Quyền biểu tình của công dân Việt Nam
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2011-06-30
Ngày 29/6/2011 Luật sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội với tư cách công dân Việt Nam đã kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích điều 69 Hiến pháp 1992, theo đó công dân có quyền biểu tình theo qui định của pháp luật.
Chưa có luật biểu tình
LS Hải đưa ra yều cầu này vì Quốc hội chưa ban hành luật biểu tình, giữa khi xảy ra nhiều cuộc biểu tình phản kháng Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt nam. Và trong nhiều trường hợp chính quyền đã dùng võ lực để ngăn cản.
Trả lời phỏng vấn của Nam Nguyên, từ Hà Nội Luật Sư Trần Vũ Hải phát biểu:
Giải thích hiến pháp, luật và pháp lệnh, đấy là quyền hạn và nhiệm vụ của UBTV Quốc Hội. Yêu cầu của tôi, kiến nghị của tôi là thuộc quyền công dân, mà như tôi đã trích dẫn là quyền kiến nghị và quyền thảo luận những vấn đề chung liên quan đến nhà nước. Thư tôi gửi đúng địa chỉ nhưng mà cũng có thể họ nói rằng là có rất nhiều việc phải làm, họ ưu tiên giải quyết từng vấn đề.
Đấy là chuyện của UBTV Quốc Hội và tôi nghĩ cũng không can thiệp được, nhưng mà tôi đang nêu vấn đề thuộc quyền hạn và trách nhiệm của Quôc Hội. Nếu UBTV Quốc Hội cho đây là một vấn đề đáng lưu tâm thì tôi nghĩ chắc họ phải giải quyết. Cá nhân tôi thì tôi cho rằng đây là vấn đề đáng lưu tâm. Đấy là một quyền con người, quyền cơ bản ghi trong hiến pháp.
Nam Nguyên : Ở Việt Nam, thưa Luật Sư, có thể tiến tới biểu tình có xin phép, được nhân viên công lực giữ trật tự và bảo vệ như ở các nước khác hay không ạ?
LS Trần Vũ Hải : Nói chính xác là chưa có luật biểu tình, tuy nhiên có nghị định của chính phủ năm 2005 có nói về vấn đề tụ tập hội họp gì đó đông người, từ 5 người trở lên thì phải có giấy phép. Kiểm tra cái nghị định này thì cái nghị định này căn cứ vào luật tổ chức chính phủ chứ không căn cứ vào hiến pháp, và nghị định này do Bộ Công An đề xuất, tức là nhằm làm nhiệm vụ để giữ gìn trật tự, đúng không ạ? Thế thì tôi cho rằng đây là vấn đề trật tự, không phải là biểu tình.
Biểu tình là có mục đích chính trị rõ ràng là để ủng hộ hay phản đối ai, hoặc là chính sách hay hành vi, cho nên cái nghị định này, cái nghị định của chính phủ năm 2005 không nằm trong phạm vi, không thể đồng nhất với biểu tình. Bởi vì thứ nhất cái nghị định này không căn cứ vào hiến pháp, cái thứ hai là biểu tình là một quyền chính trị.
Điều 50 của Hiến Pháp có nói là có 3 loại quyền con người được thể hiện theo hiến pháp và luật, là quyền chính trị, quyền kinh tế và quyền văn hóa. Hiện nay Hiến Pháp đã quy định quyền biểu tình, nhưng lại "theo quy định của pháp luật" tức là ý nói rằng phải có luật về biểu tình, thế thì đáng tiếc là chưa có. Mới có luật về báo chí để nói về vấn đề báo chí, nhưng mà chưa có luật biểu tình.
Điều 50 của Hiến Pháp có nói là có 3 loại quyền con người được thể hiện theo hiến pháp và luật, là quyền chính trị, quyền kinh tế và quyền văn hóa. Hiện nay Hiến Pháp đã quy định quyền biểu tình, nhưng lại "theo quy định của pháp luật" tức là ý nói rằng phải có luật về biểu tình, thế thì đáng tiếc là chưa có. Mới có luật về báo chí để nói về vấn đề báo chí, nhưng mà chưa có luật biểu tình.
Nói chính xác là chưa có luật biểu tình, tuy nhiên có nghị định của chính phủ năm 2005 có nói về vấn đề tụ tập hội họp đông người, từ 5 người trở lên thì phải có giấy phép.LS Trần Vũ Hải
Tôi cho rằng cái nghị định năm 2005 là không bao gồm vấn đề biểu tình ở đây. Đây là một cái trách nhiệm của Quốc Hội phải ban hành, nhưng chưa ban hành. Bây giờ để giải quyết tình huống ấy, theo luật thì BTV có quyền giải thích điều luật ấy cần phải được hiểu như thế naò. Khi chưa có luật thì đương nhiên được hưởng hay là phải đợi đến khu luật biểu tình ra đời.
Tuy nhiên, trong thực tế cũng phải thấy rằng khi có vấn đề gì thì công an, lực lượng an ninh, lực lượng trật tự có nghĩa vụ phải đảm bào rằng là sẽ không có phát sinh những vấn đề gây rối, những vấn đề quá khích. Thì tôi nghĩ ở bất kỳ đất nước nào các lực lượng an ninh trật tự cũng phải làm nhiệm vụ đó.
Nam Nguyên : Thưa Luật Sư, thí dụ người biểu tình có xin phép, chẳng hạn bây giờ tạm gọi là tụ tập theo như những luật lệ hiện hành ở Việt Nam, nhưng họ rất dễ bị ghép tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc là tuyên truyền chống chính phủ.
LS Trần Vũ Hải : Nhưng mà tôi thấy rằng chưa có căn cứ để xin phép hay không. Tụ tập không phải là biểu tình. Tụ tập có mục đích chính trị thì là biểu tình. Không có luật biểu tình thì làm sao có căn cứ mà giải quyết.
Quyền bày tỏ ý kiến
Nam Nguyên : Thế thì trong tình hình như bây giờ đâm ra nó bế tắc, thì những cuộc biểu tình đó...
LS Trần Vũ Hải : Thì đấy là trách nhiệm của UBTV Quốc Hội. Người ta thấy việc này là việc đáng lưu tâm thì người ta phải giải quyết, còn công dân thì đấy là việc đương nhiên, như quyền suy nghĩ, vân… vân, công dân họ có quyền nghĩ như vậy.
Nam Nguyên : Xin phép hỏi Luật Sư một câu là vừa qua có một tuyên cáo của nhân sĩ trí thức phản kháng Trung Quốc thì cũng có đề cập chuyện biểu tình bị ngăn cản, Luật Sư có ký tên vào tuyên cáo này hay không, và hình thức tuyên cáo chính trị như thế rất là hiếm thấy ở Việt Nam.
LS Trần Vũ Hải : Theo tôi thì trong Hiến Pháp cũng có nói tới quyền tự do bày tỏ rồi. Theo tôi, hiện nay có một quan điểm mà tôi nghĩ là đúng đắn, là cái gì ghi trong hiến pháp là đương nhiên được hưởng, nếu không có các quy định khác, mà nếu có, tôi cho rằng đấy là vô hạn, mà chỉ hạn chế ở chỗ không xâm phạm tới lợi ích chính đáng của người khác, của tổ chức khác. Còn nếu mà có luật thì lúc đó luật phải quy định những điều kiện, mà những điều kiện đấy cũng không được phép gây cản trở, biến cái quyền của hiến pháp trở thành cái quyền không thực hiện được.
Luật là phải làm thế nào để cái quyền của hiến pháp dễ thực hiện và thực hiện được. Còn nếu luật chưa quy định thì trách nhiệm đấy là của quốc hội, mà nếu không làm tròn thì người công dân phải có quyền. Như tôi nghĩ quyền sống là cái quyền đương nhiên, quyền bày tỏ ý kiến, quyền suy nghĩ, vân vân, thì đấy là những quyền đương nhiên, không ai hạn chế được.
Nam Nguyên : Nhưng trên thực tế thì có nhiều điều trong hiến pháp đã minh thị như thế nhưng mà...
LS Trần Vũ Hải : Đấy là có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này và chúng tôi cũng có quan điểm như vậy; chúng tôi nghĩ rằng là càng ngày, nhất là giới trẻ hiện nay họ đã không bị hạn chế bởi vì cái giáo dục gọi là giáo dục bảo thủ của Việt Nam, họ có những tiếp cận với internet, có những tiếp cận với những nền văn minh khác, với pháp luật của các nước khác, thì tôi nghĩ rằng giới trẻ sẽ có những suy nghĩ khác. Có thể do điều kiện của Việt Nam, do chiến tranh, do những năm gian khổ, người ta có thể có những quan niệm khác, nhưng mà dần dần cái sự văn minh, trí thức của thế giới sẽ đến với Việt Nam và họ sẽ có những thay đổi quan điểm.
Nam Nguyên : Cảm ơn Luật Sư Trần Vũ Hải rất nhiều.
Theo dòng thời sự:
Trinh Van Son nơi gửi Ha Noi :
neu cac ban thuc long yeu nuoc thi cac ban the hien o viec lam, dung nhu con roi lam mat trat tu cua nha nuoc ta. gia su co chien tranh toi tin chac cac ban la nguoi chay truoc tien. Con chung toi cho du co gia ca di chang nua chung toi van dung len cam sung bao ve To Quoc
30/06/2011 20:37
nguyen van hai nơi gửi quang nam :
nha toi hom qua ong cong an xa tu nhien dap pha bo tuong rao cua gia dinh toi va ham dua nua ,toi o xa binh lanh huyen thang binh tinh quang nam
30/06/2011 20:24
Hai nơi gửi Nha Trang :
Theo tôi cũng là một luật sư thì chúng ta nên đưa ra luật biểu tình. Để đất nước phát triển thì những vấn đề lớn nhà nước quyết định phải được đa số nhân dân hưởng ứng, nếu không thì sự biểu tình chính là cách mà nhân dân bày tỏ sự bất đồng quan điểm với những quyết định chưa hợp lý. Luật đưa ra sao cho việc biểu tình đúng với ý nghĩa tích cực của nó là thể hiện sự đóng góp ý kiến của nhân dân trong việc điều hành đất nước, chứ không phải là những cuộc bạo loạn.
30/06/2011 20:17
Ý kiến của Bạn