Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
2011-11-07
Tỉnh Nam Định không tuyển dụng công chức là những người tốt nghiệp đại học, cao đẳng thuộc hệ thống dân lập, tư thục hay tại chức, mà chỉ tiếp nhận thành phần được đào tạo chính quy, dài hạn.
Dư luận phản ứng ra sao trước chủ trương “dụng nhân” một cách hạn chế của chánh quyền Nam Định, Đỗ Hiếu ghi nhận ý kiến từ nhiều phía từng phục vụ lâu năm ngành giáo dục.
Công lập giỏi hơn dân lập?
Theo giải thích với báo chí, ông Trần Tất Tiệp, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nam Định xác nhận rằng, từ năm 2011, tỉnh bắt đầu tuyển công chức theo hình thức đào tạo, có nghĩa là chỉ nhận hồ sơ từ các sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy, công lập, bởi sau này các đối tượng đó sẽ là cấp lãnh đạo, hoạch định, quản lý chính sách cho tỉnh nhà.
Ông đánh giá là sinh viên tốt nghiệp các trường dân lập, tư thục không thể nào giỏi bằng trường công lập, vì chất lượng đào tạo ngoài công lập không cao.
Trong đợt thi tuyển dụng công chức tại Nam Định năm nay, có 256 người tốt nghiệp đại học công lập, hệ đào tạo chính quy tham gia. Trong số này tỉnh sẽ chọn 141 công chức thuộc 29 lãnh vực chuyên môn để bổ sung cho các phần sở cấp tỉnh và huyện. Có 5 trường hợp là những thí sinh tốt nghiệp đại học dân lập, tư thực, tại chức không được dự thi.
Trong đợt thi tuyển dụng công chức tại Nam Định năm nay, có 256 người tốt nghiệp đại học công lập, hệ đào tạo chính quy tham gia. Trong số này tỉnh sẽ chọn 141 công chức thuộc 29 lãnh vực chuyên môn để bổ sung cho các phần sở cấp tỉnh và huyện. Có 5 trường hợp là những thí sinh tốt nghiệp đại học dân lập, tư thực, tại chức không được dự thi.
Đi một bước trước Nam Định, từ cuối năm ngoái, thành phố Đà Nẵng cũng quyết định không tuyển dụng các sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào phục vụ tại các cơ quan nhà nước với lý do được đưa ra là nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.
Thông tin về việc Nam Định không tuyển công chức tốt nghiệp dân lập, tại chức được các giới sư phạm đón nhận ra sao? Nhà văn Nguyên Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị đại học tư thục Phan Chu Trinh nhấn mạnh, mục tiêu trước mắt là xã hội hóa giáo dục, chứ không phải là chuyện công lập hay dân lập:
Tất nhiên khi muốn chọn người giỏi mình phải có những cái chuẩn để đánh giá từng người, chứ không phải đề ra chủ trương để loại bỏ một hệ trường nào, điều đó không phù hợp.Ông Huỳnh Công Minh
“Ngày xưa, giáo dục ở trong một phạm vi ít, gọi là tinh hoa, bây giờ giáo dục nhắm đến đối tượng là cho toàn dân, theo tôi dù nhà nước nào đi nữa cũng chỉ đảm nhận được một phần giáo dục của xã hội, cho nên cần phải huy động các lực lượng của xã hội, những người có tâm huyết với giáo dục, tham gia vào việc giáo dục. Làm các trường tư là rất tốt, nhưng nhà nước cần có những chính sách, ví dụ đầu tư vào giáo dục thì được miễn thuế, tham gia vào công việc giáo dục chung của xã hội, đấy là việc rất cần. Đây là nhu cầu của toàn dân chứ phải của một số ít, nhà nước chỉ cần làm công việc thanh tra chất lượng của các trường, hầu đảm bảo chất lượng giảng dạy tốt, đó là cái việc cần thiết.”
Ông Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục, đào tạo thành phố Hồ Chí Minh không tán thành chủ trương của Nam Định và Đà Nẵng, chỉ tuyển dụng người tốt nghiệp đại học công lập, hệ chính quy:
“Tôi không đồng ý với chủ trương này, thật ra vấn đề xã hội hóa của nhà nước thì việc mở các hệ trường tức là công lập, hay ngoài công lập thì chủ trương cũng như vậy, nếu như được quy định của nhà nước, cho mở trường để đào tạo thì không phân biệt là công lập, ngoài công lập hay dân lập, bởi lẽ những đơn vị này, người ta cũng có nhiệm vụ, chức năng, điều kiện để đào tạo. Những chủ trương phân biệt thì không phù hợp, tất nhiên khi muốn chọn người giỏi mình phải có những cái chuẩn để đánh giá từng người, chứ không phải đề ra chủ trương để loại bỏ một hệ trường nào, điều đó không phù hợp.”
Nạn học giả mà bằng thiệt
Ông Đặng, một cựu giáo chức, nhiều năm phục vụ các thế hệ học sinh phân tích về những nguyên tắc giúp sàng lọc tìm ra người tài giỏi:
"Cái chủ trương cho học, dù là tự học để nâng cao văn hóa, kiến thức, trình độ, mọi lãnh vực là chuyện đáng phấn khởi, đáng hoan nghênh. Nhưng khi đó, phải đủ cân đủ lượng mới cấp bằng cho người ta, không thể nói chính quy khác với tại chức, Việt Nam làm ngược lại, mỗi cái có thước đo riêng, người ta quy định, nếu anh tốt nghiệp mà không chính quy thì không được đứng trên bục giảng dạy, còn tốt nghiệp tại chức, gọi là hành chánh sự nghiệp thì chỉ để giữ vững cái ghế họ thôi. Tệ hơn nữa là học giả mà bằng thiệt, trước kia bị quy vào tội sử dụng công chứng thư giả mạo, còn bây giờ thì làm giả đủ thứ giấy tờ, giấy tờ nhà đất, đóng dấu giả hết, bằng cấp cũng lung tung hết. Photoshop làm giả tốt hơn thiệt, trong một xã hội như vậy, tôi không bằng lòng cái hướng sử dụng bằng cấp như vậy, còn phản ứng của Nam Định, Đà Nẵng, xử lý là đúng, vì chất lượng kém quá làm sao mà dùng được, làm sao bỏ tiền ra mua vàng dởm mà ngang giá vàng thiệt được, không thể như vậy được. Lỗi là ở chỗ người đào tạo chứ không phải do nơi người sử dụng, cũng không do lỗi người học, trình độ kém quá mà anh cứ ráng nâng lên thì cuối cùng nó không giống ai.”
... nếu anh tốt nghiệp mà không chính quy thì không được đứng trên bục giảng dạy, còn tốt nghiệp tại chức, gọi là hành chánh sự nghiệp thì chỉ để giữ vững cái ghế họ thôi.Ông Đặng, cựu giáo chức
Nhiều chuyên gia đầu ngành giáo dục, đào tạo như giáo sư Đào trọng Thi, giáo sư Nguyễn Lân Dũng, giáo sư Phạm Minh Hạc, giáo sư Hồ Ngọc Đại, giáo sư Văn Như Cương đều cho rằng quyết định của Đà Nẵng là không hợp lý. Nhiều ý kiến cũng yêu cầu Đà Nẵng thu hồi quyết định “cấm cửa” sinh viên tại chức vì dù được đào tạo chính quy cũng có người kém còn học tại chức, nhất định phải có người giỏi, không thể chỉ nhìn vào văn bằng mà xét đoán khả năng.
Một số đại biểu quốc hội và chuyên gia ngành giáo dục cũng cho rằng Luật Giáo dục của Việt Nam không phân biệt giá trị của hai loại hệ thống đào tạo chính quy và tại chức. Quyết định mà không căn cứ vào luật pháp, vào cơ sở khoa học là một cuộc phiêu lưu nguy hiểm. Theo các quan chức này thì muốn tuyển dụng nhân tài có khả năng, đạo đức thì nên trước hết là tổ chức thi tuyển, kế đó là phỏng vấn các thi sinh, hai cuộc khảo sát này sẽ bổ sung cho nhau và tránh được sự đánh giá vội vã, kém chính xác.
Theo dòng thời sự:
- Mục tiêu của Đại học tư thục?
- Nhân tài và sự thịnh suy của đất nước
- Chương trình giáo dục đại học Việt Nam còn nhiều hạn chế
- Chương trình miễn và giảm học phí cho sinh viên
- Nạn tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục VN
- Xây 200 ngàn căn nhà cho sinh viên và công nhân
- Nỗi lo chất lượng giáo dục Đại học
- Việt Nam chấn chỉnh giáo dục đại học
- Quy mô phải đi đôi với chất lượng
- Giáo dục, chuyện nói hoài không hết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét