9.6.11

SÁCH LƯỢC VÀ Ý ĐỒ CỦA TRUNG QUỐC (3)


SÁCH LƯỢC VÀ Ý ĐỒ CỦA TRUNG QUỐC (3)

Iris Vinh Hayes
Cuối năm 2004 tôi có đề xuất một dự án chiến lược dưới tựa đề Lộ Đồ Hình Thành & Kiến Tạo Một Liên Bang Đông Nam Á Châu. 
Dự án này thực ra là một đối sách dài hạn để chống lại ý đồ của Trung Quốc.  Tuy là nó được soạn thảo và trình bày với mục đích chính là để thuyết phục giới chức Hoa Kỳ nhưng nội dung của nó, theo chủ quan của tôi, thì lại càng nên được lưu ý bởi nhân dân và chính quyền Việt Nam.  Tôi sẽ cố gắng trích dẫn một số đoạn trong dự án để mọi người tham cứu.  Hy vọng là có sự bổ ích. 
Bắt Đầu Trích Dẫn Nguyên Văn – Đoạn 3
(trang 23-32 )
Nhu Cầu Cho Sự Hình Thành Một LBĐNAC
Để thực sự đạt hiệu quả cho chiến lược BVKCLBTQ [bao vây, kềm chế, làm bể Trung Quốc], sáu quốc gia VMLMTM [Việt, Miên, Lào, Mã, Thái, Miến] phải trở thành một khối có đủ thực lực trấn giữ góc Đông Nam Á Châu.  Khối này không thể chỉ là một tập hợp đa quốc gia đồng ý tham dự trên nguyên tắc rồi tiếp tục duy trì sự hoạt động cục bộ, chưa nói tới những xung đột có thể xảy ra giữa những thành viên trong khối.  Nói một cách khác, tập hợp VMLMTM phải trở thành một thực thể có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và sức mạnh này phải lớn hơn gấp nhiều lần sức mạnh đến từ sự cộng hợp dưới một hình thái liên minh vá víu lỏng lẻo.  Một sức mạnh như vậy chỉ có thể thoát thai từ một kết hợp thực sự và trọn vẹn. 
Do nhu cầu này, hình thành một Liên Bang Đông Nam Á Châu (LBĐNAC) là một giải pháp đúng đắn nhất và cho lợi ích dài hạn chắc chắn nhất.  Một giải pháp không những đóng góp vào việc gia tăng hiệu quả của chiến lược bao vây, kềm chế và làm bể Trung Quốc ra nhiều mảnh mà còn: (a) đóng góp vào sự ổn định của toàn vùng, vì tự động hóa giải được những xung đột cục bộ và vì không còn đất cho những hoạt động khủng bố và sản xuất ma dược; (b) đóng góp vào  sự phồn thịnh kinh tế của toàn vùng, một thành tựu tất yếu đẻ ra từ chiến lược bao vây và làm bể Trung Quốc; và (c) đóng góp vào hiệu quả phòng thủ của toàn vùng Đông Nam Á Châu, nhất là gìn giữ an ninh cho hành lang Biển Đông, Malacca Strait, Singapore Strait, vịnh Thái Lan và mạn Đông của vịnh Bengal.        
Để có một sự cảm nhận sâu sắc hơn về nhu cầu thành lập một LBĐNAC và vai trò cực kỳ quan trọng của nó đối với vùng Đông Nam Á Châu cũng như đối với sự mất còn của sáu nước VMLMTM trong tương lai, thiết tưởng chúng ta không thể bỏ qua cơ hội kiểm nghiệm lại những bằng chứng cho thấy sức mạnh quân sự, sức mạnh kinh tế và sức mạnh dân số hậu thuẩn cho sự đe dọa của Trung Quốc, chưa nói tới sức mạnh của những đạo quân trong bóng tối.
A. Sức Mạnh Quân Sự Của Trung Cộng
Sức mạnh quân sự của Trung Quốc là đe dọa thực sự và trường kỳ cho vùng Đông Nam Á Châu và cho cả thế giới trong tương lai.  Một cuộc tấn tông bất ngờ với sức mạnh vũ bão làm tê liệt sự phản kháng của đối phương và không cho lực lượng bên ngoài đủ thời giờ can thiệp có thể xảy ra và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, với mục đích chiếm cứ lãnh thổ trong vùng, chẳng hạn như nuốt ba nước VML hoặc nuốt những quần đảo dọc biển Đông xuống tận Nam Dương, và đồng thời lập một định vị “ta là chủ nhân ông của vùng Á Châu này và không ai có thể chống” để từ đó ép mọi quốc gia trong vùng phải “đá” Hoa Kỳ ra khỏi danh sách quan hệ thân thiết và tuyệt đối thần phục Trung Quốc.  Và Trung Cộng có khả năng thực hiện với 4 chiều lực: (a) sức mạnh trên biển; (b) sức mạnh trên mặt đất; (c) sức mạnh trên không; (d) sức mạnh nguyên tử, phi đạn và vũ khí sinh hóa.
Sức Mạnh Trên Biển – Lực lượng hải quân Trung Cộng bao gồm (a) một bộ Tổng Hành Dinh Hải Quân đóng tại Beijing; (b) ba hạm đội trong đó hạm đội Bắc Hải[1] đặt bản doanh tại Quindao tỉnh Shandong, hạm đội Đông Hải[2] đặt bản doanh tại Shanghai và hạm đội Nam Hải[3] đặt bản doanh tại Zhanjiang tỉnh Guangdong; (c) với 350000 quân trong đó không lực của hải quân (Naval Air Force) chiếm 34000 quân, những lực lượng phòng vệ duyên hải (Coastal Defense Forces) chiếm 38000 quân và lực lượng lính biển đánh trên đất (Marine Corps) chiếm 56500 quân.  Được trang bị với (a) 72 tàu lặn[4] đủ loại trong đó có 6 tàu lặn nguyên tử; (b) 808 tàu chiến[5] đủ loại; và (c) 497 máy bay[6] đủ loại.  Với một mạng lưới gồm (a) 47 căn cứ[7] lớn nhỏ (b) 26 không trạm của hải quân; và (c) 26 xưởng đóng tàu[8] công và tư.  Thêm vào đó một lực lượng thương thuyền gồm 1649 chiếc có tải trọng trên một ngàn tấn (GRT) với trọng tải tổng hợp là 18724663 tấn (GRT) có thể trưng dụng vào chiến tranh.  
Trung Cộng chỉ định hai hạm đội Đông Hải và Nam Hải là lực lượng di động đối phó biến cố  (Emergency Mobile Force) vì tin rằng biển Nam Hải và Đông Hải là hai nơi có nhiều triển vọng đụng trận.  Sĩ quan của Trung Quốc đề nghị là quân đội của họ cần phải mở rộng sức mạnh quân sự ra tới Taiwan, Ryukyus, Phillipines, Borneo, Marianas, Guam và Carolines nhằm bảo vệ bờ biển của Trung Quốc.  Theo như Liu Huaquing, tới năm 2000 là Trung Cộng đã đủ mạnh để khống chế chuỗi hải đảo thứ nhất (first island chain), tức là thao túng trọn vẹn vùng biển Nam Hải; tới năm 2020 Trung Cộng sẽ thành lập sức mạnh khống chế ra tới chuỗi hải đảo thứ nhì (second island chain), tức là ra tới vùng biển Timor và biển Phillipine sau lưng Nam Dương và Phi Luật Tân; đến năm 2050 Trung Cộng sẽ trở thành một lực lượng hải quân có sức mạnh trên toàn cầu (global naval power). 
Trong năm 2000, hải quân Trung Cộng đã hai lần biểu dương khả năng trên biển, đến tận Nam Phi và biên giới phía Tây Hoa Kỳ.  Trong năm 2001, hải quân Trung Cộng một lần nữa biểu dương khả năng tại Ấn Độ và Pakistan.  Đúng như Zhao Nangqui, giám đốc Trường Khoa Học Quân Sự Trung Quốc, đã nói: chúng ta không để cho Ấn Độ Dương là đại dương của Ấn Độ. Trong năm 2003, Trung Cộng công bố cho thế giới biết một tàu tiêu diệt (a destroyer) được trang bị hệ thống phóng hỏa tiễn được gọi là “magic shield of China” phỏng theo “Aegis combat system” của Hoa Kỳ.  Mới đây Trung Cộng mua của Liên Xô hai chiếc tàu tiêu diệt Sovremenny DD trang bị 8 hỏa tiễn supersonic SS-N-22. Thêm hai chiếc Sovremenny sẽ được giao trong năm 2005 và 8 chiếc tàu lặn Kilo đã lên đơn đặt hàng.  Những sự kiện này cho thấy, hải quân Trung Cộng đang trên đà ráo riết hiện đại hóa để phục vụ hữu hiệu hơn nữa cho tham vọng của Trung Quốc.      
Sức Mạnh Trên Bầu Trời – Không lực (air force) và không vệ (air defense) của Trung Cộng có tất cả là 370,000 quân được tổ chức thành 7 quân đoàn[9] không lực (military region air force) bao gồm: (a) 42 sư đoàn[10] không lực (air divisions) trong đó có 4 sư đoàn máy bay đám bom (bomber divisions), 30 sư đoàn máy bay chiến đấu (fighter divisions), 6 sư đoàn máy bay tấn công (attack divisions), 2 sư đoàn máy bay vận chuyển (transport divisions); (b) 17 sư đoàn không vệ (air defense divisions) với 220000 quân; (c) 3 sư đoàn dù (airborne divisions) với 20000 quân; (d) 22 trung đoàn ra đa biệt lập (independent regiments); và (e) 600 tiểu đoàn hỏa tiễn không vệ (air defense missile battalions).  Không lực được trang bị với 2902 máy bay[11] quân sự đủ loại.  Không vệ được trang bị với 16000 khẩu súng phòng không, 100 hỏa tiễn địa-đối-không (SAM/ surface-to-air missiles) và nhiều loại hỏa tiễn[12] không vệ khác.  Kèm theo đó là 500 không cảng[13] (airports)/ không cứ (airbases) lớn nhỏ, trong đó có khoảng 160 không cảng dân sự[14], và hơn 627 máy bay dân sự[15] có trọng tải trên 70 ghế có thể được vận dụng vào chiến tranh.
Dầu rằng không lực của Trung Cộng vẫn chưa hoàn chỉnh  nhưng chỉ với một số lượng khổng lồ và sự yếu kém không lực và không vệ của những quốc gia kém phát triển trong vùng thì sức mạnh trên không của Trung Cộng là một đe dọa khó có thể đối đầu.  Để trám vào chỗ yếu kém, Trung Cộng mua của Liên Xô những máy bay tối tân hơn.  Hiện giờ Trung Cộng có 128 chiếc SU-27 và SU-30.  Thêm vào đó là Trung Cộng đang tích cực đầu tư vào những chương trình không gian.  Ngày 15 tháng 5 năm 2002, Trung Cộng đã phóng một vệ tinh thu lượm tin tức trên đại dương.  Bắc Kinh cũng tuyên bố là sẽ phóng thêm nhiều vệ tinh nữa để thiết lập một hệ thống quan sát đại dương cho Trung Quốc, dự trù sẽ hoàn tất vào năm 2010.  Người ta khó có thể không đặt nhiều câu hỏi về ý đồ của Trung Quốc. 
         
Sức Mạnh Trên Mặt Đất – Lục quân Trung Cộng gồm có 1700000 quân được tổ chức thành 7 quân khu (military regions), 21 quân đoàn (group armies) cộng 27 đặc khu quân sự (military district), với 81 sư đoàn và 106 trung đoàn/chiến đoàn thiết giáp, pháo binh, phòng không, ra đa, hỏa tiễn, công binh, máy bay, lực lượng đặc biệt, lực lượng dù, vân vân.  Được trang bị ( a) 7010 xe tăng đủ loại; (b) 6000 xe thiết vận đủ loại; (c) 1200 khẩu pháo đặt trên xe di động (self-propelled artillery); (d) 13300 khẩu pháo kéo (towed artillery); (e) 2200 dàn tên lửa (artillery rockets/rocket launchers); (f) 5000 khẩu phòng không (anti-aircraft artillery); (g) 300 giàn hỏa tiễn đất-đối-đất (tactical surface-to-surface missles); (h) 300 súng chống xe tăng (anti-tank guns); (i) 6500 hỏa tiễn chống xe tăng (guided anti-tank missles); (j) 269 chiếc trực thăng và một số máy bay thám thính không người lái loại Chang Hong CH-1.  Thêm vào đó là 162 căn cứ lớn nhỏ, trong đó có 21 bản doanh chỉ huy của 21 quân đoàn. 
Đầu thập niên 1980 Quân Ủy Trung Ương ra lệnh thành lập Lực Lượng Phản Ứng Nhanh (Rapid Reaction Force/ RRF), phỏng theo lực lượng RDF (Rapid Deployment Force) của Hoa Kỳ thành lập dưới thời Jimmy Carter, trang bị với kỹ năng cao và vũ khí tối tân, để vận dụng vào những cuộc hành quân giới hạn nhưng với cường độ mạnh (small-scale, intensive military operation) nhằm ngăn chận hoặc dành chiến thắng trong những tranh chấp cấp vùng.  Năm 1992 một lực lượng đặc biệt được hình thành, có tên là Lực Lượng Di Động Chiến Đấu Vãn Hồi An Ninh (Resolving Emergency Mobile Combat Force), với quân số 300000 và trực thuộc Quân Ủy Trung Ương, sử dụng vào công tác bảo vệ biên giới hoặc dẹp nội loạn hoặc cứu cấp thiên tai.  Đánh giá tổng quát, dầu lục quân của Trung Cộng không phải là đội quân chuyên nghiệp hoặc được trang bị với vũ khí tối tân nhất thế giới như là tinh binh của những quốc gia siêu cường, đội quân đông nhất thế giới này dư sức tràn ngập những quốc gia kém phát triển chung quanh với “biển người” của họ.   
Sức Mạnh Phi Đạn, Nguyên Tử, Hóa Học & Sinh Học – Theo báo cáo của NRDC (Natural Resource Defense Council) Trung Quốc hiện đang có khoảng 400 đầu đạn nguyên tử.  Khoảng 250 đầu đạn nguyên tử thuộc vũ khí chiến lược (strategic weapon) được phân bố theo 3 chiều tham chiến: phóng từ dưới đất (land-based missiles), phóng từ dưới biển (submarine-launched ballistic missiles) và phóng từ trên không[16] bằng phi cơ (bombers). Trong số 250 này có 18-26 được lấp vào hỏa tiễn có tầm phóng xa hơn 11931 km, 100 được lấp vào hỏa tiễn hoặc lấp vào máy bay đánh bom có tầm từ 1800 km cho tới 4750 km, 12 được lấp vào hỏa tiễn của những tàu lặn nguyên tử.  Và khoảng 150 đầu đạn nguyên tử thuộc loại vũ khí chiến thuật (tactical weapons) dưới dạng đầu đạn nguyên tử lấp vào hỏa tiễn tầm ngắn (short range nuclear missiles), đầu đạn nguyên tử lấp vào đạn pháo (nuclear artillery shells), đầu đạn nguyên tử lấp vào tên lửa (nuclear-tipped rockets) hoặc bom nguyên tử hạng nhẹ (low-yield bombs).  Ngoài ra Trung Cộng còn có thủy lôi nguyên tử (nuclear torpedos) và mìn nguyên tử (nuclear demolition mines). 
Khó có thể biết chắc được số lượng vũ khí nguyên tử hiện đang có trong tay Trung Cộng vì hầu hết những báo cáo khó có thể kiểm nghiệm.  Nhưng một điều chắc chắn là Trung Cộng đang trên đà hiện đại hóa chương trình hỏa tiễn và chương trình nguyên tử của nó.  Chương trình hỏa tiễn của Trung Cộng thành hình từ đầu thập niên 1960 với thế hệ hỏa tiễn đầu tiên DF-3 phỏng theo sáng chế của Liên Xô và đã tiếp tục cải tiến loại vũ khí chiến lược này song song với việc hiện đại hóa những vũ khí chiến lược khác.  Hỏa tiễn liên lục địa đời mới, DF-31 ICBMs phóng từ mặt đất với tầm trên 8000 km, đang được chế tạo, đã phóng thử vào tháng 9/1999 nhưng chưa thành công lúc đó, và DF-41 ICBMs đã lên kế hoạch, nhưng hình như đã bị đình chỉ để theo đuổi một loại hỏa tiễn khác hay hơn.  Theo ước tính của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ thì Trung Quốc có khả năng sản xuất 10-12 đầu đạn ICBMs một năm và tới năm 2010 có thể cài đặt thêm được 1000 hỏa tiễn tầm ngắn mà không cần đầu tư nhiều lắm. 
Tướng Yang Huan chủ trương Trung Cộng nên nghiên cứu để sản xuất vũ khí nguyên tử “xài được trong chiến trận” và Tướng Wu Jiangguo cũng nói là Trung Cộng “tìm thấy sự hữu ích của vũ khí nguyên tử trong những cuộc chiến địa phương” (local wars). Tướng Wu còn nhấn mạnh là quân đội Trung Quốc không thể đạt tới những mục đích của nó chỉ bằng phương tiện tâm lý [ý nói dùng hỏa tiễn nguyên tử để hù dọa đối phương] mà phải thắng ở chiến trường [ý nói là phải sử dụng để tiêu diệt đối phương] và ông ta bài bát ý nghĩ “sử dụng vũ khí nguyên tử trong chiến trận là điều kiêng kỵ” (inherently taboo). 
Có thể nói, dầu rằng hỏa tiễn và đầu đạn nguyên tử của Trung Cộng chưa thể sánh được với vũ khí của Hoa Kỳ và của những siêu cường khác về lượng cũng như phẩm, nhưng chỉ với số lượng Trung Cộng hiện có cộng với binh thuyết cường tập đối phương bằng vũ khí nguyên tử ẩn chứa trong cách nói “chế tạo vũ khí nguyên tử thực dụng nơi chiến trường cho những cuộc chiến tranh địa phương” của Tướng Yang và Tướng Wu đã đủ làm “xuất mồ hôi hạn” những quốc gia tiếp giáp biên giới với Trung Quốc cũng như những quốc gia kém phát triển nằm xa hơn nhưng vẫn trong tầm sát hại của vũ khí Trung Cộng.
Thêm vào đó, Trung Cộng có một chương trình chiến tranh hóa chất tiên tiến (advanced chemical warfare program).  Trung Cộng đang có đầy đủ khả năng nghiên cứu, sản xuất và vũ khí hóa (R&D, production and weaponization capabilities). 
Quân đội Trung Quốc thông thạo về học thuyết chiến tranh hóa chất (chemical warfare doctrine) và đã từng nghiên cứu về học thuyết chiến tranh hóa chất của Liên Xô.  Trung Cộng đang có trong tay tất cả những thứ hóa chất truyền thống (full range of traditional agents) và đang tiếp tục nghiên cứu thêm những loại hóa chất còn trong vòng bí mật (advanced agents).
Trung Cộng có rất nhiều loại hệ thống phóng vũ khí hóa chất bao gồm phóng bằng tên lửa (rockets), bằng ống pháo (tube artillery), bằng súng cối (motars), bằng bom bay (aerial bombs), bằng mìn chôn dưới đất (landmines), bằng vòi phun (sprayers) hoặc bằng hỏa tiễn tầm ngắn (SRBMs). 
Chưa hết, Trung Cộng cũng duy trì một chương trình chiến tranh sinh thể chủ đích cường tập đối phương (offensive biological warfare program).  Trung Cộng đang có trong tay cấu trúc nền tảng của kỹ thuật sinh học tiên tiến (advanced biotechnology infrastructure) và những căn cứ cách ly sinh thể (biocontainments) để nghiên cứu những sinh thể độc hại (lethal pathogens). 
Nói tóm lại, sự gia tăng nhanh chóng sức mạnh quân sự của Trung Quốc là một đe dọa có thực và là một đe dọa trường kỳ cho toàn vùng.  Chỉ trong năm 2004, ngân sách quân sự của Trung Quốc đã lên đến 67.49 tỉ USD hay là 4.3% của tổng lượng kinh tế.  Nâng cấp hoặc hiện đại hóa lực lượng quân sự không nhất thiết là một đe dọa đối với hàng xóm nhưng mất quân bình trên cán cân quân sự giữa những quốc gia trong vùng thì đúng là một đe đọa.  Cán cân vốn dĩ đã nghiêng về phía Trung Quốc bây giờ lại càng nghiêng nhiều hơn và nhanh hơn.  Và với tham vọng trường kỳ cộng với thái độ sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự của Trung Quốc, những quốc gia nhỏ yếu chung quanh bắt buộc phải lo sợ.
Ngưng Trích Dẫn Đoạn 3
Còn Tiếp
Ghi Chú:
[1] Hạm đội Bắc Hải, mã số 91283, soái hạm DDG112 Harbin, có tất cả (a) bốn biệt đội tàu lặn (submarines flotillas/detachments) là BĐ1 tại hải cứ Wiangezhuang, BĐ2 mang mã số 92763 tại hải cứ Quindao, BĐ12 tại hải cứ Lushun và BĐ62 không rõ hải cứ; (b) hai hải đội tàu tiêu diệt (destroyer flotillas) mang mã số 92132 và 91381; (c) ba hải đội tàu phóng ngư lôi/hỏa tiễn tấn công  (torpedo/missle attack boats flotillas); và (d) một hải đội tàu đổ bộ (amphibious flotilla), một hải đội tàu thả-vớt thủy lôi (mine warfare flotilla), một hải đội tàu tuần tiểu (patrol/speed boat flotilla) và tàu cấp cứu (resue ships).  BĐ1 gồm có năm tàu lặn Han và một tàu lặn Xia (Xia-class SSBN type 092) duy nhất trang bị hỏa tiền mang đầu đạn nguyên tử (ballistic missiles w/ nuclear warheads).  BĐ2 gồm có mười tàu lặn Romeo.  BĐ12 gồm có mười tàu lặn Ming.  BĐ62 gồm một tàu lặn Romeo, một tàu lặn Golf và một tàu lặn Song.  Lực lượng không quân trực thuộc hạm đội Bắc Hải, mã số 91286, gồm có (a) hai sư đoàn máy bay chiến đấu (fighter divisions); (b) một sư đoàn máy bay đánh bom (bomber division); (c) một trung đoàn máy bay đáp mặt nước (water plane regiment), (d) một trung đoàn  huấn luyện (training regiment); (e) một chiến đoàn ra đa (radar brigade); và (f) một đơn vị trực thăng (shipboard helicopter unit).  Trường chiến đấu của hạm đội Bắc Hải trải dài từ biên giới Đại Hàn xuống tới ranh giới Shangdong/Jiangsu và trực thuộc quân khu Jinan (Jinan military region order of battle).  Tư lệnh của hạm đội Bắc Hải cũng là tư lệnh phó của quân khu Jinan.  [2] Hạm đội Đông Hải, soái hạm J302 Chongmingdao, có tất cả (a) hai biệt đội tàu lặn (submarine detachments), BĐ22 tại Xiaqui Dap và BĐ42 tại Xiangshan; (b) ba hải đội tàu tiêu diệt (destroyer flotillas), HĐ3 tại Jiaotu, HĐ6 tại Shanghai và HĐ8 tại Wusong; (c) hai hải đội tàu đổ bộ (amphibious flotillas); (d) một hải đội tàu thả-vớt thủy lôi; (e) hai hải đội tàu tuần tiểu (patrol flotillas), một hải đội mang mã số 91792 biệt hiệu Mosquito đóng tại căn cứ Ningde và hải đội kia, HĐ24, đóng tại Changtu.  BĐ22 gồm có mười tàu lặn Romeo.  BĐ42 gồm có 4 tàu lặn Kilo và 4 tàu lặn Ming.  Lực lượng không quân trực thuộc hạm đội Đông Hải gồm có 2 sư đoàn máy bay, SĐ4 và SĐ6.  Trường chiến đấu của hạm đội Đông Hải trải dài từ ranh giới Shangdong/Jiangsu xuống tới ranh giới Fujiang/ Guangdong và trực thuộc quân khu Nanjing.  Tư lệnh của hạm đội Đông Hải cũng là tư lệnh phó của quân khu Nanjing.  [3] Hạm đội Nam Hải, soái hạm AOR/AK953 Nanchang có tất cả (a) hai biệt đội tàu lặn là BĐ32 mang mã số 38031 và biệt đội còn lại chưa xác định; (b) ba hải đội tàu tiêu diệt/ hộ tống, một đội mang mã số 91526, còn hai đội kia không rõ; (c) hai hải đội tàu đổ bộ; (d) hai hải đội tàu tuần tiểu, một hải đội đóng tại Guangzhou còn HĐ11 không biết đóng ở đâu; (e) hai chiến đoàn thủy quân lục chiến, CĐ1 mã số 92057 và CĐ2 mã số 92510.  BĐ32 gồm có mười tàu lặn Romeo và hơn bốn tàu lặn Ming.  Trường chiến đấu của hạm đội Bắc Hải trải dài từ ranh giới Fujiang/ Guangdong xuống tới biên giới Việt Nam và trực thuộc quân khu Guangzhou.  Tư lệnh của hạm đội Nam Hải cũng là tư lệnh phó của quân khu Guangzhou.  Trong thời chiến tất cả tàu lặn SSBN sẽ nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp của hội đồng quân ủy trung ương (Central Military Commission).[4] Trong số 72 tàu lặn (submarines) gồm (a) 1 SSBN Xia Type 092; (b) 1 SSN Golf Type 031; (c) 1 SSN NewCon Type 093; (d) 5 SSN Han Type 091; (e) 4 SS Kilo; (f) 2 SS Yuan Type 039A; (g) 5 SS Song Type 039; (h) 17 SS Ming Type 035; (i) 35 SS Romeo; và (j) 1 SS Wuhan.[5] Gồm (a) 24 tàu tiêu diệt (destroyers); (b) 45 tàu hộ tống (frigates); (c) 90 tàu phóng hỏa tiễn (guided missle boats); (d) 9 tàu phóng ngư lôi (torpedo boats); (e) 238 tàu tuần (patrol boats); (f) 92 tàu thả-vớt thủy lôi (mine warfare ships); (g) 121 tàu đổ bộ (amphibious warfare ships & carfts); (h) 29 tàu thám thính/ khảo sát (surveillance ships); (i) 134 tàu phụ trợ (support ships); (j) 26 tàu khảo sát.[6] Gồm (a) 68 máy bay đánh bom; (b) 50 máy bay tấn công; (c) 274 máy bay chiến đấu; (d) 51 máy bay diệt tàu lặn; (e) 7 máy bay cấp cứu; (f) 3 máy bay tiếp nhiên liệu trên không; và (g) 74 máy bay vận chuyển.[7] Thuộc hạm đội Bắc Hải có 3 hải cứ lớn (major bases), 10 hải cứ nhỏ (minor bases), 1 hải cứ tàu lặn, 13 không trạm của hải quân (Navy air stations).  Thuộc hạm đội Đông Hải có 3 hải cứ lớn, 10 hải cứ nhỏ, 6 không trạm của hải quân. Thuộc hạm đội Nam Hải có 2 hải cứ lớn, 18 hải cứ nhỏ và 7 không trạm của hải quân.[8] Gồm có 11 xưởng đóng tàu của công ty tư nhân và 15 xưởng đóng tàu của nhà nước.[9] Trong số 7 quân đoàn không lực gồm có: QĐKL Shenyang, QĐKL Beijing, QĐKL Lanzhou, QĐKL Nanjing, QĐKL Guangzhou, QĐKL Jinan, và QĐKL Chendu.[10] QĐKL Shenyang gồm có 8 sư đoàn và 4 trung đoàn/chiến đoàn: SĐ1, 4, 16, 21, 30, 39 máy bay chiến đấu; SĐ11, 22 máy bay tấn công; TrĐ4 Biệt Lập máy bay đánh bom; 1 chiến đoàn phòng không (anti-aircrart artillery brigade); 1 trung đoàn ra đa; và 1 chiến đoàn hỏa tiễn. QĐKL Beijing gồm có 10 sư đoàn: SĐ7, 15, 24, 38 máy bay chiến đấu; SĐ50 máy bay tấn công; SĐ34 máy bay vận tải; 1 sư đoàn hỏa tiễn SAM; 2 sư đoàn hỏa tiễn không vệ; và 1 sư đoàn không vệ không rõ thuộc loại nào.  QĐKL Lanzhou gồm có 6 sư đoàn và 1 chiến đoàn: SĐ6, 37, 47 máy bay chiến đấu và SĐ25, 36 máy bay đánh bom; SĐ45 máy bay tấn công; và 1 chiến đoàn hỏa tiễn.  QĐKL Nanjing gồm có 7 sư đoàn và 4 trung đoàn/chiến đoàn: SĐ3, 14, 26, 29, 49 máy bay chiến đấu; SĐ10 máy bay đánh bom; SĐ28 máy bay tấn công; TrĐ3 Biệt Lập không rõ chức năng, có thể là máy bay đánh bom; 2 chiến đoàn ra đa; và 1 chiến đoàn hỏa tiễn.  QĐKL Guangzhou gồm có 9 sư đoàn và 4 trung đoàn/chiến đoàn: SĐ2, 9, 18, 27, 35, 42, 48 máy bay chiến đấu; SĐ8 máy bay đánh bom; SĐ13 vận chuyển; TrĐ2 Biệt Lập không rõ chức năng, có thể là máy bay đánh bom; 1 chiến đoàn SAM; 1 chiến đoàn ra đa; và 1 chiến đoàn hoả tiễn.  QĐKL Jinan gồm có 4 sư đoàn và 1 trung đoàn biệt lập: SĐ12, 19, 31 máy bay chiến đấu; SĐ5 máy bay tấn công; và TrĐ1 Biệt Lập không rõ chức năng, có thể là máy bay đánh bom.  QĐKL Chendu gồm có 2 sư đoàn và 3 chiến đoàn: SĐ33, 44 máy bay chiến đấu; 1 chiến đoàn ra đa; và 2 chiến đoàn không rõ chức năng[11] Gồm 120 máy bay đánh bom, 525 máy bay tấn công, 1250 máy bay chiến đấu, 180 máy bay thu lượm tin tức (reconnaissance planes), 14 máy bay tiếp nhiên liệu trên không (tankers), 513 máy bay vận chuyển, 200 máy bay huấn luyện và 100 máy bay trực thăng.[12] 600 tiểu đoàn hỏa tiển được trang bị với HQ-2, HQ-7, HQ-61, LY-60, PL-9, HY-5 shoulder-launched, QW-1 shoulder-launched, C-300 Liên Xô chế tạo.[13] Gồm 351 không cảng/không cứ có đường bay trải nhựa (paved runways) và 149 có đường bay không trải nhựa.
[14] Năm 2000.
[15] 426 chiếc năm 1997 dự phóng 5% gia tăng tới năm 2005.
[16] Có 6 loại hoả tiễn phóng từ dưới đất có khả năng mang đầu đạn nguyên tử (land-based nuclear capable ballistic missles) là DF-21/ DF-21X, DF-15, DF-11, DF-5/ DF-5A, DF-4, và DF-3A.  Có 40 dàn DF-3/Dongfeng-3 nằm tại Jianshui, Kunming, Yidu, Tonghua, Dengshahe and Lianxiwang và DF-21 đang thay thế cho DF-3 tại Tonghua, Jianshui and Lianxiwang sites.  DF-4 là hỏa tiễn có tầm xa hơn (a longer range missile) được đặt tại Da Qaidam, Delingha, Sundian, Tongdao, and Xiao Qaidam.  Có 18-26 dàn DF-5A được đặt trong hầm dưới mặt đất hoặc trong hang (deployed in silos and caves) tại Luoning and Xuanhua.  DF-5A là hỏa tiển ICBM có tầm xa nhất của Trung Quốc có khả năng phóng tới bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Hoa Kỳ.  Không biết rõ DF-15 and DF-11 được đặt tại đâu.  Và, có thể một số lớn hỏa tiễn được cài đặt dọc theo tỉnh Fujian để doạ Taiwan.  Phóng từ dưới nước, Trung Cộng có JL-1 là loại hỏa tiễn được lấp vào tàu lặn để phóng (submarine launched ballistic missiles hay là SLBM).  Có 12 hỏa tiễn JL-1/Julang-1 lấp vào tàu lặn Xia loại duy nhất của Trung Quốc có khả năng phóng đầu đạn nguyên tử (Xia-class ballistic missile nuclear submarine hay SSBN) và đầu đạn nguyên tử được trữ tại hải cứ tàu lặn Jianggezhuang.  Trung Quốc cũng đang chế tạo JL-2, có tầm xa hơn và phỏng theo DF-31 nhưng sử dụng dưới biển.

Không có nhận xét nào: