30.6.11

Úc được kêu gọi bảo vệ đất nông nghiệp khỏi tay giới đầu tư nước ngoài


Úc được kêu gọi bảo vệ đất nông nghiệp khỏi tay giới đầu tư nước ngoài

Giới lập pháp Australia yêu cầu xem xét lại các quy định về đầu tư nước ngoài để ngăn chặn việc các công ty mỏ ngoại quốc, trong đó có các doanh nghiệp của Trung Quốc, mua sạch đất canh tác chính yếu.
Các đại biểu Quốc hội Australia quan ngại về vấn đề an ninh lương thực khi một tập đoàn của Trung Quốc thu mua các dải đất nông nghiệp mênh mông giàu trữ lượng than đá ở bang New South Wales. Từ Sydney, Thông tín viên Phil Mercer gửi về bài tường thuật sau đây.
Các đại biểu Quốc hội Australia quan ngại về vấn đề an ninh lương thực khi một tập đoàn của Trung Quốc thu mua các dải đất nông nghiệp mênh mông giàu trữ lượng than đá ở bang New South Wales
Hình: Reuters
Các đại biểu Quốc hội Australia quan ngại về vấn đề an ninh lương thực khi một tập đoàn của Trung Quốc thu mua các dải đất nông nghiệp mênh mông giàu trữ lượng than đá ở bang New South Wales
Các nhà lập pháp bảo thủ đối lập đã cùng với Đảng Xanh và các đại biểu quốc hội độc lập yêu cầu phải bảo vệ các vùng đất nông nghiệp quý giá, không để rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài làm chủ. 

Họ nói họ quan ngại về vấn đề an ninh lương thực và muốn Ban Xét duyệt Đầu tư Nước ngoài giữ vai trò lớn hơn trong việc bảo vệ các tài sản chủ chốt của quốc gia.

Ban này chuyên xem xét các kế hoạch đầu tư của nước ngoài tại Australia có giá trị trên 230 triệu đô la, nhưng giới lập pháp cho rằng cần phải hạ mức quy định đó xuống để xem xét cả các dự án trị giá từ 5 triệu Mỹ kim trở lên. 

Công ty khai thác mỏ Shenhua Watermark Coal của nhà nước Trung Quốc vừa thu mua nhiều khu đất nông nghiệp rộng lớn giàu than đá ở New South Wales, nơi được báo cáo là có trữ lượng than dồi dào đủ để duy trì hoạt động khai thác trong vòng 30 năm. Thỏa thuận này đã được Ban Xét duyệt Đầu tư Nước ngoài chuẩn thuận nhưng giới chỉ trích tin rằng Australia đã sai lầm khi để mất quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên quan trọng như thế. Chính quyền Canberra nói rằng họ hài lòng với các quy định hiện hành.

Các vùng đất nông nghiệp ở miền Đông Australia cũng thu hút sự quan tâm của các công ty nước ngoài chờ chực khai thác các mỏ khí đốt vỉa than. 

Một nhà lập pháp đối lập, Thượng nghị sĩ Barnaby Joyce, cho rằng nên cấm người nước ngoài thu mua đất đai tại một số khu vực. 

Thượng nghị sĩ Joyce nói: “Theo tôi, không nên để người nước ngoài mua các vùng đất nông nghiệp chủ chốt, nên nhớ rằng chúng ta đang nói tới những khu đất tốt nhất, vì đất nông nghiệp trọng yếu không thể thay thế được. Một khi đất nông nghiệp chính yếu bị mất đi là xong, không thể lấy lại được. Hễ mất là mất vĩnh viễn.” 

Australia là nước nhận các nguồn vốn đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc lớn nhất sau Hong Kong. Theo một cuộc thăm dò mới đây do Viện nghiên cứu độc lập Lowy có trụ sở ở Sydney thực hiện, các nhà đầu tư Trung Quốc cảm thấy bị phân biệt đối xử bởi giới hữu trách và truyền thông Australia. 

Viện Lowy cũng cho biết 57% dân Australia nghĩ rằng chính quyền Canberra cho phép quá nhiều dự án đầu tư từ Trung Quốc đổ vào Australia. 

Trung Quốc hiện là bạn hàng lớn nhất của Australia và cơn khát tài nguyên thiên nhiên của Bắc Kinh được coi là đã giúp Australia thoát khỏi tình trạng tệ hại nhất trong cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu và châm ngòi cho một sự bùng nổ trong ngành khai thác mỏ chưa từng thấy trong vòng 100 năm nay.

Các đảng viên trong Đảng Xanh cho rằng Australia chưa thu lợi đủ từ ngành thương mại khoáng sản đang phát đạt, đáng chú ý nhất là quặng sắt.

Đảng này cho hay 83% ngành công nghiệp mỏ của Australia là do nước ngoài làm chủ và các khoản lợi nhuận khổng lồ đó tuôn ra nước ngoài. Các số liệu chính thức khác cho thấy người nước ngoài làm chủ khoảng 50% ngành công nghiệp này tại Australia. Đảng Xanh cảnh báo rằng nếu các nguồn tài nguyên thiên nhiên không được quản lý đúng cách, sự thịnh vượng của Australia sẽ gặp nguy cơ. 

Ngành công nghiệp mỏ quả quyết rằng lập luận của Đảng Xanh là sai lầm và cho biết ngành có thành tích tốt trong việc tái đầu tư phần lớn lợi tức vào Australia.

Tin liên hệ

Không có nhận xét nào: