Có cần sợ Trung Quốc hay không?
Ngày Thứ Bẩy vừa qua, hai thứ trưởng ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc đã gặp nhau. Sau đó ông Hồ Xuân Sơn đã yết kiến Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc, người phụ trách các chính sách đối ngoại trong ban Thường Vụ Bộ Chính trị Cộng sản Trung Quốc.
Bản tin của nhà nước cộng sản Việt Nam viết rằng: “Hai bên cho rằng, quan hệ Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định, đáp ứng nguyện vọng chung và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước Việt-Trung. Hai bên nhấn mạnh cần kiên trì đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển theo đúng phương châm 16 chữ ‘láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai’ và tinh thần 4 tốt ‘láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt’.”Đọc bản tin này người ta tưởng như đang nằm mơ. Quan hệ như thế nào thì gọi là “phát triển lành mạnh, ổn định?” Tầu cảnh sát trên biển (hải giám) của Trung Quốc đã cắt dây cáp của tàu thăm dò Việt Nam hai lần, mặc dù đã bị phản đối ngay sau lần thứ nhất. Dân chúng Việt Nam đã đi biểu tình ba cuối tuần liên tiếp để phản đối Trung Quốc lấn ép Việt Nam. Như vậy mà ông thứ trưởng ngoại giao lại nhận định là việc bang giao “lành mạnh, ổn định!” Và còn chính quyền Việt Nam vẫn còn nhắc lại những khẩu hiệu “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt!” Không phải chúng ta nằm mơ mà chính những người cầm quyền ở nước ta đang nằm mơ! Những khẩu hiệu “16 chữ vàng” và “4 tốt” mà hai đảng Cộng sản vẫn đề cao hầu như không liên can gì tới thực tế trên mặt biển ở ngay ngoài khơi, trong vùng đặc quyền kinh tế của nước Việt Nam cả. Nó cũng không liên hệ gì tới lòng dân Việt Nam, như được phản ảnh trong một bài của một người ở Cần Thơ, ký tên Bạch Đằng, với tựa đề: Hãy vứt “Mười sáu chữ vàng” vào mặt kẻ dối trá!
Bản tin về cuộc hội đàm giữa ông Hồ Xuân Sơn với các ông Đới Bỉnh Quốc và Trương Chí Quân cũng hoàn toàn không liên can gì đến những lời ông Nguyễn Tấn Dũng nói rất hăng ở Nha Trang trước đó, với những hứa hẹn “quyết tâm bảo vệ chủ quyền” của nước Việt Nam trên đất và hải phận. Bản tin trên khiến người ta càng thấy rõ những lời ông Nguyễn Tấn Dũng nói chẳng qua chỉ là lời nói suông, cốt xoa dịu nỗi phẫn uất trong lòng dân, chứ không có ảnh hưởng nào trong việc đối đãi với chính quyền Trung Quốc.
Ông Đới Bỉnh Quốc chính là người năm ngoái từng nói với nhiều nhân viên ngoại giao Mỹ, kể cả bà Hillary Clinton, ngoại trưởng Mỹ, rằng vùng biển Đông Nam Á, tức biển Đông của nước ta, là một vùng “quyền lợi cốt lõi” của Trung Quốc. Trước đó, chính quyền Bắc Kinh chỉ gọi Đài Loan, Tây Tạng là những vùng thuộc vào “quyền lợi cốt lõi” mà thôi. Nói như vậy tức là Đới Bỉnh Quốc muốn xác định Trung Quốc coi cả vùng Biển Đông cũng thuộc vào nước họ, giống như Đài Loan và Tây Tạng. Một ý tưởng rõ ràng muốn chiếm lấy của người làm của mình như vậy, không thể gọi là “lành mạnh” được! Và sau những vụ cắt dây cáp tầu và những cuộc biểu tình sôi nổi trong nước Việt Nam, trong cuộc hội thảo quốc tế gần đây ở Washington, tất cả những người thuyết trình, ngoài phái đoàn Trung Quốc, đều chỉ rõ những hành động lấn chiếm và uy hiếp của hải quân Trung Hoa trong vùng biển Đông. Một tình trạng sôi sục và uất hận như vậy cũng không thể gọi là “ổn định” được.
Bất cứ người Việt Nam nào cũng phải nổi giận khi người lãnh đạo một nước láng giềng mô tả tất cả vùng biển thuộc nước Việt Nam là của họ! Bất cứ người Việt Nam nào nếu có dịp gặp ông Đới Bỉnh Quốc cũng phải lên tiếng nhắc nhở ông biết rằng quan niệm “quyền lợi cốt lõi” của ông bao trùm cả Biển Đông là sai, hoàn toàn sai lầm, và chúng tôi có đủ các chứng cớ lịch sử để chứng minh các quần đảo trong Biển Đông thuộc chủ quyền của nước Việt chúng tôi! Trong tình trạng như vậy, không ai gặp ông Đới Bình Quốc lại có thể nói rằng mối bang giao là “lành mạnh” và “ổn định!” Nhưng ông Hồ Xuân Sơn đã cúi đầu đồng ý với ông Đới Bỉnh Quốc; người mà cuối năm ngoái đã viết một bài 9000 chữ trên mạng bộ ngoại giao Trung Quốc trong đó ông khẳng định: “Nhìn lại lịch sử, Trung Quốc không có truyền thống chiếm bá quyền.”
Nếu ai tin được là lịch sử nước Trung Hoa chưa bao giờ có truyền thống bá quyền, thì có thể cũng tin như ông Hồ Xuân Sơn!
Một người đại diện ngoại giao cho nước Việt Nam không nhất thiết lúc nào cũng phải gây gổ với chính quyền Trung Quốc. Nhưng phải biết tỏ thái độ tự trọng. Trước những việc sai trái như cắt dây cáp tầu thăm dò đáy biển trong hải phận nước mình mà không chính thức lên tiếng phản đối, lại không dám ghi lời phản đối đó trên giấy trắng mực đen, tức là tự sỉ nhục mình và làm nhục cả quốc gia mà mình đóng vai đại diện. Trong các triều đại quân chủ ở nước ta, những sứ thần Việt Nam sang Trung Hoa cũng không bao giờ phải sợ hãi thiên triều như vậy.
Gần đây một học giả ở Học viện Hoover nước Mỹ đã nhắc đến thời kỳ các nước Á Đông phải thần phục triều đình Trung Quốc, và đưa ra một ý kiến rất sai lầm khi viết rằng, “Các hoàng đế Trung Hoa coi các nước thần phục theo lối giống như các vị vua Âu Châu coi các thuộc địa của họ.” (The Chinese emperors viewed their vassal kingdoms the same as the European monarchs viewed their colonies). Điều này sai, vì mối liên hệ giữa các hoàng đế Trung Hoa và các nước chung quanh như Việt Nam, Cao Ly, vân vân, chỉ gây cảnh bất bình đẳng trên danh nghĩa mà thôi. Mối tương quan đó mô phỏng liên hệ giữa thiên tử nhà Chu và các nước chư hầu đời Xuân Thu, Chiến Quốc. Vua các nước nhỏ chịu công nhận nhà Chu là bề trên của mình, nhưng họ hoàn toàn độc lập về nọi phương diện. Các vị vua Việt Nam đời xưa chỉ được xưng là Vương, dành cho ông vua Tầu xưng Đế. Nhưng trong nước, người dân vẫn gọi vua mình là hoàng đế! Cũng như vua các nước Tề, nước Lỗ phải coi thiên tử nhà Chu trên danh nghĩa là vua của mình, vua nước nhỏ như Cao Ly, Việt Nam phải nhún mình, tự coi là phận dưới đối với vua nước Tầu. Nhưng họ chỉ có một bổn phận đối với vua nước Tầu là “cống tiến” một số phẩm vật, theo định kỳ, để bày tỏ mình ở địa vị thấp hơn. Sự thần phục trên danh nghĩa như thế không đưa tới các hậu quả như bóc lột về kinh tế, không có việc nước lớn xâm phạm chủ quyền các nước nhỏ về lãnh thổ, về ngoại giao, như thuộc địa của các nước Âu Châu phải chịu.
Nhưng chúng ta đang sống trong một thời đại khác hẳn những thời trước thế kỷ 19. Thời xưa, bên cạnh nước Việt Nam hay Cao Ly chỉ có một quốc gia lớn là Trung Hoa. Chịu nhún, xưng thần là một biện pháp ngoại giao, tránh không cho vua Tầu kiếm cớ xâm lăng nước mình; dù mình có đuổi được giặc đi thì dân cũng vẫn chịu khổ. Ngày nay, những nước nhỏ chung quanh nước Tầu không chịu cảnh cô đơn như vậy; vì quyền lợi các quốc gia trên thế giới đang liên hệ chồng chéo với nhau. Đứng trước một nước Trung Hoa lớn gấp hàng chục lần, nhưng quốc gia láng giềng biết tự trọng vẫn không cần phải “thần phục!”
Bà Yuriko Koike, cựu bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, hiện đang là lãnh tụ đảng đối lập Tự do Dân chủ mới viết trên nhật báo Japan Times nhắc nhở mọi người Nhật rằng “Việc bành trướng sức mạnh quân sự nhanh đến chóng mặt của Trung Quốc gần đây khiến nhiều người lo ngại. Nhưng dù ước tính ở mức cao nhất, thì hiện nay ngân sách quân sự của Trung Quốc cũng chỉ sấp sỉ bằng của Nhật Bản; mà còn rất thấp so với ngân sách quân sự của ba nước gần Trung Quốc là Nhật Bản, Ấn Độ và Nga, cả ba nước có chung biên giới với Trung Quốc. Đó là chưa kể những nước láng giềng khác như Đại Hàn, Indonesia, và một đảo Đài Loan đang hiện đại hóa quân đội của họ.” Bà Yuriko Koike viết tiếp: “ Cho nên Trung Quốc không thách thức về mặt quân sự, mà là về chính trị và kinh tế. Nhưng chính thái độ ngoại giao hung hăng của Trung Quốc đã khiến các quốc gia Á châu khác thấy cần phải liên kết trong một hệ thống đa quốc gia được Hoa Kỳ ủng hộ, thay vì chấp nhận một hệ thống trong đó Trung Quốc đóng vai trò dẫn đầu.”
Bà Yuriko Koike bác bỏ lý thuyết “ngăn chặn” (containment) Trung Quốc như thời xưa đã ngăn chặn Liên bang Xô viết. Chính sách bành trướng của Trung Quốc không có tính chất quân sự như Nga xô ngày xưa. Bà nhắc lại binh thư Tôn Tử, khuyên “công tâm, công lương” hơn là “công thành.” Lấn áp về kinh tế, làm cho đối phương nản chí, sợ sệt, chứ không cần xâm chiếm lãnh thổ. Bà viết: “Cho tới gần đây, sự bành trướng bá quyền của Trung Quốc trong vùng vẫn theo đúng binh thư Tôn Tử.” Nhưng Trung Quốc cần phải thỏa hiệp với các nước chung quanh, chứ không thể gây sự, vì trong hơn một tỷ người Trung Quốc thì một nửa vẫn còn sống trong cảnh cự kỳ nghèo khó. Trung Quốc không thể cắt đứt những liên hệ kinh tế với thế giới được.
Nói đến kinh tế, người ta thường tỏ ý khiếp phục về tốc độ tăng trưởng, về cán cân mậu dịch thặng dư, về dự trữ ngoại tệ khổng lồ. Nhưng, như đã trình bầy nhiều lần trong mục này, đằng sau những con số lớn lao đó là một nền kinh tế còn đang trên đà phát triển và mất thăng bằng.
Sức bành trướng kinh tế của Trung Quốc dựa trên cảnh bóc lột người lao động để làm hàng xuất cảng. Hiện nay chính phủ Ôn Gia Bảo đang chủ trương chuyển hướng nền kinh tế sang lãnh vực tiêu thụ nội địa, để bớt tùy thuộc vào hàng xuất cảng. Chính sách này sẽ giúp nền kinh tế Trung Quốc cân bằng hơn, và nâng cao mức sống của người dân ở nông thôn. Hiện nay tỷ lệ tiết kiệm của dân Trung Hoa lớn bằng 45% tổng sản lượng nội địa (GDP), vì họ bị “cưỡng bức tiết kiệm.” Việc thay đổi chính sách sẽ giúp dân được tiêu thụ nhiều hơn, và giảm bớt tỷ lệ tiết kiệm. Khi đó, cán cân mậu dịch của Trung Quốc sẽ thay đổi. Số thặng dư thương mại của nước Trung Hoa hiện nay là gần 320 tỷ đô la một năm, lớn bằng 6% GDP. Nếu tỷ lệ tiết kiệm giảm từ 45% xuống 39% GDP, tức là dân chúng có cơ hội tiêu thụ thêm 6% GDP nữa, thì con số thặng dư mậu dịch của Trung Quốc sẽ biến mất.
Chúng ta không có lý do nào phải khiếp sợ trước một Trung Quốc còn đang trên đường ngoi lên, về kinh tế cũng như về quân sự. Một chính quyền Việt Nam phải biết tự trọng, nếu thấy những việc khiến nhân dân bất bình thì phải nói lên, không khiếp nhược; nếu không thì làm nhục cả nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét