8.4.12

Lãnh đạo phong trào Thiên An Môn 1989 muốn được trở về Trung Quốc



Xe cảnh sát túc trực trên quảng trường Thiên An Môn - Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 03/03/2012.
Xe cảnh sát túc trực trên quảng trường Thiên An Môn - Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 03/03/2012.
REUTERS/David Gray

Tú Anh
Trong lời kêu gọi do Tổ chức Nhân quyền Trung Quốc - Human Rights in China HRIC- công bố hôm nay, 08/04/2012, nhiều nhân vật lãnh đạo phong trào thanh niên sinh viên dân chủ 1989 yêu cầu chính phủ Trung Quốc phải để cho họ trở lại quê hương.


Lời kêu gọi do các cựu sinh viên Vương Đan, Ngô Nhĩ Lai Hy, Hồ Bình, Vương Quân Đào, Ngô Nhân Hoa, Hạng Tiểu Cát đồng ký tên. Theo nhận định của các cựu lãnh đạo phong trào Mùa xuân Bắc Kinh hiện đang lưu vong thì từ lâu nay chính quyền Trung Quốc viện lý do chính trị đã không gia hạn hộ chiếu hoặc từ chối cấp visa cho họ.
Họ kêu gọi Bắc Kinh hãy bỏ « cách hành xử lỗi thời ngăn cấm người bất đồng chính kiến về nước ». Những người một thời đứng đầu phong trào dân chủ làm rung chuyển chế độ Trung Quốc cam kết sẵn sàng thảo luận công khai với chính quyền để « giải quyết một cách cụ thể vấn đề hồi hương này trong tinh thần cởi mở và thiện chí ».
Vương Đan và Ngô Nhĩ Lai Hy là hai gương mặt tiêu biểu của phong trào sinh viên trong 7 tuần lễ biểu tình và tuyệt thực tại quảng trường Thiên An Môn trước khi lãnh đạo đảng Cộng sản huy động xe tăng và quân đội từ Nội Mông về đàn áp.
Giới ly khai thẩm định có hàng ngàn thanh niên sinh viên bị thiệt mạng trong đêm mùng 3 rạng mùng 4 tháng 6 năm 1989 trước mũi súng của quân đội. Chính quyền Trung Quốc xem cuộc phản kháng đòi tự do dân chủ và nhân quyền ngay trung tâm Bắc Kinh là một phong trào « phản cách mạng ».
Vương Đan bị kết án 4 năm tù vào năm 1991, được thả năm 1993 cho đến 1996 bị bắt lại và lần này lãnh bản án 11 năm tù. Khi Trung Quốc chuẩn bị đón tiếp Tổng thống Mỹ Bill Clinton thì đột nhiên Vương Đan được tự do « với lý do sức khỏe » và sang Mỹ định cư.
Ngô Nhĩ Lai Hy là sinh viên thuộc sắc tộc Duy Ngô Nhĩ đã thành công trốn sang Hồng Kông rồi qua Pháp tỵ nạn. Hiện nay ông sống tại Đài Loan. Hồ Bình là một trong những cây bút nồng cốt của tạp chí Bắc Kinh Chi Xuân, cơ quan ngôn luận của giới ly khai.
Sau vụ đàn áp, Ngô Nhân Hoa với tài năng sưu tập tài liệu và nghiên cứu đã ghi lại trong ba tập tài liệu dầy cộm về trách nhiệm của quân đội Trung Quốc trong vụ Thiên An Môn.
Lời yêu cầu muốn được hồi hương của nhóm lãnh đạo sinh viên 1989 được đưa ra trong bối cảnh đảng Cộng sản Trung Quốc sửa soạn thay đổi thế hệ lãnh đạo trong năm nay.
TAGS: CHÂU Á - CHÍNH TRỊ - TRUNG QUỐC

Không có nhận xét nào: