13.1.11

Những thách thức đối với Đảng CSVN

Những thách thức đối với Đảng CSVN

Đến hẹn lại lên, đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 11 sẽ chính thức khai mạc vào sáng ngày 12 tháng giêng năm nay.
AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.
Lễ khai mạc Đại hội lần thứ 11 của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) tại Hà Nội ngày 12 tháng 1 năm 2011.


Đây cũng là dịp để những người quan tâm đến chính trị thời sự Việt Nam suy nghĩ và thảo luận về những thay đổi có thể có xảy ra trong Đảng. Người ta nói đến những thách thức mà Đảng cộng sản Việt Nam sẽ phải đối mặt không chỉ trong 5 năm nữa mà có thể lâu hơn là 20 hay 30 năm tới. Những thay đổi và thách thức đó là gì? Việt Hà tìm hiểu và tường trình.

Vấn đề bất đồng chính kiến

Trong cái giá lạnh bất ngờ của Hà nội những ngày đầu tháng 1 này, hơn 1.300 đại biểu Đảng Cộng Sản Việt Nam chuẩn bị bước vào hơn một tuần lễ đại hội Đảng lần thứ 11 với khẩu hiệu ‘tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạn toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Có hai vấn đề khá rõ là những người bất đồng chính kiến và vấn đề kinh tế, họ đã không làm tốt việc quản lý kinh tế.
GS Shawn McHale
Khẩu hiệu này đã cho thấy những mong muốn chính rõ nét của Đảng đó là duy trì quyền lực lãnh đạo duy nhất của Đảng, đoàn kết dân tộc, và tiếp tục đổi mới phát triển kinh tế. Những mong muốn này cũng chính là những thách thức, khó khăn mà đảng đang phải đối mặt.
Theo giáo sư Shawn McHale thuộc trường đại học George Washington, một chuyên gia đã nghiên cứu về Việt nam nhiều năm, thì có hai vấn đề chính mà Đảng phải đối mặt trong đại hội lần này đó là tình hình những người bất đồng chính kiến và vấn đề về kinh tế. Ông cho biết:
“Có hai vấn đề khá rõ là những người bất đồng chính kiến và vấn đề kinh tế, họ đã không làm tốt việc quản lý kinh tế.”
Cũng như trước bất kỳ đại hội Đảng nào, lần này từ nhiều tháng trước khi đại hội Đảng diễn ra, chính phủ Việt Nam đã tiến hành việc đàn áp bắt bớ hàng loạt những người bất đồng chính kiến, đặc biệt là các blogger, mà gần đây nhất là tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, một người vẫn lên tiêng kêu gọi dân chủ và đa đảng.
Nếu như trong việc trấn áp các nhà bất đồng chính kiến, Đảng cộng sản về một khía cạnh nào đó có thể nói khá thành công làm cho một số người phải yên lặng một thời gian do phải ở tù thì vấn đề kinh tế lại hoàn toàn khác.

Vấn đề kinh tế

000_Hkg4448698-200
Ông Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị và Chủ tịch Quốc hội, tại Đại hội lần thứ 11 của Cộng sản Việt Nam Đảng (VCP) tại Hà Nội ngày 12 tháng 1 năm 2011. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.
Theo giáo sư Shawn McHale, Đảng cộng sản đã đạt được những thành quả nhất định trong phát triển kinh tế trong thời kỳ đổi mới nhưng những gì diễn ra trong vài năm qua lại cho thấy nhiều lo ngại. Ông nhận xét:
“Họ đã cho thấy một số những thành quả nhất định nhưng vẫn tồn tại những lo ngại. Đó là lạm phát tăng cao, và thâm hụt ngân sách. Liệu Đảng có thể làm tốt không, đó là vấn đề mà đại hội lần này càn phải làm trong 5 năm tới.”
Phải nói là mặc dù Việt Nam được coi là đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mà không bị ảnh hưởng nặng nề nhưng kinh tế Việt Nam trong hai năm qua lại cho thấy nhiều bất cập. Chỉ riêng lạm phát năm 2010 của Việt Nam đã vượt 11%, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, thâm hụt ngân sách tăng cao, đồng Việt Nam mất giá, chi tiêu công không hiệu quả mà ví dụ điển hình là vụ vỡ nợ của tổng công ty nhà nước Vinashin trong năm 2010.
Theo ông nếu như kinh tế không đảm bảo phát triển bền vững mà người dân có thể cảm nhận được trong đời sống hàng ngày thì uy tín của Đảng có thể bị lung lay, bởi vai trò của Đảng trong thời kỳ đổi mới phát triển kinh tế khác xa so với thời chiến tranh. Ông Shawn McHale nói:
“Trong thời gian chiến tranh, những người dân miền Bắc dễ chấp nhận những gì đảng nói và làm, còn bây giờ không phải như vậy. Họ phải cho người dân thấy kết quả, và kết quả đó thể hiện qua phát triển kinh tế, người dân mong nhìn thấy vấn đề tham nhũng được giải quyết vì tham nhũng chính là điều gặm nhấm đảng, nhưng đó là điều khó khăn mà họ vẫn chưa làm tốt vấn đề này.”

Tham nhũng, lãng phí

Họ đã cho thấy một số những thành quả nhất định nhưng vẫn tồn tại những lo ngại. Đó là lạm phát tăng cao, và thâm hụt ngân sách. Liệu Đảng có thể làm tốt không, đó là vấn đề mà đại hội lần này càn phải làm trong 5 năm tới.
GS Shawn McHale
Một báo cáo của Liên hiệp quốc năm 2009 cho biết kể từ đại hội lần trước đến nay, nạn hối lộ vẫn chưa suy giảm và tham nhũng diễn ra ở mọi cấp cả trong Đảng và chính quyền, trong cả khu vực công lẫn khu vực tư.
Ngay trong dự thảo báo cáo chính trị đọc trước đại hội Đảng lần này, Đảng cũng thừa nhận  ‘công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt được yêu cầu đề ra. Quan liêu, tham nhũng, nhũng nhiễu, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi’.
Đoàn kết dân tộc, một khẩu hiệu khà mà Đảng lúc nào cũng đề cao nhưng dường như chưa thể thực hiện được. Ngày càng nhiều các đảng viên cho rằng đảng đang xa dần chủ nghĩa dân tộc. Giáo sư Shawn McHale nhận định:
“Đảng cho rằng mình là đại diện của dân tộc nhất là trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ nhưng giờ đây đang phải đối mặt với chính chủ nghĩa dân tộc đang làm mình đau đầu bởi chính những người dân của mình.”
Nhưng thể hiện rõ nét nhất cho vấn đề này là vụ đàn áp sinh viên những người biểu tình chống Trung Quốc liên quan đến quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hồi năm 2007. Đảng cũng bị lên án về việc nhượng bộ biên giới đất liền và biển cho Trung Quốc, hay vụ cho Trung Quốc vào khai thác Bô xít ở Tây nguyên khiến các trí thức trong và ngoài nước cùng nhiều đảng viên phải lên tiếng phản đối. Đó là chưa kể những vụ đàn áp tôn giáo đã và đang khiến nhiều người phải rời bỏ đất nước, mà nổi bật là trường hợp những người Thượng theo đạo Tin lành ở Tây Nguyên trong nhiều năm qua.
000_Hkg4448614-200
Ông Trương Tấn Sang, tại Đại hội lần thứ 11 của Cộng sản Việt Nam Đảng (VCP) tại Hà Nội ngày 12 tháng 1 năm 2011. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.
Trong đại hội Đảng lần này, Đảng tiếp tục kêu gọi đổi mới toàn diện cả về kinh tế lẫn chính trị, trong đó kinh tế phải đi trước một bước. Giáo sư Carl Thayer, thuộc học viện quốc phòng Úc cho rằng, đã có những thay đổi nhất định trong đảng như việc cho phép doanh nhân trở thành đảng viên trong đại hội lần trước, hay thí điểm bầu cử trực tiếp. Những thay đổi nhỏ này dần dần sẽ dẫn đến những thay đổi lớn hơn dù chậm chạp. Ông giải thích:
“Chúng ta phải nhận thấy là đã có những tự do nhất định đã diễn ra ví dụ như trường hợp của ông Bí thư thành ủy Đà nẵng Nguyễn Bá Thanh là một thí điểm bầu trực tiếp làm lãnh đạo thay vì theo cách thức truyền thống. Chúng ta đang thấy những thay đổi chung ở Việt Nam trong việc chọn lãnh đạo trực tiếp thay vì gián tiếp vào hội đồng nhân dân. Đó là một dấu hiệu tốt. tuy nhiên những người này muốn có vị trị lãnh đạo cao nhất trong đảng thì cũng phải mất ít nhất 5 năm trong ban chấp hành trung ương và 5 năm trong bộ chính trị. Rồi đảng cũng cho phép doanh nhân gia nhập đảng. Cho nên ta thấy có sự thay đổi nói hình tượng như sự tan băng. Chúng ta vui vì thấy có những chuyển động nhưng vì là con người chúng ta thấy dường như những thay đổi ở Việt Nam là quá chậm.”
Những thay đổi này cũng chính là một thách thức dài hạn đối với đảng theo cách nhìn nhận của giáo sư Shawn McHale. Ông giải thích:
“Trong quá khứ, những người theo đảng phần lớn chưa được học hành nhiều, phần lớn từ nông thôn, còn bây giờ thì phần nhiều là người có học và hiểu biết về thế giới bên ngoài, và họ là những người có thể đưa ra các vấn đề bàn cãi trong đảng. Nếu đảng càng ngày càng có nhiều những người này, liệu đảng có thể làm gì khi mà chính những người trong đảng càng ngày càng có những bàn cãi, phê phán đường lối của Đảng. có thể sẽ đến lúc chính những người này đề nghị chúng ta phải đi theo hướng đa đảng.” 
Trả lời hãng tin AFP trong cuộc họp báo trước đại hội Đảng, ông Đinh Thế Huynh, chủ tịch hội nhà báo Việt Nam đã một lần nữa khẳng định  Việt nam không có nhu cầu đa nguyên, đa đảng và dứt khoát không đa nguyên đa đảng.
Tuy nhiên giáo sư McHale nhắc người ta nhớ lại rằng các nước Đài Loan và Hàn Quốc cũng từng độc đảng nhưng đã phải thay đổi theo hướng dân chủ hóa đa đảng. Theo ông trong vòng 5 đến 10 năm nữa cũng không thể có những thay đổi lớn trong đảng, nhưng liệu 30 hay 40 năm nữa, đảng sẽ vẫn còn giữ thế độc tôn nữa hay không thì không một ai có thể trả lời chắc chắn.

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào: