5.11.11

Cà Phê Việt Nam vào vụ đầy âu lo


2011-11-04
Nông dân cà phê và doanh nghiệp xuất khẩu cùng một tâm trạng lo lắng khi vụ thu hoạch ở Tây Nguyên khởi sự trong vài tuần sắp tới giữa khi thị trường tiêu thụ đầy ẩn số.
AFP PHOTO
Hạt cà phê tươi.

Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê robusta hàng đầu thế giới với kim ngạch 2 tỷ 300 triệu USD trong niên vụ 2010-2011 kết thúc vào cuối tháng 9 vừa qua. Khởi sự niên vụ mới, mạng tin của nông dân trồng cà phê Tây nguyên cho biết giá cà phê ở các tỉnh có dấu hiệu giảm mạnh, ngày 3/11 cà phê robusta ở các tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng xê xích trong khoảng từ 37.000 tới 38.000đ/kg. Trước đó giá cà phê robusta xuất khẩu đạt đỉnh gần 52 ngàn/kg vào đầu tháng 6 vừa qua. 

Giá thấp vẫn khó tiêu thụ

Ông Nguyễn Vịnh một người lâu năm gắn bó với vườn cây cà phê Tây nguyên nói rằng, ngoại trừ các phú nông có điều kiện trữ hàng, hầu hết nông dân không hưởng lợi khi cà phê đạt mức giá kỷ lục. Khi cà phê đã đầy kho doanh nghiệp và khi các doanh nghiệp lớn mua hết hàng của các doanh nghiệp nhỏ thì mới có chuyện giá tăng cao. Ông Vịnh tiếp lời, ngoại trừ năm ngoái giá đứng ở mức cao ngay đầu vụ thu hoạch, thông thường giá hạ giảm vì nhu cầu cần bán hàng của nông dân.
Sau thu hoạch cần bán để thanh toán tiền nhân công, tiền nợ vật tư phân bón vay mượn trong mùa và đến gần Tết thì cần bán để chi tiêu trong dịp này gây thêm một đợt sụt giá nữa.
Ông Nguyễn Vịnh
“Nó hạ cho đến qua Tết âm lịch, đến thời điểm Tết người ta cần bán ra để tiêu Tết giá sẽ hạ tiếp…Sau thu hoạch cần bán để thanh toán tiền nhân công, tiền nợ vật tư phân bón vay mượn trong mùa và đến gần Tết thì cần bán để chi tiêu trong dịp này gây thêm một đợt sụt giá nữa. Mức sụt giá xuống thấp nhất thường thường rơi vào những ngày Tết.”
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, ông Đỗ Hà Nam nhà xuất khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam nói rằng mức giá cà phê Việt Nam hiện nay 37-38 ngàn/kg tuy xuống thấp nhưng vẫn là khó tiêu thụ so với giá thị trường Luân Đôn,  mức giá này không có lợi cho nhà rang xay.
“ Nếu tính theo giá R2 chất lượng thấp thì giá đó so với sàn Luân Đôn là trừ khoảng 30 tới 40 đô. Nếu lấy R1 chất lượng cao hiện chiếm 50% bình quân lại thì hàng chúng ta tương đương hàng Luân Đôn. Chính là như vậy nên chúng tôi nói là Châu Âu không thể mua được hàng Việt Nam, Châu Âu bắt buộc phải dùng hàng tồn kho. Nếu hàng tồn kho mà thiếu thì lúc bấy giờ sàn Luân Đôn bắt buộc bật lên và người nông dân có cơ hội bán với giá tốt hơn.”
Thời báo Kinh tế Saigon Online ngày 1/11 nhận định là kinh tế thế giới làm xấu giá cà phê, hệ trọng nhất là khủng hoảng nợ công ở Châu âu dẫn tới tình trạng ngân hàng ngừng cấp tín dụng đối với các nhà nhập khẩu cà phê Việt Nam. Ngoài ra còn có những dự báo trái ngược nhau về sản lượng vụ cà phê 2011-2012 của Việt Nam, trong khi Hiệp hội cà phê Cacao Việt Nam ước tính sản lượng sẽ giảm 10% so với mức 1,25 triệu tấn của niên vụ trước, thì các hãng tin phương tây lại đưa ra dự báo Việt Nam có thể thu hoạch hơn 1,3 triệu tấn cà phê. Ông Đỗ Hà Nam người nắm giữ 20% tổng thị phần xuất khẩu cà phê, cũng là chủ tịch Câu lạc bộ 20 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu nhận định:
cong-nhan-thu-hoach-ca-phe250.jpg
Thu hoạch cà phê ở Buôn Mê Thuộc. Courtesy giacaphe.com
“Năm nay người nước ngoài đưa ra nhiều thông tin rất không bình thường, thứ nhất Việt Nam sẽ vào vụ sớm, thứ hai năm nay sẽ là năm sản lượng kỷ lục, thứ ba là năm nay tài chính các doanh nghiệp Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, lãi suất cao. Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chịu rủi ro cho nên giá sẽ nhanh chóng sụp đổ. Do đó có các thông tin như vậy, trên thực tế vụ mùa năm nay vẫn trễ như năm ngoái phải giữa tháng 11 mới bắt đầu thu hoạch và đến cuối tháng mới rộ. Hiện nay cũng chưa ai đánh giá được sản lượng thực hư sẽ tăng như thế nào. Sau hết nhu cầu mua và bán hiện nay chưa nhiều nên vấn đề tài chánh chưa có gì nặng nề.”
Theo lời ông Đỗ Hà Nam, người ngoại quốc đưa hình ảnh trái cà phê chín đỏ đi khắp nơi cho các nhà rang xay trong khi thực tế bây giờ không phải như vậy. Qua những sự kiện này thấy rằng một số các nhà kinh doanh cà phê nước ngoài cố tình tạo ra sự bất lợi cho cà phê Việt Nam làm cho các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam và nông dân phải lo lắng.

Mất bò mới lo làm chuồng

Năm nay không áp dụng chính sách nhà nước rót vốn mà chỉ xin Nhà nước hạn mức vốn thôi. Từng doanh nghiệp sẽ phải chọn phương án của mình để tham gia. 
Ông Đỗ Hà Nam
Ngày 3/11 Thời báo Kinh tế Saigon Online trích lời ông Nguyễn Viết Vinh tổng thư ký Hiệp hội cà phê cacao Việt Nam (Vicofa) cho biết, hai ngân hàng NN-PTNT và Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đồng ý cho các doanh nghiệp thành viên Vicofa vay khoảng 7.000 tỷ đồng vốn với lãi suất thỏa thuận với từng doanh nghiệp và không quá 18%. Như vậy các doanh nghiệp thành viên Vicofa có thể tiếp cận nguồn vốn để mua trữ từ 200.000  tới 300.000 tấn cà phê. Ông Đỗ Hà Nam nhận định là nếu thị trường giá lên thì lãi suất không quan trọng lắm nhưng nếu thị trường giá xuống thì lãi suất là một vấn đề.
“Năm nay không áp dụng chính sách nhà nước rót vốn mà chỉ xin Nhà nước hạn mức vốn thôi. Từng doanh nghiệp sẽ phải chọn phương án của mình để tham gia, nhưng cách thức như thế nào thì vẫn còn trong giai đoạn bàn bạc.”    
Cũng liên quan tới cà phê, nhưng đây là chuyện mất thương hiệu ‘mất bò mới lo làm chuồng’. Theo Tuổi Trẻ Online và nhiều báo khác, ngày 2/11 UBND tỉnh Đăk Lăk, Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột đã quyết định ủy nhiệm Văn phòng luật sư Phạm và liên danh trụ sở ở Hà Nội khởi kiện đòi hủy bỏ hai nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột  mà doanh nghiệp Trung Quốc chiếm đoạt và bảo hộ ở Trung Quốc. Chi phí để khởi kiện dự kiến và chi phí để đăng ký bảo hộ quốc tế tại các thị trường khác kể cả Trung Quốc có thể vào khoảng từ 600 triệu tới 800 triệu đồng. Vụ kiện có thể kéo dài từ 2 tới 3 năm với khả năng thắng kiện được mô tả là cao. 
DucTho1318822100-250.jpg
Phơi cà phê ở Buôn Mê Thuộc. Courtesy giacaphe.com
Một trong các sự kiện đáng chú ý là công ty Luật Bross & Partners có công phát hiện vụ Trung Quốc tiếm đoạt thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột đã không được chọn tiến hành vụ kiện. Hồi tháng 9 thông tin về vụ mất thương hiệu từng gây ra phản ứng sôi nổi trên dư luận báo chí Việt Nam. Trả lời chúng tôi Luật sư Lê Quang Vinh thuộc Công ty Luật Bross & Partners tán dương việc tỉnh Đăk Lăk và Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột đã nhận thức được vấn đề phải bảo vệ thương hiệu và đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột ra nước ngoài.  LS Lê Quang Vinh phát biểu:
“Trong bối cảnh như vậy việc chọn con đường khiếu kiện con đường pháp lý là phù hợp, nó bảo vệ được vị thế của chúng ta. Bản thân  tôi vui mừng về khía cạnh đó, chúng ta lựa chọn con đường pháp lý để bảo vệ tài sản của mình là lẽ đương nhiên. Đấy là một tín hiệu tốt. ”  
Nhắc lại rằng, tháng 5/ 2005 Cục Sở hữu Trí tuệ đã cấp đăng bạ quốc gia công nhận bảo hộ độc quyền chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột cho tỉnh Đắk Lăk. Tuy nhiên tỉnh này đã chưa hề đăng ký chỉ dẫn địa lý mang tính chất rất đặc biệt này tại các nước khác trên Thế giới. 
Khi Công ty Luật Bross & Partners phát hiện vụ doanh nghiệp Trung Quốc tiếm đọat thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, báo chí đưa tin trong 6 năm vừa qua Đắc Lắc tiêu tốn 50 tỷ tiền ngân sách và đóng góp của doanh nghiệp để tổ chức 3 Lễ hội Cà Phê Buôn Ma Thuột nhằm quảng bá thương hiệu. Thế nhưng Đăk Lăk lại ngại chi phí vài trăm triệu cho việc đăng ký bảo hộ quốc tế cho chỉ dẫn địa lý nổi tiếng của mình và đã chịu hậu quả đáng tiếc.

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào: