Khi những vụ chạm súng giữa Thái Lan và Campuchia bột phát vào tháng Hai do tranh chấp biên giới gần một ngôi đền Khmer Ấn giáo mang tính cách lịch sử, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa đã sử dụng đến tư cách chủ tịch của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á để đứng làm trung gian dàn xếp.

Trong những tháng đầy hoạt động ngoại giao bận rộn tiếp theo sau đó, ông Natalegawa đã bênh vực đường lối xây dựng đồng thuận của ASEAN trong lúc thừa nhận là thiếu vắng những biện pháp đe dọa trừng phạt chính trị hay kinh tế khiến cho công việc của ông khó khăn hơn. Ông nói: "Ngoại giao không chỉ là thúc ép và trừng phạt, nhưng còn là khích lệ nữa. Chúng ta sẽ chờ xem sự thẩm định như thế nào. Hãy trở lại với tôi sau đó để xem chúng ta đã đi được đến đâu."

Ông Netalegawa đã dàn xếp để hai quốc gia thành viên này đồng ý trên nguyên tắc về thỏa thuận ngưng bắn, nhưng đã không thể thực thi kế hoạch kêu gọi đưa binh sỹ gìn giữ hòa bình của Indonesia đến đồn trú tại khu vực tranh chấp. 

Đường lối ngoại giao như vậy đã khiến diễn đàn ASEAN, và hội nghị thượng đỉnh đông Á của diễn đàn, ngày càng mang tầm vóc quan trọng cho một khu vực với một dân số chiếm đến phân nửa dân số thế giới, và có nhiều nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất. Các giới chức Hoa Kỳ thường gọi khu vực châu Á Thái Bình Dương là một trong những nơi năng động và có ý nghĩa nhất cho quyền lợi của nước Mỹ trong những thập niên sắp tới. 

Tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh cấp vùng của ASEAN mới đây trong tháng Bảy, ông Netalegawa đã hoan nghênh một thỏa thuận giữa Trung Quốc và ASEAN để giải quyết tranh chấp trong vùng biển Đông nhiều dầu hỏa, cho dù thỏa thuận chỉ kêu gọi đôi bên triển khai một tiến trình để rồi ra đạt tới một thỏa thuận. 

Và ở bên lề hội nghị, các giới chức Nam và Bắc triều Tiên mở những cuộc họp không chính thức, khơi dậy hy vọng rằng rồi ra các cuộc thảo luận 6 bên về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên sẽ được tái tục. 

Bà Dewi Fortuna Anwar, Phó Bộ trưởng Indonesia phụ tá Phó Tổng thống về các vấn đề chính trị nói mặc dù các hội nghị thượng đỉnh ASEAN hiếm khi nào đạt tới những thỏa thuận có tính cách đột phá, nhưng nó đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Bà nói: "Điều khá nhất mà quí vị có thể làm là tìm cách hóa giải căng thẳng và hy vọng cũng có thể triển khai một cơ chế để thiết lập những quan hệ giữa các phe phái để cho họ thấy rằng hợp tác với nhau có lợi cho tất cả, thay vì tranh chấp, đối nghịch nhau." 

Cũng trên nghị trình của hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần này, có phần chắc là Miến Điện sẽ ngỏ ý muốn được giao vai trò chủ tịch ASEAN năm 2014. ASEAN đã bày tỏ sự ủng hộ có điều kiện để khuyến khích Miến Điện đưa ra thêm những tiến bộ dân chủ do những cuộc bầu cử mới đây đem lại và do lãnh tụ ủng hộ dân chủ Aung San Suu Kyi và một số tù nhân chính trị khác được trả tự do. Một số các tổ chức nhân quyền lý luận rằng ASEAN cần phải theo đường lối cứng rắn hơn và trước hết cần phải áp lực Miến Điện theo sát với những nguyên tắc dân chủ và nhân quyền của tổ chức ASEAN.

Bà Anwar nói ủng hộ cho Miến Điện giữ chức vụ này là một rủi ro cho uy tín của ASEAN trong lúc tổ chức này tìm cách trở thành một tổ chức hội nhập cấp vùng trong năm 2015, thiết lập những nguyên tắc dân chủ và pháp trị. Bà nói: "Nếu Miến Điện không có những cải tổ đáng kể, hay có một số thụt lùi trong vấn đề cải tổ thì luôn luôn có khả năng là ghế chủ tịch ASEAN của Miến Điện, chỉ một năm trước khi cộng đồng ASEAN mở diễn đàn thường niên, có thể gây tai họa thực sự về giao tế quần chúng cho ASEAN. " 

Nhưng bà nói, nhất là vào thời kỳ này khi kinh tế trong vùng tăng trưởng, đường lối gọi là "phương cách ASEAN" chú trọng tới quyền lợi chung, đưa ra sự khích lệ và xây dựng đồng thuận, theo thời gian, sẽ bảo đảm cho hòa bình và ổn định.