Trần Bình Nam
Thế giới A rập và Hồi giáo tại Trung đông và Bắc Phi đang trải qua một cuộc cách mạng có thể làm thay đổi bộ mặt của vùng đất này và tạo ra những chấn động chính trị có tầm vóc thay đổi mối quan hệ quốc tế hiện hữu.
Bão nổi từ Tunisia ngày 17/12/2010 thổi qua Yemen, Ai Cập, Quatar, Bahrain, Syria và từ ngày 18/2/2011 cơn gió dân chủ ào ạt thổi đến Libya đe dọa chế độ của nhà độc tài Kadafi.
Ngày 11/2/2011 tổng thống Hosni Mubarak của Ai Cập từ chức, nhường quyền quản lý đất nước cho các tướng lãnh qua sự dàn xếp khéo léo của Hoa Kỳ. Vào những ngày hạ tuần tháng 4 tổng thống Yemen chuẩn bị từ chức. Trong khi đó chính quyền Bahrain, Quatar, Syria tiếp tục dùng vũ lực đàn áp các cuộc biểu tình trước sự bất động của thế giới Tây phương.
Thế giới hình như đang dồn tâm lực tìm một giải pháp cho Libya nghĩ rằng nếu có một giải pháp cho Libya tình hình Trung đông sẽ được ổn định.
Libya đất rộng dân thưa. So với Việt Nam Libya rộng hơn 5 lần, và với 5.8 triệu người, dân số Libya chỉ bằng 1/15 dân số Việt Nam. Nhưng Libya từng là nơi hội tụ của nhiều nền văn minh Hy Lạp, La Mã, A Rập và từ năm 1911 đến nay là trung tâm tranh chấp của các nước Tây phương chính yếu là Ý, Pháp, Anh, Mỹ. Gần đây hơn, dưới chế độ của đại tá Kadafi, Libya còn là trung tâm ve vãn của Trung quốc và Liên bang Nga.
Người Hy Lạp chiếm đóng Libya từ thế kỷ 7 trước Công nguyên . Sáu thế kỷ sau, người La Mã thay người Hy Lạp cho đến thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên, người A Rập chiếm đóng Libya. Đến thế kỷ thứ 16 người Thổ Nhĩ Kỳ sát nhập Lybia vào đế quốc Ottoman của họ, lấy Tripoli (nay là thủ đô Libya) làm trung tâm chính trị.
Trước khi đế quốc Ottoman suy tàn, năm 1911 Libya trở thành thuộc địa của Ý. Năm 1943 trong Thế chiến 2 quân đội đồng minh đánh bại quân đội Ý và chiếm đóng Libya. Sau khi Thế chiến 2 chấm dứt (1945) Libya được đặt dưới sự giám hộ của Liên hiệp quốc và năm 1951 trở thành một Vương quốc độc lập dưới quyền cai trị của vua Idris as-Senussi xuất thân là một trong những tộc trưởng có công tranh đấu cho nền độc lập Libya.
Lịch sử Libya sóng gió kể từ năm 1959 khi các hãng dầu Tây phương tìm thấy dầu tại Libya. Dầu hỏa đã đem lại nhiều quyền lợi cho vương triều Idris nhưng cũng mang đến nhiều tai họa cho nhân dân Libya.
Trong thập niên 1960 phong trào A Rập dâng cao tại Trung đông, trong khi vua Idris bảo thủ không chịu hội nhập với phong trào, thúc đẩy một nhóm sĩ quan trẻ do Đại úy Kadafi (sau này trở thành Đại Tá) cầm đầu một cuộc đảo chánh lật đổ vua Idris và thành lập Cộng Hòa Hồi giáo Libya năm 1969.
Đại tá Kadafi là một người có tài, chủ trương đất A Rập của người A Rập, thù ghét Tây phương và ông nhanh chóng trở thành một nhà độc tài lập dị. Ông bắt chước trang phục của Cesar, họp hành bàn quốc sự trong lều dựng ngoài trời cho giống dân du mục (TBN: thật ra ông họp trong lều là đế tránh tình báo Tây phương nghe lén). Ông thuê các thiếu phụ trẻ đẹp người Ukraine làm vệ sĩ và săn sóc sức khỏe cho ông. Năm 1988, ông ra lệnh đặt bom làm nổ một máy bay dân sự của hãng Pan Am của Hoa Kỳ trên không phận Scotland . Ông chi tiền giúp các nhóm khủng bố tại Palestine, Phi Luật Tân và nhómQuân đội Cộng hòa Ái Nhĩ Lan (Irish Republican Army – IRA). Đồng thời Kadafi tiến hành chương trình chế tạo bom nguyên tử .
Sau cuộc khủng bố 911 năm 2001, Hoa Kỳ đánh Afghanistan và tấn công Iraq lật đổ Saddam Hussein. Kadafi biết phận mình ông thay đổi thái độ. Ông giao hai người bỏ bom chiếc chiếc máy bay Pan Am 103 cho tòa án Anh quốc (TBN: sau này Kadafi dùng dầu vận động chính phủ Anh trả tự do cho một trong hai người) và bỏ ra hằng trăm triệu mỹ kim bồi thường cho các gia đình nạn nhân. Quan trọng nhất là tự nguyện hủy bỏ chương trình nguyên tử và đồng ý bảo đảm nguồn dầu hỏa giới hạn của Libya cho Hoa Kỳ, Ý, Pháp, Trung quốc và Liên bang Nga .
Năm 2004 Hoa Kỳ hủy bỏ lệnh cấm vận Libya. Không còn bị liệt vào thành phần bất hảo, Đại Tá Kadafi đã được đón tiếp tại dinh thủ trướng Anh số 10 Downing Street London, được ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice đến thăm tại Tripoli, và được bầu làm chủ tịch khối các quốc gia Phi châu trong một nhiệm kỳ.
Tuy nhiên chỉ là một “cuộc tình duyên” đồng sàng dị mộng, nên khi dân Libya theo chân Tunisia, Ai Cập xuống đường, các nước Tây phương tuy có lúng túng trước tình hình mới cũng nghĩ rằng đây là cơ hội tốt để nhổ cái gai Kadafi nhường chỗ cho một chế độ dân chủ thân Tây phương.
Ngày 17/3/2011 Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thông qua Nghị quyết 1973 cho phép Liên hiệp quốc áp đặt vùng cấm máy bay của Kadafi bay trên không phận Libya (no-fly zone) để – với lý do – ngăn không cho Kadafi dùng Không quân bỏ bom và bắn giết những người biểu tình đòi dân chủ. Người ta ngạc nhiên vì Trung quốc và Liên bang Nga đã không phủ quyết mà chỉ bỏ phiếu trắng để cho 10 phiếu thuận của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc trở thành Nghị quyết quốc tế.
Hoa Kỳ đã nhanh chóng hành động. Hàng trăm hỏa tiễn đã được Hải quân Hoa Kỳ bắn vào các cơ sở quân sự của Kadafi . Nhưng tổng thống Obama rút kinh nghiệm hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan chỉ can thiệp cấp thời để cứu các lực lượng “dân chủ” chống Kadafi khỏi tan rã rồi giao lại nhiệm vụ thi hành nghị quyết “cấm bay” cho NATO. Hoa Kỳ tuyên bố không có ý định lật đổ Kadafi, và sẽ không bao giờ đưa quân đến Libya. Tuy nhiên tổng thống Obama nghĩ rằng nghị quyết của Hội đồng Bảo an có thể tạo ra sức bật cần thiết để nhân dân Libya đứng lên hòan thành cuộc cách mạng dân chủ. Ông mạnh dạn tuyên bố “Kadafi phải ra đi!”
Nhưng sự việc đã không xẩy ra như dự kiến của tổng thống Obama. Sau khi giao trách nhiệm áp đặt No-fly zone cho NATO, cuộc chiến nhì nhằng. Kadafi tiến qua (về phía Đông), phe đối lập đánh lại (về phía Tây) tùy theo mức độ can thiệp của Không quân NATO .
Hai bên tiến quân qua lại theo xa lộ dài hàng trăm cây số dọc theo bờ biển Địa trung Hải. Lời tuyên bố bảo vệ dân Libya của NATO mỗi lần bỏ bom chận đà Kadafi tiến quân trở thành buồn cười vì hai bên (phe ủng hộ và phe chống Kadafi) bắn nhau và dân chúng đều bị tổn thất bởi súng đạn cả hai bên, ngay cả các cuộc bỏ bom của NATO cũng gây tổn thất nhân mạng cho dân chúng. Trong khung cảnh đó, cuộc chiến tại Libya trở thành một cái gì khác thường.
Cái làm cho cuộc chiến tại Libya khác thường có thể là dầu hỏa và đặc biệt là vai trò của Trung quốc.
Khi khí thế dân nổi dậy đòi dân chủ bùng nổ tại Bắc phi, Trung quốc và Liên bang Nga đều biết nó là một hiện tượng không kềm chế được một cách đơn giản và chọn thái độ như Tây phương là hành xử cách nào để duy trì quyền lợi của mình.
Trung quốc đang mua và vẫn cần mua dầu hỏa của Libya nên Trung quốc có nhu cầu duy trì thiện cảm với một chính quyền mới tại Libya, nên Trung quốc không bỏ phiếu phủ quyết Nghị quyết 1973. Trung quốc biết dù không có Nghị quyết 1973 của Liên hiệp quốc vẫn không ngăn cản Hoa Kỳ, Pháp, Ý hành động (như Hoa Kỳ từng hành động tại Iraq) và Trung quốc sẽ mất cả chì lẫn chài. Nhưng Trung quốc cũng không thể bỏ phiếu thuận, vì nếu Kadafi tồn tại Trung quốc sẽ có khó khăn về sau chẳng những với Libya mà còn khó khăn với các nước Phi châu vốn có cảm tình với Kadafi. Trung quốc nhập cảng 35% dầu dùng trong nước từ Phi châu . Phiếu trắng là lựa chọn tốt nhất của Trung quốc (và Liên bang Nga).
Hành động nửa vời của Hoa Kỳ “vừa đánh vừa run” và cách xử dụng vũ lực của NATO khi đánh khi không để hai bên không bên nào diệt được bên nào phải chăng là một thỏa thuận giữa 5 Ủy viên Thường trực của Hội đồng Bảo an để Trung quốc và Liên bang Nga bỏ phiếu trắng ?
Và cục diện Libya sẽ như thế nào? Libya bị chia đôi; Kadafi, – hay ít nhất con trai ông ta – còn đó; Al Quada bị kềm chế; Anh, Pháp, Mỹ, Liên bang Nga, Trung quốc, Ý không ai mất phần dầu.
Phải chăng đó sẽ là giải pháp cho cuộc nổi dậy tại Libya ?
Thời thế thế giới “thế thời phải thế”. Các thế lực trên thế giới đều hành xử theo quyền lợi của mình. Những gì còn lại đều là chiêu bài.
Trần Bình Nam
April 25, 2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét