Ngày càng có nhiều chính khách Mỹ bày tỏ sự lo ngại về Trung Quốc
Hình: AP
Những vụ công kích dữ dội nhất đã diễn ra trong cuộc tranh đua của các chính khách muốn được được đảng Cộng hòa đề cử làm ứng cử viên Tổng thống Mỹ, từ những cuộc vận động cử tri ở khắp nơi cho tới những cuộc tranh luận trên truyền hình như cuộc tranh luận trong tuần này về chính sách đối ngoại.
Trong cuộc tranh luận này, Thống đốc tiểu bang Texas Rick Perry đã nêu tên Trung Quốc như vấn đề an ninh quốc gia lớn nhất của nước Mỹ:
"Khi chúng ta có 35.000 vụ phá thai xảy ra mỗi ngày ở quốc gia đó. Khi chúng ta có vấn đề an ninh mạng có dính líu tới Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Đó là những vấn đề to lớn và quan trọng cả về mặt đạo đức lẫn an ninh mà chúng ta cần phải đối phó vào lúc này."
Cựu thống đốc tiểu bang Massachusetts Mitt Romney đồng ý rằng Trung Quốc là một vấn đề an ninh dài hạn.
Ông Rommeny đã tuyên bố như sau trong lúc thực hiện những cuộc vận động tranh cử hồi gần đây.
"Trong các hiệp định thương mại mà chúng ta ký kết với họ về thương mại, họ không tuân hành, và một trong những cách thức làm việc đáng chê trách nhất của các xí nghiệp Trung Quốc, trong đó dĩ nhiên có nhiều xí nghiệp quốc doanh, là đánh cắp thiết kế, quyền sáng chế và công nghệ của Mỹ và các công ty khác. Và họ đánh cắp, bán lại và kiếm tiền từ những gì mà chúng ta đã tạo ra."
Ông Lý Thành, một chuyên gia về Trung Quốc của Viện Brookings ở Washington, nói rằng các chính khách đang tìm kiếm một đối tượng nào đó để đổ lỗi trong lúc vấn đề kinh tế là trọng tâm bàn cãi trong các cuộc bầu cử ở Mỹ. Ông nói:
"Hiện nay, khi chúng ta nói tới vấn đề kinh tế, nói tới kinh tế toàn cầu, nói tới kinh tế Mỹ, chúng ta không thể không nói tới sự trỗi dậy của Trung Quốc và sức cạnh tranh kinh tế ngày càng mạnh của Trung Quốc."
Ông Lý nói thêm rằng đây là lần đầu tiên trong cuộc bầu cử lần này mà tất cả các ứng viên Cộng hòa đề chọn Trung Quốc làm mục tiêu chính để đả kích.
Thông thường các chính khách Cộng hòa được xem là thân Trung Quốc hơn vì có những quyền lợi to lớn về kinh tế và hợp tác với Trung Quốc. Nhưng toàn bộ cuộc diện đã thay đổi.
Tuy nhiên, không phải chỉ những người đang hy vọng trở thành ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa mới đưa ra những lời lẽ cứng rắn về Trung Quốc. Tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC mới đây ở Hawaii, Tổng thống Barack Obama đã lên tiếng chỉ trích những cách hành xử của Trung Quốc trong lãnh vực thương mại. Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói:
"Vai trò của họ giờ đây đã khác với 20 hoặc 30 năm trước, là lúc mà nếu họ vi phạm một số luật lệ thì cũng chẳng sao. Nó không có tác động đáng kể. Lúc đó chúng ta không có những sự mất cân bằng thương mại khổng lồ có tác động tới hệ thống tài chánh thế giới. Giờ đây, họ đã trưởng thành và vì vậy họ cần phải góp phần quản lý quá trình một cách có trách nhiệm."
Bắc Kinh thường xuyên bị tố cáo có nhiều hành vi bất chính trong lãnh vực thương mại và không ủng hộ hoặc không làm đủ để ngăn chận những cách thức tiến hành hoạt động thương mại thiếu công bằng.
Những tố cáo đó đang trở nên mạnh mẽ hơn, tập trung hơn và được các cử tri ở Mỹ tán đồng nhiều hơn.
Kết quả thăm dò của đài truyền hình CBS hồi tháng trước cho thấy 61% người dân Mỹ xem sự phát triển kinh tế của Trung Quốc là một sự việc không tốt.
Mới đây, Đại sứ Hoa Kỳ tại Tổ chức Thương mại Thế giới đã gởi một văn thư cho người tương nhiệm phía Trung Quốc để chỉ trích sự hạn chế nghiêm nhặt của Trung Quốc đối với hoạt động internet.
Thư này yêu cầu Trung Quốc giải thích tại sao họ lại ngăn chận các trang web và nêu lên mối lo ngại là hành động như vậy phương hại tới sự tiếp cận của các công ty với người tiêu thụ ở Trung Quốc.
Tại cuộc điều trần ở quốc hội hồi tuần trước, thượng nghị sĩ Sherrod Brown, thuộc đảng Dân chủ đại diện tiểu bang Ohio, nói rằng chính sách internet của Trung Quốc chẳng những chà đạp nhân quyền mà còn gây thiệt hại cho quyền lợi thương mại của Hoa Kỳ. Ông nói:
"Chính sách này có lợi cho các công ty trong nước của Trung Quốc trong lúc gây thiệt hại cho các công ty như Facebook, Twitter và Youtube. Đây là những công ty hoàn toàn bị ngăn chận ở Trung Quốc. Các công ty mà mô hình kinh doanh lệ thuộc vào sự cởi mở và minh bạch dang bị ép buộc để trở thành một công cụ của chính phủ Trung Quốc hoặc phải quay lưng lại với 1 tỉ 300 triệu người tiêu thụ."
Tháng 10 vừa qua, Thượng viện Mỹ đã thông qua một dự luật, với sự hậu thuẫn của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, để tìm cách trừng phạt Trung Quốc về việc thao túng tỉ giá hối đoái của đồng nguyên.
Truyền thông Trung Quốc cho rằng các chính khách Mỹ đang lợi dụng Trung Quốc làm vật tế thần cho những vấn đề khó khăn của chính nước Mỹ.
Tiến sĩ Lý Thành cho rằng mặc dù có những mối lo ngại là tình cảm bài Mỹ đang tăng ở Trung Quốc có thể vượt khỏi vòng kiểm soát, nhưng các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh đang đứng ngoài cuộc tranh luận này. Ông nói;
"Giới lãnh đạo Trung Quốc đã có thái độ cẩn thận và họ không muốn phóng đại những mối căng thẳng hoặc các vấn đề vì làm như vậy sẽ làm cho họ gặp nhiều khó khăn hơn trong tương lai khi họ muốn cải thiện quan hệ với Mỹ."
Ông Lý nói thêm rằng những mối căng thẳng đó là điều Trung Quốc muốn né tránh trước khi Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình thực hiện một chuyến công du quan trọng đến Hoa Kỳ vào tháng giêng.
Theo dự liệu, ông Tập Cận Bình sẽ kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào vào năm 2012, vào cùng khoảng thời gian diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét