20.7.11

Dự luật nâng mức trần nợ sắp được chung quyết


Dự luật nâng mức trần nợ sắp được chung quyết

Hạ viện Hoa Kỳ vừa thông qua một dự luật ràng buộc một khoản tăng mức trần vay nợ của chính phủ liên bang với các mức cắt giảm chi tiêu lớn, các mức giới hạn về chi tiêu trong tương lai và một đề nghị tu chính hiến pháp đòi hỏi một ngân sách được cân đối.
Dự luật được Đảng Cộng hòa bảo trợ theo trông đợi sẽ không được Thượng viện do Đảng Dân chủ kiểm soát thông qua; đặt nước Mỹ vào tình huống không có một đường hướng rõ rệt cho việc cắt giảm thâm hụt ngân sách trong lúc khả năng không thanh toán được khoản nợ quốc gia 14.3 ngàn tỉ đôla đang cận kề.
Chủ tịch Hạ viện John Boehner của đảng Cộng hòa phát biểu trong cuộc họp báo tại Quốc hội, ngày 19/7/2011
Hình: AP
Chủ tịch Hạ viện John Boehner của đảng Cộng hòa phát biểu trong cuộc họp báo tại Quốc hội, ngày 19/7/2011
Dự luật Cắt giảm chi tiêu, Nâng mức trần vay, và Cân đối ngân sách được thông qua bằng một kết quả biểu quyết hầu như hoàn toàn khớp với tỉ lệ kiểm soát Hạ viện của Đảng Cộng hòa. Dự luật sẽ cắt mức chi tiêu phi quốc phòng của chính phủ liên bang, giảm chi tiêu trong tương lai xuống mức thấp hơn 20% tổng sản phẩm nội địa của Hoa Kỳ, và đòi hỏi một quy định bắt buộc của hiến pháp rằng Hoa Kỳ phải cân đối ngân sách môãi năm. Dự luật này sẽ rút các khoản tiết kiệm lớn từ các chương trình được gọi là cấp dưỡng thu nhập và chăm sóc sức khỏe cho người hưu trí, nhưng sẽ không tăng thuế.

Trong giai đoạn mà mức thâm hụt ngân sách của chính phủ liên bang quá lớn, mức nợ quốc gia căng phồng, và nền kinh tế thì trì trệ, Đảng Cộng hòa nói rằng cần phải có những bài thuốc thật đắng. 

Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện Paul Ryan nói: "Chúng ta không thể tiếp tục chi tiêu trong khi không có tiền. Cứ mỗi đôla Washington chi tiêu thì có đến 42 cent là đi vay; và 47% khoản vay đó là đi vay từ nước ngoài, mà Trung Quốc là nước chủ nợ số một. Thưa ông Chủ tịch, chúng ta không thể có chủ quyền, không thể có quyền tự quyết trong tư cách một quốc gia nếu như chúng ta phải dựa vào các chính phủ khác để tài trợ cho một nửa khoản thâm hụt ngân sách của chúng ta."

Các đảng viên Dân chủ, như Dân biểu John Yarmuth của bang Kentucky, nói rằng dự luật này sẽ đặt toàn bộ gánh nặng của các biện pháp kiệm ước tài chính lên vai người nghèo và yếu thế ở Mỹ.

Ông Yarmuth nói: "Ý nghĩa đích thực của Dự luật Cắt giảm, Nâng mức trần nợ và Cân đối ngân sách là cắt giảm, phá hủy và trừng phạt: Cắt giảm ngân sách, phá hủy mạng lưới an toàn, và trừng phạt những người dân nào ít có khả năng chi trả nhất. Trong khi đó lại bảo vệ những người giàu có nhất, thành công nhất."

Hầu hết các nhà quan sát đều xem dự luật này như là một bài thực tập về lý thuyết được lập ra để làm nguôi giận cánh theo trường phái "Tea Party" cực kỳ bảo thủ của Đảng Cộng hòa. Dự luật này có phần chắc sẽ không được Thượng viện thông qua, và sẽ đối diện với việc bị tổng thống phủ quyết ngay cả nếu được Thượng viện thông qua.

Tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Barack Obama gần như không đề cập tới Dự luật Cắt giảm, Nâng trần nợ, và Cân đối ngân sách; thay vào đó ông chú tâm vào một kế hoạch mới được đề ra bởi một nhóm Thượng nghị sĩ lưỡng đảng, được mệnh danh là nhóm "Bộ Sáu." Tổng thống Obama ca ngợi kế hoạch này bao gồm việc cắt giảm chi tiêu, cải tổ các chương trình cấp dưỡng, và các dự thảo thuế khóa mà ông gọi là một cách tiếp cận hài hòa cho kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách. 

Tổng thống Obama nói: "Hiện tại chúng ta đang có một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng đồng ý với một đường lối quân bình. Và chúng ta có công chúng Mỹ đồng ý với đường lối quân bình đó.”

Tổng thống Obama hối thúc các nhà lãnh đạo quốc hội chuyển đổi kế hoạch đó thành luật để có thể được đưa ra biểu quyết càng sớm càng tốt. Ông lưu ý rằng kỳ hạn ngày 2 tháng 8 cho việc nâng mức trần vay của chính phủ liên bang đang cận kề. Nếu không hành động, Hoa Kỳ sẽ có nguy cơ rơi vào tình trạng không trả được nợ.

Nói chuyện với các phóng viên báo chí, ông Mitch McConnell, người đứng đầu Đảng Cộng hòa tại Thượng viện, chỉ nói ngắn gọn rằng đề nghị của nhóm "Bộ Sáu" rất đáng được xem xét. Về phía Đảng Dân chủ, Lãnh đạo khối đa số Harry Reid ca ngợi những kế hoạch do nhóm "Bộ Sáu" lập ra, tuy nhiêu ông nêu lên câu hỏi liệu có đủ thời gian để thực thi những đề nghị của nhóm này trước ngày 2 tháng 8 hay không, trong tình hình các quy định thường rất rườm rà chi phối các thủ tục tại Thượng viện.

Ông Reid nói: "Tôi không muốn làm bất cứ điều gì gây phương hại đến nhiệt tình của công chúng dành cho nhóm "Bộ Sáu," nhưng tôi hiểu rõ về những quy định ở thượng viện."

Hai Thượng nghị sĩ Reid và McConnell đang soạn thảo một kế hoạch riêng cho phép Tổng thống Obama nâng mức trần nợ theo từng phần mà không cần phải có biểu quyết đa số thông qua tại Quốc hội. Đây được xem như là một kế hoạch dự bị trong trường hợp các cuộc thương nghị về nợ thất bại. Nếu được thực thi, kế hoạch này sẽ tránh được mối nguy cấp thời của việc mất khả năng trả nợ, nhưng sẽ không giúp ích được nhiều cho Hoa Kỳ trong việc đối phó với những mối khó khăn dài hạn về tài chính.

Tin liên hệ

Không có nhận xét nào: