Đào Hùng (Bạn đọc Danlambao) - Thông tin cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đào Văn Hưng nộp đơn xin nghỉ việc lên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, phóng viên các hãng thông tin báo chí đến tìm gặp ông Đào Văn Hưng tại nhà riêng để xác nhận thông tin và được xác nhận thông tin là chính xác. Tuy nhiên đơn xin nghỉ việc của ông Đào Văn Hưng vẫn đang chờ quyết định từ Bộ Công thương.
Giải thích với các hãng thông tin báo chí về quyết định xin nghỉ việc tại Bộ Công thương, ông Hưng cho biết máu kinh doanh vẫn còn đang sôi sục trong người và ông muốn thử sức trong lĩnh vực kinh tế tư nhân. Bên cạnh đó, ông Đào Văn Hưng cũng muốn để cho mọi người thấy được năng lực của mình.
Lĩnh vực đầu tiên ông Đào Văn Hưng muốn tham gia là lĩnh vực công nghệ thông tin. Kinh doanh lĩnh vực công nghệ thông tin chủ yếu là khai thác chất xám, vốn ít nhưng lợi nhuận nhiều. Ông Hưng cho biết ý tưởng kinh doanh lĩnh vực công nghệ thông tin ông đã tham khảo ý kiến từ tân Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam Phạm Lê Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel Hoàng Anh Xuân và ý tưởng này ông cũng đã trình bày với Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trong đơn xin nghỉ việc.
Công ty kinh doanh lĩnh vực công nghệ thông tin của ông Hưng sẽ thu hút nhân tài, đó là gần 400 nhân viên thuộc Trung tâm Công nghệ Thông tin EVNIT nay đã được bàn giao cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettet. Ông Hưng cho biết ông sẵn sàng trả lương cho đội ngũ nhân tài này với mức lương không thấp hơn mức lương 30 triệu đồng/tháng của cán bộ CNV Văn phòng Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng được đội ngũ cán bộ nhân viên EVNIT như ngày hôm nay đã tốn kém chi phí rất lớn cho việc gửi nhân viên EVNIT đi đào tạo ở nước ngoài và đa số các nhân viên EVNIT đều đã từng tham gia các lớp tu nghiệp ở nước ngoài này. Tuy nhiên EVNIT cũng đã đáp ứng được mong đợi của lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đã cho ra các phần mềm đang được sử dụng trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam như chương trình quản lý khách hàng, chương trình quản lý tài chính, chương trình quản lý vật tư, chương trình quản lý nhân sự, chương trình quản lý đấu thầu.
Cựu Chủ tịch Đào Văn Hưng đã tham khảo ý kiến của Chủ tịch Tập đoàn Viettel Hoàng Anh Xuân về việc lãnh đạo Tập đoàn Viettel ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản trị. Tại Tập đoàn Viettel, các cấp lãnh đạo của Viettel không cần phải báo cáo từ cấp dưới lên mà lãnh đạo chỉ cần kích chuột là biết ngay được đơn vị thuộc mình quản lý ngày này có doanh thu bao nhiêu, vật tư đơn vị này mua giá là bao nhiêu, chi phí của đơn vị này tháng này là bao nhiêu, lợi nhuận của đơn vị này tháng này là bao nhiêu, đơn vị này năm này khấu hao tài sản cố định là bao nhiêu, đơn vị này năm này chi phí thường xuyên là bao nhiêu và chi phí sửa chữa lớn là bao nhiêu…
Ngược lại tại Tập đoàn EVN, cấp trên muốn nắm được hoạt động của cấp dưới phải bắt cấp dưới báo cáo lên và phải bằng văn bản để lãnh đạo cấp dưới chịu trách nhiệm thông tin do mình cung cấp. Quá trình này vừa tốn kém thời gian và không chính xác như cấp dưới báo cáo sai thực tế rồi cấp trên phải thanh kiểm tra…
Cựu Chủ tịch Đào Văn Hưng lý giải ông đã đưa ra những quyết định sai dẫn đến một số lĩnh vực kinh doanh thua lỗ nguyên do không có thông tin chính xác tình trạng hoạt động của các đơn vị mình quản lý. Mỗi năm Tập đoàn Điện lực Việt Nam chi phí cho công nghệ thông tin là 1.200 tỷ và chủ yếu cho việc xây dựng cũng như nâng cấp các phần mềm. Thế thì công ty kinh doanh lĩnh vực công nghệ thông tin của cựu Chủ tịch đào Văn Hưng có doanh thu mỗi năm không dưới 500 tỷ từ việc nâng cấp các phần mềm, duy tu và bảo dưỡng các phần mềm đang sử dụng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Ông Đào Văn Hưng cũng cho biết ông đã mời được cựu Giám đốc EVNTelecom cũng chính là cựu Giám đốc EVNIT Phạm Dương Minh làm giám đốc công ty kinh doanh lĩnh vực công nghệ thông tin của ông. Ý tưởng của cựu Chủ tịch Đào Văn Hưng là dựa trên cơ sở các phần mềm trước đây do EVNIT viết sẽ nâng cấp lên và được phân cấp User từ lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho đến Điện lực huyện, Bộ Công thương cũng sẽ được cấp User ngang hàng lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Bên canh đó, cựu Chủ tịch Đào Văn Hưng cho biết cũng sẽ xây dựng một phần mềm sẽ cho biết ngay kết quả kinh doanh của các đơn vị khi nhập các thông số chi phí khâu hao, chi phí lương, chi phí hoạt động thường xuyên… từ kết quả các phần mềm khác.
Tất cả các phần mềm này sẽ được vận hành thông suốt từ Bộ Công thương, Văn phòng Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho đến Điện lực huyện. Một vấn đề không kém phần quan trọng phải có đường truyền trong suốt từ Bộ Công thương, Văn phòng Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho đến Điện lực huyện và cơ sở dữ liệu phải được bảo mật đảm bảo tuyệt đối an toàn. Thế thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần thuê đường truyền đáng tin cậy và không ngoài ai khác đó chính là Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, đồng thời Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải thuê Server của Viettel lưu trữ cơ sở dữ liệu để đảm bảo an ninh.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý xuyên suốt từ Văn phòng Tập đoàn cho đến Điện lực huyện. Như thế cấp trên có thể quản lý mọi hoạt động của các đơn vị cấp dưới như công tác bố trí nhân sự có phù hợp, lương nhân viên có phù hợp với công việc, chi phí sửa chữa lớn có phù hợp với tài sản cần sửa chữa, giá vật tư và thiết bị mua sắm, doanh thu và lợi nhuận… Bên cạnh đó, Bộ Công thương có thể giám sát mọi hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam mà không cần thực hiện công tác thanh kiểm tra, nhân dân cũng có thể biết đồng tiền mình bỏ ra để mua điện có hợp lý không.
Cựu Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam thừa nhận Tập đoàn Điện lực Việt Nam bố trí nhân lực không hợp lý nên không hiệu quả trong công việc. Nhiều lãnh đạo cũng như nhân viên tại các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ ngồi chơi nhưng hưởng lương rất cao. Theo cựu Chủ tịch Đào Văn Hưng chi phí lương hợp lý khoảng 6% doanh thu, nhưng tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam chi phí lương chiếm đến 11% doanh thu. Nếu như tinh chế giảm nhân viên đồng thời tăng lương cho CBCNV có năng lực thì sẽ tiết kiệm được khoảng 3.000 tỷ mỗi năm đồng thời sẽ nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Sai lầm trong một số quyết định khi điều hành Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã để Tập đoàn Điện lực Việt Nam thua lỗ trong hai năm 2010 và 2011, cựu Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đào Văn Hưng xin nghỉ việc tại Bộ Công thương với mong muốn sửa sai do mình gây ra, đồng thời chứng minh năng lực của mình trong lĩnh vực kinh tế tư nhân.
*
Góc nhìn đa chiều về ông Đào Văn Hưng
Trong hơn 10 năm ông Đào Văn Hưng làm Tổng giám đốc, rồi Chủ tịch EVN (từ 1995), tập đoàn này tăng doanh thu tới 8 lần. Tuy nhiên, 2 năm sau đó là thua lỗ, đầu tư ngoài ngành thất bại và kèm những lùm xùm về phát ngôn của vị lãnh đạo này.
Tuần trước, Thủ tướng đã ký quyết định thôi chức chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đào Văn Hưng do công tác điều hành yếu, hoạt động của EVN trong nhiều lĩnh vực chưa thực sự hiệu quả. Một trong những ví dụ là những yếu kém trong việc kinh doanh, sản xuất của EVN Telecom.
Cựu Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đào Văn Hưng. Ảnh: EVN.
Theo báo cáo của kiểm toán, Tập đoàn này đầu tư 100% vốn vào EVN Telecom, với số vốn đầu tư tính đến 31/12/2010 lên tới 2.442 tỷ đồng nhưng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2010 đã giảm tới 42% so với năm 2009. Kết quả kinh doanh trong 3 năm gần nhất của EVN Telecom đi xuống rất nhanh. Nếu như năm 2008 lợi nhuận đạt được 93,8 tỷ đồng thì 2009 giảm còn 8,3 tỷ đồng và chuyển thành lỗ trên 1.050 tỷ đồng năm 2010. Kết quả trên còn chưa tính toàn bộ chi phí thiết bị đầu cuối chờ phân bổ từ năm 2006-2008. Các khoản này được EVN chuyển cho các tổng công ty điện lực trực thuộc, số tiền hơn 1.000 tỷ đồng.
Báo cáo của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương cho thấy, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư ra ngoài ngành lớn với 3,27% vốn chủ sở hữu, tương đương 2.100 tỷ đồng vào 4 lĩnh vực nhạy cảm gồm bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng và tài chính. Trước sức ép từ phía dư luận, trong năm 2012, EVN cam kết sẽ tái cấu trúc toàn bộ tập đoàn, thoái vốn trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán và ngân hàng.
Trong khi đó, EVN liên tiếp bị lỗ trong năm hai năm gần đây. Tổng số lỗ của EVN năm 2010 trên 8.400 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu âm (-) 14,8%; tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản âm (-) 2,78%. Riêng khâu sản xuất, kinh doanh điện lỗ trên 10.500 tỷ đồng. Bước sang năm 2011, EVN cũng bị lỗ tới 3.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, một lãnh đạo cấp cao của EVN giải thích, các khoản lỗ chủ yếu do chinh sách, do giá bán điện thấp hơn giá thành. Ông chia sẻ, đầu năm khi vào mùa khô, EVN chịu nhiều sức ép, phải huy động mọi cách, chạy bằng mọi nguồn giá cao giá thấp để đủ điện (huy động nhà máy điện chạy dầu và mua điện ngoài hệ thống với giá cao cấp 3-4 lần giá bán bình quân). Nhưng cuối năm nếu lỗ, xã hội lại đổ cho việc điều hành yếu là không công bằng.
Không chỉ bị lỗ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam còn nợ hàng loạt "ông lớn". Theo tính toán, số tiền mà nhà đèn nợ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam), Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) và các hợp đồng mua bán điện lên gần 10.000 tỷ đồng. Thậm chí Điện lực Hiệp Phước (một đơn vị bán điện cho EVN) còn dọa cắt điện vì EVN không thanh toán khoản nợ hàng trăm tỷ đồng.
Câu chuyện nợ nần của ngành điện được nhắc đến từ hồi tháng 4 và hầu như trong các cuộc giao ban của Bộ Công Thương luôn được đề cập. Lãnh đạo EVN nhiều lần phải "rát mặt" vì bị thúc nợ song chưa lần nào chính thức công khai về kế hoạch dàn xếp. Nhà đèn cũng thẳng thắn cho biết do phải chịu khoản lỗ chênh lệch tỷ giá và đang "rất hoàn cảnh" nên chưa thể trả được.
EVN Telecom là khoản đầu tư sai lầm lớn dưới thời ông Đào Văn Hưng. Ảnh: T.S.
Tháng 7/2010, cựu chủ tịch Đào Văn Hưng lại gây xôn xao với tuyên bố "có cắt điện hay không chỉ Ngọc Hoàng mới trả lời được" trước câu hỏi về việc EVN liên tục cúp điện gây ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.
Trong thời gian làm Chủ tịch EVN, ông Hưng cũng kiêm rất nhiều chức vụ làm đại diện phần vốn góp của tập đoàn tại nhiều công ty con và được hưởng các khoản thu nhập lớn. Đây cũng là nguyên nhân khiến vị cựu lãnh đạo này chịu nhiều tai tiếng. Trả lời báo chí về khoản thu nhập "khủng" mà Chủ tịch EVN nhận được từ các công ty con, ông Đinh Quang Tri - Phó tổng giám đốc tập đoàn cho biết, tất cả các khoản thù lao được nhận nhờ chức danh kiêm nhiệm ở các đơn vị EVN góp vốn thì người đại diện vốn phải nộp về tập đoàn vào một quỹ chung.
Sau đó, EVN căn cứ vào hoạt động của từng công ty để chia khoản thù lao này cho những người đại diện đó căn cứ theo nhiệm vụ hoàn thành của từng năm. Với những người hoạt động tốt thì sẽ được thưởng từ nguồn cổ tức đưa về tập đoàn.
Trong số các chức danh là người đại diện vốn ở các công ty con, phải đến tháng 5/2011, ông Hưng mới thôi giữ chức thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng An Bình khi có quy định mới về việc thành viên HĐQT của tập đoàn Nhà nước không được kiêm nhiệm chức danh quản lý tại doanh nghiệp thành viên.
Trao đổi với VnExpress.net, một nguồn tin từ EVN chia sẻ, dư luận cần công tâm hơn khi đánh giá kết quả hoạt động của tập đoàn cũng như ông Đào Văn Hưng. Vị này tâm sự, trong bối cảnh khó khăn, EVN vẫn làm được nhiều thứ đáng tự hào như cung ứng điện đầy đủ, đảm bảo hoạt động cho cả nền kinh tế xã hội. Ngành điện đã đưa điện về nông thôn góp phần xóa đói giảm nghèo. Theo đó, 96% hộ dân nông thôn, 100% số huyện, trên 98% các xã có điện, một tỷ lệ cao hơn nhiều nước như Thái Lan, Ấn Độ, Philippines. "Đây chính niềm từ hào của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhưng ít được ai ghi nhận", ông chia sẻ.
Ông Đào Văn Hưng, nguyên là Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam, được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ tháng 8/1998 đến tháng 6/2000. Từ tháng 7/2000, ông Hưng lại nắm chức tổng giám đốc, rồi trở lại ghế Chủ tịch HĐQT từ 2006 đến tháng 2/2012.
Tính từ năm 1995 đến năm 2008, lợi nhuận của EVN đạt gần 32.000 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 38.000 tỷ, giá trị tài sản cố định đến cuối năm 2008 đạt hơn 192.000 tỷ, tăng gần gấp 7 lần năm 1995. Năm 2008, doanh thu EVN đạt hơn 67.500 tỷ đồng, tăng khoảng 800% so với năm 1995.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam ngày 6/2 cho biết, trách nhiệm cụ thể của ông Đào Văn Hưng sẽ được làm rõ, thực hiện theo đúng các quy định của Đảng và Chính phủ trong thời gian tới.
Hoàng Lan
1 Ý kiến:
Lưu Ý :
- Những phản hồi sử dụng "Nặc danh/Ẩn danh"sẽ không được xuất hiện. Các bạn có thể chọn một nickname cho mình khi phản hồi bằng cách sử dụng các chức năng : "Tên/Url", hoặc bằng tài khoản Google
- Nếu nội dung phản hồi quá dài sẽ bị máy chủ BlogSpot hiểu lầm là Spam (không cho hiện lên), xin bạn vui lòng chia nội dung thành nhiều phần, hoặc chờ Dân Làm Báo cho xuất hiện lại phản hồi
- Phản hồi sẽ bị xóa nếu : viết chữ Việt không dấu, hoặc sử dụng quá nhiều chữ IN HOA