này, cái lợi là bộ máy Nhà nước các cấp muốn làm vương làm tướng gì thì làm và coi nông dân như "Lực lượng thù địch" chống lại đảng và NN.
Cái chết cho Nhà nước là đảng và Nhà nước mất hết niềm tin với dân, rừng bị phá hết, tham nhũng tận dụng sơ hở này và phát triền lan tràn, khiếu kiện gay gắt, đổ máu, dân oan bị cướp đất đai vô tội vạ, trên bảo dưới không nghe vv... và không cẩn thận đảng mất vai trò lãnh đạo đất nước cũng từ cái câu này đó.
Đảng và NN có biết tác hại không?
Họ quá biết, nhưng quyền lợi của các nhóm trong đảng và bộ máy chính quyền của nước ta do đảng sáng tạo lên đã được họ đặt lên trên quyền lợi của nhân dân và đất nước rồi.
Thành ra không thể và không bao giờ đất nước và dân tộc VN này mở mày mở mặt được với năm châu bốn biển đâu.
Các bác công dân VN chịu khó đợi đến thế kỷ 22 nhé.