24.11.11

Dân trí và tư duy tự do: Nền tảng chất lượng cho nghệ thuật Việt Nam


Khuê Đăng (TCPT số 46) - Nền nghệ thuật Việt Nam từ ngàn xưa tới nay được gây dựng bằng việc tiếp thu, học hỏi từ những nền văn hóa ngoại lai lớn như Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ… Nếu ví giao diện nghệ thuật của chúng ta như một bông cẩm tú cầu nhiều màu sắc thì cái gọi là bản sắc dân tộc Việt tuy mờ nhạt nhưng giữ vai trò bệ đỡ như chiếc đài hoa vậy. Khi đài hoa này khỏe khoắn thì bông hoa nghệ thuật mới nở rộ; ngược lại, nó sẽ èo uột, thiếu sức sống đến mức ko thể nhận ra diện mạo.

Trong thực tế, đáng buồn rằng thực trạng nền nghệ thuật dương đại của ta lại không có một cái đài vững chắc, tức là không có nền tảng để nâng đỡ, chất chứa sự giao thỏa phức tạp của rất nhiều nền văn hóa lớn nhỏ trên thế giới. Nhìn vào nền nghệ thuật Việt Nam, ta chỉ thấy nó manh mún, thiếu tính hệ thống và ít sức sáng tạo.

Dân tộc Việt là một dân tộc tiểu nhược ở ven bờ biển Đông, thuộc nhóm ngôn ngữ Việt Mường. Đã có thời kỳ văn hóa chúng ta thuần túy mang đặc trưng bản xứ – văn hóa Đông Sơn. Những dấu ấn được lưu giữ trên các di chỉ khảo cổ là sự thể hiện trí tưởng tượng và gu thẩm mỹ riêng biệt của dân Âu-Lạc.
Biểu tượng con chim Lạc được cách điệu hóa từ con cò – một loài chim quen thuộc ở vùng đồng bằng nhiệt đới, tượng trưng cho khát vọng tự do và hòa bình của người dân phương Nam. Họa tiết đơn giản, hiền hòa, không cầu kỳ, đối lập hòan toàn với hình ảnh con rồng dũng mãnh, hung hổ tượng trưng cho tham vọng bá chủ của vua tôi phương Bắc. Sau này, đến đời Lý, chịu ảnh hưởng của chế độ phong kiến phương Bắc, hình ảnh con rồng trở nên thông dụng, nhưng không hề có cái vẻ phô oai diễn dũng, mà đã được kết hợp với sự chân phương của con chim Lạc.

Thời kỳ đầu của lịch sử dân tộc, khi chưa có chữ viết hay sử sách, những nét văn hóa bản xứ đã được hình thành như: Ăn trầu, nhuộm răng, tục ăn bánh chưng-bánh dày… Đây là thời kỳ cực thịnh của văn hóa Việt.

Âm nhạc Việt được ký âm bằng ngũ cung, học được từ Trung Hoa. Tuy nhiên, sau này, từng buớc phát triển, âm nhạc Trung Hoa đã thêm 2 dây vào cây đàn giáp – một loại cổ cầm trước có 5 dây, sau thành 7 dây. Âm nhạc phương Tây là loại âm nhạc 7 nốt. Chính vì sự thiếu sót này, âm nhạc Việt Nam chỉ thấy ở phần giai điệu mà không có phần hòa âm. Có lẽ đó chính là lý do khiến âm nhạc Việt Nam chỉ lưu truyền trong dân gian và không hề được ghi chép lại trong tầm phổ. Thứ gọi là âm nhạc bác học mà ta biết đến hiện nay đều là học từ Trung Quốc và Pháp..

Hội họa Việt Nam cũng tương tự, không hề có tính lịch sử. Không hề có một bức tranh cổ nào lưu lại, thậm chí là tranh thư họa. Những gì còn sót lại của hội họa Việt Nam e rằng chỉ là mấy phiên bản tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống hay vài họa tiết cổ trên các di chỉ khảo cổ.

Hội họa chỉ thực sự có vị trí từ khi phương Tây vào, nhưng cho đến nay vẫn chưa có tác phẩm nào xứng tầm thế giới. Thời trước Cách mạng, các họa sĩ được đào tạo bai bản nhưng lại thiếu tính tự do. Vì vậy, hầu như các tác giả thời kỳ này đều theo trường phái cổ điển hoặc tân cổ điển. Sau thơi kỳ đổi mới, các tác giả táo bạo hơn, chịu tìm tòi, bắt chước các họa sĩ hiện đại trên thế giới. Nhưng những họa sĩ này kém tay nghề mà chỉ có bản năng, họ liền trốn vào tranh siêu thực, tượng trưng.

Sân khấu Việt Nam thì lại hoàn toàn có nguồn gốc ngoại lai. Trước thời Pháp thuộc, sân khấu tồn tại dưới hình thức là kich hát (tuồng, chèo, cải lương). Sau khi Pháp vào Việt Nam thì kịch nói bắt đầu xuất hiện. Nhưng các vở kịch vẫn còn chưa thoát được hai cái bóng: cái bóng của sân khấu kiểu cũ và cái bóng của văn học.

Văn chương – Thơ ca là loại hình nghệ thuật có nền tảng vững chắc nhất, đặc biệt là các thể loại thơ ca. Người dân Việt dường như sinh ra để làm thơ. Từ những câu ca dao dân gian đã đạt được trình độ làm thơ tinh tế và không kém phần bác học.

Thơ chữ Hán nước ta cũng đạt không ít thành tựu. Thơ chữ Nôm là phát triển đỉnh cao của văn học phong kiến. Phong trào Thơ Mới là một cuộc cách tân thơ toàn diện và cũng là đỉnh cao từ trước tới nay.

Truyện thích ứng với môi trường và để lại nhiều tác phẩm độc đáo. Nhưng các truyện ngắn cho tới nay hầu như chỉ tập trung ở trường phái lãng mạn và hiện thưc. Riêng về tiểu thuyết thì đáng tiếc chưa phát triển xứng tầm ở Việt Nam. Ngay từ tiểu thuyết chương hồi thời phong kiến cho đến tiểu thuyết hiện đại, các tác phẩm vẫn còn rất sơ sài, kém về kết cấu và không có tầm tư tưởng lớn.

Điện ảnh là một lĩnh vực nghệ thuật hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam. Mặc dù nước ta có sản xuất vài bộ phim nhưng chưa có bộ phim nào có tầm cỡ lớn. Nhưng dù sao, đây là một lĩnh vực hoàn tòan mới, chưa từng có và cũng cần có thêm thời gian để phát triển.

Sự thiếu hệ thống ở các lĩnh vực nghệ thuật hiện nay chung quy lại cũng vì trình độ học vấn và tư duy tự do của dân mình chưa cao, khiến cho: người viết thì không đủ sức thuyết phục, trong khi người đọc lại thi dễ bị lôi kéo vì không có lập trường vững vàng. Để xây dựng một nền nghệ thuật có chất lượng ở Việt Nam, trước tiên phải cải thiện các vấn đề về dân trí, phát huy cách tư duy tự do ở mỗi người, dù người đó có là khán giả hay độc giả.

Khuê Đăng
. Bookmark the permalink.

1 Response to Dân trí và tư duy tự do: Nền tảng chất lượng cho nghệ thuật Việt Nam

  1. Nặc danh says:
    Tự do nghệ thuật mà phải theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đến Văn Cao, cây đại thụ làng âm nhạc Việt Nam cũng bó tay với chúng nó luôn huống chi là chúng ta.

Leave a Reply

Không có nhận xét nào: