Những vấn đề ưu tiên tại Thượng Đỉnh ASEAN lần thứ 18
Ngọc Trân, thông tín viên RFA
2011-05-07
Hội nghị Thượng Đỉnh ASEAN lần thứ 18 đang diễn ra tại Jakarta. Indonesia hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên khối ASEAN trong năm nay, sẽ giúp thúc đẩy tiến trình hình thành một Cộng đồng ASEAN, đó cũng là mục tiêu mà tổ chức này đã đề ra sẽ hoàn thành vào năm 2015.
Ngoài mục đích xây dựng Cộng đồng ASEAN, đâu là những những ưu tiên trong Hội nghị Thượng Đỉnh lần này? Thông tín viên Ngọc Trân có bài tường trình.
Xây dựng Cộng đồng ASEAN
Một trong ba vấn đề chính đã được Indonesia đưa vào chương trình nghị sự của hội nghị Thượng Đỉnh ASEAN lần này, đó là, bảo đảm đạt mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Do vai trò của ASEAN tham gia các diễn đàn quốc tế ngày càng gia tăng, tại hội nghị Thượng Đỉnh ASEAN lần thứ 9, các nước đã đưa ra kế hoạch xây dựng một Cộng đồng ASEAN, dựa trên ba yếu tố: Cộng đồng An ninh ASEAN, Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN. Đây cũng là mục tiêu mà tổ chức này mong muốn sẽ hoàn thành vào năm 2015.Về Cộng đồng An ninh ASEAN, nhằm mục đích thúc đẩy sự hợp tác về chính trị và an ninh toàn khối ASEAN, nâng cao khả năng tự quản lý an ninh trong khu vực Đông Nam Á, như hợp tác hàng hải và chống khủng bố, thế nhưng sẽ không có kế hoạch cho một hiệp ước quốc phòng hay quân sự trong khu vực.
Ý tưởng xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã được các nước thành viên thông qua vào năm 2007, qua đó, phát triển khu vực kinh tế ASEAN thành một thị trường chung, như thị trường Liên minh châu Âu, làm cho nền kinh tế trong khu vực có khả năng cạnh tranh cao, phát triển bền vững, và trở thành khu vực hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.
Hơn nữa, chính phủ các nước ASEAN đã ‘cam kết thúc đẩy vấn đề con người và xã hội, tôn trọng các quyền tự do cơ bản, bình đẳng giới tính, thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và thúc đẩy công bằng xã hội’.TTK ASEAN Surin Pitsuwan
Riêng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN, nhằm xây dựng một cộng đồng ASEAN có bản sắc riêng, lấy yếu tố con người làm trọng tâm, xây dựng tình đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa người dân các nước ASEAN, xây dựng một xã hội chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, nhằm nâng cao mức sống và phúc lợi của người dân Đông Nam Á.
Tháng trước, phát biểu tại một hội nghị, tiến sĩ Surin Pitsuwan, Tổng Thư ký ASEAN cho biết: “Chúng ta cũng nên biết rằng, trừ khi Cộng đồng ASEAN đạt được sự phát triển về con người và tiến bộ xã hội với sự công bằng, và trừ khi chúng ta hội nhập những người có hoàn cảnh bất lợi trong các chính sách phát triển, nếu không thì Cộng đồng ASEAN sẽ không được xây dựng trên nền tảng về nhân phẩm cũng như lòng tự trọng. Cuối cùng thì Cộng đồng ASEAN sẽ do người dân và cộng đồng thế giới đánh giá qua việc chúng ta đối xử với công dân của chúng ta như thế nào.
Hơn nữa, chính phủ các nước ASEAN đã ‘cam kết thúc đẩy vấn đề con người và xã hội, tôn trọng các quyền tự do cơ bản, bình đẳng giới tính, thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và thúc đẩy công bằng xã hội’.”
Duy trì ổn định trong khu vực
Ngoài mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN, chương trình nghị sự trong Hội nghị Thượng Đỉnh lần này còn có mục tiêu duy trì an toàn và ổn định trong khu vực, để các nước có thể tiếp tục phát triển.Lãnh đạo ASEAN hiện đang đối phó với những thử thách trong khu vực, nhất là vấn đề căng thẳng do xung đột ở biên giới Thái Lan – Campuchia, cũng như tranh chấp trên biển Đông giữa các nước trong khu vực với nhau, và với Trung Quốc.
Tranh chấp biên giới Thái Lan - Campuchia trở thành chủ đề nóng tại Hội nghị Thượng Đỉnh ASEAN. Ông Marty Natalegawa, Ngoại trưởng Indonesia, cho biết, Hội nghị Thượng Đỉnh lần này sẽ dành nhiều thời gian để thảo luận vấn đề xung đột biên giới giữa hai nước thành viên ASEAN.
Ông Natalegawa cũng cho biết thêm, hai nước Thái Lan và Campuchia đã đồng ý, cho phép 15 quan sát viên quân sự Indonesia, có mặt tại mỗi bên biên giới tranh chấp, nhằm giúp ngăn chặn các cuộc đụng độ quân sự tiếp diễn.
Indonesia hiện đang dẫn đầu trong việc hòa giải xung đột giữa Campuchia và Thái Lan, mặc dù đã giúp giảm bớt xung đột, thế nhưng tình hình hiện vẫn còn căng thẳng. Do nguyên tắc cốt lõi của ASEAN là không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước thành viên, cho nên các nước thành viên chỉ có thể can thiệp vào nội bộ của các nước khác, khi có sự đồng thuận của các nước có liên quan.
Vấn đề biển Đông có lẽ cũng sẽ được các nước đem ra thảo luận tại hội nghị lần này. Đây là chủ đề luôn gây căng thẳng trong khu vực, do Trung Quốc có khuynh hướng sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết tranh chấp chủ quyền với các nước trên biển Đông.Hai tháng trước, căng thẳng xảy ra trên biển Đông khi hai tàu tuần tra của Trung Quốc quấy nhiễu tàu thăm dò năng lượng của Philippines tại Reed Bank, thuộc quần đảo Trường Sa, dẫn đến việc Phililippines viết thư đệ trình lên LHQ, phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông "không tuân theo luật pháp quốc tế". Đáp lại, Trung Quốc cũng đã gửi công hàm phản đối lên LHQ, nói rằng từ thập niên 1970, Philippines đã "xâm lược" quần đảo Trường Sa, mà Trung Quốc "có chủ quyền không thể tranh cãi".
Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, ông Benigno Aquino III, Tổng thống Philippines, sẽ đưa vấn đề tranh chấp trên quần đảo Trường Sa ra thảo luận tại Hội nghị Thượng Đỉnh lần này.
ASEAN trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu
Liên quan đến vấn đề tranh chấp trên biển Đông, Hoa Kỳ vẫn tin tưởng vào các tổ chức đa phương như ASEAN, cùng với các nước khác, ASEAN sẽ góp phần giữ vững an ninh trong khu vực.Trong buổi nói chuyện tại Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Trung - Mỹ hồi tháng trước, đô đốc Robert Willard, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, nhấn mạnh: “Sự lạc quan của tôi hình thành trên niềm tin, rằng Hoa Kỳ cùng với các nước đồng minh và các nước đối tác, tiếp tục bảo đảm hòa bình và an ninh trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, rằng các tổ chức đa phương như ASEAN và Thượng Đỉnh Đông Á tiếp tục lớn mạnh, mặc dù có nhiều sức ép, nhưng vẫn giữ thái độ ôn hòa”.
Ông Willard cũng tin tưởng rằng, khu vực Đông Nam Á, nói riêng và khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nói chung, sẽ tiếp tục được hưởng hòa bình và an ninh như hàng thập kỷ trước, mặc dù có những bất ổn trong thời gian qua.
Đô đốc Willard đã nói: “Sự mở rộng quân đội của Trung quốc quá lớn, thậm chí vượt quá một quân đội hùng mạnh nhất trên thế giới, cũng như sự quyết đoán của họ trong thời gian gần đây, đã chọc tức các nước láng giềng, ngay cả khi những nước này tin cậy vào các mối quan hệ tài chính, thương mại chưa từng có với nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Mặc dù có những thử thách, tôi vẫn lạc quan, rằng an ninh mà khu vực này đã được hưởng trong hàng thập kỷ qua, có thể tiếp tục được hưởng trong tương lai”.
Vai trò của Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ trong khu vực Thái Bình Dương, là giám sát an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương và duy trì hòa bình, cho cả lợi ích quốc gia của chúng tôi và lợi ích của các nước đồng minh và đối tác.Đô đốc Robert Willard
Ông Willard cho biết thêm, mặc dù Trung Quốc luôn gia tăng áp lực lên các nước trong vùng, thế nhưng, với vai trò của Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Hoa Kỳ sẽ bảo vệ lợi ích của Mỹ và các nước đồng minh trong khu vực. Ông Willard đã nói: “Chúng tôi tin rằng Trung Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng trong vấn đề an ninh trên biển Nam Trung Hoa (biển Đông), khu vực hàng hải quan trọng mà Hoa Kỳ đã tuyên bố lợi ích quốc gia.
Vai trò của Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ trong khu vực Thái Bình Dương, là giám sát an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương và duy trì hòa bình, cho cả lợi ích quốc gia của chúng tôi và lợi ích của các nước đồng minh và đối tác.”
Với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và các nước, người ta hy vọng rằng khối ASEAN sẽ đoàn kết trong việc giải quyết các vấn đề trong khu vực, cũng như sẽ có một lập trường chung cho các vấn đề an ninh toàn cầu.
Theo dòng thời sự:
- Kỳ vọng gì ở Thượng đỉnh ASEAN 18?
- Cập nhật về Thượng đỉnh ASEAN 18 ngày 07/05/2011
- Giới ngoại giao nghi ngại mục tiêu hội nhập của ASEAN
- Châu Á sẽ có cuộc sống sung túc nhất thế giới vào năm 2050?
- Philippines phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông
- Tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông
- Hoa Kỳ cam kết tiếp tục bảo vệ an ninh khu vực Á Châu - TBD
- Thái Lan pháo hơn 50 ngàn đạn sang Campuchia?
- ASEAN khởi sự kế hoạch Dự trữ gạo khẩn cấp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét