RFI Điểm Báo 22.05.2011
Posted on 22/05/2011 by Doi Thoai
- Bắc Triều Tiên: Một chế độ bất hảo nhưng không thể tẩy chay
- Biên giới Pakistan-Ấn Độ : Đường ranh nguy hiểm nhất thế giới
- Trung Quốc : Thành phố giầu có xua đuổi dân nghèo
- DSK : số phận nghiệt ngã
Chủ nhật 22 Tháng Năm 2011
Bắc Triều Tiên: Một chế độ bất hảo nhưng không thể tẩy chay
Chỉ có một hồ sơ duy nhất trên hầu hết trang bìa các tạp chí Pháp : vụ DSK tức Dominique Strauss-Kahn. Riêng về châu Á, tuần báo Anh Quốc The Economist đã có một bài nhận định không khoan nhượng về chế độ Bắc Triều Tiên mà thế giới không thể tẩy chay, cho dù thành tích bất hảo của Bình Nhưỡng rất nhiều.
Lính Bắc Triều Tiên đi tuần tại vùng biên giới với Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 20/05/2011. Reuters |
« Những kẻ côn đồ cầm quyền tại Bắc Triều Tiên chuyên nói dối và lừa gạt để kiếm sống. Thế nhưng họ là những người không thể tẩy chay ». Dưới tiểu tựa gay gắt trên đây, tuần báo Anh The Economist đã liệt kê trở lại các thành tích bất hảo của chế độ Bình Nhưỡng, sẵn sàng dùng sinh mạng người dân của mình để bắt chẹt thế giới. Tuy nhiên, vì lý do nhân đạo, theo The Economist, cộng đồng quốc tế không thể nào dửng dưng trước những lời kêu gọi trợ giúp lương thực của Bắc Triều Tiên.
Bài nhận định mang tựa đề « Một mình một cõi » trên trang châu Á của The Economist mở đầu với một đánh giá không một chút khoan nhượng về chế độ Bình Nhưỡng, bị liệt vào diện « chính quyền tồi tệ » hơn hết trên thế giới. chính quyền Bắc Triều Tiên không chỉ điều hành đất nước như là một trại tù khổ sai, họ không chỉ quản lý nền kinh tế một cách kém cỏi làm cho hàng triệu người không đủ ăn, mà họ còn hành động như một nước côn đồ trên bình diện quốc tế.
Chính sách đối ngoại của Bình Nhưỡng : danh mục các tội ác
Theo The Economist, đường lối ngoại giao của Bắc Triều Tiên thực ra chỉ là một hồ sơ tội phạm, bao gồm hàng loạt những vụ giết người, khủng bố, phổ biến vũ khí hạt nhân, bắt cóc trên quy mô lớn, buôn lậu ma túy và vũ khí, làm hàng giả và thậm chí ăn cắp.
Đối với tuần báo Anh, dường như chỉ có điên thì mới giao dịch với một chế độ như vậy. Tuy nhiên, thế giới bên ngoài không có con đường nào khác vì hai lý do : Bắc Triều Tiên là một mối đe dọa hạt nhân và một bộ phận dân chúng nước này có nguy cơ chết đói.
Trong những ngày gần đây, lại có thêm thông tin về các hành vi tội phạm của Bắc Triều Tiên. Dù Trung Quốc đã ngăn không cho công bố một bản báo cáo lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về hoạt động phổ biến hạt nhân của Bắc Triều Tiên, nhưng tài liệu này đã bị rò rỉ. Bình Nhưỡng bị cáo buộc là đã chuyển giao “các mặt hàng liên quan đến tên lửa đạn đạo bị cấm” cho Iran trên các chuyến bay thường xuyên, bất chấp cấm vận quốc tế.
Bắc Triều Tiên cũng bị bắt quả tang là đã vi phạm các lệnh cấm vận khác, chẳng hạn như lệnh cấm bán vũ khí cho các phe ở Eritrea, một nước châu Phi, áp đặt từ tháng Mười Hai năm 2009. Một chiếc tàu chở rocket, tên lửa địa đối không và chất nổ trị giá khoảng 15 triệu đô la, đã bị chặn gần đây ở Ấn Độ Dương khi đang trên đường từ Bắc Triều Tiên tới Eritrea.
Về thành tích bắt cóc người, The Economist nhắc lại sự kiện là vào năm 2002 Bình Nhưỡng đã thú nhận vụ bắt cóc 13 công dân Nhật Bản để buộc họ dạy tiếng Nhật cho các điệp viên mà Bắc Triều Tiên tung vào Nhật Bản. Còn theo một nhóm vận động hành lang ở Washington mang tên Ủy ban Nhân quyền tại Bắc Triều Tiên, tổng số người bị kẹt lại miền Bắc rất lớn : 180.000 người. Con số đáng kinh ngạc này bao gồm 83.000 người Hàn Quốc bị bắt trong chiến tranh Triều Tiên 1950-53, và 93.000 người gốc Triều Tiên tại Nhật Bản hồi hương về Bắc Triều Tiên sau chiến tranh và bị giữ rịt lại. Bên cạnh đó cũng có gần 4.000 người Hàn Quốc, chủ yếu là ngư dân, bị bắt cóc.
Đối với tuần báo Anh, Bắc Triều Tiên cũng là chế độ đã ra lệnh gài bom phá hủy một máy bay dân sự Hàn Quốc vào năm 1987, khiến 115 người thiệt mạng. Trước đó, vào năm 1983, điệp viên của chế độ Bình Nhưỡng cũng đánh bom triệt hạ một phái đoàn Hàn Quốc cấp cao đến thăm Rangoon ( Miến Điện), sát hại 17 bộ trưởng trong chính phủ Seoul và 4 người Miến Điện.
Đối với tuần báo Anh, Bắc Triều Tiên cũng là chế độ đã ra lệnh gài bom phá hủy một máy bay dân sự Hàn Quốc vào năm 1987, khiến 115 người thiệt mạng. Trước đó, vào năm 1983, điệp viên của chế độ Bình Nhưỡng cũng đánh bom triệt hạ một phái đoàn Hàn Quốc cấp cao đến thăm Rangoon ( Miến Điện), sát hại 17 bộ trưởng trong chính phủ Seoul và 4 người Miến Điện.
Gần đây hơn, Bắc Triều Tiên bị tình nghi là thủ phạm vụ tấn công vào tàu, Cheonan của hải quân Hàn Quốc vào tháng Ba năm 2010, giết chết 46 thủy thủ. Tiếp theo đó là vụ nã pháo vào dân thường sinh sống trên đảo Yeonpyeong vào tháng 11 cùng năm.
Phải đàm phán vì hiểm họa hạt nhân đến từ Bình Nhưỡng
Chính vì các yếu tố kể trên mà tranh cãi đã bùng lên về việc nên hay không nên « chiêu dụ » Bắc Triều Tiên, một nước có thói quen tiền hậu bất nhất. Tuy nhiên, theo The Economist, khó có thể xa lánh Bắc Triều Tiên hoàn toàn, vì không ai muốn can thiệp quân sự và đàm phán là giải pháp duy nhất.
Hơn nữa, theo một số nhà quan sát, cố gắng lôi kéo Bắc Triều Tiên trong quá khứ không phải là đã hoàn toàn thất bại. Trong khoảng thời gian bảy năm sau “hiệp định khung” Mỹ – Bắc Triều Tiên ký kết năm 1994, quả đúng là Bình Nhưỡng đã không đình chỉ các hoạt động hạt nhân bất hợp pháp như đã hứa. Tuy nhiên, như Alexander Vorontsov, một học giả Nga, đã lập luận, đó là “thời kỳ quốc tế thành công nhất trong việc giám sát chặt chẽ chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên”.
Trong tuần này Stephen Bosworth, nhà ngoại giao Mỹ chuyên trách Bắc Triều Tiên sẽ có mặt tại Seoul để cố làm sống lại tiến trình đàm phán sáu bên mà điểm gai góc nhất là yêu cầu của Hàn Quốc, đòi Bắc Triều Tiên phải xin lỗi về các cuộc tấn công năm ngoái.
Ngoài ra còn có vấn đề có nên cấp viện trợ lương thực cho Bắc Triều Tiên hay không. Hiện nay, Bình Nhưỡng hầu như không nhận được ai trợ cấp, ngoại trừ Trung Quốc mà khối lượng không rõ là bao nhiêu.
Ngoài ra còn có vấn đề có nên cấp viện trợ lương thực cho Bắc Triều Tiên hay không. Hiện nay, Bình Nhưỡng hầu như không nhận được ai trợ cấp, ngoại trừ Trung Quốc mà khối lượng không rõ là bao nhiêu.
Không thể để tái diễn cảnh cả triệu dân bị chế độ Bình Nhưỡng để chết đói
Thế nhưng, với hình ảnh hơn một triệu người Bắc Triều Tiên bị chết trong nạn đói thời những năm 1990, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã lên tiếng báo động và kêu gọi giúp đỡ con số 6,1 triệu dân Bắc Triều Tiên đang bị đe dọa.
Các nhà tài trợ hiện đang ngần ngại, sợ rằng Bắc Triều Tiên cố tình phóng đại nguy cơ, hoặc mưu toan sử dụng nạn đói để giành được các nhượng bộ ngoại giao. Người ta e ngại là thực phẩm gởi cho Bắc Triều Tiên, sẽ được Bình Nhưỡng ưu tiên phân phối cho quân đội của họ, hoặc thậm chí được tích trữ chuẩn bị cho một lễ kỷ niệm hào nhoáng dự trù năm tới : Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Kim Nhật Thành, người cha quá cố của đương kim lãnh đạo Bắc Triều Tiên.
Như Stephan Haggard và Marcus Noland, hai học giả người Mỹ, đã lưu ý, công việc giám sát tiến trình phân phối viện trợ không thể hoàn hảo, nhưng ngay cả khi Chương trình Lương thực Thế giới đã bị lừa để đưa ra các ước tính quá cao về hiểm họa đói kém tại Bắc Triều Tiên, thì vẫn phải bảo đảm việc viện trợ thực phẩm cho nước này. Đã có bằng chứng cho thấy là một số người Bắc Triều Tiên thực sự có nguy cơ chết đói.
Đối với The Economist, chế độ Bình Nhưỡng hoàn toàn có khả năng sử dụng nạn đói như một con bài để thương lượng, và cũng không loai trừ khả năng là một phần viện trợ lương thực sẽ bị đánh cắp. Tuy nhiên, đó không thể là lý do để không cho gì.
Biên giới Pakistan-Ấn Độ : Đường ranh nguy hiểm nhất thế giới
Tuy chú ý đến Bắc Triều Tiên, nhưng The Economist đã dành tít lớn vùng Nam Á với tựa chính trang bìa « Biên giới nguy hiểm nhất thế giới », với hình vẽ xe tăng, máy bay, tên lửa… chất thành núi và chĩa về phía nhau ở hai bên đường ranh Pakistan -Ấn Độ.
Trên trang xã luận, The Economist đã đưa ra khuyến cáo là để giảm nguy cơ khủng bố, phương Tây nên giúp giảm nhẹ căng thẳng giưã Pakistan và Ấn Độ.
Đối với The Economist, Pakistan rất gờm và thù ghét Ấn Độ, đường biên giới hai bên thiết lập từ 1947 đã trở nên một vùng đẫm máu, gây nên cả trăm ngàn người chết.
Đối với The Economist, Pakistan rất gờm và thù ghét Ấn Độ, đường biên giới hai bên thiết lập từ 1947 đã trở nên một vùng đẫm máu, gây nên cả trăm ngàn người chết.
Mối thù hằn này đã khiến Pakistan có cái nhìn méo mó thế giới, qua đó chính sách cũng bị lệch lạc. Điểm đáng ngại theo The Economist, là các tướng lãnh Pakistan sẽ có quyền hạn quá lớn, trong khi chính quyền lại yếu đi. Quân đội Pakistan còn nguy hiểm ở một điểm khác : Họ vẫn móc nối, hỗ trợ Taliban và các nhóm khủng bố ở Kashmir để ngăn chặn ảnh hưởng của Ấn Độ.
The Economist cho là trong tình hình hiện nay, Hoa Kỳ có thể đóng một vai trò tịch cực, nhưng phải có một cách tiếp cận khác hơn hiện nay.
Trung Quốc : Thành phố giầu có xua đuổi dân nghèo
Cũng nhìn về châu Á, Courrier International quan tâm đến vụ chính quyền Thẩm Quyến đã trục xuất đến 80.000 người ra khỏi vùng trù phú này trong vỏn vẹn 3 tháng. Đối với với tuần báo Pháp, chưa bao giờ có một chiến dịch đuổi người ở quy mô to lớn như thế tại Trung Quốc.
Trong một cuộc họp báo gần đây, công an Thẩm Quyến đã rất tự hào về thành quả chiến dịch, bắt đầu từ tháng giêng và kéo dài hơn 3 tháng, chính xác là 100 ngày, vì tên chiến dịch là ”100 ngày ”. Mục tiêu đề ra là để trục xuất những người bị công an xem là có thể gây nguy hiểm hay tác hại đến trật tự công cộng, hầu bảo đảm an ninh cho Đại hội Thể thao Sinh viên Thẩm Quyến 2011(từ 12 đến 23/08/2011). Đã có 80 000 bị đuổi khỏi nơi này và chiến dịch vẫn chưa kết thúc.
Nhưng điều đáng nói theo bài báo của tờ Courrier là chiến dịch không dựa trên một cơ sở pháp lý nào. Khái niệm ‘’hiểm hoạ cao cho trật tự công cộng”, dùng để đánh giá những bị trục xuất, không phải là một khái niệm pháp lý, và mở rộng cửa cho các hành vi độc đoán, lạm quyền.
Theo công an, những người nguy hiểm gồm từ những người đã có tiền án, những người biij bệnh tâm thần, những người có cuộc sống vào ban đêm, những người mà cuộc sống không theo nề nếp, khuôn khổ…. Và dĩ nhiên, theo bài báo, có cả những nhà ly khai hay những người đi khiếu kiện bị xem là gây rối.
Trong cuộc họp báo, công an đã tỏ ra bất ngờ khi được hỏi chiến dịch đã dựa trên cơ sở pháp lý nào, và đã họ tránh trả lời.
Theo Courrier International, khi trục xuất 80.000 nguời trong một thời gian ngắn như thế, chính quyền không thể nào điều tra, kiểm soát giấy tờ mà chủ yếu xem xét qua diện mạo, hình dáng, những người ăn mặc lam lũ, hay diện mạo khó coi… là bị đuổi ngay.
Bài báo cũng ghi nhận một nguyên nhân khác dẫn đến chiến dịch : Thẩm Quyến thực ra muốn nhân cơ hội Đại hội Thể thao Sinh viên sắp tới để giải quyết một mối đau đầu của chính quyền tại chỗ là vấn đề người lao động từ những vùng nông thôn kéo đến kiếm sống tại vùng giàu có này.
Theo bài báo các thành phố Trung Quốc hiện nay đều muốn đuổi những người lao động nghèo này đi nơi khác, trong khi mà bản thân những người tha hương cầu thực lại không thể trở về quê quán họ.
Trước những biện pháp như ở Thẩm Quyến, giới bảo vệ dân quyền cho là chính quyền Trung Ương phải can thiệp một cách cứng rắn.
DSK : số phận nghiệt ngã
Sự kiện được gọi ngắn gọn là vụ DSK đã được các tuần báo Pháp nhìn một cách khác nhau : đầy chua xót, như tạp chí Marianne, đã nêu câu hỏi làm sao nên nỗi, hay gay gắt như Le Figaro Magazine nói đến nỗi nhục. Tạp chí Anh The Economist, cũng dành một tựa nhỏ trang bìa, nói đến sự đọa đày của Dominique Strauss – Kahn
L’Express đăng bức ảnh vị cựu tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế chụp trên chiếc xe hơi, râu chưa cạo, mắt thất thần, với dòng tựa ngay bên dưới : một vụ xì căn đan đã làm thay đổi tất cả. Còn trên phông nền hoàn toàn đen, Le Nouvel Observateur đăng một ảnh chụp DSK mấy ngày qua, vẻ đăm chiêu và nói đến con đường điạ ngục. Tạp chí Le Figaro Magazine, đăng lại ảnh chụp ông Domique Strauss Kahn tại toà án New York ngày 19/05 vừa qua, nhìn thấy ‘sự nhục nhã’, hàng tít lớn bên dưới.
Tạp chí Courrier International dĩ nhiên không tránh khỏi sự kiện thu hút cả thế giới này. Nhưng tạp chí không đăng ảnh, mà trên nền đỏ đã vẽ khuôn mặt nhìn nghiêng của DSK, được bôi đen, dòng tựa vỏn vẹn mấy chữ sự vụ DSK.
Ở trang trong, với dòng tựa ”Sex, chính trị, và sự giả dối”, tạp chí trích lại bình luận của báo giới thế giới với những cái nhìn thường khi mỉa mai đối với ‘phong cách Pháp’.
Không đâu xa, ngay tại nước láng giềng là Bồ Đào Nha, dư luận cho đó là một hành động không thể tha thứ. Còn tại Anh, tờ The Times cũng như tờ The Independant đều cho rằng một chính khách thành danh như kiểu DSK không thể tồn tại được ở Anh vì báo chí Anh sẽ phanh phui ngay, và đưa ra ánh sáng những hành động sai lạc trong cuộc sống cá nhân của chính khách.
Tờ Times giải thích : Đó là vì sự giả dối ở Pháp khác với ở Anh : ở Pháp thì các chính khách có thể lang bang chơi bời, nhưng trước công chúng thì vẫn làm ra vẻ mình đứng đắn, không có gì. Vả lại báo chí Pháp cũng biết chuyện, nhưng không nói đến, mà chỉ lấy đó làm chuyện đùa bỡn với nhau.
Tờ báo Bỉ Le Soir, cũng có đánh giá tưong tự, khi chỉ trích báo chí Pháp vốn cho là những nhà bình luận có tiếng nhất đều đã công nhận rằng « ai cũng biết cả », biết rằng quan hệ của ông Strauss-Kahn với phụ nữ vượt quá phạm vi của cái có thể chấp nhận được.
Tờ báo Bỉ đưa ra hai lời khuyên : trong thời buổi internet, mạng nối chằng chịt, các chính khách dù muốn dù không, cũng phải để ý đến hành động của mình, còn báo giới thì cũng phải theo dõi chặt chẽ hành vi những kẻ tai to mặt lớn trên thế giới này vì nhữngchuyện bí mật nhỏ có thể dẫn đến nhữngvấn đề rất là hệ trọng.
Dĩ nhiên là báo chí Mỹ càng gay gắt hơn nữa. Có tờ như National Review ờ New York cho là Dominique Strauss – Kahn xem thường luật pháp, cứ tưởng là mình có thể sống như một hoàng thân thời vua chúa Pháp thế kỷ thứ XVI I I. Một báo khác, Real Clear Politics, tự hỏi rằng vì sao lại để một người háo sắc như Dominique Strauss-Kahn ở đầu não của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, và làm sao Hoa Kỳ lại có thể chấp nhận việc đề cử vào chức vụ này một người xuất thân từ tầng lớp ưu tú nhưng đồi truỵ đó của Châu Âu.
Tại những quốc gia không mấy hài lòng với Quỹ Tiền tệ Quốc tế như Argentina, báo giới cũng rất gay gắt. Tờ la Nación chẳng hạn, đã tỏ ý hài lòng, nhắc lại là từ lâu tại các nước đang phát triển, cánh tả đã từng mơ ước tống được lãnh đạo Quỹ tiền tệ Quốc tế vào tù vì trách nhiệm, dù đúng hay không, của định chế này trong các khó khăn kinh tế của họ. Nhưng không bao giờ họ có thể tưởng tượng được là điều đó có thể xẩy ra do một vấn đề tình dục.
Tạp chí Le Figaro Magazine, nhân sự vụ DSK, cũng điểm lại nhũng vụ xì căn đan trong giới lãnh đạo, chính khách thế giới. Tạp chí thấy trước mắt là tại nước láng giềng Ý, thủ tướng Berlusconi còn ăn chơi dữ dội hơn nhiều. Tại Mỹ tạp chí không quên nhắc lại vụ Bill Clinton với Monica Lewinsky hay John Kennedy với Marilyn Monroe. Tạp chí cũng liếc nhìn sang Trung Quốc thời Mao Trạch Đông, Mao có thua gì ai, mà còn hơn nữa là khác, mỗi đêm có đến 5 phụ nữ hầu hạ phục vụ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét