Thái Bá Tân - Một nhà nghiên cứu văn hóa bất ngờ phát hiện thấy ở ngôi đền nọ một sự thật không mấy thú vị. Thì ra suốt hai trăm năm qua ngôi đền này (vì những lý do dễ hiểu tôi xin phép không nói tên, kể cả tên những người liên quan) đã thờ một nhân vật không xứng đáng, thậm chí còn là người xấu, kẻ đã khôn khéo leo lên bục thờ nhờ mưu mô xảo quyệt. Ngày xưa những chuyện như thế vẫn xẩy ra, một số vua triều Nguyễn còn có luật trị nghiêm tội này.
Vậy là bao đời nay hàng ngày khách thập phương háo hức kéo đến dâng hương lễ, cung phụng, tôn vinh hắn và nhờ hắn ban ơn giúp đỡ. Còn hắn thì nghiễm nhiên ngồi trên bệ thờ được sơn son thếp vàng, tôn nghiêm, thánh thiện ngang hàng các vị anh hùng dân tộc.
“Ông không nhầm đấy chứ?” tôi hỏi nhà nghiên cứu văn hóa kia, cũng là một người bạn của tôi.
“Không. Tôi đã bỏ ra ba tháng tìm đọc hàng đống tài liệu mới khám phá được vụ này. Hắn là một tên quan xảo quyệt, đầy quyền lực của triều vua Tự Đức. Quyền lực và sự xảo quyệt ấy của hắn từng làm nhiều trung thần thiệt mạng, giúp hắn dựng nên đền này để thờ chính hắn và một đền nữa thờ bố mẹ hắn. Nhưng đền ấy đã bị phá thời cải cách ruộng đất.”
“Thì bây giờ ta phá nốt cái này,” tôi hăng hái nói.
“Không được,” bạn tôi tỏ ý thất vọng.
“Vì sao?”
“Vì cái thời phá chùa đập tượng qua rồi. Xã hội văn minh không bao giờ làm những việc tương tự.”
“Nhưng đây là đền rổm, tượng rổm. Hắn đã và đang lừa dối biết bao người.”
“Đúng thế. Thời gian đã kịp biến cái rổm ấy thành di sản văn hóa. Mà di sản văn hóa thì không thể phá được. Hơn thế, nó lại được xếp hạng, thuộc diện cấm xâm phạm.”
“Các ông xếp hạng ấy có biết không?”
“Chắc không. Mà có biết cũng chẳng làm gì được.”
“Cả những người ngôi đền?”
“Tất nhiên.”
“Vậy ông bỏ công khám phá cái sự thật này làm gì?”
“Chẳng làm gì cả. Cùng lắm chỉ để biết người đời dễ bị lường gạt thế nào.”
Tôi im lặng, tấm tức không biết nói gì thêm. Nhận ra điều đó, anh bạn tôi hạ giọng, với giáng vẻ một nhà hiền triết:
“Cái gì trót đưa lên bàn thờ thì cứ giữ nguyên ở đó. Không phải mọi cái được tôn thờ đều thiêng liêng. Vả lại, người ta đến đây thực chất không vì thằng kia. Thậm chí không biết và cũng chẵng muốn biết hắn là ai.”
(Trích tập “Thái Bá Tân - 90 truyện ngắn”, NXB Văn Hóa - Thông Tin, 2007)
1 Ý kiến:
Lưu Ý :
- Những phản hồi sử dụng "Nặc danh/Ẩn danh"sẽ không được xuất hiện. Các bạn có thể chọn một nickname cho mình khi phản hồi bằng cách sử dụng các chức năng : "Tên/Url", hoặc bằng tài khoản Google
- Nếu nội dung phản hồi quá dài sẽ bị máy chủ BlogSpot hiểu lầm là Spam (không cho hiện lên), xin bạn vui lòng chia nội dung thành nhiều phần, hoặc chờ Dân Làm Báo cho xuất hiện lại phản hồi
- Phản hồi sẽ bị xóa nếu : viết chữ Việt không dấu, hoặc sử dụng quá nhiều chữ IN HOA