Chỗ đứng cho những kẻ không biết đi
Phương Bích (danlambao) - Mỗi khi Quốc hội biểu quyết thông qua một vấn đề nào đó, các đại biểu có 3 lựa chọn: đồng ý, không đồng ý, không biểu quyết. Không biết có thể gọi những người lựa chọn quyền không biểu quyết gọi là người trung lập được không?
Tuy nhiên, tôi thấy vai trò của những người trung lập cũng không phải là không cần thiết. Qua việc biểu quyết thông qua Dự án đường sắt cao tốc, rồi Luật Thủ đô, chả có lựa chọn nào đạt được tỷ lệ cần thiết để thông qua, bởi vậy tôi trộm nghĩ vai trò của nhóm trung lập cũng khá là quan trọng đấy chứ.
Ngoài lề một chút, về chuyện Dự án đường sắt cao tốc (ĐSCT) tôi đã nghe những chuyên gia hàng đầu phân tích rồi trên báo mạng chán rồi, nhưng cụ thể là ở cơ quan tôi, khi mọi người đang râm ran bàn luận về việc Quốc hội “bác” ĐSCT, cậu trưởng phòng bảo:
- Em thì nghĩ khác, nếu là em, em sẽ biểu quyết làm ĐSCT, cơ hội không phải lúc nào cũng có, bây giờ mình làm là có cái để lại cho con cháu mình sau này, nếu không chính chúng nó sẽ oán…
Chẳng ai nói gì, tôi bảo:
- Xin lỗi các anh chứ tôi thì ngu dốt chả biết gì, nhưng không lẽ những chuyên gia kinh tế hàng đầu của nước ta cũng lại “dại” nốt. Thôi thì tôi cứ nghe theo các ông bà ấy vậy.
Tôi kể lại cho một cô bạn ở phòng khác, cô ta kêu lên:
- Đứa nào nói mà ngu thế?
Tôi cười hí hí bảo:
- Sếp phòng tôi đấy!
- Mẹ! cứ thử để nó phải lội nước đến tận bụng mỗi khi mưa xuống xem nó có còn hót được thế không, nhà em ở Hoàng Cầu, mưa một tý là lội từ trong nhà lội ra, cái trước mắt còn chưa làm được mà cứ đua đòi…
Của đáng tội chả cứ gì ai, mưa xuống thì ai chả phải lội…
Lại nói về chuyện trung lập, mọi người khuyên tôi biểu tình phản đối “TQ gây hấn ở biển Đông” thì cứ biểu tình, nhưng đừng đi lạc sang vấn đề khác như chống đối chính quyền, đòi lật đổ chính quyền là không nên.
Riêng việc này tôi đã thấy mâu thuẫn trong cách nghĩ ấy. Rõ ràng việc chính quyền không hoan nghênh và ủng hộ người biểu tình phản đối TQ trong tháng 6 vừa qua ai chả thấy rõ, thậm chí ở Sài Gòn còn ngăn cản, bắt bớ và ngầm dọa nạt những người “yếu bóng vía”. Nếu nghĩ vậy thì ngay việc đi biểu tình cũng là một hành vi chống đối chính quyền rồi còn gì.
Nói có sách, mách có chứng, tôi vội vào mạng tra ngay về khái niệm này để trang bị cho mình tý kiến thức để “tự vệ” khi cần thiết. Đã có người phân tích hộ: theo điều 69 Luật 1992 người dân được quyền biểu tình, nhưng lại mập mờ ở câu cuối “theo quy định của pháp luật”, và thực tế đến tận bây giờ ở nước ta vẫn chưa có luật biểu tình cụ thể để thực hiện cái điều 69 ấy. Nhưng chả nhẽ đau đẻ lại cứ phải chờ sáng “giăng”, suốt 19 năm qua không cơ quan có thẩm quyền nào ra nổi cái nghị định hướng dẫn thực hiện quyền công dân đã được quy định ở điều 69 ấy. Cứ theo thiển nghĩ của tôi họ sẽ cứ để mập mờ thế, và cả người dân cùng chính quyền muốn hiểu thế nào thì hiểu, bởi vậy 4 chủ nhật vừa qua ở Hà Nội, trừ vườn hoa Lê Nin trước cửa Đại sứ quán TQ, người dân vẫn có thể tập hợp nhau lại trương các biểu ngữ và cờ quạt đi tuần hành dọc các phố phường. Các lực lượng công an khi nhắc nhở chỉ dùng từ bộ hành chứ không dùng từ người biểu tình không đi dưới lòng đường, đề nghị đi lên vỉa hè - làm gì có vỉa hè mà đi chứ, xe cộ hàng quán chiếm hết vỉa hè rồi còn đâu, cho nên loa nói thì cứ nói, người biểu tình cứ đi dưới lòng đường vẫn chả sao.
Trở lại lời khuyên ở trên, tôi nghĩ ngay trong một gia đình nói tất cả cùng chung một quan điểm đã là khó nói gì đến ngoài xã hội. Có những người không thích làm “chính trị”, chỉ miệt mài với công việc chuyên môn của mình như thể thao, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học v.v… Chuyện vui trong phim không biết có thật không, trong một trận đánh thời cổ đại, hai bên cứ chém nhau loạn xạ, người chép sử - ví như người trung lập - thì cứ mải miết ghi chép, chỉ cúi đầu tránh các lưỡi gươm múa vèo vèo phía trên. Nghĩa là hát cứ hát, đóng phim cứ đóng phim, viết văn làm thơ cứ việc viết văn làm thơ, còn chuyện tham nhũng, nghèo đói, úng ngập, kẹt xe, ti tỉ thứ vấn nạn nhức nhối khác v.v…ư? Đã có nhà nước lo. Như vậy vai trò trung lập ở đây có vấn đề?
Trong cuộc sống, mọi vấn đề không phải cái gì cũng tách bạch không liên quan đến nhau mà nó đều có mối quan hệ ràng buộc với nhau đấy chứ. Đơn giản như giả sử anh là nhà khoa học, hay nghệ sĩ, hay là ai đi chăng nữa, đang đi trên đường, bắt gặp một tên ăn cắp, anh bảo anh trung lập nên không can dự à? Nếu tên ăn cắp đó không phải là ăn cắp thường mà ăn cắp của công mà nó có ô dù che đỡ anh có lên tiếng không? Chuyện đất nước hòa bình gần 40 năm nay, tại sao người dân đói khổ vẫn nhiều thế, chuyện những kẻ giàu có ăn bát phở triệu bạc trong khi hàng vạn người, hàng triệu người trên đất nước này đói đến mức phải kêu gọi cứu trợ, nguyên nhân tại sao anh bảo anh trung lập không cần biết à? Và nếu anh cần biết, anh đi tìm hiểu là anh đụng chạm đến chính quyền rồi còn gì. Chỉ cần hỏi mấy ông bà làm công ăn lương của nhà nước lấy tiền đâu mà mua đất rộng thế, xây nhà to thế, đẹp thế, có tiền cho con sang du học ở tận Anh, tận Pháp, Mỹ, Nhật v.v….thế. Nói chung nhiều vấn đề mà anh không thể nói anh không biết, nếu có biết anh cũng không can dự. Thấy một người nghèo, anh có thể giúp đỡ họ, nhưng nếu anh là trí thức, anh cần phải tìm ra nguyên nhân cái nghèo đó để giải quyết tận gốc rễ mới là giúp thực sự. Tôi đọc được một câu trong một bài báo: “người trí thức thực sự phải biết quan tâm đến vận mệnh đất nước”. Vận mệnh đất nước đâu phải là chỉ khi có giặc ngoại xâm. Theo tôi nói lên sự thật cũng là một cách tranh đấu. Thà anh nói anh sợ, anh thú nhận như bác Tô Hải trong “Nhật ký của một thằng hèn” thì người ta còn dễ hiểu chứ anh nói anh trung lập là tôi thấy không thuyết phục.
Dân thường tôi có vài dòng cảm nghĩ, vì bức xúc mà nói ra nếu có động chạm đến ai xin được thứ lỗi.
Hà Nội 30/6/2011
. Bookmark the permalink.
Thêm Bình luận Mới
Hiển thị 20 bình luận