29.6.11

Ngày mai ơi – đừng đến nhé


Ngày mai ơi – đừng đến nhé

2011-06-28
Ở cái tuổi “ăn chưa no lo chưa tới”, không một trẻ thơ nào lại không mong đến ngày mai bởi ngày mai chính là ngày của khám phá, của trưởng thành và của tương lai.

Photo courtesy of chuagiacdao.org
Chị Lý, bé Duyên và hai em, ảnh chụp tháng 6 năm 2011.

Thế nhưng có những đứa bé lại hằng ngày cầu nguyện cho ngày mai đừng đến. Đó là câu chuyện của Duyên mà Quỳnh Chi chia sẻ với quý vị ngay sau đây.

Điều kỳ diệu đã không đến

Vừa từ lớp học trở về nhà, chỉ kịp để cặp xuống là bé Duyên vội vàng chăm sóc đứa em út 4 tuổi, quét dọn nhà cửa và chuẩn bị buổi cơm tối cho gia đình. Công việc tưởng như quá sức đối với một cô bé 9 tuổi nhưng từ mấy tháng nay, nó đã trở nên quá quen thuộc với Duyên.
“Con giúp mẹ nấu cơm giặt đồ, quét nhà rửa chén, có một em nhỏ ở nhà chơi và 1 em lớn đi học. Em hay lì, đánh nhau hoài.”
Mỗi lần nhìn thấy con là chị tội trong lòng, không biết nói sao. Bây giờ chị chỉ cố gắng uống thuốc chứ biết nói gì trong cảnh chồng chết, còn vợ mang bệnh hiểm nghèo.
Chị Lý
Chị Lý, mẹ của Duyên nghe con nói mà lòng buồn rười rượi. Nhìn ba chị đứa con chia nhau mâm cơm canh rau bên bàn thờ người chồng vừa mất chưa được 100 ngày, chị Lý chỉ ước sao cho căn bệnh ung thư bớt hoành hoành để chị vui được với con ngày nào hay ngày nấy, vì chị hiểu rằng cái chết có thể đến với chị bất cứ lúc nào. Cố gắng nén sự mệt mỏi, chị Lý thở dài tâm sự:
“Mỗi lần nhìn thấy con là chị tội trong lòng, không biết nói sao. Bây giờ chị chỉ cố gắng uống thuốc chứ biết nói gì trong cảnh chồng chết, còn vợ mang bệnh hiểm nghèo.”
Chị Võ Thị Lý mới vừa ngoài 40 mà trông chị già sọp, đôi mắt hõm sâu mệt mỏi không thần sắc như một chấm đen vô thần trên khuôn mặt xương xẩu khắc khổ. Căn bệnh ung thư tử cung giai đoạn cuối ngày đêm hành hạ. Vừa rồi chị Lý chắt mót chút tiền đón xe từ Quãng Ngãi ra Sài Gòn khám một lần nữa với hy vọng người ta đã chuẩn đoán sai về căn bệnh của chị. Vậy mà điều kỳ diệu đã không đến, bệnh viện nào cũng có chung một kết quả, để mỗi lần cầm tờ giấy kết quả xét nghiệm, chị Lý lại thất vọng trào nước mắt. 
“Mới đi khám ở Sài Gòn về hôm mùng 4 tháng 5. Họ kêu di căn trong máu hết rồi. Bây giờ tôi cảm thấy trong người cũng đỡ rồi, nhưng mà cơn đau đến vô chừng lắm. Có lúc tôi đau nhức chịu không nổi.” 
Cầm tờ giấy xét nghiệm của khoa Ung bứu bệnh viện Triều An, chị Lý đành quay về nhà chờ chết vì sức khỏe chị quá yếu, không thể làm hoá trị được. 
“Mấy hôm nay chị tỉnh hơn một chút thì họ khuyên vô Sài Gòn trị bệnh, chị yếu quá nên không làm hóa trị được nên chỉ truyền đạm thôi. Truyền đạm xong thì chị mệt lắm, tưởng là chết chứ không sống nổi.” 
Giadinhngheo250.jpg
Bé Duyên và hai em bên giường bệnh của Mẹ, ảnh chụp tháng 6 năm 2011. Courtesy tnonline.
Năm ngoái, trong một lần làm đồng, chị Lý cảm thấy đau thắt ruột gan đến nắm cỏ trong tay cũng cằm không nỗi. Anh Tuất, chồng chị cắn răng gop góp của cải trong nhà đưa đi khám mới biết vợ bị ung thư tử cung giai đoạn cuối. Thương vợ, xót con, gia đình lại nghèo túng, anh Tuất càng lao vào làm việc để góp tiền trị bệnh cho vợ. Những tưởng chị Lý sẽ đi trước bỏ lại anh cảnh gà trống nuôi con, oái oăm thay cách đây 3 tháng anh Tuất lại mất đột ngột vì lao lực:
“Một mình anh Tuất đi làm nuôi 4 mẹ con chị đây. Năm ngoái chị bị phát bệnh nên phải mượn tiền đi bệnh viện cho nên anh Tuất càng cố gắng đi làm nhiều hơn và yếu sức. Bệnh trong người anh Tuất cũng bỏ mặc, không dám nói tôi biết vì sợ tôi lo. Anh cứ làm thinh như vậy đến khi phát bệnh và chết. Tôi thấy anh Tuất cứ đi làm mãi, đến khi phát bệnh thì trong vòng 1 tuần lễ là mất. Đưa anh đi bệnh viện được mấy bữa, họ báo là anh bị ung thư phổi, rồi anh mất.”
Anh Tuất là người lao động chính trong gia đình nuôi 5 miệng ăn, những bữa cơm hằng ngày đều trông chờ vào số tiền thợ hồ 120 ngàn đồng mà anh kiếm được mỗi ngày. Anh Tuất mất đi, tất cả gánh nặng gia đình bỗng chốc đổ ập lên vai người đàn bà vốn không còn đứng được trên đôi chân của mình, làm người khác không khỏi mủi lòng. Ông Đoàn Tấn Nguyên, chủ tịch UBND xã Hành Minh, nơi gia đình anh Tuất cư ngụ chua xót nói: 
“Hiện nay hoàn cảnh chị Lý rất khó khăn. Chị có 3 đứa con nhỏ mà đứa lớn nhất chỉ mới 9 tuổi, đứa nhỏ nhất chỉ vừa bước vào 4 tuổi. Gia đình bên chồng chị cũng không còn ai. Riêng chị Lý thì cha mẹ còn sống nhưng cũng già quá rồi.”
Hiện nay hoàn cảnh chị Lý rất khó khăn. Chị có 3 đứa con nhỏ mà đứa lớn nhất chỉ mới 9 tuổi, đứa nhỏ nhất chỉ vừa bước vào 4 tuổi.
Ô. Đoàn Tấn Nguyên
Anh Tuất cả đời làm thợ hồ xây nhà cho người khác với mong muốn sửa lại căn nhà cho vợ con tránh nắng phòng mưa. Vậy mà anh mất đi để lại căn nhà cấp 4 yếu ớt với những mái tôn cũ không ngăn được những đợt mưa giông. Ông Đoàn Tấn Nguyên nói tiếp:
“Hôm chồng chị Lý mất thì tôi có đến nhà chị. Tôi thấy nhà cửa trống toác, không có nỗi 1 món đồ gì cả nên tôi phải đứng ra vận động bà con để lo mai táng cho chồng chị. Gia đình chị Lý thuộc hộ nghèo của xã. Anh em xa gần cũng đóp góp mua đươc cho anh Tuất cái quan tài nhưng các điều kiện tổ chức đám tang thì không có nên tôi phải vận động luôn. Sau khi lo cho đám tang xong thì bạn bà cùng làm thợ hồ với anh Tuất lại góp mỗi người một bao xi măng để xây mộ cho anh Tuất.” 

Thời gian không còn nhiều

Gần 3 tháng nay kể từ ngày chồng mất, nhìn 3 đứa con ngây thơ tròn mắt hỏi cha đâu là nước mắt chị như chỉ chờ có thế là chực tuôn trào, bởi chị hiểu rằng chỉ một thời gian ngắn nữa chị sẽ vĩnh viễn không còn ở bên con để trả lời chúng nữa. Trở mình trên chiếc giường tre nhỏ cho đỡ mỏi vì nằm lâu, chị Lý buồn rầu tâm sự:
“Nghe bác sĩ nói mình bị bệnh như thế chị rất lo lắng, lo hằng ngày. Chồng chị đã mất rồi, nếu chị mất nữa thì không biết mấy đứa nhỏ ra sao. Chính vì thế mà ai bày uống thuốc gì chị cũng uống hết, uống cho bớt bệnh.”
Như một thôi thút tự nhiên, chị Lý làm mọi cách để kéo dài cuộc sống được ngày nào hay ngày ấy. Nghe người ta bày ăn chay, chị cũng làm, nghe người ta bảo uống thuốc nam, chị cũng uống:
Bây giờ tôi cũng chẳng cầu mong gì cho tôi cả, chỉ mong sao có được cái nhà ổn định để lỡ mai tôi mất, con cái còn có chốn nương thân.
Chị Lý
“Bây giờ chị xin thuốc nam uống chứ không uống thuốc tây được. Vừa rồi người ta cho chị thuốc tây uống nhưng chị bị phản ứng thuốc làm người bị vọp bẻ đau quá. Đau không thể tả nổi. Bây giờ chị xin ông thầy cho thuốc nam uống cũng thấy đỡ đau hơn một chút. Bây giờ chị khấn nguyện ông bà phù hộ cho chị được sống, không cần thật khỏe mạnh để đi làm, chỉ cần sống để chị có thể nhìn thấy được mấy đứa con. Mỗi lần nghĩ tới cảnh chị mất đi để lại mấy đứa con thì trong lòng chị rất buồn.”
Lấy nhau hơn 10 năm, mấy năm nay 2 vợ chồng dành dụm mãi mới mua được ngôi nhà cấp 4 rộng 50 mét vuông để có chỗ che mưa trốn nắng. Vậy mà có những đợt mưa giông tốc mái tôn nhà làm con thức giấc, hai vợ chồng càng quyết tâm làm lụng để làm lại cái nhà cho đàng hoàng. Chị Lý cho biết, lúc còn sống anh Tuất luôn nói rằng mỗi ngày đi xây nhà cho người ta mà lòng anh buồn rười rượi, không biết đến bao giờ mới xây nổi cái nhà cho con cái. Vậy mà anh mất đi, cái dự định dở dang đó cũng trở nên quá sức đối với người phụ nữ với cái định mệnh đắng cay. Vừa rồi chị được Nhà nước hỗ trợ 70 triệu để làm lại căn nhà, nhưng tính già tính non cũng không đủ và nhìn căn nhà nhỏ thó trống toang, tài sản quý nhất là con lợn nái già chưa đẻ, nên chị Lý đành gói tiền lại để đó:
“Bây giờ tôi cũng chẳng cầu mong gì cho tôi cả, chỉ mong sao có được cái nhà ổn định để lỡ mai tôi mất, con cái còn có chốn nương thân.”
Đó là ước mơ cho ngày mai của người mẹ. Ngày mai, chỉ ngày mai thôi, Duyên phải chăn bò thuê một mình, phải dắt em tới trường một mình và phải chăm con lợn nái một mình. Ngày mai, Duyên không còn đút cháo cho mẹ, không còn được sờ tay mẹ, cũng chẳng biết làm gì khi hai em lại “hay lì, hay đánh nhau”. Ngày mai bé Duyên chập chững dắt tay em đi trên con đường tưởng chỉ dành cho người lớn. Và hôm nay bé Duyên ước ngày mai không bao giờ đến. 
Quý thính giả vừa đến với chương trình “Câu chuyện hàng tuần”, mời quý vị và các bạn chia sẻ những câu chuyện có ý nghĩa với Quỳnh Chi qua email QUYNHCHI@RFA.ORG hoặc kết nối với Quỳnh Chi trên Facebook và Twitter. Xin kính chào và hẹn gặp lại quý vị vào kỳ tới. 

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào: