3.11.11

Một Thế Giới Bảy Tỷ Người


2011-11-02
Theo cơ quan yểm trợ dân sinh của Liên Hiệp Quốc là Quỹ Nhân Khẩu thì hôm 31 Tháng 10 vừa qua, dân số của địa cầu đã lên đến bảy tỷ người.
AFP photo
Áp phích trước trụ sở Liên Hợp Quốc tại New York công bố dân số thế giới đạt 7 tỷ hôm 31 Tháng 10 năm 2011.
Biến cố ấy có nghĩa là gì về kinh tế và về quan hệ giữa các quốc gia? Chúng ta sẽ tìm hiểu chuyện này qua cuộc trao đổi sau đây với nhà  tư vấn cho đài Á châu Tự do là chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa.

Nạn lão hóa dân số 

Gia Minh: Xin kính chào ông Nghĩa. Tính theo Liên Hiệp Quốc, hôm 31 vừa qua, dân số thế giới vừa có bảy tỷ người. Trên diễn đàn này, từ nhiều năm qua ông vẫn thường nói đến những yếu tố tiềm ẩn bên dưới các sinh hoạt kinh tế là địa dư hình thể, là văn hoá và dân số. Thưa ông, việc nhân loại ngày nay có bảy tỷ khẩu phần sẽ ảnh hưởng thế nào đến các sinh hoạt kinh tế đó?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ rằng y như văn hoá, thì dân số hay nhân khẩu có chi phối các sinh hoạt kinh tế một cách chậm rãi, liên tục và thật ra rất mạnh. Nhưng cũng vì chậm rãi như vậy - cụ thể là vài thế hệ, là mấy chục năm - nên lại ít được chúng ta chú ý. Cho nên biến cố vừa qua rất đáng được chúng ta quan tâm. 
Nhìn trong trường kỳ thì từ mấy trăm năm nay, lâu lâu nhân loại lại được báo động về "nạn nhân mãn" là khi dân số bùng phát quá đông khiến địa cầu không thể nuôi nổi miệng ăn và có khi gặp đại loạn. 
Có lẽ Linh mục Thomas Robert Malthus người Anh là nhà kinh tế và khân khẩu học đầu tiên và nổi tiếng nhất với lý luận về nhân khẩu hay "Thuyết Dân số" của ông, xuất hiện vào cuối Thế kỷ 18, hơn 200 năm trước. Gần đây hơn, khoảng 40 năm trước, chúng ta cũng có lời cảnh báo của nhóm chuyên gia trong "Club of Rome", hay Câu lạc bộ Roma, về cơn khủng hoảng của môi trường sinh sống do dân số gia tăng khiến đà tăng trưởng kinh tế tất yếu sẽ giảm sút. Giờ đây, khi kiểm lại thì ta đều thấy rằng các lý luận này bi quan thái quá. Một cách cụ thể thì sau lời báo động ấy kinh tế toàn cầu lại tăng trưởng vượt bậc và gần đây hơn, nhiều quốc gia đã phát triển nhanh và mạnh với các giải pháp hiện đại hơn để giải quyết bài toán khan hiếm của nhân loại. 
Cho nên, chúng ta rất cần quan tâm đến các vấn đề môi sinh và dân số và rất nên quý trọng lời cảnh báo, nhưng cũng chẳng vì vậy mà nghĩ đến giải pháp kềm hãm tăng trưởng vì sợ rằng trái đất bị ô nhiễm và sẽ không nuôi sống nổi một nhân loại quá đông....
Gia Minh: Đó là nhìn trong trường kỳ, chứ ngay trước mắt thì có lẽ chúng ta đang gặp một vấn đề trái ngược. Đó là nạn lão hóa dân số, tức là dân số của nhiều quốc gia đang có tỷ trọng lớn hơn của thành phần cao niên và vì vậy các nước này sẽ khó phát triển mạnh như trong quá khứ, hai thí dụ điển hình là nước Nga và nước Nhật. Ông nghĩ sao về hiện tượng này?
Trong mươi năm tới, Hoa Kỳ vẫn sẽ dẫn đầu với thành phần trung niên đông đảo ở tuổi 30, có thừa sức sản xuất và đẻ con. 
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn Xuân Nghĩa: Trong một kỳ khác mình sẽ nói riêng về dân số Nga. Trở lại chuyện dân số, tôi trộm nghĩ rằng thuyết nhân mãn quá bi quan đã không nhìn ra ba bốn yếu tố có ảnh hưởng đến sinh hoạt kinh tế của từng nhóm quốc gia và sự chuyển dịch dân số khác biệt của từng nước lại dẫn đến nhiều thay đổi trong quan hệ giữa các nước với nhau. Những thay đổi này xảy ra khá chậm rãi nhưng chắc chắn nên sẽ chi phối nhân loại nhiều hơn ta nghĩ.
Gia Minh: Ông nói đến ba bốn yếu tố chi phối, đó là những gì vậy?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thứ nhất, tiến bộ về khoa học kỹ thuật có kéo dài tuổi thọ con người, trước tiên là tại các nước công nghiệp hóa, rồi đến các nước tân hưng và chậm phát triển. Nhưng trong các nước công nghiệp hoá, đà gia tăng dân số cứ giảm dần, như ta đang thấy tại hai nước đã từng là cường quốc kinh tế hạng hai và hạng ba sau Hoa Kỳ, là Nhật Bản và Đức. Và một chỉ dấu đầu tiên của hiện tượng dân số hết tăng mà giảm chính là hiện tượng lão hóa ông vừa nhắc tới. Các quốc gia kế tiếp cũng sẽ lần lượt gặp hiện tượng đó như ta bắt đầu thấy tại Trung Quốc.
Thứ hai, thuần về dân số học qua công tác kiểm tra, người ta chỉ nói đến nhân khẩu hay miệng ăn, của người già hay người trẻ như nhau. Trong khi ấy, người trẻ lại có hai khác biệt lớn, đó là khả năng sinh con và sức sản xuất. 
Vì vậy mình mới nói rằng hiện tượng lão hóa dân số là chỉ dấu của một chuyển động lớn hơn, đó là mức gia tăng dân số đã sút giảm rồi dân số nói chung cũng sẽ giảm, trước hết tại các nước công nghiệp hóa. Hậu quả là về lâu về dài, sản lượng của các nước này sẽ giảm dần so với sức sản xuất của các xã hội ta gọi là "chậm tiến" mà cũng là xã hội có dân số trẻ hơn. Sự chuyển dịch chậm rãi ấy sẽ ảnh hưởng đến tương quan các nước với nhau, thí dụ cụ thể nhất là quan hệ đối chiếu giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

Hiện tượng di dân

Gia Minh: Ông vừa nhắc đến một số quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Trung Quốc, Ấn Độ với ảnh hưởng chậm rãi của dân số trong sức nặng kinh tế của từng nước và trong quan hệ của các nước đó với nhau. Xin đề nghị ông giải thích cho thính giả thấy rõ hơn cái ảnh hưởng đó.
000_131005371-250.jpg
Một đám đông người qua đường ở khu trung tâm Manhattan, New York hôm 31/10/2011. AFP photo
Nguyễn Xuân Nghĩa: Trước hết, tôi xin được nhắc lại là dân số của nhân loại nói chung sẽ tiến đến đỉnh cao - là đông người nhất so với lịch sử - nhưng rồi sẽ từ từ giảm trong một hai thập niên tới. Dấu hiệu đầu tiên của sự giảm sút đó trong từng nước là hiện tượng lão hóa. 
Nhìn vào từng quốc gia thì cơ cấu dân số thông thường là một đồ biểu có cái dạng của hình tháp, dưới đáy là thành phần trẻ, trên ngọn là người già. Khi đồ biểu này lại bị thót ở giữa thì đó là dấu hiệu cho thấy tỷ trọng của thành phần trung niên, ở tuổi sinh con và có năng lực sản xuất, bị giảm sút và tương lai sẽ là một đà tăng trưởng chậm hơn. Nhật Bản và Đức là hai nước dẫn đầu trào lưu này, theo sau là nhiều nước công nghiệp hóa Âu châu.
Gia Minh: Còn trường hợp Hoa Kỳ thì sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Hoa Kỳ là một ngoại lệ rất đáng chú ý ở hai khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất là tự thân, xã hội Mỹ có tinh thần lạc quan và sinh con đẻ cái nhiều hơn các nước công nghiệp hoá, có lẽ chỉ thua một quốc gia duy nhất có sinh suất, là tỷ lệ sinh đẻ, cao hơn dân Mỹ. Đó là New Zealand hay Tân Tây Lan theo cách gọi ngày xưa. Khía cạnh thứ hai còn quan trọng hơn thế: Hoa Kỳ là quốc gia rộng rãi đón nhận di dân đến từ các nước nghèo hơn. Mà thành phần di dân này cũng có sinh suất cao hơn nên duy trì mức độ trẻ trung và dân số cao trong nhiều thế hệ nữa. Trong mươi năm tới, Hoa Kỳ vẫn sẽ dẫn đầu với thành phần trung niên đông đảo ở tuổi 30, có thừa sức sản xuất và đẻ con. 
Hai khía cạnh đó lại kết hợp với địa dư hình thể quá tốt đẹp của một lãnh thổ vuông vức có diện tích canh tác rất cao, tập trung trong lưu vực của năm dòng sông lớn đan kết với nhau. Hiện nay, mật độ dân số của Mỹ chỉ bằng 1/4 của Đức và Trung Quốc thôi. Cho nên nhìn trong trường kỳ, Hoa Kỳ vẫn là siêu cường kinh tế khó ai qua mặt được và cụ thể thì thừa sức nuôi sống một dân số đông gấp ba. Nghĩa là có một tỷ người thì vẫn còn thịnh vượng! 
Gia Minh: Ông vừa nhắc đến hồ sơ di dân, nếu đấy là một sức mạnh của nước Mỹ so sánh với Âu châu hay Nhật Bản thì tại sao người ta lại thấy xảy ra cuộc tranh luận về di dân trong xã hội và chính trường Mỹ?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Người ta đã lầm cuộc tranh luận về văn hoá với kinh tế và chính trị!
Tuổi trung bình của dân Mỹ hiện ở khoảng 37, trẻ hơn dân Nhật, dân Đức và sẽ sớm trẻ hơn dân Trung Quốc. Trong thành phần di dân, trẻ nhất lại là người dân xuất phát từ miền Nam lên, trung bình ở khoảng 21 tuổi. Lý do là chỉ có người trẻ mới xông xáo dám đi hoặc được cha mẹ đưa vào xứ này để có tương lai khá hơn ở quê nhà.
Ban đầu thì di dân cần sự nâng đỡ nên nhất thời gây ra vấn đề về kinh tế, nhưng kết cuộc là cả đời sẽ đóng góp nhiều hơn cho sự thịnh vượng chung của quốc gia Hoa Kỳ.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Di dân bất hợp pháp thì không được hưởng quyền lợi về an sinh xã hội, thành phần hợp pháp thì coi như sẽ đóng góp cho ngân sách, kinh tế và xã hội trong 40 năm liền sau đó. Ban đầu thì di dân cần sự nâng đỡ nên nhất thời gây ra vấn đề về kinh tế, nhưng kết cuộc là cả đời sẽ đóng góp nhiều hơn cho sự thịnh vượng chung của quốc gia Hoa Kỳ. Tuy nhiên, vấn đề gây tranh luận chính là văn hoá. Một số di dân gốc miền Nam này lại có sự gắn bó tâm lý với xứ Mexico hơn là với Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ nên về dài có khi trở thành sức ly tâm về chính trị, vì cả khu vực miền Nam và miền Tây của nước Mỹ xưa kia là lãnh thổ của Mexico. 
Gia Minh: Trở lại chuyện dân số tại các nước khác. Thưa ông, sau Nhật Bản, Âu châu và ngoại lệ là nước Mỹ trong khối công nghiệp hóa, tình hình Trung Quốc hay Ấn Độ sẽ ra sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Trung Quốc đã tự mình tiến vào nạn lão hóa dân số nhanh hơn dự tính với chính sách kế hoạch hóa gia đình, gọi là "mỗi hộ một con". Thực tế thì lão hóa nhanh nhất và chỉ thua Nhật Bản mà thôi. Vì vậy, nếu như có thoát một vụ khủng hoảng kinh tế và xã hội trong vài năm tới đây, Trung Quốc cũng tất yếu đi vào chu kỳ đình đọng khi dân số người già gia tăng trong khi lại thiếu dân công trẻ và có tay nghề là điều đã bắt đầu xảy ra, với sức ép lên đà gia tăng lương bổng. Vì là một xứ không dân chủ và khó biến báo linh động, tình trạng đình trệ ấy cũng dễ dẫn tới động loạn, có thể xảy ra trong mươi năm tới nếu như chưa bị khủng hoảng và tan rã trước đó.

Trường hợp Việt Nam

Gia Minh: Bên cạnh đó có xứ Ấn Độ, với dân số đang bắt kịp Trung Quốc. Tình hình tương lai sẽ ra sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Ấn Độ là một ngoại lệ khác trong các nước tân hưng vì có cơ cấu dân số vẫn bình thường, với tỷ lệ hài nhi, thiếu nhi và thiếu niên vẫn còn rất cao. Cho nên xứ này là sẽ một trung tâm sản xuất lớn của thế giới trong mấy chục năm tới và sẽ sớm qua mặt Trung Quốc.
Nhưng bài toán của họ là việc giáo dục và đào tạo một dân số quá đông và rất trẻ. Nếu không giải quyết thỏa đáng thì xứ này sẽ có một thành phần ưu tú rất mạnh và những người có tay nghề  mà không có đất dụng võ. Họ sẽ đi qua xứ khác hoặc làm việc cho doanh nghiệp ngoại quốc và gây ra hiện tượng xuất não, nôm na là mất nhân tài.
044_B36721200-250.jpg
Một cảnh đông dân ở Việt Nam. PhotoAlto
Gia Minh: Nếu nhìn trên toàn cảnh của hai khối kinh tế là các nước công nghiệp hóa và các nước đang phát triển, người ta có thể kết luận được những gì về tương lai?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Nhìn trên toàn cảnh và trong trường kỳ, các nước công nghiệp hóa đã mất thời gian khá lâu, phải nói là cả thế kỷ, để xây dựng sự sung mãn và một hạ tầng cơ bản về đầu tư sản xuất, từ cầu đường tới luật lệ và an sinh xã hội. Các nước đang phát triển thì có bước nhảy vọt nhờ tiếp thu kinh nghiệm của Tây phương, nên chỉ một  hai thế hệ đã trở thành quốc gia tôi gọi là "tân hưng". Nhưng vì tiến quá nhanh, họ chạm đỉnh dân số và gặp nạn lão hóa quá sớm so với khả năng xây dựng kết cấu hạ tầng về tư bản và sản xuất như các nước đi trước. 
Vì vậy, khối tân hưng này sẽ tiến vào chu kỳ đình trệ sớm hơn các nước hậu công nghiệp. Một hậu quả bất ngờ là người trẻ được đào tạo nơi đây sẽ càng có xu hướng xuất ngoại, tăng cường đoàn người di dân vào các nước tiên tiến rất cần tay nghề, sức khoẻ và khả năng sản xuất....
Gia Minh: Dù không nói ra, hình như ông có ý ám chỉ đến trường hợp Việt Nam! Ông kết luận thế nào về chuyện dân số và nhân khẩu của xứ này?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ là sau mất chục năm chinh chiến liên miên, Việt Nam có hiện tượng bùng phát dân số rất mạnh, nhất là kể từ thập niên 1990 trở đi, khi số người nam giới đã bồi bổ được sự hao hụt vì chiến tranh. Nhưng thành phần trẻ ngày nay đã mất trí nhớ về quá khứ và lịch sử Việt Nam trong khi lãnh đạo ở trên lại chẳng nhìn ra tương lai lâu dài.
Nhưng thành phần trẻ ngày nay đã mất trí nhớ về quá khứ và lịch sử Việt Nam trong khi lãnh đạo ở trên lại chẳng nhìn ra tương lai lâu dài. 
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Khủng hoảng về giáo dục và đào tạo hiện nay sẽ khiến Việt Nam thiếu chuyên gia và người có tay nghề. Lồng trong đó có nạn khủng hoảng về kết cấu hạ tầng quá mong manh, nên Việt Nam khó duy trì được một sự tăng trưởng bền vững để tiến lên giai đoạn phát triển như các nước tân hưng kia. Nhưng đáng lo ngại nhất lại là một hiện tượng khác. 
Sau mấy chục năm có hòa bình và tuồi thơ được cơ hội học hỏi, Việt Nam có một thành phần trung niên tương đối đông đảo và giỏi giang hơn trước, hơn thời chiến tranh và cách mạng. 
Nhưng sự trì trệ của lãnh đạo ở trên khiến cho thành phần này không thể giải quyết được các vấn đề kinh tế và xã hội của đất nước nếu không phát triển khả năng mánh mung chụo giựt. Vì vậy,  nhiều người chỉ muốn vượt thoát ra ngoài, hoặc nếu có thành tài ở nước ngoài thì cũng chẳng muốn về. Khi cả một xã hội và nhất là những người trẻ năng động nhất lại thấy mô thức mẫu mực nằm ở nước ngoài hoặc nếu có cơ hội thì sống ở bên ngoài, ta vẫn thấy lại hiện tượng xuất não về kinh tế và vọng ngoại về văn hoá. Đây mới là một bài toán trường kỳ cho Việt Nam.
Gia Minh: Đài Á châu Tự do xin cảm tạ ông Nguyễn Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào: