Vi Anh
Ngày 25/10/2011 đại công ty Mỹ Exxon Mobil loan báo đã tìm ra dầu khí tại một trong ba lô ở ngoài khơi Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam, đã được chánh phủ VNCS cấp phép cho thăm dò từ năm 2008. Theo Hà Nội các lô mang ký hiệu 117, 118, và 119 này đã giao cho Exxon Mobil thăm dò là thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, chiếu theo luật biển quốc tế.
Ngày 31/10/2011,Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng cảnh cáo các công ty ngoại quốc không được quyền thăm dò và khai thác tại các vùng thuộc chủ quyền của Bắc Kinh. Phát ngôn viên Bộ này, Ô. Hồng Lỗi tái khẳng định Trung Quốc có «chủ quyền không thể tranh cãi» trên Biển Đông.
Một tế nhị nhỏ nhưng đáng chú ý, TC vuốt mặt nhưng vẫn nể mũi Mỹ. Ô. Hồng Lỗi khi tuyên bố như trên, Ông tránh không nêu đích danh tập đoàn Exxon Mobil của Mỹ và Ông cũng tránh không trả lời câu hỏi liệu Trung Quốc có kế hoạch đòi Exxon Mobil rút khỏi thỏa thuận làm ăn với Việt Nam hay không. Ông Hồng Lỗi với tư cách phát ngôn viên Bộ Ngọai giao của TC chỉ nói đại khái: «Chúng tôi hy vọng là các công ty nước ngoài không can dự vào công việc thăm dò và khai thác dầu khí tại các vùng biển đang tranh chấp.
Còn Exxon Mobil tuy công bố tìm ra dầu khí nhưng chưa cho biết quy mô mỏ này. Chỉ có báo chí nói trữ lượng mỏ này có thể lên đến 5 nghìn tỷ feet khối (cf).
Đây không phải là lần đầu TC cảnh cáo các công ty ngoại quốc không được quyền thăm dò và khai thác tại các vùng biển thuộc chủ quyền của Bắc Kinh.
Mỹ không phải là nước duy nhứt có công ty thăm dò khai thác bị TC trực tiếp hay gián tiếp cảnh cáo không cho thăm dò và khai thác trên vùng biển mà TC gọi là thuộc chủ quyền bất khả tranh cãi của họ. TC từ năm 2007 đã liên tục gây áp lực «cấm» các công ty ngọai quốc làm ăn với Việt Nam.
Được biết công ty dầu của Anh là BP British Petroleum cũng đã bị TC đuổi đi vào năm 2007, khi hợp đồng với Việt Nam thăm dò, khai thác tại hai lô 5-2 và 5-3 ở vùng biển giữa quần đảo Trường Sa và hải phận của Việt Nam. BP ngưng và mãi hai năm sau mới bán lại cho VN toàn bộ các phần hùn của BP trong các dự án khai thác ngoài khơi Việt Nam.
Chính Exxon Mobil của Mỹ hồi tháng 7 năm 2008 cũng bị TC áp lực phải từ bỏ hợp đồng khai thác hai lô 135 và 136 trên thềm lục địa phía Nam Việt Nam ở Biển Đông.
Và bây giờ tuy TC chưa minh thị cấm đóan Exxon Mobil ở ba lô 117, 118, và 119, đã thấy có dầu ở một lô. Nhưng theo kiểu phản ứng và ăn nói như vậy, người ta thấy rõ ràng TC đã gián tiếp áp lực Exxon.
Vấn đề đặt ra là xem coi phải chăng trong vụ Exxon này, TC thử nắn gân, thử nghiệm Mỹ hay không, trong tình hình Mỹ trở lại Đông Nam Á và đang thành lập một vòng vây Ấn, Úc, Phi, một số nước ASEAN, Nhựt để ngăn cản đà bành trướng của TC.
TC cần thăm dò xem coi qua vụ Exxon của Mỹ, Mỹ có phản ứng ra sao. Mỹ có xìu như Anh hay cứng như Ấn Độ trong việc không rút lui khi TC hù dọa cho tập đòan dầu khí làm ăn với VN phải rút lui.
Chánh quyền Mỹ, Hành Pháp, lẫn Lập Pháp, TT Obama, Ngọai Trưởng Hillary, Dân biểu ,Nghị sĩ hai đảng Cộng hòa, Dân Chủ của Mỹ, Bộ Quốc Phòng, Bộ Tổng Tham Mưu và Bộ Tư Lịnh Thái bình Dương của Mỹ không thể nói chưa biết thái độ hành động bành trướng ngang ngược, tạo bất ổn vùng Đông Nam Á, tai hại cho tự do hàng hải quốc tế và tự do kinh doanh trên thế giới, trong đó có quyền lợi cốt lõi của Mỹ bị thiệt hại.
Rất nhiều những lời tuyên bố phản đối TC liên quan đến những vụ trên ở diễn đàn quốc tế, các cuộc điều trần ở quốc hội Mỹ, trên công luận truyền thông. Ô. Scot Marciel, Phó Phụ tá Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương, tại Ủy Ban Đối Ngọai Thượng Viện hồi tháng 7, đã tố cáo đích danh Bắc Kinh: «Từ mùa hè năm 2007, Trung Quốc đã bắt đầu yêu cầu một số hãng dầu khí Hoa Kỳ và ngoại quốc là phải đình chỉ công việc thăm dò cùng với các đối tác Việt Nam tại vùng Biển Đông, nếu không muốn phải gánh chịu những hậu quả trong công việc kinh doanh với Trung Quốc».
Thượng nghị sĩ Jim Webb, chủ tịch Tiểu ban Đông Á Thái Bình Dương của Ủy Ban Đối ngoại, từng báo động «Các hình thức hù dọa của Trung Quốc có thể gây trở ngại cho sự phát triển kinh tế một cách công bằng và tự do trong vùng. Việc Trung Quốc bắt giữ ngư dân Việt Nam gần khu vực quần đảo Hoàng Sa, hay là những lời đe dọa công khai nhắm vào các tập đoàn dầu khí Mỹ hoạt động trong vùng Biển Đông, nêu bật các rủi ro ngày càng tăng đối với công việc đánh cá qua lại trong khu vực cũng như giới hạn việc thăm dò tìm kiếm tài nguyên. Nếu không bị phản đối, các hành động kể trên có thể tác hại đến sự thịnh vượng của khu vực».
Nhưng cho đến bây giờ, người ta chưa thấy hành động cụ thể nào của chánh quyền Mỹ. Vụ đại công ty xăng dầu Exxon Mobil của Mỹ tuy đã tìm ra dầu khí tại một trong ba lô ở ngoài khơi Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam, đã được chánh phủ VNCS cấp phép cho thăm dò từ năm 2008; TC đã gián tiếp lên tiếng chống đối. Cho đến bây giờ Mỹ im lặng, chớ không phản ứng đốp chát như Ấn độ. Im lặng là đồng ý (qui ne dit mot consent). Hay im lặng là bất cần, chuyện ta ta cứ làm.
Còn nếu Mỹ xìu thì các nước nhỏ ở Đông Nam Á không còn có thể tin Mỹ với lời hứa rầm rộ, qua lại dồn dập trở lại Đông Nam Á để giúp tạo ổn định trong vùng, bảo vệ tự do hải hành, trước đà bành trướng của TC lấy đảo, chiếm biển, tạo tranh chấp biến biển Đông Nam Á thành điểm nóng nhứt ở Thái bình Dương sau Thế Chiến 2.
Trái lại Ấn độ rất cứng rắn. Khi bị TC hù dọa công ty dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh, chánh quyền Ấn Độ trực tiếp phản bác liền. CS Bắc Kinh chính thức gởi công hàm phản đối New Delhi về đề án thăm dò tại hai lô 127 và 128, cũng ở ngoài khơi miền Trung Việt Nam, thì Ngọai Trưởng Ấn Độ phản kháng liền, ngay tại Hà nội và Ấn độ ký thêm hiệp ước cộng tác với VN khi Chủ Tịch Nước VN thăm Ấn độ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét