30.6.11

RFI Điểm Báo 29.06.2011


RFI Điểm Báo 29.06.2011

  • Trung Quốc và Châu Phi mở đường cho Christine Lagarde vào Quỹ Tiền tệ Quốc tế 
  • Trung Quốc đang là ông chủ nợ của nhiều nước Châu Âu
  • Ac-hen-ti-na và Việt Nam dẫn đầu danh sách những nước tình trạng tài chính quá nóng 
  • Nhật Bản ra sức thuyết phục du khách quay trở lại xứ Hoa anh đào.
Thứ tư 29 Tháng Sáu 2011
RFI  
Trung Quốc và Châu Phi mở đường cho Christine Lagarde vào Quỹ Tiền tệ Quốc tế

Trang nhất các báo Pháp ngày 29/06/2011 đồng loạt đưa tin bà Christine Lagarde, Bộ trưởng Kinh tế Pháp đắc cử Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF. Đáng chú ý là nhận định của Le Monde về hậu thuẫn của Trung Quốc và châu Phi dành cho bộ trưởng Pháp.
Bà Lagarde, ảnh chụp ngày 28/06/2011 tại Quốc hội Pháp,.
Bà Lagarde, ảnh chụp ngày 28/06/2011 tại 
Quốc hội Pháp,. REUTERS/Charles Platia
Trên trang nhất nhật báo cánh hữu Le Figaro, với hàng tựa « Christine Lagarde, đắc cử tại IMF, một thắng lợi cho nước Pháp ». Bà sẽ kế thừa vị trí của ông Dominique Strauss-Kan và trở thành người phụ nữ đầu tiên nắm giữ vị trí quan trọng này. Bà sẽ bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm kể từ ngày 05/07 tới đây. Đối với bà, sự kiện này là một thắng lợi và một vinh dự. Đó là những cảm xuc đầu tiên được bà thể hiện trên trang blog của mình.
« IMF, Christine Lagarde tiếp bước », là tiêu đề trên trang nhất của nhật báo Libération. Nhật báo hoan nghênh sự khôn khéo của ngànhngoại giao Pháp, cho thấy là nếu toàn Châu Âu thống nhất, nó sẽ có nhiều cơ hội hơn để bảo vệ những quyền lợi của mình.
Cũng liên quan đến đề tài này, nhật báo Le Monde hôm nay có đăng bài tựa « Tại IMF, Trung Quốc và Châu Phi mở đường giúp Christine Lagarde đắc cử ». Bài viết cho biết những suy nghĩ bên lề đằng sau cuộc chạy đua vị trí quan trọng này.
Theo Le Monde, ngay khi Trung Quốc lên tiếng ủng hộ ứng viên Pháp Christine Lagarde, Trung Quốc đã lộ rõ sách lược của mình. Họ muốn có một ghế trong ban lãnh đạo của cơ quan tài chính quan trọng này. Hiện tại, chính quyền Bắc Kinh không hài lòng với vị trí cố vấn đặc biệt của Tổng giám đốc IMF, do ông Chu Dân nắm giữ. Trung Quốc muốn được tham gia nhiều hơn nữa trong các quyết định quan trọng.
Trung Quốc hiểu rằng Mỹ sẽ không để Trung Quốc nắm giữ cả vị trí Tổng giám đốc lẫn Phó Tổng giám đốc. Nếu ứng viên Mêhico đắc cử, chắc chắn Trung Quốc sẽ không được một vị trí nào. Vì vậy, tốt hơn hết là Trung Quốc nên dùng quân cờ « ứng viên Châu Âu ». Theo đó, ứng viên này có thể sẽ giúp bổ nhiệm ông Chu Dân vào một vị trí phó Tổng giám đốc.
Trong khi đó, Mỹ lại có thái độ lửng lơ « ai tôi cũng ủng hộ hết ». Le Monde cho rằng, thái độ này của Mỹ chỉ có lợi cho họ mà thôi, vì Mỹ trông đợi nhiều vào sự ủng hộ của Châu Âu để giữ vị trí Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, nhập cuộc vào năm 2012.
Tuy nhiên, việc chỉ định bà Christine Lagarde vào vị trí Tổng Giám đốc cũng gây ra nhiều phản ứng trái ngược nhau. Trong một thông cáo chung, các tổ chức phi chính phủ đã lên án tiến trình bầu chọn, theo họ là không công bằng, không dân chủ và không dựa trên nền tảng tính xứng đáng. Nó đã bóc trần sự giả tạo trong thủ tục bầu chọn, khi nhấn mạnh việc duy trì một quy định bất thành văn được bảo tồn từ năm 1945 là « Châu Âu lãnh đạo IMF, còn Mỹ quản lý Ngân hàng Thê giới ».
Trước mắt, đa số các nhà quản lý mong muốn nhà lãnh đạo mới được bổ nhiệm ngay để sớm chấm dứt tình trạng « rắn không đầu », thời điểm mà Tổ chức này đóng vai trò chiến lược trong việc cứu trợ các nước Châu Âu mắc nợ, nhất là hồ sơ Hy Lạp.
Trung Quốc đang là ông chủ nợ của nhiều nước Châu Âu
Nhật báo Le Monde cũng quan tâm nhiều đến chuyến công du Châu Âu của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Trong bài xã luận « Trung Quốc, họ cũng vậy, tin tưởng hoàn toàn vào đồng euros », tác giả phân tích những mặt trái trong các mối quan hệ với Trung Quốc.
Trong suốt chuyến công du tại Châu Âu, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, luôn khẳng định sự tin tưởng của chính quyền Bắc Kinh vào đồng tiền euros, vào sự phát triển kinh tế của Châu Âu. Ông Ôn Gia Bảo còn khẳng định rằng Trung Quốc « đã mua liên tục các Trái phiếu Chính phủ của nhiều nước Châu Âu và đã không giảm lượng tiền dự trữ bằng euro ».
Như vậy, điều này cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc đang là ông chủ nợ của nhiều nước Châu Âu. Hơn nữa, Trung Quốc còn là một nhà đầu tư dài hạn rất quan trọng của Châu Âu. Các doanh nghiệp Châu Âu vui mừng khi thu hút được các nhà đầu tư Trung Quốc tham gia góp vốn vào doanh nghiệp của họ.
Tuy nhiên, theo tác giả bài xã luận, hợp tác với Trung Quốc thiệt nhiều hơn lợi. Các nhà đầu tư Trung Quốc không bao giờ rõ ràng. Họ có thể làm việc cho chính phủ bằng cách trộm liếc vài bí mật công nghiệp. Họ cũng không phải là một đối tác sòng phẳng. Châu Âu mở cửa thị trường công cho Trung Quốc, nhưng cửa của họ thì vẫn không vào được.
Cuối cùng, tác giả cũng nhắc lại rằng do Trung Quốc nắm giữ một phần nợ công của vài nước tại Châu Âu, nên Liên Hiệp Châu Âu khó có thể mà gây áp lực được với Bắc Kinh, nhất là trên vấn đề nhân quyền và biến đổi khí hậu.
Ac-hen-ti-na và Việt Nam dẫn đầu danh sách những nước tình trạng tài chính quá nóng 
Cũng liên quan đến vấn đề kinh tế, phụ san Kinh tế của nhật báo Le Figaro có đăng bài « Coface báo động tình trạng tài chính quá nóng của những nước mới trỗi dậy, trong đó Ac-hen-ti-na  và Việt Nam dẫn đầu danh sách ».
Trong khi các nước phát triển đang tìm cách kích thích tăng trưởng, thì các nước mới trỗi dậy đang phải đối diện với các « vấn đề của nhà giàu » : chống lại hiện tượng tài chính quá nóng của nền kinh tế – từ 6 đến 7% trong năm rồi. Một chuyên gia kinh tế của Công ty Bảo hiểm Ngoại thương Pháp (viết tắt là Coface) giải thích : việc quản lý nền kinh tế vĩ mô của các nước này đang phải đối mặt với hai vấn đề : duy trì mức lạm phát theo sức tăng trưởng thông qua chính sách tiền tệ và ngân sách nghiêm ngặt, đồng thời phải biết rằng tăng lãi suất cũng góp phần vào sự đổ dồn dòng vốn khổng lồ.
Le Figaro lưu ý đến trường hợp của hai nước thuộc các nước mới trỗi dậy. Tại Nam Mỹ, Ac-hen-ti-na dẫn đầu danh sách. Hiện tại kinh tế nước này đang ở mức lạm phát 23%, khi công nghiệp vận hành hết tốc độ, được duy trì nhờ vào nguồn tiêu thụ tại chỗ và chính sách về ngân sách và tiền tệ dễ dãi. Thế nhưng, tình trạng căng thẳng tài chính bị che khuất một phần qua thặng dư cán cân mậu dịch, chủ yếu nghiêng về xuất khẩu đậu nành cho Trung Quốc.
Còn tại Châu Á, Việt Nam chiếm đầu bảng. Việt Nam có nền kinh tế mở và phát triển theo mô hình của Trung Quốc, dựa vào đầu tư nước ngoài, chủ yếu là tại Châu Á. Hiện tại, Việt Nam đang tận dụng việc giá thành sản xuất tại Trung Quốc tăng kéo theo việc nhiều nhà đầu tư Trung Quốc chuyển các hoạt động sản xuất sang nước này. Việc này gây ra hiện tượng bong bóng tín dụng khổng lồ.
Chỉ trong vòng có mười năm, tỷ lệ nợ vay tín dụng so với Tổng sản phẩm Quốc nội PIB đã vượt từ 30% đến 120%. Theo phân tích của chuyên gia kinh tế của Coface, thật sự là Việt Nam đang chậm trễ về mặt thể chế, trong trường hợp bị sa đà, có nguy cơ làm nản lòng các nhà đầu tư, những người đang cấp vốn cho khoản thâm hụt kếch xù.
Cuối cùng, chuyên gia này khuyên rằng cái được hay mất là ở việc phát triển một thị trường tiêu thụ thật sự thông qua việc rút ngắn sự bất công, tăng tầng lớp trung lưu để tiếp sức cho sự tăng trưởng ở các nước đã phát triển.
 Nhật Bản ra sức thuyết phục du khách quay trở lại xứ Hoa anh đào.
Thảm họa Fukushima tại Nhật Bản đã gây đình trệ trên mọi lãnh vực kinh tế. Lẽ dĩ nhiên, ngành du lịch Nhật Bản cũng phải gánh chịu chung số phận. Các điểm du lịch ngay cả những nơi nổi tiếng với thắng cảnh hoàn toàn vắng bóng khách nước ngoài.
Cả nước Nhật được huy động để thuyết phục du khách quay trở lại với nước Nhật. Một loạt các chương trình khuyến mãi được tung ra nhằm thu hút lại lượng du khách biến mất sau trận động đất và thảm họa Fukushima.
Chính phủ Nhật Bản thông báo giảm nhẹ thủ tục cấp thị thực nhập cảnh cho các du khách đến từ Trung Quốc, một trong những khách hàng quan trọng nhất của ngành du lịch tại đây, do đặc thù thích mua sắm của họ. Chính quyền các địa phương còn đẩy hoạt động quảng cáo đi xa hơn, ra ngoài nước Nhật. Họ đến các nước lân cận, chủ yếu là Đài Loan và Trung Quốc, tiếp xúc với các hãng du lịch tại những nước này.
Ngoài ra, các hãng lữ hành tại Nhật còn tung ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Thậm chí, giá phòng khách sạn hạng sang tại Nhật, bình thường phải trả 523 đến 611 euros/ đêm thì nay hạ xuống chỉ còn có 87€ / đêm.
Nhưng Le Monde nhận định rằng, thành công của chiến dịch này còn phụ thuộc nhiều vào cách xử lý các lò phản ứng hạt nhân Fukushima. Việc quản lý kém thảm họa và thông tin không đầy đủ chính xác là nguyên nhân của sự sút giảm trầm trọng lượng khách du lịch.
Theo một kết quả thăm dò của Boston Consulting Group tại bốn nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và Đài Loan, nguồn du khách chính của Nhật, thì 86% số người được hỏi nói rằng họ sợ các bức xạ và 14% khẳng định không tin tưởng vào những thông tin của chính quyền Tokyo.

Không có nhận xét nào: