26.4.11

Ai đã giết Jessica?


Ai đã giết Jessica?

2011-04-26
Cái chết của một người mẫu Ấn Độ cách đây 12 năm đã gây chú ý cho công luận nước này và cả thế giới.

AFP photo
Người biểu tình thắp nến đòi công lý cho cô Jessica Lal bị sát hại trong một quán rượu ở New Delhi, mà người bắn cô được tha bổng trong một phiên tòa trước đó. Ảnh chụp hôm 04/03/2006.
Thế nhưng cái chết của cô gây nhiều tranh cãi không phải vì cô là người mẫu mà chính là vì phải mất 11 năm trời, người ta mới có thể kết án hung thủ. Đây không phải là một câu chuyện hư cấu của Bollywood. Đây là câu chuyện có thật về Jessica.

Mạng sống nhẹ hơn ly rượu

Dehli, thủ đô của Ấn Độ với nhiều tượng đài cổ đã trở thành một trong những thành phố có dân cư lâu đời nhất thế giới. Nằm bên hai bờ sông Yamuna, Dehli tựa như cung điện - cổ kính mà bí ẩn. Và có một điều nhiều người chưa biết về Dehli: đây là nơi của quyền lực và đôi khi quyền lực chỉ nằm trong tay một số người. 
Giữa đêm 29 tháng 4 năm 1999, Dehli vẫn sáng rực ánh đèn và các quán bar vẫn chưa đến giờ đóng cửa. Tối hôm ấy quán bar Tamarind Court thật đông vui và náo nhiệt vì có một sự kiện đặc biệt với 300 khách tham dự, đa phần là giới giàu có và nổi tiếng. Đúng 2 giờ sáng, 2 tiếng súng nổ lên và người ta thấy hung thủ bỏ chạy, bỏ lại một cô gái nằm sóng soài trên vũng máu tại quán bar. Cô gái ấy tên Jessica. 
Sabrina, em gái Jessica nói “Jessica được chọn là celebrity bartender (người nổi tiếng chiêu đãi rượu cho khách) cho buổi tiệc tối đó”. 
Là một diễn viên và người mẫu chưa nổi tiếng tại thành phố Dehli với hơn 10 triệu người, những show diễn thời trang cao cấp thưa thớt là lý do khiến cô phải làm việc tại những sự kiện như thế này. Và Jessica làm celebrity bartender cùng 1 số người mẫu khác, trong đó có Shayan Munshi, một nam người mẫu và cũng chính là nhân vật tận mắt chứng kiến Jessica bị bắn.
“Tôi chạy đến bệnh viện, thì thấy Shayan Munshi khai với cảnh sát những gì đã xảy ra. Munshi lúc đó đang tả lại nhân dạng của người bắn Jessica và kể từng chi tiết sự việc bởi lúc đó anh là người chứng kiến toàn bộ sự việc”.
Jessica bị bắn khiến nhiều người ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng vì nó diễn ra quá nhanh, ngỡ ngàng vì nó diễn ra quá bất ngờ và ngỡ ngàng vì cái lý do mà cô bị giết:
“Sharma tối hôm đó đã say và đòi thêm rượu. Jessica từ chối vì rượu đã hết. Rồi Sharma rút súng ra bắn chết Jessica”.
Và Jessica bị bắn như thế, bị bắn chỉ vì cô không còn rượu để bán cho một người. Một người với khẩu súng và quyền lực trong tay đã quyết định mạng sống con người rẻ hơn 1 ly rượu. 
Tận mắt nhìn thấy chị mình trút hơi thở cuối cùng là một trong những khoảnh khắc vô cùng khó khăn của Sabrina. Cô hồi tưởng lại sự việc cách đây 12 năm:
Sharma tối hôm đó đã say và đòi thêm rượu. Jessica từ chối vì rượu đã hết. Rồi Sharma rút súng ra bắn chết Jessica.
Sabrina, em gái Jessica
“Chỉ vài giờ sau đó, tôi nhìn thấy Jessica mãi mãi ra đi, tôi nghĩ rằng tại sao một người như Jessica có thể nằm im bất động như vậy được. Tôi bị sốc, lúc đó đầu óc tôi chỉ còn là khoảng trắng”.
Và người ta thấy truyền thông Ấn Độ lúc đó chỉ dành vỏn vẹn 1 bản tin ngắn về cái chết của Jessica bởi tại Dehli, những cái chết như thế không phải hiếm. Một người bị bắn chết, vật chứng là 2 viên đạn tại hiện trường, và nhân chứng là 300 người tại buổi tiệc. Người ta tưởng tượng ra một phiên toà mà chắn chắn kẻ giết người phải đền mạng.
“Dĩ nhiên là lúc đó tôi tin vào công lý bởi vì tôi biết 300 người có mặt tại buổi tiệc hôm đó chứng kiến sự việc. Tôi biết rất nhiều người nhìn thấy hung thủ chạy đi. Chính vì thế mà lúc đó tôi tin chắc chắn rằng hung thủ sẽ bị trừng phạt”.

Giết người phải đền mạng?

Điều này không hẳn đúng với những người có thế lực trong tay. Người đàn ông bắn Jessica là Manu Sharma, con của một nhân vật lãnh đạo quốc hội (congerss leader) Binod Sharma. Và cũng chính vì thế mà con đường tìm công lý cho Jessica trở nên gian nan vô cùng. 
000_Del30658-200.jpg
Chân dung cô Jessica Lal, người bị bắn chết trong quán rượu cách đây 12 năm. AFP photo
Jessica, một cô gái bình thường, sinh trưởng trong một gia đình bình thường với những mối quan hệ bình thường đã làm pháp luật có lúc cũng không thể giữ được vai trò bình thường của nó.
Shayan là người chứng kiến vụ án từ đầu đến cuối nên được cho là nhân chứng quan trọng nhất của vụ án. Mặc dù trong quá trình điều tra, anh đã khai với cảnh sát rằng chính anh nhìn thấy Manu Sharma, con vị lãnh đạo cao cấp, bắn Jessica. Thế nhưng tại phiên toà vào tháng 5 năm 2001, anh đã cho biết mình không nhận dạng được kẻ giết Jessica và phủ nhận hết những gì đã khai trước đó với một lý do cũng bất ngờ không kém cái chết của Jessica:
“Tại tòa án, Shayan đã nói rằng anh ta không biết tiếng Hindi nên khi ký vào tờ khai xác nhận hung thủ được viết bằng tiếng Hindi, anh ấy đã không hiểu mình đang tố cáo Manu Sharma. Anh ấy nói rằng 2 phát đạn bắn ra, 1 lên trần nhà và một bắn vào Jessica là từ 2 người khác nhau và cả 2 người đó đều không phải là Sharma”.
Prabhloch Signh, sáng lập viên của tổ chức Human Rights Protection Group tại Ấn Độ nói “có khoảng 300 người tại buổi tiệc đó, nhưng tất cả mọi người đều phủ nhận mình có mặt tại đó vì không dám ra làm chứng trước tòa”.
Và tất cả 300 người có mặt tại đó đã chọn cách im lặng như thế. Sabrina nói “Tôi rất tức giận, thấy thất vọng và chùng xuống”.
Đó là lần đầu tiên Sabrina cảm thấy bất lực, cô đang ở cái ngưỡng để cảm thấy được cái “quyền” nó có “lực” như thế nào. Không biết bao nhiêu lần Sabrina đi tìm thêm nhân chứng, không biết bao nhiêu lần Sabrina đi dự các phiên tòa tìm công lý cho chị mình và không biết bao nhiêu lần cô bị thất vọng và chùn xuống như thế. Cô thất vọng về chính phủ, thất vọng về hệ thống pháp luật và thất vọng về con người. 
Sau 7 năm kéo dài vụ án, tháng 2 năm 2006, tòa án xử trắng án cho Manu Sharma, người bắn chết Jessica và cũng là con trai vị lãnh đạo quốc hội.
“Rất nhiều lần tôi cảm thấy rằng tôi không thể tiếp tục tìm công lý và muốn bỏ cuộc thế nhưng sau mỗi lần như thế tôi lại đứng lên và tiếp tục con đường tìm công lý cho chị mình. Bởi mỗi khi nghĩ cảnh chị mình chết oan, tôi không nghĩ là tôi có thể sống chấp nhận như vậy”.
Người ta cứ nghĩ một bản án giả hiệu như thế rồi cũng sẽ che mắt được dân chúng, rồi mọi chuyện cũng qua đi. Rồi con trai vị lãnh đạo ấy lại bình an và gia đình Jessica cũng sẽ mệt mỏi mà bỏ cuộc “con kiến kiện củ khoai” này. Thế nhưng bản án vô lý ấy đã không khỏi làm dư luận dấy lên câu hỏi:
“Nếu tòa án cho rằng người đàn ông đó không phải là hung thủ. Vậy ai giết Jessica”?
Ai giết Jessica? Shayan (nhân chứng chính) biết, 300 người hôm đó biết, gia đình Jessica biết và gia đình hung thủ biết và thậm chí tất cả mọi người đều biết, thế nhưng chỉ có một điều rằng: không ai nói ra.

Nén bạc đâm toạc tờ giấy! 

Từ đầu, người ta đã biết các nhân chứng bị mua chuộc vì ở một nơi mà quyền lực và tiền bạc đứng trên pháp luật, những việc như thế không phải hiếm. Khi bản án vô lý được tuyên, truyền thông Ấn Độ đã lật tẩy việc gia đình hung thủ dùng hàng triệu rupee mua chuộc các nhân chứng. 
000_SAHK990512543650-250.jpg
Ông Manu Sharma (P), con trai của một chính trị gia, kẻ đã giết Jessica, đang nói chuyện với luật sư tại tòa án Patiala House ở New Delhi ngày 12 Tháng 5 năm 1999. AFP photo
“Tôi liên lạc với các nhân chứng khác và được biết là tất cả những người đồng ý làm nhân chứng cho phiên tòa đã bị mua chuộc để thay đổi lời khai của mình. Tất cả mọi người từ các khâu đã bị mua chuộc bởi quyền lực và tiền bạc của gia đình hung thủ”.
Từ nhân chứng cho tới nhân viên kiểm định 2 viên đạn bắn ra từ khẩu súng 0.22 ly của Sharma (hung thủ) đã bị mua chuộc để tráo đổi viên đạn khác. 
Shayan cũng bị mua chuộc để nói dối rằng mình không biết tiếng Hindi để gạt bỏ những lời khai bằng tiếng Hindi trước đó của mình. Thế nhưng chỉ với vài mẹo nhỏ của truyền thông, sự thật này bị bóc trần.
Và khi sự thật được phơi bày là phẫn uất của dư luận tăng lên gấp bội. Hơn 200 ngàn chữ ký của dân chúng đã được gởi lên cho Tổng thống Ấn Độ A. P. J. Abdul Kalam để lật lại hồ sơ vụ án. Cùng lúc đó, hàng ngàn người biểu tình phản đối và thắp nến cầu nguyện đòi công lý cho Jessica. Một trong  những nhóm sinh viên đầu tiên kêu gọi công lý cho Jessica là “The Middle Figher Protest”, và người sáng lập là Prabhloch Singh:
“Tôi thành lập nhóm gọi là Middle Finger Protest (mà bây giờ gọi là Human Rights Protection Group) từ năm 2006, khi tòa án phán quyết vô tội cho người đã giết Jessica. 
Mọi người đều biết ai là người giết Jessica nhưng tòa án đã không kết tội người đó”.
Chỉ là một sinh viên bình thường, không có kiến thức về luật pháp, và cũng không phải lần đầu tiên Prabhloch nhìn thấy công lý bị bẻ cong, thế nhưng đây là lúc anh cảm thấy mình không thể sống với thực tế đó. 
“Tôi cho in khoảng 300 áo thun, mua đèn cầy và gởi tin nhắn về cuộc biểu tình cho tất cả những người tôi biết. Và những người nhận tin nhắn lại gởi cho những người khác, cứ như thế, nó lan rộng ra. Và đến ngày thứ 6, thứ 7 thì càng có nhiều người tham gia biểu tình đòi công lý cho Jessica”.
Cứ như thế, 10 tháng sau đó, tháng 12 năm 2006 trước áp lực của truyền thông và quần chúng, Tòa thượng thẩm đã quyết định mở lại vụ án, và tù chung thân là bản án dành cho Manu Sharma, người có quyền lực nhiều đến nỗi đã có thể quyết định mạng sống con người rẻ hơn 1 ly rượu. Việc này đã khiến cho cha hung thủ, ông Binod Sharma phải từ chức ngay sau đó.
Tôi liên lạc với các nhân chứng khác và được biết là tất cả những người đồng ý làm nhân chứng cho phiên tòa đã bị mua chuộc để thay đổi lời khai của mình.
Sabrina, em gái Jessica
Thế nhưng vụ án chưa dừng lại ở đó, gia đình Manu Sharma đã kháng cáo lên Tòa án Tối cao và chỉ đến tháng 4 năm ngoái (2010), Tòa án Tối cao mới có phán quyết giữ nguyên bản án chung thân cho Manu Sharma.
Vậy là 11 năm sau khi vụ án được mở ra và đóng lại nhiều lần cuối cùng gia đình Jessica cũng tìm được công lý cho cô. Hiện tại, Sabrina mở công ty du lịch Travel and Vacation tại Ấn Độ để thực hiện ước mơ của Jessica. Nhóm sinh viên “The Middle Figher Protest” trở thành một tổ chức bảo vệ nhân quyền có tên “Human Rights Protection Group”. Shayan, người nhân chứng quan trọng đã khai mạn tại tòa, đã bị bắt. Và ngày 21 tháng 2 vừa qua, 32 nhân chứng khác của vụ án năm xưa cũng bị triệu tập tại tòa.

Tìm lại công lý sau 11 năm 

Tuy câu chuyện xảy ra tại Ấn Độ nhưng việc công lý bị quyền lực bẻ cong có thể xảy ra bất cứ nơi đâu khi mà hệ thống pháp luật thiếu minh bạch và thiếu vững chắc. Hai nhân vật quan trọng trong câu chuyện về Jessica hôm nay rất vui được làm quen với thính giả của đài RFA. Mời quý vị nghe một số đoạn chính trong cuộc trò chuyện giữa Quỳnh Chi với Sabrina và Prabhloch.
Quỳnh Chi: Xin chào 2 vị. Đầu tiên, xin chị Sabrina chia sẻ cảm xúc của chị khi sau 11 năm tìm công lý cho chị mình?
Sabrina Lal: Tôi không tưởng tượng được bởi sau nhiều năm đi tìm công lý, chúng tôi gần như đã muốn từ bỏ hy vọng. Cuối cùng thì cũng có ngày kẻ sát nhân phải đền tội và cuối cùng chúng tôi cũng có thể cố gắng sống tiếp tục.
Quỳnh Chi: Còn anh Prabhloch, vì sao anh lại quyết định kêu gọi công lý cho Jessica mặc dù anh và cô không hề quen biết?
jessica-250.jpg
Nhóm sinh viên Middle Finger Protest (bây giờ gọi là Human Rights Protection Group) kêu gọi biểu tình đòi công lý cho Jessica năm 2006. Hình do Prabhloch Singh cung cấp
Prabhloch Singh:Tôi không học về luật. Tôi chỉ là một người sinh viên bình thường nhưng lúc đó tôi nghĩ rằng việc này có thể xảy ra với Jessica, một người tôi không hề quen biết, nhưng nó cũng có thể xảy ra với bất cứ một người nào đó trong gia đình tôi hay là trong bạn bè tôi chẳng hạn. Nó cũng có thể xảy ra với tôi. Nói tóm lại, nếu người ta chịu nhìn thấy những điều như thế này xảy ra với người khác thì có nguy cơ điều ấy xảy ra với chính mình.
Sabrina Lal: Rất nhiều bạn trẻ ra ngoài, họ đi chơi, họ có thể bị nguy hiểm bởi nó có thể xảy ra với bất cứ ai. Jessica là chị của tôi, là con của ba mẹ tôi. Thế nhưng chuyện này có thể xảy ra với bất kỳ chị của ai hay con của ai. Jessica cũng như bao người con gái khác, có ước mơ và khát vọng. Và chị tôi bị giết chỉ vì từ chối đưa rượu cho 1 người. Những người có thế lực và quyền hành trong tay đã quyết định rằng mạng sống một con người không đáng giá bằng 1 cốc rượu. Có lẽ nào ở đất nước này mạng sống con người rẻ rúng đến thế sao?
Quỳnh Chi: Vậy anh Prabhloch nghĩ gì về việc mọi người im lặng trước cái chết của Jessica?
Prabhloch Singh: Thật sự đó là cách người dân Ấn Độ hành xử và tôi không lên án người dân bởi vì những người nắm quyền hành ở Ấn Độ thường sử dụng quyền lực và tiền bạc để hù dọa người dân để họ không tham gia vào các hoạt động của xã hội. 
Quỳnh Chi: Đúng 12 năm ngày mất của Jessica, hẳn chị Sabrina thấy đau buồn lắm phải không ạ?
Sabrina Lal: Tôi nhớ Jessica mỗi ngày. Tự nhiên tôi phải đối diện với sự thật là Jessica không còn nữa, thật sự không dễ dàng chút nào. Qua thời gian thì dĩ nhiên tôi cũng có những niềm vui riêng nhưng mà dĩ nhiên là tôi vẫn rất nhớ chị gái tôi.
Quỳnh Chi: Điều gì làm chị nhớ nhất về Jessica?
Sabrina Lal: Lúc trước, tôi và Jessica luôn luôn chơi đùa cùng nhau, cùng đi tiệc hay tham dự các buổi lễ hội cùng nhau, xem phim cùng nhau và ca hát cùng nhau… nói chung là những gì mà hai người bạn thân vẫn hay làm, cái mà tôi nhớ nhiều nhất về Jessica là nụ cười luôn ở trên môi của chị ấy.
Quỳnh Chi: Quỳnh Chi cũng được biết là vài năm sau khi tìm công lý cho Jessica, cha mẹ chị cũng mất đúng không ạ?
Sabrina Lal: Mẹ tôi cũng mất sau Jessica 3 năm. Sau đó, năm 2006 thì cha tôi cũng chết theo. Bạn có thể tưởng tượng rằng gia đình tôi tán nát sau vụ tai nạn của Jessica.
Quỳnh Chi: Thưa anh Prabhloch, lúc đầu khi tổ chức biểu tình đòi công lý cho Jessica, anh có nghĩ là nó sẽ lớn mạnh đến như thế? 
Prabhloch Singh: Lúc đầu làm cuộc biểu tình tìm công lý cho Jessica, tôi không nghĩ rằng nó sẽ lan rộng đến như vậy. Thật sự nhiều người rất sợ tham gia vào những vấn đề chính trị nên lúc đầu không tham gia nhiều. Đó là thực tế tại Ấn Độ.
... sau nhiều năm đi tìm công lý, chúng tôi gần như đã muốn từ bỏ hy vọng. Cuối cùng thì cũng có ngày kẻ sát nhân phải đền tội và cuối cùng chúng tôi cũng có thể cố gắng sống tiếp tục.
Sabrina, em gái Jessica
Quỳnh Chi: Vậy thì việc Manu Sharma đền tội có cải thiện được tình trạng án oan sai tại Ấn Độ không thưa chị Sabrina?
Sabrina Lal: Tôi nghĩ là như vậy và tôi hy vọng như vậy. Tôi nghĩ rằng việc Manu Sharma bị án tù cũng phần nào làm tình huống đỡ hơn. Thế nhưng, cái mà mọi người thật sự mong muốn là sẽ hoàn toàn không có những cái chết oan uổng như thế nữa.
Quỳnh Chi: Dạ vâng, nếu có một điều ước, chị sẽ ước gì?
Sabrina Lal: Tôi chỉ ước rằng thời gian trở lại để mang chị tôi trở lại.
Quỳnh Chi: Vâng, Quỳnh Chi xin cám ơn 2 vị đã dành thời gian cho đài RFA.  Và kính chúc 2 vị được nhiều may mắn.
Chị Sabrina vừa nói rằng “cái mà mọi người thật sự mong muốn là sẽ hoàn toàn không có những cái chết oan uổng như thế nữa”, hẳn đây cũng là mong muốn của rất nhiều người, trong đó có người Việt Nam bởi trong cuộc sống, chắc chắn rằng nhiều người vẫn chưa tìm được công lý.
Quý vị vừa đến với chương trình “Câu Chuyện Hàng Tuần”. Nếu quý vị cảm thấy những câu chuyện này có ích hay có ý nghĩa, xin email cho Quỳnh Chi tại địa chỉ email Quynhchi@rfa.org hoặc kết nối với Quỳnh Chi trên Facebook và Twitter. Xin kính chào và hẹn gặp lại quý vị vào kỳ tới.

Không có nhận xét nào: