28.7.11

Hoa Kỳ mở các cuộc thảo luận 'thăm dò' với Bắc Triều Tiên


Hoa Kỳ mở các cuộc thảo luận 'thăm dò' với Bắc Triều Tiên

Các nhà ngoại giao cấp cao của Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên sẽ gặp nhau trong ngày hôm nay ở New York trong các cuộc thảo luận mà Bộ Ngoại giao Mỹ mô tả là có tính cách “thăm dò” để xem liệu Bình Nhưỡng có sẵn sàng tái tục các cuộc thương thuyết về chương trình hạt nhân của họ hay chưa.
Các cuộc thảo luận này diễn ra tiếp theo sau một cuộc họp giữa các nhà thương thuyết của hai miền Nam và Bắc Triều Tiên tuần trước bên lề Diễn Đàn Khu vực ASEAN ở Bali, Indonesia. Thông tín viên David Gollust của Đài VOA tường trình từ Bộ Ngoại giao Mỹ ở thủ đô Washington.
Thứ Trưởng Ngoại giao Kim Kae-Gwan, người đứng đầu phái đoàn Bắc Triều Tiên
Hình: AP
Thứ Trưởng Ngoại giao Kim Kae-Gwan, người đứng đầu phái đoàn Bắc Triều Tiên
Các cuộc họp tại phái bộ Hoa Kỳ ở Liên hiệp quốc dự kiến sẽ kéo dài sang ngày thứ Sáu, trong khi chính phủ của Tổng Thống Obama cho biết sẽ dùng các “buổi họp thăm dò” này để xác định xem liệu Bình Nhưỡng có nghiêm túc trong việc thi hành các trách vụ của mình về vấn đề hạt nhân hay không.

Bắc Triều Tiên hồi năm 2005 đã đồng ý trên nguyên tắc sẽ hủy bỏ chương trình hạt nhân của họ, kể cả một kho vũ khí hạt nhân được cho là nhỏ, để đánh đổi lấy viện trợ và các quyền lợi ngoại giao từ các nước khác cũng tham gia các cuộc thương thuyết 6 bên do Trung Quốc bảo trợ.

Nhưng các cuộc thương thuyết đã tan vỡ hồi năm 2008 và quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Seoul tuột dốc hồi năm ngoái, trong bối cảnh miền Bắc bị cáo buộc là đánh chìm một tàu chiến Nam Triều Tiên, và pháo kích một hòn đảo của miền Nam.

Hoa Kỳ đã mời Bắc Triều Tiên đến họp ở New York sau khi các nhà thương thuyết hạt nhân của hai miền Nam-Bắc Triều Tiên gặp gỡ nhau trong một buổi họp ở Bali, được cả hai bên đánh giá là có tính xây dựng.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Mark Toner, nói rằng buổi họp tại New York là bước kế tiếp hợp lý.

Ông Toner cho biết: “Từ lâu chúng tôi đã khẳng định rõ rằng trước tiên chúng tôi sẽ tìm những dấu hiệu cho thấy có cải thiện đối thoại giữa hai miền Nam-Bắc. Đó là một trong các bước đầu tiên mà chúng tôi muốn chứng kiến, và thực tế là cuộc họp diễn ra ở Bali là một cuộc họp có tính cách xây dựng. Thế cho nên chúng tôi nghĩ bước hợp lý kế tiếp là mở cuộc họp thăm dò này, trước khi chúng ta bước thêm những bước nữa, để xem xét hướng tiếp cận của Bắc Triều Tiên về vấn đề này.” 

Ông Toner nói đặc sứ Mỹ về các vấn đề Bắc Triều Tiên, ông Stephen Bosworth, sẽ dẫn đầu một toán công tác liên cơ quan tại cuộc họp ở New York.

Người đứng đầu phái đoàn Bắc Triều Tiên là Thứ Trưởng Ngoại giao Kim Kae-Gwan. Đây sẽ là cuộc họp Mỹ-Bắc Triều Tiên cấp cao nhất kể từ sau chuyến đi thăm Bình Nhưỡng của đặc sứ Bosworth vào cuối năm 2009.

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton tuần trước nói tại Bali rằng buổi họp này sẽ tìm xem liệu Bình Nhưỡng có sẵn sàng để thực hiện những bước “cụ thể và không thể đảo ngược”, hướng tới việc phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên hay không.

Ngoại trưởng Clinton nói trong khi sẵn sàng mở đối thoại, Hoa Kỳ không có ý định tưởng thưởng Bắc Triều Tiên chỉ vì miền Bắc quay lại bàn hội nghị, và miền Bắc không thể đòi các quyền lợi mới vì thực hiện những bước mà họ đã đồng ý từ trước.

Các chuyên gia về chính sách đối với Bắc Triều Tiên tại Washington nói rằng cố gắng mời gọi sự tham gia của Bắc Triều Tiên, tuy là điều đáng làm, nhưng có phần chắc sẽ không đưa đến một bước đột phá nào, chẳng hạn như nối lại sớm các cuộc thương thuyết 6 bên.

Ông Bruce Klingner, một nhà nghiên cứu cấp cao về các vấn đề Đông-Bắc Á tại Hội Heritage ở Washington, nói rằng từ chối, không chịu nói chuyện với Bình nhưỡng sẽ được đánh giá là ngây thơ, cho dù Bắc Triều Tiên không có ý định từ bỏ chương trình hạt nhân. 

Ông Klingner nhận định: "Ít có chuyên gia nào tin rằng điều đó sẽ xảy ra, cho nên tôi rất hoài nghi về điều đó. Theo một cách nào đó, nếu chúng ta nhìn vấn đề từ quan điểm của Bắc Triều Tiên, thì từ bỏ vũ khí hạt nhân là không hợp lý bởi vì các vũ khí này không những cung cấp một số lợi ích về mặt quân sự, mà theo cách nào đó còn khẳng định lợi ích của chúng. Không có vũ khí hạt nhân, thì làm ngơ Bắc Triều Tiên là điều dễ làm hơn.” 

Mặc dù vậy, ông Klingner, từng là một giới chức tình báo Mỹ, nói rằng phối hợp các biện pháp khích lệ với các biện pháp cấm vận vẫn có khả năng thay đổi tư duy của Bình Nhưỡng và lối phân tích của họ về những lợi-hại của chương trình hạt nhân.

Ông Jonathan Pollack, một nhà nghiên cứu kỳ cựu về Chính sách Đối ngoại tại Viện Nghiên cứu Brookings, cũng chia sẻ thái độ thận trọng của ông Klingner về các cuộc thảo luận tại New York. Ông Pollack nói rằng không có chứng cớ cho thấy Bình nhưỡng đã được thuyết phục trong cuộc mà cả để từ bỏ chương trình hạt nhân của họ.

Chuyên gia của Viện Brookings nói rằng Bắc Triều Tiên vẫn nuôi hy vọng về một cuộc đối thoại tay đôi trực tiếp với Hoa Kỳ, gạt Nam Triều Tiên sang một bên, trong khi cố hoãn lại các bước giải trừ vũ khí. Trong trường hợp đó, theo ông Pollack, Bắc Triều Tiên sẽ thất vọng sau cuộc họp ở New York.

Ông Pollack nói: “Phía Bắc Triều Tiên đang tìm cách xem liệu họ có thể một lần nữa, đạt được một thỏa thuận nào đó với Hoa Kỳ để hoãn việc cứu xét quy chế của các chương trình hạt nhân của họ hay không. Tôi dự đoán rằng trong các điều kiện này, miền Bắc có thể một lần nữa lại đề cập đến ý kiến về một hòa ước với Hoa Kỳ để thay thế lệnh đình chiến năm1953, kết thúc chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên, đây là một động thái mà Hoa Kỳ sẽ không nghĩ tới nếu không có sự tham gia của Nam Triều Tiên. Đơn giản là chúng ta sẽ không làm như thế.”

Hôm qua, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua đã nhiều lần nhấn mạnh rằng phía Mỹ sẽ phối hợp hướng đi một cách chặt chẽ với Nam Triều Tiên. Ông Toner cho biết yêu cầu của Bắc Triều Tiên xin Hoa Kỳ viện trợ thêm lương thực đang chờ được cứu xét, không nằm trong nghị trình của các cuộc họp ở New York.

Tin liên hệ

Không có nhận xét nào: