28.4.11

rfi diem bao 4


Trung Quốc mua tàu sân bay Ukraina để nắm kỹ thuật quân sự
Nhật báo Le Monde hôm nay chú ý đến « Hàng không mẫu hạm sản xuất tại Trung Quốc’». Chiếc tàu sân bay đầu tiên Trung Quốc đang sản xuất được công luận Trung Quốc và thế giới chú ý đến từ vài tuần nay. Mặc dầu tham vọng sở hữu hàng không mẫu hạm của Bắc Kinh đã được chính thức công bố năm 2009, nhưng thông tin vẫn được giữ kín. Cuốn Sách trắng về Quốc phòng Trung Quốc xuất bản ngày 31/3 vừa qua vẫn không hề nhắc đến điều này.
Chiếc tàu Varyag mua của Ukraina đang đậu tại cảng ở Liêu Ninh ngày 17/4/11.
Chiếc tàu Varyag mua của Ukraina đang đậu
tại cảng ở Liêu Ninh ngày 17/4/11. Reuters
Đảo Trường Hưng (Changxing) – đảo lớn nhất miền Bắc Trung Quốc và lớn thứ năm nước này, có một công trường hàng hải quốc phòng được giữ bí mật cao. Theo một số nhân chứng, chưa hề thấy sự hiện diện của chiếc tàu sân bay tại nơi này. Tuy nhiên, Andrei Chang, tổng biên tập tạp chí Quân sự châu Á Kanwa Asian Defence, cho biết, việc sản xuất các hệ thống vũ khí, các loại vật tư đặc biệt cho con tàu đã được khởi sự từ hai năm nay.
Andrei Chang chính là người đã từng báo trước, vào tháng Giêng năm nay, chuyến bay thử đầu tiên của loại máy bay tiêm kích đời mới của Trung Quốc. Cũng chính ông Andrei Chang đã nhận thấy, qua các bức ảnh vệ tinh, và kể lại  với tờ South China Morning Post của Hồng Kông về một sân bóng đá, nằm ngay sát nơi ở của các chuyên gia quân sự tại công trường hàng hải kể trên. Theo tổng biên tập Kanwa Asian Defence, đây chính là dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của các công nhân và kỹ sư Ukraina tại một căn cứ quân sự Trung Quốc.
Trên thực tế, như tin tức đã được loan tải, hàng không mẫu hạm mà Trung Quốc đang sản xuất, dựa trên chiếc vỏ có sẵn của một tàu sân bay Ukraina có tên gọi Varyag. Sau thất bại với chiếc vỏ tàu mua lại từ Úc vào năm 1985, bị biến thành sắt vụn năm 2002, năm 1998 Trung Quốc đã mua được một chiếc tàu sân bay mà hải quân Ukraina thanh lý sau khi Liên Xô sụp đổ, với giá 20 triệu đô la. Con tàu Varyag lúc đó còn chưa hoàn thiện, thiếu điện và phần máy móc.
Năm 2003, tàu Varyag được đưa tới cảng quân sự Đại Liên, miền đông bắc Trung Quốc, thay vì đến Macao để trở thành một khu nhà vui chơi trên biển. Năm 2009, con tàu Ukraina có thể đã được đổi tên thành Shi Lang (Thi Lang), tức là tên của một viên tướng hải quân Trung Hoa thời Thanh, từng chinh phục Đài Loan năm 1638. Tuy nhiên việc đổi tên này không được truyền thông chính thức của Trung Quốc khẳng định.
Ngày 6/4, Tân Hoa Xã công bố các bức ảnh cho thấy Varyag đang nằm trên bến cảng. Vẫn theo tổng biên tập tạp chí Quân sự Châu Á, phần bên trong con tàu đã được hoàn thiện 100%, chỉ còn hệ thống vũ khí và ra-đa là đang làm. Nhiều người cho rằng chiếc tàu sắp hạ thủy đến nơi, nhưng theo dự đoán của các chuyên gia quân sự Hoa Kỳ, con tàu mang bí số « F » chỉ được đưa vào sử dụng năm 2015. Việc thử nghiệm sử dụng con tàu và các phương tiện trên tàu sẽ đòi hỏi nhiều năm, đặc biệt là việc đào tạo các phi công có khả năng đáp máy bay xuống tàu.
Theo Le Monde, việc Trung Quốc mua tàu sân bay của Ukraina đã mở ra cho Bắc Kinh một cơ hội vô cùng quý giá, được tiếp cận với các chuyên gia nắm công nghệ quân sự cao cấp của một trong các nước thành viên thuộc Liên bang Xô Viết cũ. Ukraina đã tiếp nhận các phi công thực tập của Trung Quốc tại căn cứ quân sự Nitka, thuộc bán đảo Crime, trung tâm duy nhất huấn luyện các hoạt động trên các hàng không mẫu hạm Xô Viết. Và nước này cũng sẵn sàng nhắm mắt làm ngơ để Trung Quốc hợp tác với các thợ lành nghề, vốn làm việc trong các phân xưởng Xô Viết.
Trung tâm huấn luyện quân sự mà Trung Quốc đang xây dựng tại Hưng Thành (Xingcheng), thuộc khu quân sự Hồ Lô Đảo (Huludao) (tỉnh Liễu Ninh), theo nhận xét của nhật báo Ukraina Seodnya, có rất nhiều điểm tương đồng với căn cứ Nikta của Ukraina.
Ukraina bắt đầu trở nên cảnh giác với Trung Quốc. Tháng Hai vừa qua, Kiev đã kết án 6 năm tù đối với công dân Nga Alexandre Ermakov, vì tội môi giới cho các chuyên gia thuộc các nước Cộng hòa Xô Viết cũ làm việc cho Trung Quốc, với giá 1.500 đô la một người. Bị cáo Alexandre Ermakov và con trai cũng bị kết tội đã bán cho an ninh Trung Quốc các thông tin và sơ đồ của trung tâm huấn luyện Nikta với giá 1 triệu đô la.
61 thủ lĩnh bộ lạc ký chung một tuyên ngôn chống lãnh đạo Kadhafi
Về diễn biến của Libya hôm nay, trong lúc chiến sự tại Misrata vẫn rất căng thẳng, nhật báo Le Figaro đưa tin « 61 thủ lĩnh bộ lạc ký chung một văn bản chống lãnh đạo Kadhafi ». Sáu mươi mốt người đứng đầu bộ lạc khẳng định mong muốn của họ xây dựng « một nước Libya thống nhất, sau khi kẻ độc tài ra đi ». Theo Le Figaro, nhà văn Bernard-Henri Lévy, người đưa ra sáng kiến này, coi đây như là bằng chứng cho thấy người Libya đã đoàn kết lại. Ông Bernard-Henri Lévy đã có mặt tại Benghazi, thủ phủ của quân nổi dậy, tham gia vào các cuộc họp chuẩn bị cho văn bản này. Văn bản được công bố trên địa chỉ mạng của nhà văn « La Règle du jeu ». Nhà văn Bernard-Henri Lévy cho biết, bản tuyên ngôn trước hết có được chữ ký của 32 thủ lĩnh các bộ lạc khu vực miền Đông vừa được giải phóng. Trong số 61 người ký tên cuối cùng vào tuyên ngôn, có đại diện của các bộ lạc thuộc tất cả các vùng trong cả nước, bao gồm cả bộ lạc Kadhafa, của Kadhafi.
Đối với nhà văn Bernard-Henri Lévy, việc tuyên ngôn kể trên được nhiều thủ lĩnh bộ lạc tại Libya hưởng ứng cho thấy, « huyền thoại về một nước Libya bị cắt làm hai không còn giá trị nữa ». Tuy nhiên, một chuyên gia về Libya, người Pháp, ông Patrick Haimzadeh, cho rằng cần phải hiểu từ thủ lĩnh bộ lạc ở Libya một cách khác. Một bộ lạc có nhiều « cheikh », tức một dạng người có uy thế trong cộng đồng, tạm dịch là tù trưởng. Có những bộ lạc có đến 20 cheikh. Việc một trong số những người được gọi là « thủ lĩnh » ký tên, không có nghĩa là tất cả đều đồng ý. Hiện vẫn có nhiều bộ lạc có vũ trang chiến đấu bên phía lãnh đạo Libya Kadhafi. Ngược lại, cũng có các đại diện bộ lạc ký tên, nhưng thực chất trong thâm tâm họ vẫn ủng hộ Kadhafi. Dù sao, bản tuyên ngôn chống Kadhafi được 61 tù trưởng ký tên cũng mang lại một lợi thế mới cho Lực lượng nổi dậy, vốn vẫn bị Kadhafi lên án là âm mưu chia rẽ Libya.
Ai sẽ lãnh đạo Ai Cập trong tương lai ?
Cũng về Bắc Phi, Le Figaro hướng cái nhìn đến các lực lượng nắm giữ tương lai chính trị của Ai Cập với bài phân tích « Những người không tên tuổi của nước Ai Cập ngày mai », do đặc phái viên gửi về từ Cairo.
Câu hỏi lớn đặt ra về đời sống chính trị tại Ai Cập là sau khi quân đội chuyển giao nhanh chóng quyền lực cho giới lãnh đạo dân sự, ai sẽ là những người lãnh đạo «nền Đệ nhị Cộng hòa » của Ai Cập? Trong cuộc cách mạng vừa qua, vắng hoàn toàn bóng dáng của các bậc thầy cách mạng thế giới như Lênin, Fidel Castro hay giáo chủ Khomeini, v.v. Cuộc chính biến được tổ chức từ dưới lên, với rất nhiều các nhóm không chính thức, trong đó người theo Hồi giáo và Thiên chúa giáo cùng hoạt động với nhau. Trong bối cảnh chính trị này, thật khó dự đoán trước lực lượng nào sẽ dẫn dắt các định chế quốc gia tại Ai Cập. Tuy nhiên, không khí bất định này không làm các công dân Ai Cập hoảng sợ, bởi ở đây cuộc sống đã trở lại bình thường, với các dòng khách du lịch, đạt đến 70% mức trung bình của thời kỳ trước khi cách mạng nổ ra.
Gương mặt mới của chúa Giê Su, qua triển lãm hội họa Rembrandt
Từ đây, cho đến tháng 18/7, tại bảo tàng nghệ thuật Louvre, người yêu hội họa có thể đến thưởng thức các tác phẩm của nhà họa sĩ tài danh người Hà Lan Rembrandt, một người được coi là đã mang lại những cách tân lớn trong hội họa thế kỷ XVII, đặc biệt là các bức tranh vẽ chúa Giê Su. Hình tượng chúa Giê Su trong các họa phẩm của Rembrendt rất mới mẻ, một phần bởi vì ông đã thoát ra khỏi những tưởng tượng truyền thống về chúa Giê Su, với hình ảnh một vị Chúa Trời vương giả vùng Bắc Âu, hay mang dáng vóc của một lực sĩ Ý. Chúa Giê Su của Rembrandt gần với một người thường.
Họa phẩm mang tên “Chúa trên thập giá“, được hoàn thành năm 1631, thể hiện chúa Giê Su như một con người gầy guộc, mảnh khảnh. Toàn bộ sự chú ý và ánh sáng được tập trung vào khuôn mặt của nhân vật. Ngay ở khuôn mặt, danh họa cũng không chấp nhận thể hiện các cảm xúc đơn giản và trọn vẹn, ở đây cũng không có sự đau khổ quá đỗi  hay một sự bay bổng mang tính thần thánh.
Le Monde cho rằng, một bức họa của Rembrandt chỉ với một chục nét vẽ chì, còn đáng xem hơn là hàng nghìn bức tranh hoàn thiện của rất nhiều người khác.
Trang nhất các nhật báo Pháp
Về thời sự quốc tế, La Croix hôm nay hướng đến nước Cộng hòa Tây Phi Bờ Biển Ngà (Côte d’Ivoire), hai tuần sau khi cựu Tổng thống Gbagbo bị bắt giữ, với bài phỏng vấn tân Tổng thống Ouattara mang tựa đề « Hòa giải khó khăn hơn so với tái thiết ».
Le Figaro thì chú ý đến việc Tổng thống Mỹ Obama phải công bố giấy khai sinh để bác lại luồng dư luận cho rằng, Tổng thống Hoa Kỳ có thể đã chào đời ở ngoài nước Mỹ, vì vậy ông không có quyền trở thành tổng thống.
Le Figaro và Les Echos cùng ghi nhận nạn thất nghiệp tại Pháp đang giảm xuống với hàng tựa « Nạn thấp nghiệp : ít nóng hơn » và « Thất nghiệp giảm xuống vào tháng Ba mang lại nhiều hứa hẹn ».
Tờ Le Monde công bố kết quả nghiên cứu về « Bạo lực của các phụ huynh học sinh nhắm vào các giáo viên ». Libération thông báo về cuộc tranh cử tổng thống sơ bộ trong đảng Xã hội đã mở màn : « Bầu cử sơ bộ: Bắt đầu cuộc đua ». Tờ L’Humanité tường trình về vụ tự thiêu của một nhân viên tập đoàn truyền thông Pháp France Télécom với hàng tựa « Vụ tự sát, như một bản cáo trạng ».

Không có nhận xét nào: