7.6.12

Thông điệp cuộc triễn lãm ảnh “Mã Vạch”



2012-06-06
Cuộc Triễn lãm ảnh “Mã Vạch” diễn ra ở Hà Nội vào những ngày cuối tháng 5 thu hút sự quan tâm và chú ý của công chúng trong nước cũng như trên thế giới về tệ nạn buôn người ở khu vực biên giới Hà Giang, Việt Nam.
Photo courtesy of dantri.com
Khách xem triển lãm ảnh "Mã Vạch"

Tệ buôn người

Nhiếp ảnh gia Na Sơn Nguyễn, tác giả của 20 bức ảnh triễn lãm cho biết những gương mặt, những khoảnh khắc mà ông chụp lại sẽ thật đẹp và mang ý nghĩa nghệ thuật thuần túy nếu như không có những mã vạch che ngang gương mặt của những nhân vật trong bộ ảnh này. Mã vạch bắt đầu với dãy số 893 là mã số hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam. Những nhân vật, những phận đời trở nên thật trần trụi, khủng khiếp khi họ bị trở thành một loại hàng hóa, bị mua bán bằng con số. Bắt đầu buổi trò chuyện với Hòa Ái, nhiếp ảnh gia Na Sơn Nguyễn cho biết:
Na Sơn Nguyễn: Thực ra là đề tài về bắt cóc trẻ em cũng như buôn bán người qua biên giới thì tôi đã được tiếp xúc một thời gian lâu rồi, khoảng 5,6 năm khi xảy ra một số vụ đặc biệt nghiêm trọng, nhất là vào năm 2007. Về các vụ bắt cóc trẻ em mà thậm chí cả người lớn ở khu vực biên giới phía bắc, tức là vùng núi cao tỉnh Hà Giang, giáp với Trung Quốc, cũng tình cờ khi đang ấp ủ một đề tài như thế, thậm chí đã làm rồi, đã biết rồi về hiện trạng này, tôi gặp bên tổ chức MTV EXIT có chương trình triễn lãm nghệ thuật về chống buôn bán người và tôi đã đề xuất dự án của mình và bắt đầu tiến hành để làm. Thực ra việc chụp ảnh không mất thời gian quá lâu nhưng việc đọc hồ sơ và đi lại để gặp gỡ và thuyết phục họ thì cũng mất thời gian tương đối. Cả quá trình bước đầu của những tấm ảnh triễn lãm thì tôi đã làm trong vòng khoảng 2 tháng để hoàn thành.
Hòa Ái: Trong cuộc triễn lãm phần đầu này, biết là tất cả những nạn nhân đều có những câu chuyện rất thương tâm nhưng trong số những nạn nhân này, ông có thể chia sẻ với thính giả một câu chuyện nào mà để lại trong lòng ông thật sự xót xa và thương cảm nhất?
Na Sơn Nguyễn: Như là quý vị biết, khi một con người-người ta đã bị rơi vào thân phận một thứ hàng hóa để mua bán thì hoàn cảnh nào cũng kinh khủng cả và cũng đáng thương nhưng mà thực sự trong những hoàn cảnh đó thì có một vài trường hợp thì tôi thực sự là cảm thấy rất đau lòng khi mình phải thực hiện. Có những em bé- 2 anh em mà tôi đã tìm và chụp ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hà Giang, vào đêm 28/2/2007, những kẻ bắt cóc đã vào nhà các em ở huyện Uyên Minh, tỉnh Hà Giang và đã phá hại bố mẹ một cách rất dã man và sau đó bắt các em sang bên kia biên giới và bán.
Câu chuyện buôn bán người qua biên giới đã xảy ra bao nhiêu năm nay và có rất nhiều hoàn cảnh mà tôi nghĩ nếu đọc hồ sơ và mô tả chi tiết thì đó là một bức tranh cực kỳ đen tối và kinh khủng.
Na Sơn Nguyễn
Sau một quá trình phá đường dây buôn người như vậy của biên phòng 2 nước ở biên giới thì họ đã giải cứu được các em. Rất đáng buồn là 2 em không còn ai thân thích cả và tổ chức xã hội ở tỉnh Hà Giang phải đón 2 em về. Khi tôi đến gặp các em để làm việc, để chụp, trẻ con mà, chúng rất ngây thơ hồn nhiên và nói chuyện. Khi tôi yêu cầu các cháu che mặt lại bằng những mã vạch thì các cháu không đồng ý và bảo với tôi là các cháu không thích như vậy và thích để lộ mặt ra cho tự nhiên hơn, đẹp hơn. Con trẻ rất ngây thơ, chính vì những điều như vậy và những gì các cháu trải qua làm cho mình càng đau lòng.
Hòa Ái: Theo như tất cả hồ sơ mà ông tìm hiểu thì thường những nạn nhân khi bị bán qua Trung Quốc thì họ sẽ bị lâm vào hoàn cảnh như thế nào?
Na Sơn Nguyễn: Thật ra những hoàn cảnh của trẻ em, phụ nữ khi bán sang biên giới thì họ có rất nhiều hoàn cảnh. Có những em bé thường bị bán vào các nhà hiếm muộn con cái. Phụ nữ thì bị bán vào những chổ để lao động tình dục cũng như để làm vợ và để lao động khác. Đàn ông qua các vụ lừa đảo buôn bán thì cũng để lao động, làm việc. Câu chuyện buôn bán người qua biên giới đã xảy ra bao nhiêu năm nay và có rất nhiều hoàn cảnh mà tôi nghĩ nếu đọc hồ sơ và mô tả chi tiết thì đó là một bức tranh cực kỳ đen tối và kinh khủng.

Làm sao để ngăn chặn

phunuonline-250.jpg
Một bức tranh trong cuộc triển lãm ảnh "Mã Vạch". Photo courtesy of phunuonline
Hòa Ái: Theo như chia sẻ với báo giới trong nước, ông có phát biểu là có nhiều nạn nhân ông không thể gặp được là vì tự bản thân họ trở lại bên kia biên giới mà nơi đó là nơi địa ngục. Tại sao lại như vậy?
Na Sơn Nguyễn:Tại vì, thứ nhất là dân thiểu số ở vùng biên thì họ có đặc thù là 2 bên biên giới thì đều là một sắc dân của họ, vùng mà tôi thực hiện dự án thì hầu hết đều là người Mông. Thực ra việc họ đi lại qua biên giới buôn bán hay giao thương là việc bình thường. Tuy nhiên, một điều đáng buồn là một số nhân vật mà tôi tìm không được, nhất là thời gian gần đây, khoảng hơn một năm nay khi nền kinh tế lâm vào cực kỳ khó khăn thì bắt đầu nhiều người bỏ qua bên kia biên giới làm thuê. Trong đấy có những nạn nhân đã từng bị bắt cóc và bây giờ họ trở lại chính nơi đó một cách tự nguyện để đi làm thuê kiếm tiền.
Hòa Ái: Vậy thì nếu như ông nhận định khi mà do những hoàn cảnh trong cuộc sống đưa đẩy như vậy và chính những nạn nhân họ đã chấp nhận cuộc sống như thế và chính bản thân họ thấy rất bình thường thì làm sao họ có thể cảnh giác và bảo vệ cho bản thân mình và gia đình?
Na Sơn Nguyễn: Thực ra số lượng tự nguyện như vậy không nhiều đâu. Như các bạn biết dân số dân cư ở vùng biên giới là dân tộc thiểu số, có trình độ nhận thức cũng như là giáo dục, cũng như một số điều kiện khác tương đối khó khăn và kém hơn chúng ta ở thành phố hay ở vùng đồng bằng.
Hơn nữa địa hình rất phức tạp, mật độ dân cư rất thưa. Đấy chính là những nguyên nhân để mà bọn buôn bán người bắt cóc người. Chúng lợi dụng, dụ dỗ, lôi kéo cũng như tiến hành các vụ bắt cóc. Do rất nhiều nguyên nhân, tôi nghĩ chủ yếu là chúng dựa vào sự ngây thơ và sự cả tin của bà con dân tộc để thực hiện các hành vi lừa đảo cũng như là buôn bán người của mình.
Hòa Ái: Và câu hỏi cuối cùng, theo quá trình ông tham gia vào một dự án lớn và ông gặp gỡ những nạn nhân ở khu vực Hà Giang như vậy thì riêng cá nhân ông có nghĩ đến một kiến nghị nào cho các cơ quan chức năng cũng như cộng đồng người Việt làm gì để ngăn chặn lại tình trạng này không, thưa ông?
Nếu chúng ta có ý thức và có đủ thông tin với nhau thì chúng ta sẽ không để những điều đó xảy ra. Đấy chính là thông điệp tôi muốn gửi gấm đến công chúng, đến cộng đồng.
Na Sơn Nguyễn
Na Sơn Nguyễn: Đây chính là nguyên nhân thôi thúc tôi tham gia triển lãm này. Các bạn biết là những nạn nhân tôi gặp được chính là những nạn nhân may mắn hơn những người khác khi đã được giải cứu rồi, trở về với cuộc sống bình thường rồi. Còn số lượng những người chưa được giải cứu thì tôi nghĩ là còn nhiều hơn. Chúng ta hãy làm một điều gì đó để cảnh báo đến xã hội đến cộng đồng, chúng ta cùng thông tin và cùng giúp đỡ nhau để làm sao cho nó đừng diễn ra.
Chứ đợi khi đã diễn ra rồi thì chúng ta mới giải quyết thì khâu phối hợp giữa các bên để đi tìm, để điều tra thì tôi nghĩ đấy chỉ là phần ngọn thôi. Tôi nghĩ là với câu chuyện ý thức, câu chuyện về cảnh báo cộng đồng và đấy là điều tôi muốn cảnh báo với mọi người là chúng ta cần tuyên truyền rộng, càng để cho người dân hiểu về nạn buôn bán người. Nếu chúng ta có ý thức và có đủ thông tin với nhau thì chúng ta sẽ không để những điều đó xảy ra. Đấy chính là thông điệp tôi muốn gửi gấm đến công chúng, đến cộng đồng.
Hòa Ái: Chân thành cảm ơn nhiếp ảnh gia Na Sơn Nguyễn dành thời gian cho đài RFA.

Ý kiến của Bạn

Không có nhận xét nào: