8.4.12

Dạy ngài Đinh La Thăng làm giao thông



Huỳnh Ngọc Chênh - Té ra ngài Đinh La Thăng khi làm xếp ở Sông Đà rồi làm xếp ở ngành dầu khí đã vọc ngon ơ đến tiền hàng chục ngàn tỉ nên khi qua làm giao thông ngài xem tiền dân vài chục triệu như cỏ rác.

Ngài la thật to lên về những giải pháp giao thông hoành tráng nhưng rồi ngài chỉ biết loay hoay thay đổi giờ tan ca một cách cũ rích và rối mù, phân luồng giao thông một cách tùy hứng. Rồi loay hoay thêm một chút nữa để cuối cùng lại về với giải pháp ngon ăn hợp với thói quen của ngài nhất: Tiền.

Cứ đè dân đi xe ra thu tiền cho chúng mầy hết đi xe luôn là tự dưng hết tắc đường, khỏe thật, mà ngài lại có vài chục ngàn tỉ trong tay mỗi năm tha hồ mà quậy như hồi còn ôm cả bầu sữa dầu của đất nước.

Qua gần một năm làm bộ trưởng giao thông, dù bằng cấp của ngài ghi ra rất cao nhưng tôi biết chắc trong đầu ngài cũng chỉ có toàn đất sét. Rồi thông tin mới đây về Sông Đà, về dầu khí, tôi biết ngài có thêm một tấm lòng nữa, tấm lòng tiền.

Đầu đất sét và tấm lòng tiền của ngài đã làm ngài rối tung trong mê hồn trận giao thông. Tôi thấy ngài không còn lối ra, ngoài lối ra đè đầu dân thu tiền.


* Tốn kém không thể nào tính hết khi luôn kẹt xe như thế này

Tôi nói ngài có đầu đất sét vì những điều tôi sắp dạy ngài dưới đây về giao thông là những kiến thức tôi có được từ hồi tôi tốt nghiệp xong tú tài toàn. (Sau nầy lên đại học, tôi học chuyên môn về lý hóa nên không tiếp thu thêm chút gì về những kiến thức phổ thông nữa). Bài giảng của tôi dưới đây là tôi làm theo kiểu thuyết trình về một số đề tài mà các thầy phổ thông của tôi ngày xưa đã dạy. Đề tài thuyết trình bây giờ là tìm lối ra cho giao thông Việt Nam. Chúng ta bắt đầu nhé.

Để tìm lối ra cho giao thông Việt Nam, trước hết phải xác định những vấn nạn cơ bản và bức bách hiện nay của giao thông là gì?

Có ba vấn nạn bức thiết cần phải giải quyết:

- Tai nạn và ùn tắc giao thông trên các đường quốc lộ, đặc biệt là quốc lộ 1A.
- Ùn tắc giao thông tại 2 đô thị lớn là Sài Gòn và Hà Nội.
- Tiêu cực và thất thoát rất lớn trong xây dựng công trình giao thông .

Còn nhiều vấn nạn nữa nhưng chỉ nên tập trung vào ba vấn nạn lớn và cấp bách ấy thôi. Giải quyết được ba việc đó là sẽ giải quyết được những việc nhỏ khác.

Nguyên nhân của ba vấn nạn: Khỏi nói ra đây dài dòng vì ai cũng biết là do lỗi hệ thống và do sự ngu xuẩn của các thế hệ quản lý đi trước để lại.

Giải pháp cho vấn nạn thứ nhất: Dồn hết tiền của vào xây dựng ngay một con đường cao tốc Bắc Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế, cở cở cũng bằng con đường Bắc Nam mà Nam Triều Tiên đã xây dựng vào thập niên 60 của thế kỷ trước khi họ còn nghèo đói (nhờ vào con đường nầy mà kinh tế họ phát triển lên như ngày hôm nay). Cách đây 50 năm, họ làm được chẳng lẽ ngày nay ta không làm được. Có con đường cao tốc nầy thì hàng năm sẽ làm lợi ra cho xã hội hàng ngàn tỉ đồng do giảm tai nạn, tăng tốc độ, giảm hao mòn xe cộ. Chưa nói đến những hiệu ứng kinh tế to lớn khác tác dụng từ con đường nầy (Đây là kiến thức phổ thông)

Giải pháp cho vấn nạn thứ hai. Nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông ở Hà Nội hay Sài gòn đều như nhau: quy hoạch đô thị tầm bậy, phát triển ào ạt phương tiện đi lại cá nhân, không chú ý phát triển phương tiện giao thông công cộng. Để giải quyết vấn nạn nầy thì phải làm sao cho người tham gia giao thông thấy rằng sử dụng phương tiện công cộng là nhanh chóng, rẻ tiền và thuận tiện hơn phương tiện cá nhân (đây rõ ràng cũng là kiến thức phổ thông).

Để làm được điều đó thì ngay bây giờ phải phân làn lại tất cả các hệ thống giao thông ở hai đô thị lớn đó. Những con đường có từ hai làn xe trở lên (mỗi bên) thì phân hẳn làn trong cùng, lâu nay vẫn dành riêng cho xe 2 bánh, ưu tiên dành riêng cho xe buýt, cấm tiệt mọi phương tiện cá nhân đi vào làn đường nầy. Các làn còn lại dành cho xe hai bánh và bốn bánh (nếu chỉ có một làn còn lại thì dồn xe 2 và 4 bánh đi chung).

Những con đường nhỏ chỉ có một làn xe thì đành phải chạy chung cho cả ba loại xe: Xe buýt, xe 2 bánh và xe 4 bánh, nhưng phải dành mọi ưu tiên cho xe buýt, ở đây chỉ chạy xe buýt nhỏ hoặc xe lam và cũng nên gắn biển cấm để hạn chế xe 4 bánh hoặc 2 bánh nếu thấy cần thiết.

Đồng thời bỏ tiền ra trang bị hàng loạt xe buýt đủ loại kích cở cho mọi tuyến đường. Xe buýt cứ ba phút ghé trạm một lần và phải luôn đúng giờ. Bên cạnh đó phát triển xe lam cho các đường hẻm lớn và dài.

Tăng phí đậu ô tô lên thật cao ( hiện nay ô tô đậu ven đường trung tâm Sài Gòn chỉ thu có 5.000 đ là quá sức phí lý). Cấm tiệt xe hai bánh đậu trên lề đường ở mọi tuyến đường kể cả phía trước các quán hàng và nhà riêng. Lề đường sau khi được làm cho thông thoáng do cấm đậu xe gắn máy thì chỉnh trang lại để dành cho người đi bộ, người tàn tật và xe đạp. Quy định các khu vực gởi xe hai bánh và cũng tăng phí lên thật cao.

Khi làm được những điều như vậy, thì người dân sẽ thấy đi xe buýt nhanh hơn (do có làn ưu tiên), rẻ tiền hơn và thuận tiện hơn. Còn đi xe cá nhân chậm hơn vì bị dồn làn, tốn kém hơn do phí gởi xe cao, bất tiện hơn do phải tìm ra nơi đổ xe, gởi xe đúng quy định. Và cái gì lợi hơn là người ta sẽ chọn lựa không cần phải hô hào hay ép buộc. Những việc ấy hoàn toàn không sai luật.

Vấn đề cuối cùng là làm sao có tiền để xây đường cao tốc 1A và phát triển hệ thống xe buýt đô thị hiện đại. Thì lấy tiền từ những khoản đầu tư vô lý hàng chục ngàn tỉ đồng của Vinashin, của tập đoàn điện lực, của tập đoàn Sông Đà, của tập đoàn Dầu khí…Mỗi nơi chừng vài chục ngàn, cộng dồn lại đã thấy có đến gần 200 ngàn tỉ đồng rồi.

Nhưng mà thôi, tiền ấy xem như mất tiêu hết rồi, để cơ quan điều tra truy xét. Còn bây giờ thì phải đi vay WB, vay ODA, phát hành trái phiếu giao thông…Sau nầy làm ăn ra (như thu phí cao tốc Bắc Nam, tăng thu do kinh tế phát triển) thì trả vốn lẫn lời. Một khi ta có giải pháp hợp lý thì việc vay mượn thế giới hay vay mượn trong dân không mấy khó.

Giải pháp cho vấn nạn thứ ba: Chống thất thoát trong xây dựng công trình giao thông. Do tiêu cực và thất thoát quá lớn mà rất nhiều công trình giao thông chưa kịp dùng đã hỏng gây ra những tổn thất to lớn không thể nào tính hết. Chống chuyện nầy là yêu cầu rất bức bách. Tuy nhiên, có khi ngài Đinh La Thăng và các cấp cao hơn không mặn mà lắm trong việc giải quyết vấn nạn nầy. Nên thôi, khỏi cần phải chuyển giao cho ngài giải pháp nầy làm gì.

Qua những gì tôi trình bày ở trên, vấn đề cũng không có gì là ghê gớm lắm. Không hiểu sao ngài bộ trưởng cứ rối lên như con choi choi, hò hét um xùm, thay đổi xoành xoạch, chẳng biết làm việc gì ra việc gì, cuối cùng chỉ biết đè đầu dân ra thu tiền. Rồi sau đó ngài lại chống chế, phát biểu linh tinh, nào đóng phí là yêu nước...thật là hết sức buồn cười.

Người như ngài, không hiểu vì sao lại lên làm được bộ trưởng, tài thì không có- thể hiện qua những gì ngài vừa làm, đức thì thấy rất rõ qua những gì ngài đã gây ra ở tập đoàn Sông Đà và tập đoàn Dầu Khí. Không hiểu, ngài được người ta đề bạt lên, là dựa vào những tiêu chí gì?

Nếu thực sự vì nước vì dân thì người như ngài Thăng không thể nào được đề bạt. Ngài bị loại ngay từ vòng sơ tuyển khi bảo ngài trình bày mục tiêu đạt được trong nhiệm kỳ 5 năm về giao thông và nêu lên giải pháp để đạt được mục tiêu đó. Tôi tin chắc ngài chẳng viết được một bài thuyết trình ra hồn. Từ thực trạng rối mù của ngành giao thông, ngài không biết rút ra những vấn nạn cốt lõi như tôi đã trình bày, còn giải pháp thì dường như là con số không, minh chứng qua những gì ngài đã làm trong gần 1 năm qua. Thế thì làm sao chấm cho ngài vào vòng trong được chứ đừng nói là chuyện đề bạt.

Tôi chợt nhớ đến câu nói mới đây của giáo sư Nguyễn Quang A: Kẻ càng tệ hại càng lên cao nên tôi không trách ngài, vì tài đức của ngài đến mức đó, chỉ căm giận những ai đã đưa ngài lên để ngài tiếp tục làm hư hại ở quy mô toàn quốc theo kiểu ngài đã làm ở tập đoàn Sông Đà và tập đoàn Dầu khí. Làm sao mà không căm giận được phải không các bạn?

Tuy vậy nếu ngài còn tiếp tục làm bộ trưởng, hay ai khác thay ngài làm bộ trưởng, thì cũng nên nghiêm túc xem xét giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông ở 2 đô thị lớn mà tôi đã trình bày, đừng có tự ái, vì vấn nạn ấy đang rất cấp bách. Còn nếu cho rằng giải pháp ấy chỉ đáng vứt vào sọt rác, thì trước khi vứt, mong các ngài cho một lời phản biện.

Huỳnh Ngọc Chênh


4 Ý kiến:

Lưu Ý :



- Những phản hồi sử dụng "Nặc danh/Ẩn danh"sẽ không được xuất hiện. Các bạn có thể chọn một nickname cho mình khi phản hồi bằng cách sử dụng các chức năng : "Tên/Url", hoặc bằng tài khoản Google


- Nếu nội dung phản hồi quá dài sẽ bị máy chủ BlogSpot hiểu lầm là Spam (không cho hiện lên), xin bạn vui lòng chia nội dung thành nhiều phần, hoặc chờ Dân Làm Báo cho xuất hiện lại phản hồi 


- Phản hồi sẽ bị xóa nếu : viết chữ Việt không dấu, hoặc sử dụng quá nhiều chữ IN HOA 
  1. y tuong rat hay, neu cac ngai con vi dan vi nuoc thi dung nen lam them dieu gi nham mang lai loi ich cho mot nhom nguoi nua. tat ca dan chung toi deu mong muon dat nuoc minh giau va manh de di dau cung tu hao, chu cu cai kieu lam an chop giat nhu vay thi lam sao dat nuoc phat trien duoc.
    Trả lời

    Trả lời

    1. Đề nghị xoá bài vi phạm thể lệ của DanlambaoApr 8, 2012 06:21 AM
      Đề nghị quản trị Danlambao nên xoá bài của Nặc danh này vì vi phạm nhiều lỗi quá, nhất là đánh tiếng Việt không có dấu. Có lẽ người lạ chăng ?
  2. Cối Xay GióApr 8, 2012 06:18 AM
    Ngọc Chênh,
    Hoan hô bài viết của Bạn, những sáng kiến của bạn tôi thấy dùng tạm được để giải quyết tình thế hiện nay. Để giải quyết bài toán lâu dài hơn thực ra còn phải nhiều biện pháp nữa như: Di chuyển các trường đại học, bệnh viện...các nơi tập trung và thu hút nhiều người ra vùng ngoại ô.l.. của các anh chị khác đã nêu ra, như vậy mới hy vọng có 1 Hà Nội, 1 Sài Gòn "xanh, sạch, đẹp, rộng, thoáng...." đáng yêu và đáng sống. Dầu sao mình thấy bài viết của bạn khá hay, và sáng kiến cũng tốt, hy vọng có tay đệ tử nào đó của Đinh La Thăng đọc và tâu lại thì tốt quá. (vì mình tin chắc Thăng chả có bao giờ lang thang trên mạng đọc báo đâu, nhất là trang Danlambao này. Chúc bạn sức khoẻ./.
    Trả lời
  3. Tài,đức hay dùng từ thời thượng là hồng, chuyên không có, lên ngồi BT thì chỉ có mua ghế.
    Trả lời

Không có nhận xét nào: