5.10.11

Một Thời Cuộc Chiến


Một Thời Cuộc Chiến
Trần Khải
Trải qua nhiều thập niên sau cuộc chiến, khi nhìn lại một quãng đời mình, hay một quãng đời của một dân tộc, thế nào mà chẳng bùì ngùi. Không bao nhiêu người may mắn còn ngồi để nói chuyện một thời lịch sử, nhất là sau những cuộc chiến dữ dội như ở Việt Nam, hay Cam Bốt. Có rất nhiều người một thời đầu xanh với mình, bây giờ đã biến ra khỏi đời này, đã trở thành một mảng trí nhớ không vẹn toàn trong lòng người thân. Và có khi may mắn, nếu gặp được quan tâm của một nghệ sĩ tài năng, thì người đã biến vào lịch sử kia có thể trở thành một đề tài nghệ thuật - trong một bài thơ, bản nhạc, hay một cuốn phim.

Nhà báo Sean Flynn cũng có một cơ duyên như thế. Ông đã từng theo các đơn vị để tường thuật về Cuộc Chiến Việt Nam, từng góp sức đẩy cuộc thảm sát Mỹ Lai ra ánh sáng, và rồi biến mất vào lửa khói mịt mù trong cuộc chiến tại Cam Bốt năm 1970 cùng Dana Stone, một phóng viên bạn, để săn tin cho tạp chí Time. Hôm cuối tuần, nhiều rạp tại Hoa Kỳ đã trình chiếu một cuốn phim về những ngày cuối của hai phóng viên chiến trường này, những người được suy đoán là đã bị quân Khmer Đỏ giết.
Đó là phim “The Road to Freedom” (Đường Tới Tự Do). Phim không được các nhà bình luận chấm điểm cao về nghệ thuật, nhưng vẫn là một cái gì làm nhắc nhớ, làm bùì ngùi khi nghĩ về những phóng viên Hoa Kỳ, những người khao khát đi tìm sự thật về các cuộc chiến Đông Dương, và rồi vùi thây trong những cánh rừng bí ẩn Châu Á. Các nhà báo thơ mộng Hoa Kỳ này, tới với các cuộc chiến bằng sự công tâm phóng viên, đã viết ra những hành vi sai trái của quân đội Mỹ, về những vi phạm nhân quyền hay luật về tra tấn của quân Mỹ tại VN, và sẵn sàng đi tìm những người cộng sản, dù CS Việt Nam hay CS Cam Bốt, để phỏng vấn, để hỏi chuyện, để tìm nguồn cơn về việc tham chiến.
Nhưng những quyền hạn mà các nhà báo này được chính phủ VNCH bảo vệ tại Sài Gòn, tại các tỉnh thành VN... thì không được người cộng sản tôn trọng. Và đơn giản, khi ngờ vực là xong rồi, cuộc đời họ bị thủ tiêu liền. Sá gì một Sean Flynn. Ngay như nhà văn Khái Hưng, nhà báo Tạ Thu Thâu... cũng bị đẩy vào lịch sử thô bạo. Ngay như 90,000 nông dân có tên trong danh sách địa chủ, cũng bị đấu tố, bị hành hạ, bị giết, và rất nhiều oan khuất sau này được ghi lại để thành một mảng tối, mờ nhạc trong trí nhớ lịch sử.
Phim về những ngày cuối của Sean Flynn và Dana Stone không hay lắm. Bởi vì nghệ thuật là một công trình khó khăn, gian nan mà không phải lúc nào cũng tìm được.
Báo Boston Globe nói rõ là chê phim này, nhưng báo San Francisco Chronicle nói nhẹ nhàng hơn, rằng diễn xuất là nằm trong quãng “từ có tính taì tử cho tới tạm được.” Nhưng hình ảnh và nội dung chắc chắn là gợi nhớ rất nhiều về một thời Đông Dương khóí lửa.
Sean Flynn là con trai của diễn viên nổi tiếng Errol Flynn. Sean nhiều năm từng theo nghề đóng phim, nhưng rồi bỏ cuộc, chuyển sang nghề báo. Sean tới Việt Nam, nơi anh giúp đưa cuộc thảm sát Mỹ Lai ra ánh sáng. Năm 1970, đi làm một phóng sự đặc biệt cho tạp chí Time, Sean cùng anh bạn phóng viên Dana Stone vào Cam Bốt, và biến mất luôn. Những tin sau này nghe nói là hai nhà báo bị Khmer Đỏ tra tấn, và rồi giết đi.
Phim “The Road to Freedom'' ghi lại những ngày cuối của họ, và dĩ nhiên là tưởng tượng, phần lớn là hư cấu để tạo nên kịch tính. Đóng vai Sean là tài tử Joshua Frederic Smith, còn vai Dana Stone là do Scott Maguire. Trong phim dĩ nhiên là có nhiều hình ảnh bạo lực, thí dụ như cảnh du kích Khmer Đỏ bắn chết nông dân.
Khi hai nhà báo bị bắt, họ quen với một tù nhân tên là Po (do Nhem Sokun thủ vai này), người mà Sean hứa là sau này sẽ kể lại chuyện đời của những tù nhân dưới gọng kìm Khmer Đỏ... và từ đó, thêm nhiều diễn biến cho đủ kịch tính, cho thừa gay cấn, và để hoàn tất thành một cuốn phim kiểu Mỹ. Đạo diễn là Brendan Moriarty (đạo diễn này trưởng thành ở Cam Bốt), người bị báo Boston Globe xem khá là  tay mơ. Nhưng chuyện tính nghệ thuật mình không bàn rộng làm chi.
Vấn đề là, cuộc chiến Cam Bốt được tái hiện. Vấn đề là, từ những lý tưởng nào của người cộng sản Cam Bốt đã dẫn tới thảm sát 1.7 triệu đồng bào của họ. Một phụ nữ Cam Bốt nói trong phim, “Cam Bốt, vùng đất một thời hiền hòa, bây giờ đầy những chết chóc và hủy diệt.”
Và hình ảnh khởi sự là thơ mộng: vào tháng 4-1970, hai nhà báo Mỹ phóng lên xe gắn máy, rời Nam Vang, thủ đô Cam Bốt, chạy vào tỉnh Kampong Cham để gặp du kích Khmer Đỏ. Và rồi biến hẳn vào hư vô; lúc đó Sean mới 28 tuổi và Dana Stone mới 32 tuổi. Mẹ của Sean là nữ diễn viên Lili Damita đã tốn rất nhiều tiền để tìm con, nhưng rồi vào năm 1984 phải công bố rằng con mình đã chết.
Lịch sử là cái gì bí ẩn, liên tục chuyển tất cả ra tro bụi. Không chỉ một thân xác người, không chỉ một đời người, mà cả 1.7 triệu đời người. Những câu hỏi mà Sean và Dana đi tìm về Cuộc Chiến Cam Bốt, một phần trong Cuộc Chiến Đông Dương, chỉ là vài hạt bụi bay lên từ cơn gió thoảng qua của thời gian. Những gì nhớ được trong phim là sự đau khổ của kiếp người, những đau đớn của người mẹ mất con, của những người tù vô tội, và của những người bị giết mà vẫn không hiểu vì sao mình có mặt trên đời này để rồi bị giết thô bạo.

Không có nhận xét nào: