25.4.12

Người nhận hoa nhân ái



Người nhận hoa nhân ái
Không chỉ giữ trưng bày
Mà nhân giống, giâm cây
Liều thân mình phân phát

“What goes around, comes around” ngoài ý nghĩa “nghiệp quả” ở hiền gặp lành, có những người nói câu này trong một hàm ý khác. Họ muốn gieo rắc việc tốt, giúp đỡ người không mong đền đáp hay “gặp lành” trở lại, mà muốn góp sức cải thiện xã hội, người nhận qua cơn hoạn nạn sẽ tiếp nối, làm việc tốt, giúp lại những người khác.
Chị Trần Thị Nga, một phụ nữ trẻ với con nhỏ, một ủng hộ viên nhiệt tình trong các cuộc biểu tình cho Hoàng – Trường Sa tại Hà Nội vào mùa hè 2011, hiện thường xuyên bị đám công an khu vực chị quấy nhiễu và khủng bố, là một người “biết nhận” trong tinh thần này.
Theo tin từ blog Nguyễn Xuân Diện ngày 23/3/2012, chị Nga hiện đang phải bỏ phế nhà mình tại Phủ Lý Hà Nam, vì không chịu nổi sự trấn áp và khủng bố của công an tỉnh nhà, để tạm lánh nạn tại nhà bạn hữu là Nguyễn Tường Thụy cùng với đứa con trai nhỏ 2 tuổi.
Sự kiện các quan chức địa phương liên tục quấy phiễu và khủng bố một phụ nữ yếu đuối với con nhỏ không đơn thuần vì chị có tham gia trong một số cuộc biểu tình tại Hà Nội. Nguyên nhân có nguồn cội sâu xa hơn, liên quan tới các “nhóm lợi ích”, tới những cái túi nhũng nhiễu của các quan tham.
Câu chuyện bắt nguồn từ năm 2003, chị Nga qua Taiwan theo diện xuất khẩu lao động. Chị bị một tai nạn giao thông nặng gẫy toàn bộ xương chậu và xương hai chân. Trong hoàn cảnh hoạn nạn đó, chị đã được Văn phòng Giúp đỡ Công nhân và Cô dâu Việt Nam do cha Nguyễn văn Hùng làm giám đốc tận tình giúp đỡ. Nơi đây, chị gặp được rất nhiều người chung cảnh ngộ hoạn nạn, dưới những tai nạn khác nhau, và hết thảy đều được các thiện nguyện viên của Văn phòng chia sẻ, chăm sóc. Cảm kích những tấm lòng nhân ái này, chị Nga muốn theo gương , đã tự lo học hỏi về những thủ tục và luật pháp của Taiwan, dùng hiểu biết giúp chính bản thân và những người khác một cách vô vụ lợi. Chị tin đây cũng là một cách trả ơn cho các ân nhân của chị.
Năm 2008, chị về lại Việt Nam, kiếm sống qua công việc buôn bán, nhưng vẫn luôn ghi nhớ những người đã từng giúp chị bằng cách giúp lại mọi người y như họ vậy. Những nhánh hoa ơn nghĩa chị không chỉ trưng bày, ngắm nghía, để khô tàn, mà quyết tâm nhân giống, gieo rắc cho đời. Bất cứ gia đình nào có thân nhân bị nạn ở Taiwan cần phải làm những thủ tục giấy tờ di chuyển, xin phép, thay vì phải qua môi giới với những phí tổn cao, đều có thể tìm đến hay nhờ chị đến giúp điền giấy tờ, ngay cả có khi phải bỏ tiền túi cho việc di chuyển, chị cũng không tính công một xu một cắc. Chị đã trải qua cảnh hoạn nạn, hiểu và thương cảm cho nỗi ngặt nghèo của những người đang bị nạn. Có những trường hợp, chị còn chỉ ra những sai trái của công ty môi giới, giúp công nhân và thân nhân đòi được bồi hoàn tiền cao hơn.
Lòng tốt của chị được mọi người biết đến, tin tưởng. Họ không tin vào các công ty môi giới mà tìm đến chị khi có chuyện. Và sự kiện này đã gây ra tổn thất đáng kể cho đám người môi giới, không chỉ họ “không vui” mà cả các cán bộ “đầy tớ” cũng rất phiền hà về sự việc giúp dân nghèo không công của chị, một “dịch vụ” mà chúng không thể nào cạnh tranh được.
Tức giận vì lợi lộc bị thiệt hại, đám công an và cán bộ địa phương tại Hà Nam hết ngày này qua ngày khác ra sức làm khó dễ, bắt chị về cơ quan tra vấn, nhũng nhiễu, áp lực để chị phải thối chí không giúp người, hầu chúng được tự tung tự tác ăn chia với bọn môi giới. Sau những trò dọa nạt và sách nhiễu này, chị Nga vẫn tiếp tục công việc bảo vệ người xuất khẩu lao động, tố cáo các sai trái của môi giới. Vì thế, gần đây chúng đã đổi qua biện pháp mạnh hơn, dán trước nhà chị những truyền đơn đe dọa sẽ xử chị bằng luật rừng, rào khóa lối cửa thoát hiểm an toàn của nhà chị, và cho bọn côn đồ mà chị Nga nhận mặt được là công an trá hình, xông vào nhà giựt điện thoại của chị, và của người bạn đến tiếp cứu mẹ con chị.
Đến nước nỗi này, hai mẹ con chị không còn dám ở lại nhà mình, phải chạy lên Hà Nội, và được gia đình ông Nguyễn Tường Thụy cho tạm trú trong thời gian chờ đợi sự trả lời đơn cầu cứu của chị tới Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Đoan.
Câu chuyện của chị Trần thị Nga chỉ là một trong trăm ngàn câu chuyện của các nạn nhân bị hà hiếp bởi các thế lực cường quyền trong xã hội Việt Nam hôm nay qua các tin tức, hình ảnh tràn đầy trên các trang mạng, you tube, internet. Việt Nam như trở lại thời phong kiến với nạn kiêu binh, loạn sứ quân … không còn trật tự pháp luật. Bất cứ kẻ nào có chút vai vế trong giai cấp thống trị đều có thể tác oai, chà đạp và cướp của người dân thấp cổ bé miệng. Chế độ như thế tất phải có ngày sụp đổ, chỉ là vấn đề thời gian. Nhưng dù có niềm tin này, người viết vẫn không khỏi băn khoăn, tự hỏi: “Còn con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam?” Con người sẽ ra sao khi phải sống trong một xã hội luật rừng, mạnh được yếu thua, triền miên suốt một thời gian dài? Con người sẽ trở nên thế nào ở nơi mà các hành động và suy nghĩ đúng bị trừng phạt, nơi sự thật bị tù đầy và dối trá được tôn vinh?
Nhưng cũng chính câu chuyện của chị Nga, bao gồm những bạn hữu của chị (điển hình là gia đình ông Nguyễn Tường Thụy hiện đang cho chị tá túc), nghĩa cử gieo rắc lại những ơn nghĩa chị đã nhận bất chấp bối cảnh khốc liệt, thiệt hại tới bản thân, đã giúp tôi trả lời câu hỏi nguy nan này. Dân tộc Việt Nam sẽ mãi trường tồn, sẽ mãi còn những con người nhân nghĩa, biết cứu trợ lẫn nhau. Họ dù yếu, nhưng như những mạch nước luồn lỏi xuyên qua đá, sẽ sói mòn những tảng đá vô tri, sẽ hợp nhau thành sông, thành biển.
Cám ơn chị Trần thị Nga và các bạn đang tỏ tình tương trợ.
Bảo Như
***
THÔNG BÁO VỀ VIỆC CÔ TRẦN THỊ NGA LÁNH NẠN Ở NHÀ TÔI
Nguyễn Tường Thụy
20 giờ 30 phút ngày hôm qua 26/3/2012, tôi đã đón cô Trần Thị Nga về ở nhà tôi.
Cô Nga đã gửi đơn kêu cứu tới Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan. Cô sẽ ở lại Hà Nội đến khi nhận được hồi âm của bà Phó chủ tịch nước thì mẹ con cô mới có thể yên tâm về nhà.
Cô mang theo cháu Phú 2 tuổi chạy trốn khỏi nơi cư trú ở thành phố Phủ Lý (Hà Nam) lên Hà Nội vào ngày 24/3/2012 trước sự khủng bố, đe dọa đến tính mạng mẹ con cô như nhiều người đã biết.
Sau khi đón cô Nga, tôi đã báo công an xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Tp Hà Nội về việc lưu trú của cô Nga theo đúng luật cư trú.
Mặc dù vậy, vào lúc 23 giờ 38 phút, khi gia đình tôi và mẹ con cô đã tắt đèn đi ngủ, một tổ công an huyện và xã vào kiểm tra giấy tờ tùy thân của cô Nga. Khi thấy cô có giấy tờ hợp lệ, họ ra về.
Tổ công an này gồm 3 công an huyện Thanh Trì và 1 công an xã Vĩnh Quỳnh.
Vì vậy, tôi viết thông báo này để nói lên sự rõ ràng minh bạch trong việc gia đình tôi cưu mang mẹ con cô trong thời gian ở nhà tôi.
Do mẹ con cô Nga bị đe dọa đến tính mạng, cô phải lên đây lánh nạn. Hoàn cảnh mẹ con cô hiện rất khó khăn. Việc làm của gia đình tôi hoàn toàn vì lòng nhân ái, ngoài ra không có mục đích nào khác. Tôi và các thành viên trong gia đình sẽ làm hết sức mình để bảo vệ và giúp đỡ mẹ con cô.
Nếu có chuyện gì xấu xảy ra đối với cô Nga hoặc gia đình tôi xuất phát từ sự việc trên, tôi đề nghị công luận cùng bạn hữu lên tiếng và có biện pháp bảo vệ chúng tôi.
Ngày 27/3/2012
Nguyễn Tường Thụy

Không có nhận xét nào: