Thường Sơn (CTV Phía Trước) - Giờ đây, giới phân tích kinh tế và giới bình luận chính trị ở Việt Nam có lẽ đang hướng đến câu hỏi: Làm thế nào mà Nguyễn Tấn Dũng lại bị Nguyễn Văn Bình qua mặt? Người đóng vai trò “tổng đạo diễn” sau lưng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là ai – “bố già” nào?
Vào tuần đầu tháng 4/2012, bầu không khí kinh tế Việt Nam lại bị khuấy động bởi tin đồn về chuyện Ngân hàng Nhà nước sắp hạ lãi suất. Nhưng khác rất nhiều với dĩ vãng tin đồn vào đầu tháng 12 năm ngoái, lần này không những đã không có bất cứ một sự phủ nhận nào từ phía Ngân hàng Nhà nước, mà tin đồn trên còn được xác nghiệm bởi một đại diện có thẩm quyền của cơ quan này.
Lãi suất huy động sẽ được giảm về mức 12%/năm.
Thực ra, cơ chế hạ lãi suất sẽ trở nên bình thường nếu điều được gọi là “lộ trình” của nó diễn ra mà không bị chen lấn bởi những dụng ý hết sức bất thường.
Trước lần dự kiến hạ lãi suất này, vào trung tuần tháng 3/2012, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã thực hiện đợt giảm lãi suất huy động từ 14%/năm về 13%/năm. Nhưng rất đáng chú ý, động thái hạ lãi suất tháng Ba đã được khởi phát không phải từ “thiện chí” của Ngân hàng Nhà nước, mà xuất phát từ một yêu cầu có tính cấp thiết của chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Vì sao chỉ trong vòng chưa đầy một tháng lại đã có đến hai thông tin về hạ lãi suất, trong khi suốt nửa năm trước, bất chấp 80.000 doanh nghiệp các ngành sản xuất, nông nghiệp và xuất khẩu phải phá sản và ngừng hoạt động do lâm vào cảnh khốn đốn vì đói vốn, Ngân hàng Nhà nước đã không một lần thực hiện kéo giảm các loại lãi suất huy động và lãi suất cho vay?
Tái cấu trúc hay đầu cơ thâu tóm?
Trong mối “quan hệ” giữa người đứng đầu chính phủ và lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước, người ta lại nhận ra khá nhiều điểm thú vị.
Được bổ nhiệm mới cùng thời với vai trò tái đắc cử của Thủ tướng, Nguyễn Văn Bình – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – được giới thạo tin Việt Nam xem như một “ngôi sao” trong hàng ngũ những người có khả năng kế cận những chức vụ cao nhất của chính phủ. Được bầu chọn là ủy viên Trung ương Đảng và được chọn lựa là một thành viên của Chính phủ mới, ông Bình chỉ xếp sau vị trí Phó Thủ tướng.
Khác với người tiền nhiệm Nguyễn Văn Giàu, do nắm khá chắc về nghiệp vụ chuyên môn, Nguyễn Văn Bình dường như đã nhanh chóng củng cố được vị trí của mình với vai trò là cánh tay phải của Thủ tướng trong hoạt động điều hành tín dụng và tiền tệ.
Nhưng cũng bởi không nắm được chuyên môn ngành ngân hàng, và trong thực tế thì không thể nào nắm được, Nguyễn Tấn Dũng lại bị lệ thuộc gần như tuyệt đối vào những mảng miếng số liệu và thao tác kỹ thuật đầy phức tạp của Nguyễn Văn Bình, đặc biệt liên quan đến hoạt động điều hành lãi suất liên ngân hàng và điều hòa vốn trong hệ thống thị trường liên ngân hàng.
Đó cũng là một hệ quả phải xảy ra, khi từ chủ trương của Thủ tướng Dũng và Bộ Chính trị chấp thuận về chương trình tái cấu trúc ngân hàng đến năm 2015, một số ngân hàng nhỏ đã bị ngân hàng lớn thâu tóm thẳng thừng, thay cho việc hỗ trợ để duy trì thế tồn tại độc lập trong một nền kinh tế bị phụ thuộc quá nhiều vào các nhóm lợi ích.
Sự việc vừa thâm trầm vừa đình đám khi ba ngân hàng Đệ Nhất (Ficombank), Sài Gòn (SCB) và Tín Nghĩa (TinNghiaBank) được “hợp nhất theo chủ trương của Đảng và Chính phủ” vào tháng 10/2011 là một minh họa điển hình. Cũng vào thời gian này, người ta được biết đến vụ sáp nhập ở ngân hàng Bản Việt – nơi bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đang đóng vai trò chủ chốt.
Cũng cần lưu ý là trong suốt quá trình vụ việc trên xảy ra, báo chí Việt Nam đã chỉ được Ban Tuyên giáo Trung ương định hướng để mô tả bằng từ “hợp nhất” thay cho cách nói “thâu tóm” hay “thôn tính” có vẻ như quá sỗ sàng và thẳng ruột ngựa.
Đến tháng 3/2012, giới ngân hàng thêm một lần nữa ồn ào khi thêm một vụ thâu tóm nữa xảy ra: Ngân hàng Habubank được đưa về dưới trướng của ngân hàng SHB. Một nghịch lý cũng đồng thời phát lộ là khi tin đồn về vụ thâu tóm này lan ra khắp dư luận, dù trước đó khẳng định rằng tin đồn đó không chính xác, nhưng khi vụ thâu tóm hoàn tất, Ngân hàng Nhà nước lại chính thức có văn bản chấp thuận cho “hợp nhất thành công” này.
Không thể nhìn nhận khác hơn là dấu ấn rất rõ của Ngân hàng Nhà nước qua các vụ thâu tóm trên. Trong suốt quý 4/2011, Nguyễn Văn Bình đã trở thành chính khách có tần suất phát ngôn nhiều nhất về vấn đề ngân hàng. Chủ trương tái cấu trúc đã được ông liên tiếp nêu ra trong các buổi điều trần trước Quốc hội và thông tin cho báo giới. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà theo Nguyễn Văn Bình cần phải thực hiện tốt đối với tái cấu trúc ngân hàng là giải quyết vấn đề thanh khoản còn rất khó khăn.
Nhưng “khó khăn thanh khoản” cũng lại là nguyên do chính, sau khi nguy cơ lạm phát đã không còn đủ thuyết phục bởi chỉ số tiêu dùng CPI nằm dưới mức 1% trong 5 năm liên tiếp cuối năm 2011, để Ngân hàng Nhà nước chưa thể hạ lãi suất nhằm giúp cho nền kinh tế Việt Nam tái phục hồi tăng trưởng được.
Phương châm điều hành tín dụng và tiền tệ “linh hoạt và uyển chuyển” cũng là cụm bổ từ được Nguyễn Văn Bình kế thừa một cách sắc sảo và đầy tính vận dụng từ Nguyễn Tấn Dũng, mà kết quả đã chỉ hiện ra một trò chơi chữ nghĩa, trong khi toàn bộ nền kinh tế vẫn dài cổ ngóng đợi cơ chế bơm tiền.
Trò chơi tín dụng và hậu quả dân sinh
Không phải Nguyễn Tấn Dũng không biết về những lần trì hoãn hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước. Trước sức ép không ngớt của công luận và dư luận, vị Thủ tướng này đã bộc lộ thái độ nổi nóng đối với người cấp dưới của ông trong những buổi họp chính phủ.
Vào cuối tháng 11/2011, trong buổi điều trần trước Quốc hội, ông Dũng đã lần đầu tiên yêu cầu ông Bình phải giảm ngay lãi suất, và yêu cầu này cũng được thể hiện trong hầu hết các nghị quyết phiên họp chính phủ từ đó đến nay.
Nhưng đến sát Tết Âm lịch 2012, tình hình vẫn chưa có tín hiệu xoay chuyển. Một cái Tết lại đến với hình ảnh phân hóa xã hội trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết: trong khi các ngân hàng ngồn ngộn tiền lãi và tiền thưởng, nhiều doanh nghiệp lại không đủ tiền để trả lương cho công nhân.
Một con số mà chỉ sau Tết Âm lịch 2012 mới lộ ra là vào trước Tết, Ngân hàng Nhà nước đã bơm khoảng 76.000 tỷ đồng cho các ngân hàng – một động thái được đánh giá là nhằm cứu thanh khoản của ngân hàng. Một con số khác mà vào đầu tháng 4/2012 mới được tiết lộ là lượng tiền mà Ngân hàng Nhà nước bơm vào thị trường liên ngân hàng trước Tết lên đến hơn 170.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, “thị trường” doanh nghiệp và dân sinh vẫn hầu như không nhận được một đồng nào!
Trong bối cảnh lặng như tờ khi quý đầu của năm 2012 đã trôi qua, dư luận và báo chí đã phải đồng thanh than vãn, kêu la trong một tâm trạng hết sức bức xúc. Sự khó hiểu và nghi vấn đã dâng lên rất cao: vì sao Ngân hàng Nhà nước lại cố tình trì hoãn việc giảm lãi suất, trong lúc gần như toàn bộ nền kinh tế lâm vào tình trạng đình đốn sản xuất?
Đình đốn sản xuất cũng là thực trạng mà nền kinh tế cùng phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đang lâm vào trong thời gian này, một thực trạng không thể phủ nhận được với tỷ lệ hàng tồn kho lên tới 60-70%, sức sản xuất giảm đi 30-40%, bất chấp những con số vẫn thường cho thấy “những chuyển biến tích cực” về GDP hay chỉ số tăng trưởng ở một số khu vực, như báo cáo thường thấy của những ngành tham mưu đắc lực cho chính phủ như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước…
Đến lúc này, số doanh nghiệp bị phá sản và phải ngừng hoạt động đã lên đến khoảng 80.000, tức bổ sung thêm vào “đội quân thất nghiệp dài hạn” của năm 2011 khoảng 30.000. Hàng ngày, người dân đọc thấy nhan nhản trên báo chí các thông tin về ngành thủy sản, mía đường, da giày, cà phê, thép, xi măng… đang trong tình trạng nguy cấp, với tỷ lệ bình quân đang lâm vào nguy cơ phải phá sản và ngừng hoạt động lên đến 30-40%, thậm chí có ngành đến 2/3.
Khác rất nhiều với năm 2008, chính phủ và các bộ ngành ở Việt Nam không thể lấy lý do khủng hoảng kinh tế thế giới như một “tác động tiêu cực” mà đã làm cho nền kinh tế Việt Nam trở nên tồi tệ như hiện nay. Bất chấp kết quả của Nghị quyết 11 của chính phủ ban hành vào tháng 2/2011 về thắt chặt chi tiêu công và tín dụng, kết quả kiểm tra tình hình chi tiêu tại rất nhiều chính quyền địa phương ở Việt Nam vẫn phản ánh một tình trạng “đi đêm” không thể chấp nhận được. Thậm chí tại một số địa phương, chi tiêu công vẫn đều đặn tăng lên, công trình xây dựng trụ sở chính quyền vẫn tiếp tục mọc lên, cho dù GDP của địa phương giảm sút trầm trọng. Riêng tại một số khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai, đã xảy ra hiện tượng đói ăn.
Nếu Lang Hàm Bình, một giảng viên của Trường đại học Hồng Kông và cũng là một chuyên gia phản biện có uy tín, đã phản bác thẳng thừng rằng con số 8-9% tỷ lệ tăng trưởng GDP của Trung Quốc thật ra chỉ là số ảo, thì với Việt Nam, điều được gọi là “quyết tâm” của chính phủ trong việc duy trì GDP ở mức 7-8% trong năm 2011 và 6-7% trong năm 2012 thật ra cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Ngược lại, uy tín của chính phủ và cá nhân Thủ tướng chưa bao giờ bị suy thoái đến thế trong nhận thức người dân. Tất cả những công việc được gọi là “điều hành kinh tế linh hoạt và uyển chuyển” trong những năm qua chỉ mang đến hậu quả quá lớn về tham nhũng, nợ công, nặng thuế và đời sống ngày càng trở nên khốn khó của đại bộ phận dân chúng, trong đó có cả một bộ phận công chức và viên chức nhà nước.
Thủ tướng cũng trở thành con tin!
Sau ít nhất năm lần yêu cầu hạ lãi suất mà không có kết quả, có vẻ như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không còn giữ được kiên nhẫn với Nguyễn Văn Bình. Vai trò của Thống đốc – từng được xem là sáng giá vào tháng 8/2011, nhưng sau 8 tháng điều hành lại đã bị báo chí phản ánh và phê phán quá nhiều về sự lạm dụng để làm lợi cho các nhóm lợi ích đầu cơ vàng và ngân hàng, trong khi bỏ mặc nền kinh tế chết đói.
Thông tin từ vài cuộc họp của chính phủ với ngành ngân hàng cho thấy Thủ tướng đã cảm thấy uy tín điều hành của mình bị giảm sút đáng kể trong dư luận xã hội khi để cho Ngân hàng Nhà nước “qua mặt” và đẩy nền kinh tế vào thế đình lạm. Đó cũng là lý do vì sao vào đầu tháng 3/2012, với thái độ “quyết liệt”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải hạ ngay lãi suất.
Riêng lần này đã có kết quả. Nhưng cũng phải đến một tuần sau chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thông báo hạ lãi suất huy động mới được Nguyễn Văn Bình nêu ra. Báo chí lại có dịp mổ xẻ nghi vấn về “độ trễ” đó khi một số ngân hàng đã lợi dụng thời gian lệch pha này để hút tiền gửi của khách hàng từ ngắn hạn sang dài hạn.
Tuy nhiên, việc Ngân hàng Nhà nước chính thức thông báo hạ lãi suất từ 14% xuống 13% là hầu như không có ý nghĩa, vì trước đó khá nhiều ngân hàng, cả lớn lẫn nhỏ, đều thực hạ lãi suất huy động và cho vay. Khác hẳn với giai đoạn quý 4/2011, lần này các ngân hàng đều tự nguyện hạ lãi suất. Một động thái thực tâm chia sẻ với doanh nghiệp chăng? Hay còn bởi nguyên do nào khác?
Trong một cuộc họp của giới ngân hàng vào cuối tháng 3/2012, lãnh đạo của ACB – một ngân hàng tư nhân thuộc loại lớn nhất ở Việt Nam, đã tiết lộ một thông tin chưa có tiền lệ: ngân hàng này dư thừa đến 3 tỷ USD mà không cho vay được. Ngay lập tức, thông tin này đã bổ sung cho nhiều lời đồn đoán trước đây về thực trạng các ngân hàng trong nhóm G12 (một nhóm ngân hàng lớn do Ngân hàng Nhà nước lập ra, chiếm đến 85% thị phần tín dụng toàn quốc) luôn bị dôi dư vốn nhưng không làm cách nào “tiếp cận được doanh nghiệp” do mặt bằng lãi suất cho vay còn treo cao đến hơn 20%. Mặt khác, thông tin này này cũng khiến cho lý do “khó khăn thanh khoản” của Thống đốc Nguyễn Văn Bình trở nên phi lý, lại càng cho thấy chủ trương tái cấu trúc ngân hàng thực ra chỉ là một hoạt động ngụy tạo thêm những khó khăn cho nền kinh tế để phục vụ cho ý đồ thâu tóm của những con cá mập lớn đối với cá mập nhỏ trong giới ngân hàng với nhau.
Với thực trạng trên, có lẽ không quá đáng khi cho rằng trong suốt một thời gian dài, nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân và có lẽ cả Thủ tướng đã trở thành con tin của chính Ngân hàng Nhà nước và nhóm lợi ích ngân hàng ở Việt Nam.
“Bố già” nào phía sau Nguyễn Văn Bình?
Trở lại với hai thông tin về hạ lãi suất xảy ra trong chưa đầy một tháng vào thời gian này, cùng với một dự thảo thông tư mới nhất của Ngân hàng Nhà nước về việc đẩy mạnh cho vay chứng khoán và bất động sản mới được công bố vào đầu tháng 4/2012, người ta có thể nhận ra thái độ “kiên quyết” của Thống đốc Nguyễn Văn Bình đối với cơ chế nới lỏng tín dụng.
Với cặp mắt thâm sâu của giới đầu cơ, một khi kinh tế dân sinh đã bị bỏ mặc trong hơn một năm qua, tín dụng chỉ có thể được nới lỏng khi cần kích thích cho sự chuyển động của thị trường đầu cơ. Vậy thị trường đầu cơ đó là gì?
Từ đầu năm 2012 đến nay, chứng khoán đã trở thành thị trường đầu cơ đầu tiên tạo được “bước chuyển mình”, với tỷ lệ tăng đến gần 40%. Chất xúc tác mang tính quyết định cho sự chuyển động này đến từ Nguyễn Văn Bình và cả Vương Đình Huệ – Bộ trưởng Bộ Tài chính, một người mà vào năm ngoái còn được dư luận đánh giá khá cao qua quan điểm của ông “không thể vì 11 doanh nghiệp xăng dầu mà phải vì 84 triệu người dân Việt Nam”.
Hình ảnh thường được mô tả là hàng núi tiền đã được đổ vào thị trường chứng khoán từ sau Tết Âm lịch 2012 đến nay. Những tin đồn ngày càng được xác thực cũng là hàng núi tiền, thông qua nhiều con đường và nhiều kỹ thuật khác nhau, đã được dịch chuyển từ khu vực ngân hàng sang các công ty chứng khoán.
Với bất động sản, e là tình hình cũng đang có chiều hướng biến chuyển tương tự như những gì đã diễn ra với thị trường chứng khoán. Với cách nhìn của giới đầu cơ, những thông tin liên tiếp về hạ lãi suất sẽ không thể làm cho giá nhà đất ở Việt Nam tiếp tục giảm, ít ra trong vài ba tháng tới. Mà đã không giảm thì có nghĩa là thị trường này đang lập đáy. Cơ chế nới lỏng tín dụng và cả dự kiến chủ trương chính quyền mua lại nhà chung cư bị ế của các doanh nghiệp cũng góp phần mở đầu cho một chương mới đối với thị trường đầu cơ đang khốn quẫn này, đồng thời chính thức chấm dứt quá trình “gom hàng” của các nhóm tài phiệt lớn.
Chưa phải hết, nhưng những gì đã mô tả trong bài viết này là một số sự việc chủ yếu, nằm trong chuỗi mắt xích chủ yếu, đã diễn ra trong thị trường và cả chính trường tại Việt Nam trong 8 tháng qua, từ khi Chính phủ mới được thành lập.
Giờ đây, giới phân tích kinh tế và giới bình luận chính trị ở Việt Nam có lẽ đang hướng đến câu hỏi: Làm thế nào mà Nguyễn Tấn Dũng lại bị Nguyễn Văn Bình qua mặt? Người đóng vai trò “tổng đạo diễn” sau lưng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là ai – “bố già” nào?
Trong thực tế, một nửa câu hỏi đã được giải đáp từ những lời đồn đoán vỉa hè. Trong con mắt của người dân, không thể hiểu khác hơn là nửa còn lại của câu hỏi đó vẫn cần được giải thích cặn kẽ ngay trong những tháng tới, trước khi những đối tượng của câu hỏi gây ra hậu quả quá lớn cho quốc gia.
Thường Xuân
© 2012 TCPT
Hễ co`n cộng sản thi` dân ăn ma`y
Thử hỏi tại Vn doanh nghiệp phải làm gì để đủ sinh lợi mà trả lải lên đến 20% cho ngân hàng?. Doanh nghiệp phải sập và chết hàng loạt là đúng thôi!.
Không làm gì hết, mà có tiền, và có tiền thật nhiều là duy nhất có ở Ngân Hàng quê ta thôi!. Lú không ngạc nhiên, trong nền kinh tế què quẹt ỏ Vn, mà nhân viên Ngân Hàng cao nhất nước, và tiền thưởng ngập tới đầu!.
Tên Bình này không ngu, và TT 3D không ngu . Chỉ có Dân Tộc Việt ta quá ngu thôi!
Ngu thì chẳng phải là Ngu
Khôn nhà Dai. chợ, ấy' là xưa nay
Chúng nó là lũ ăn cướp.
Công an . quân đội một bầy yêu ma
Dân Nam mạt vận từ đây
Đến trăm nay tới, tưong lai mịt mù