Sài Gòn: sáng 19/6, từ cuộc biểu tình không thành, chợt hiểu!
Phan Nguyễn Việt Đăng (Sài Gòn)
2011-06-19
Buổi sáng Chủ nhật ngày 19 tháng 6, buổi sáng ngày dân mạng Việt Nam kêu gọi cho một cuộc tuần hành ôn hòa tại Sài Gòn, trời nắng đẹp rực rỡ như đón một mùa xuân.
Tiếc thay, đó lại là một mùa xuân không thể đến ở thành phố có truyền thống dân chủ và tranh đấu nhất Việt Nam.
Từ 7g sáng, rất nhiều thanh niên, sinh viên đã kéo về trung tâm Sài Gòn để thăm dò tình hình. Các tin nhắn và điện thoại reo liên tục, chỉ để thông báo một điều hết sức quan trọng: Tất cả các quán cafe lớn nhỏ nằm trong khu vực “nhạy cảm" kề bên Tòa tổng lãnh sự Trung Quốc đều được lệnh đóng hết. Nhiều điểm giữ xe gần đó, cũng bị công an khu vực xuống tận nơi, ra lệnh không nhận giữ xe cho “khách lạ".
Blogger N., một thành viên tích cực trên mạng facebook cho biết anh chạy xe vòng vòng ở khu vực này suốt từ 7g00 cho đến 8g00 sáng, và nhận thấy rằng “mọi thứ đều như một cái bẫy, một cái bẫy đê tiện và khổng lồ".
Hàng loạt các quán cafe gần Hồ con rùa, Diamond Plaza, đường Hàn Thuyên, đường Nguyễn Thị Minh Khai, Phạm Ngọc Thạch.. đều nghỉ bán một cách lạ lùng. Đặc biệt, người ta nhìn thấy Cafe Hingland ở Diamond Plaza có một số công an cấp cao ngồi ở đó chỉ huy bằng bộ đàm. Một đôi sinh viên lơ ngơ vừa bước vào quán này, bị một nhân viên mặc áo trắng, mặt lạnh lùng, gằn giọng “đi đâu? đợi biểu tình à?”. Đôi thanh niên này phải thanh minh rối rít, rồi vội ra khỏi nơi ấy.
Yêu nước như một cuộc đấu vật
Vẫn như thường lệ, ngành an ninh Việt Nam đã sửng dụng hàng trăm nhân viên để bố ráp mọi thứ cho ngày Chủ nhật này. Tất cả các trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên…v.v. đều bị gọi lên, hạch sách, hăm dọa, cảnh báo… Các nhân vật như Kim Duy, Phan Nguyên….v.v tin tức từ Facebook cho biết họ bị công an đến nhà làm khó dễ, thậm chí áp lực với người thân trong gia đình về chuyện đi biểu tình.Số lượng người tham gia biểu tình lần này, không thể đếm được, nhưng chắc chắn là ít hơn tuần lễ ngày 12 tháng 6. Một phần là các cuộc bắt bớ thị uy và áp lực rất tàn bạo của ngành an ninh Việt Nam đến từng người, qua mô tả trên các trang mạng, đã khiến hào khí lòng yêu nước của nhiều người chuyển thành sự căm giận và ghét bỏ.
Một blogger có mặt từ sáng ở công viên gần dinh Độc Lập cho biết, không thể phân biệt đâu là người biểu tình và đâu là công an. Dày đặc sinh viên của các trường công an, quân báo… được lệnh đến giả làm sinh viên tham gia biểu tình, trà trộn khắp nơi, sẳn sàng tham gia cùng các nhân viên sắc phục để bắt bớ hay trấn áp người biểu tình. Một sinh viên ngồi ở cafe “Bệt", tức quán cafe lề đường trong công viên, viết trên blog của mình “không ai nói với ai, vì không ai tin ai, và không ai biết ai là ai".
Phương thức sử dụng xe gắn máy, chộp bắt những người biểu tình, kẹp giữa 2 nhân viên an ninh và chở đi mất tích cũng đã được sử dụng, thậm chí nhuần nhuyễn và thuần thục hơn. Đến lúc 9g00 sáng, người ta nhìn thấy vài người bị bắt như vậy, trong đó có một phụ nữ lớn tuổi. Người phụ nữ này cũng bất ngờ và không kịp phản ứng một lời nào.
Khu vực Hồ con rùa, dày đặc công an. Do tuần trước, cuộc tuần hành tập trung và có khí thế nhất ở đây nên lần này công an cũng mạnh tay hơn, dẹp từ trước. Thói quen biểu tình của thanh niên, sinh viên là tập trung sớm, uống cafe và đợi thời cơ đã bị công an thuộc lòng. Nhiều nhóm sinh viên, chỉ cần từ 3 người trở lên, lập tức bị an ninh chìm ập tới bàn cafe, hỏi và đe dọa, buộc họ phải rời khỏi chỗ ấy.
Tuần này, công an không sử dụng các thanh chắn, dây thừng để chặn đường, nhưng lưu thông thoải mái và đông đảo trên các đoạn đường đó là công an, an ninh chìm, chim mồi, cảnh sát du lịch, lực lượng trật tự đô thị, cơ động 113… Đến 9g40 sáng, mọi động thái chờ đợi cho một cuộc biểu tình bày tỏ lòng yêu nước đã hoàn toàn rơi vào hụt hẩng.
Một quốc gia, hai chế độ
Trong lúc đó, những cuộc điện thoại từ Hà Nội, với khí thế và sự cho phép biểu tình của Nhà nước, càng làm cho người Sài Gòn não lòng. Tin tức mỗi lúc lại càng bày ra sự khác biệt.Đây không phải là lần đầu. Tuần trước. một tin tức bí mật được gửi đến cho giới trí thức Hà Nội, khiến văn nghệ sĩ, thanh niên, sinh viên… cho biết là họ sẽ được an toàn khi xuống đường. Tuần này cũng vậy. Mọi người ở Hà Nội xuống đường với sự hân hoan. Người ta cũng chứng kiến lời kêu gọi về một thái độ ôn hòa, rất lịch sự, từ các nhân viên an ninh cấp cao qua loa cầm tay. Chỉ có một vài vụ bắt bớ lẻ tẻ mang tính thăm dò và lập hồ sơ cho các gương mặt mới từ phía công an Hà Nội, và tất cả những người đó đều bình an vô sự.
Thậm chí, người ta thấy Bà Dương Hà, phu nhân của luật sư Cù Huy Hà Vũ, nhà dân chủ Phạm Hồng Sơn… cũng có trong cuộc biểu tình. Cánh cửa mở ở Hà Nội thật rõ ràng và thật nhẹ nhàng cho mọi thành phần. Ngày 12 tháng 6, ở Sài Gòn, ông Lê Hiếu Đằng, phó chủ tịch uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, dù xuống dường ôn hòa, cũng bị mời vào làm việc, bị đập bàn chất vấn.
Sài Gòn, từ ngày 12 tháng 6, người ta chứng kiến các cuộc trấn áp từ phía công an Việt Nam tàn nhẫn đến mức khó tin. Và tuần này, gọng kìm đó cũng được giương ra không khác gì tuần trước. Thậm chí, những người theo dõi tường tận các cuộc biểu tình, đều có chung một cảm giác rằng chính quyền Việt Nam luôn chỉ muốn mạnh tay với “công dân hạng hai Sài Gòn” và nương nhẹ cho các “công dân hạng một Hà Nội”. Một nhà báo đi theo đoàn biểu tình ở Sài Gòn ngày 12 tháng 6, suýt bị giật máy ảnh và bị bắt nói rằng “Nhà nước Cộng sản luôn dùng bàn tay sắt với miền Nam và Sài Gòn, thậm chí tạo cuộc trình diễn về sự nhún nhường của Việt Nam trước Bắc Kinh, Sài Gòn đã được chọn làm nơi để bắt bớ, đánh đập cho Bắc Kinh xem. Còn Hà Nội chỉ còn thiếu chuyện Nhà nước phát thêm nước và bánh mì cho người biểu tình".
Tham gia đề tài đó, một giáo viên nói, cười mỉa “có lẽ chúng ta yêu nước là phản động, còn ở Hà Nội là những người yêu nước chân chính". Các công an mạng cũng dùng ý nghĩa này để trấn áp người biểu tình ở Sài Gòn. Phần lớn nội dung của công an mạng tung ra, đều có chung một thông điệp đơn giản “xuống đường là phản động".
Có thể phải sống ở Sài Gòn, người ta mới cảm nhận được sự phân biệt này, nơi đang lan ra những suy nghĩ tức giận và hụt hẩng như vậy. Sài Gòn thì thầm với nhau về chuyện các tòa soạn ra thông báo kín, yêu cầu các phóng viên không được tham gia biểu tình. Các trường đại học thì còn rẻ tiền hơn khi mua hệ thống tin nhắn tự động từ các hãng điện thoại, yêu cầu sinh viên không được tham gia chống Trung Quốc. Và chỉ có ở Sài Gòn - miền Nam, bất kỳ ai bày tỏ ý thức Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam là đều có thể bị coi là Việt Tân, đối thủ của Đảng Cộng sản VN hoặc là phản động theo nghĩa nào đó.
Và có lẽ, phải sống ở Sài Gòn mới có cơ hội nhìn thấy rõ hành động hai mặt của chính phủ Việt Nam, một quốc gia và hai chế độ với con người Nam - Bắc. Hôm nay, bất kỳ ai yêu nước trong ngây thơ tại Sài Gòn - miền Nam cũng đều có một cơ hội để nhìn và hiểu!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét