11.4.12

Kim Jong Un chơi pháo




Ngô Nhân Dụng  - Nguoiviet
Mọi người đều biết việc Bắc Hàn phóng hỏa tiễn liên lục địa trong tuần này hoàn toàn nhằm mục đích tuyên truyền. Chỉ cốt củng cố địa vị của Kim Jong Un, một chàng trai mới ngoài 20 tuổi, đang lo cái ghế còn bấp bênh vì mới vừa được truyền “ngôi báu” của ông nội và cha vào năm ngoái.
Hôm qua, chính phủ Obama lên tiếng cảnh cáo nếu Bắc Hàn không thay đổi chương trình thì Mỹ sẽ ngưng dự án viện trợ thực phẩm trong mấy tháng tới. Cảnh cáo như vậy cũng chỉ nhằm mục đích tuyên truyền nốt. Chỉ có chính quyền Bắc Kinh thì, bên ngoài cái bàn họp kín với Nhật Bản và Nam Hàn, chẳng công khai nói gì rõ ràng. Nhưng Trung Quốc mới chính là nước đáng lo ngại thật sự về hành động điên rồ của “Ðồng chí Kim Ủn.”
Nước Mỹ chẳng cần lo sợ về những hỏa tiễn tầm xa của Bắc Hàn. Bao giờ Bắc Hàn sản xuất đủ mấy trăm hỏa tiễn để tấn công các mục tiêu cần đánh ở nước Mỹ? Có bảo đảm chúng nhắm trúng đích hay không? Nếu chúng có bay được sang tới Seattle hay Los Angeles thì hệ thống tình báo vệ tinh nhân tạo cũng khám phá ngay trước khi hỏa tiễn rời khỏi giàn phóng! Trong khi tên lửa đang bay tới đích thì pháo đài bay từ Guam đã cất cánh đem bom tới Bình Nhưỡng, hàng không mẫu hạm Mỹ đã vào biển Nhật Bản rồi. Có chính quyền Bắc Hàn nào lại dại dột gây chiến như vậy hay không? Trước đây Liên Xô có hàng ngàn hỏa tiễn và đầu đạn hạch tâm, mà có bao giờ họ đem ra đánh Mỹ hay chưa?
Nếu nước Mỹ không có gì phải lo, tại sao Tòa Bạch Ốc phải cảnh cáo hùng hồn như vậy? Họ chỉ cốt làm vui lòng dân chúng Nam Hàn và Nhật Bản, chứng tỏ nước Mỹ chia sẻ mối quan tâm của các đồng minh thân thiết. Cảnh cáo ngưng viện trợ thức ăn cho dân Bắc Hàn thì cũng như dọa không cho một đứa trẻ ăn kẹo. Không ăn kẹo cũng chẳng chết ai! Vì triều đình họ Kim không quan tâm đến chuyện dân no hay đói. Nếu biết lo cho dân thì họ đã không đem tài nguyên, trị giá hàng tỷ đô la Mỹ để phóng hỏa tiễn và vệ tinh nhân tạo đầu tiên (sau hai lần trước thất bại); trong lúc hàng triệu người dân đang đói. Dọa thế, chứ dọa nữa, cũng không khiến cho chế độ cộng sản nhúc nhích. Tại sao chính phủ Mỹ không đe dọa mạnh mẽ hơn, không đem máy bay, hỏa tiễn, tầu ngầm ra dọa? Chỉ vì thực tâm họ không lo lắng đến mức đó.
Kim Jong Un đem tiêu hàng tỷ Mỹ kim, đủ mua thức ăn cho tất cả dân Bắc Hàn trong một năm, chỉ để đánh dấu ngày sinh nhật của ông nội, lãnh tụ Kim Nhật Thành đã thành lập triều đại cộng sản này. Bộ máy tuyên truyền của họ Kim quảng cáo rầm rộ cho việc phóng tên lửa, suốt ngày đe hô khẩu hiệu “Năm 2012 là năm rực rỡ quang vinh, phồn vinh hùng mạnh” cùng với chiến dịch mô tả chàng Kim Ủn diện mạo oai phong, cực kỳ thông minh, cực kỳ uyên bác, không khác gì ông nội. Hiện nay Kim Jong Un vẫn phải chia sẻ quyền hành với mấy ông tướng già và người chồng của bà cô ruột. Một lãnh tụ cộng sản không bao giờ yên tâm nếu chưa nắm được toàn quyền, nhất là chức vụ chủ tịch Quân Ủy Trung Ương. Nếu phải phóng thêm hàng chục cái hỏa tiễn để giữ vững cái ngai vàng, họ Kim cũng không bao giờ ngần ngại.
Nhưng Trung Quốc thì phải lo ngại. Họ không lo hỏa tiễn của Bắc Hàn, dù chúng có khả năng bay tới Bắc Kinh. Họ cũng không lo vụ phóng hỏa tiễn này sẽ kích thích họ Kim hung hăng hơn, gây chiến với Nam Hàn. Nếu một cuộc chiến tranh xẩy ra, Mỹ sẽ phải đem thêm quân vào bảo vệ 50,000 quân Mỹ đang đóng ở Nam Hàn, quân đội Mỹ và Nam Hàn có thể sẽ tiến sát sông Áp Lục, ngay biên giới Trung Hoa. Hàng trăm ngàn dân Bắc Hàn sẽ chạy qua Mãn Châu tỵ nạn. Nhưng Bắc Kinh không lo chiến tranh, vì họ biết có thể ngăn không cho chuyện đó xẩy ra. Khi cần, Bắc Kinh có thể cắt mạch máu của Bắc Hàn ngay, vì 70% nhiên liệu dùng ở Bắc Hàn và 60% thực phẩm vẫn tùy thuộc nhà nước Ðại Hán. Mối lo của đảng Cộng Sản Trung Quốc có tính cách chiến lược lâu dài hơn.
Những nỗ lực của Bắc Kinh trong mấy tuần qua là tìm cách trấn an Nhật Bản và Nam Hàn, chứng tỏ họ có thiện chí, và cùng nhau hứa hẹn sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến trong bất cứ tình huống nào. Nhiều viên chức Bắc Kinh đã tiếp xúc với báo chí thế giới để nói nhỏ với họ rằng liên hệ của Trung Quốc với Bắc Hàn không còn như môi với răng nữa. Họ còn nói đùa là bây giờ răng nó đang cắn môi đau quá nữa! Mục đích của chiến dịch này vừa là để trốn trách nhiệm, vừa để cho dư luận Nhật Bản và Nam Hàn thông cảm.
Bởi vì điều Bắc Kinh lo ngại nhất là dân Nhật Bản và Nam Hàn quá lo lắng trước mối đe dọa của chế độ họ Kim, và chính người dân sẽ thúc đẩy chính phủ của họ phải tăng cường khả năng quân sự. Trong những năm 2006 và 2009, sau một vụ phóng hỏa tiễn, Bắc Hàn đều cho nổ thí nghiệm bom nguyên tử. Lần này chắc lại tái diễn, làm dân Nhật Bản cũng như Nam Hàn không thể ngủ ngon. Chính quyền cả hai nước đã báo trước họ có thể phóng phi đạn lên phá hỏa tiễn của Bắc Hàn nếu lo các mảnh vụn rớt xuống nước họ. Nhưng nếu tên lửa chống hỏa tiễn của hai nước không thành công trong công tác này, thì dân chúng họ sẽ càng hoảng hốt và đòi chính phủ phải tăng ngân sách vũ trang ngay. Với sức mạnh kinh tế sẵn sàng, chỉ trong vòng vài năm hai nước láng giềng phía Ðông của Trung Quốc có thể chế tạo đủ hỏa tiễn và bom hạch tâm. Và sau đó sẽ có những hỏa tiễn với khả năng bay đến khắp nơi trong nước Trung Hoa.
Nhật Bản vẫn theo bản hiến pháp hòa bình, phi quân sự, nhưng trong chính trường vẫn có nhiều nhà đối lập chủ trương phải thay đổi. Không có lý gì, hơn nửa thế kỷ sau khi thua trận, nước Nhật vẫn giữ một bản Hiến Pháp do quân đội Mỹ chiếm đóng soạn thảo? Kinh tế Nhật Bản đang yếu ớt, hậu quả của cuộc khủng hoảng từ thập niên 1990. Kinh tế không lên vì người dân không chịu tiêu thụ, hoạt động công nghiệp hoàn toàn tùy thuộc thị trường xuất cảng. Nếu một phần của nền kinh tế chuyển sang kỹ nghệ chiến tranh thì sẽ giải quyết được rất nhiều ngành đang trì trệ.
Nếu Nhật Bản chuyển hướng, Nam Hàn sẽ không thể ngồi yên. Ai cũng biết nước này luôn luôn cạnh tranh với Nhật; họ sẽ phải tham dự ngay trong cuộc chạy đua vũ trang. Ðó là những viễn tượng chính quyền Bắc Kinh không muốn biến thành sự thật.
Nhưng tại sao Bắc Kinh không làm áp lực mạnh mẽ bảo họ Kim ngưng ngay cuộc thí nghiệm tên lửa, vệ tinh, và bom nguyên tử?
Một phần có thể vì khả năng thuyết phục của họ có giới hạn. Trong những năm 1982, 1987, Trung Quốc đã phóng vệ tinh để làm giỗ Mao Trạch Ðông. Những năm 1992, 1997, 2002, 2007, cũng phóng vệ tinh nhân dịp đại hội đảng. Bây giờ làm sao họ cản được đồng chí Kim Ủn “báo hiếu,” kỷ niệm sinh nhật của ông nội? Một lý do khác, là giới lãnh đạo Bắc Kinh biết họ Kim “đốt pháo” cũng chỉ nhằm mục đích tuyên truyền mà thôi; cuối cùng đâu lại vào đó. Và đây cũng là một cơ hội để gia ân với lãnh tụ trẻ Kim Jong Un. Năm ngoái, khoảng Tháng Tám, ông bố Kim Jong Il đang bệnh nặng cũng đưa con đi xe lửa sang Bắc Kinh. Chắc thế nào cũng có lời trăng trối, nhờ cậy; giống như thời Ðông Châu vua nước Vệ đưa con sang nhờ vua nước Tề bảo trợ! Trước đó, trong khoảng một năm trời, ông Kim bố đã sang triều yết ba lần rồi. Trước tấm lòng thiết tha đó thiên triều nỡ lòng nào không lo cho đồng chí Kim con củng cố ngai vàng?
Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn phải lo bảo đảm với Nhật Bản và Nam Hàn là không phải quá lo về hành động ngông cuồng của cậu Kim con. Phải giúp chính phủ hai nước trấn an dân của họ. Năm nay dân Nam Hàn sẽ bầu tổng thống, không nên để cho đảng của vị tổng thống đương nhiệm mất phiếu vì ông ta không phản ứng mạnh mẽ trước cơn ngông của cậu Kim con. Cho nên ngoại trưởng Trung Quốc phải mời ngoại trưởng hai nước kia sang họp để vuốt ve xin họ đừng quá lo lắng, đồng thời thăm dò xem chính phủ họ có nghĩ đến chuyện tăng cường binh bị hay không. Ông Dương Thiết Trì cũng nhân dịp này than thở là Trung Quốc không thể cắt ngay dầu khí và thực phẩm cung cấp cho Bắc Hàn, vì lo dân đói Bắc Hàn sẽ tràn qua biên giới xin ăn. “Chúng tôi cũng bị bó tay!” Ðó là thông điệp Bắc Kinh muốn lọt tai cho dân chúng hai nước láng giềng nghe.
Trong tuần tới, sau khi ông Kim Ủn đã đốt pháo xong, Trung Quốc có thể sẽ không chống lại những biện pháp trừng phạt của các nước Mỹ, Nhật Bản và Nam Hàn. Họ sẽ tỏ thiện chí thêm lần nữa, thúc đẩy sớm có một cuộc họp “sáu bên” để bàn tiếp chuyện trao đổi, “ngưng bom nguyên tử để nhận viện trợ thực phẩm.” Cuối cùng, bản năng của một chế độ độc tài là cố tồn tại càng lâu càng tốt. Kim Jong Un vốn là một thanh niên ham hưởng thụ, sau khi được chơi pháo, củng cố địa vị rồi, sẽ ngoan ngoãn nghe lệnh Bắc Kinh hơn.

Không có nhận xét nào: