Tham luận tại HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ LẦN THỨ BA – “BIỂN ĐÔNG: HỢP TÁC VÌ AN NINH VÀ PHÁT TRIỂN TRONG KHU VỰC” do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức
Tại Hà Nội, ngày 4-5 tháng 11 năm 2011Rodolfo C. SeverinoRodolfo C. Severino, nguyên Tổng thư ký ASEAN và nhà ngoại giao Philippines, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore.
Tại Hà Nội, ngày 4-5 tháng 11 năm 2011Rodolfo C. SeverinoRodolfo C. Severino, nguyên Tổng thư ký ASEAN và nhà ngoại giao Philippines, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore.
Những vấn đề có liên quan đến các tranh chấp và mâu thuẫn lợi ích tại khu vực biển Đông là vô cùng phức tạp. Chúng bao gồm những cân nhắc tính toán từ các góc độ luật pháp, kỹ thuật, chính trị nội bộ, chính trị quốc tế, chiến lược và kinh tế. Thật không may rằng do cố gắng làm cho mọ thứ trở nên dễ hiểu đối với công chúng, do thiếu hiểu biết, hay vì cả hai lý do trên mà các phương tiện thông tin đại chúng đã góp phần làm rối rắm thêm tình hình, chủ yếu bằng cách đơn giản hoá quá mức các vấn đề vốn đã rất phức tạp. Sự rối rắm này lại bị làm phức tạp thêm bởi các quan chức, những người lẽ ra phải hiểu rõ vấn đề hơn ai hết, và do những tuyên bố của họ dù có thể sai lạc nhưng vẫn được các phương tiện thông tin đại chúng ghi lại, v.v.
Vấn đề đầu tiên là cần phải phân biệt giữa đất liền và biển, giữa các tuyên bố chủ quyền đối với các điểm có đất liền ở Biển Đông và những yêu sách đối với các vùng biển mà những điểm đảo đó có thể tạo ra hoặc không. Ở đây, cần nhớ rằng đất liền sẽ sinh ra các quyền tài phán trên biển chứ không phải là ngược lại. Có những tranh chấp thực sự về chủ quyền đối với các điểm đảo tại khu vực Biển Đông giữa Trung Quốc/Đài Loan với Việt Nam về quần đảo Hoàng Sa, giữa Trung Quốc/Đài Loan với Việt Nam, phần nào đó có cả Philippines và Malaysia, đối với quần đảo Trường Sa. Theo như tôi được biết, Brunei không tuyên bố chủ quyền đối với bất kỳ điểm đảo nào ở Biển Đông mà tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển mở rộng, xem đó như là vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng đánh cá nhô ra từ lãnh thổ của Brunei, nhưng vùng mở rộng đó lại chồng lấn với những vùng mà các nước khác đã tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, không nước nào xác định được giới hạn của các vùng biển mà nước đó tuyên bố chủ quyền. Đồng thời, việc khẳng định “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với Biển Đông, điều mà Bắc Kinh đang làm hiện nay, mâu thuẫn với một thực tế rằng các vùng biển lớn cũng như là rất nhiều các điểm đảo trong khu vực này đều đang bị tranh chấp.Là một bộ luật về các đại dương, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 không đề cập gì đến các tranh chấp về quyền tài phán đối với các điểm đảo. Các tranh chấp đã và đang diễn ra trên thế giới hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, là tranh chấp giữa hai bên, do đó có thể giải quyết được thông qua đàm phán song phương hay đưa tranh chấp đó ra toà án quốc tế, mặc dù trong một số trường hợp có thể gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Công ước Luật biển 1982 có đề cập một chút đến các vùng nước được tạo ra bởi các điểm đảo mà không thông qua các phán quyết về các tuyên bố chủ quyền còn đang tranh cãi.Điều này đưa chúng ta đến với vấn đề khác gắn liền với Biển Đông, vấn đề về đảo và đá. Điều 121 của Công ước Luật biển 1982 quy định “Đảo là vùng đất liền hình thành tự nhiên, được bao bọc bởi nước và nằm cao hơn nước khi thuỷ triều lên”. Nó cho thấy rằng một hòn đảo được định nghĩa như vậy có thể tạo ra lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giống như bất kỳ lãnh thổ đất liền nào khác. Mặt khác, cũng theo điều 121 thì “Đá, nơi không thể duy trì sự sống của con người hay có đời sống kinh tế riêng, không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa”. Dựa vào điểm này, có thể thấy rằng không nước nào có tuyên bố chủ quyền đối với các điểm đất liền ở khu vực Biển Đông từng chỉ rõ những điểm đó là đảo hay là đá như được định nghĩa tại điều 121 Công ước Luật biển 1982, mà có lẽ đều muốn giữ cho mình một sự “mơ hồ chiến lược”.Sự rắc rối nảy sinh từ sự thất bại, bất khả, từ chối hay miễn cưỡng phân biệt giữa đảo và đá, giữa đất liền và nước là xu hướng đồng nhất “lãnh thổ” với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Công ước Luật biển 1982 trao các quyền và nghĩa vụ cụ thể khác nhau cho các quốc gia ven biển và các nước khác đối với từng quyền tài phán này. Tuy nhiên, các phương tiện thông tin đại chúng hay thậm chí là các quan chức, nhằm phục vụ lợi ích của bản thân hay do thiếu hiểu biết, đã không có được những sự phân biệt hết sức quan trọng này.Pháp quyền và khu vực Biển ĐôngTất cả các nước tuyên bố chủ quyền đối với các điểm đất liền ở Biển Đông và “các vùng biển tiếp giáp” đều là thành viên của Công ước Luật biển 1982. Tất cả các văn bản ký kết trong phạm vi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, hay ASEAN, về Biển Đông đều kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển 1982. Những văn bản này bao gồm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 mà Trung Quốc và tất cả các nước ASEAN đều đã ký kết, Bản Tuyên bố đã hai lần nhắc đến “các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982”. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu một quốc gia thấy rằng các quy định của luật pháp quốc tế không phù hợp với lợi ích sống còn hoặc “cốt lõi” của mình hay không có lợi ích cho các sách lược mà quốc gia đó đã lựa chọn?Một ví dụ cho trường hợp này là đường yêu sách chín đoạn gần như ôm trọn lấy Biển Đông trên những bản đồ chính thức của Trung Quốc. Một tấm bản đồ như vậy được chính quyền Trung Hoa Dân Quốc lúc đó đang nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc, đưa ra lần đầu tiên vào năm 1947 và chính thức đệ trình lên Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc bởi Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa năm 2009. Bất chấp những câu hỏi mà các nước ASEAN đặt ra, bao gồm cả những nước tuyên bố chủ quyền và không tuyên bố chủ quyền, Bắc Kinh luôn từ chối cho biết chính xác đường chín đoạn có ý nghĩa gì. Liệu nó có nghĩa rằng Trung Quốc/Đài Loan tuyên bố chủ quyền đối với tất cả các vùng biển nằm trong đường chín đoạn? Hay chỉ đối với các điểm đảo nằm trong nó và các vùng biển tạo ra bởi các điểm đó một cách hợp pháp? Cả Trung Quốc và Đài Loan đều không trả lời được các câu hỏi trên. Thực sự thì đường chín đoạn, chạy từ khoảng giữa Đài Loan và đảo Luzon, dọc theo sát bờ biển phía tây đảo Luzon, Palawan và Đông Malaysia, rồi ngược lên dọc theo bờ biển phía Đông của Việt Nam, không được định vị chính xác bằng hệ toạ độ và do đó chỉ đơn thuần là một đường vẽ trên bản đồ mà không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào. Liệu việc từ chối xác định vị trí chính xác của đường chín đoạn cũng như chỉ rõ các vùng mà đường này bao quanh có phải là một nỗ lực nhằm giữ “sự mơ hồ chiến lược” hay là dấu hiệu cho thấy rằng các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh – và Đài Bắc – chưa đạt được sự nhất trí về vấn đề này, hay là cả hai?Trong bất cứ trường hợp nào thì sự không rõ ràng đối với ý nghĩa của đường chín đoạn trong tuyên bố chủ quyền mà Trung Quốc/Đài Loan vẫn để ngỏ những câu hỏi về cái gì đang bị tranh chấp và cái gì không ở Biển Đông, đầu là khu vực để phát triển chung, vân vân.Mặt khác, tôi được hiểu là Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), hay Bãi Recto (Recto Bank) theo như cách gọi của Philippines, luôn chìm dưới nước và do đó nó là một phần thềm lục địa phía Tây của Philippines. Công ước Luật biển 1982 đã định nghĩa khá chính xác về giới hạn của lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cũng như về quyền và nghĩa vụ của các quốc gia ven biển và các quốc gia khác đối với lãnh hải, vùng nước quần đảo, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Theo các định nghĩa này thì Bãi Recto không có quy chế như nhau về mặt pháp luật quốc tế với Đại lộ Recto, một con đường lớn ở thủ đô Manila.Bãi cạn Scarborough, mà Philippines đặt tên là Panatag còn Trung Quốc gọi là Đảo Hoàng Nham (Huangyan Dao), thực chất là một nhóm các điểm đất liền mà cả Trung Quốc và Philippines đều tuyên bố chủ quyền. Trong cuốn sách của tôi, “Phillipines nằm ở đâu trên Thế giới?” (Singapore: Viên nghiên cứu Đông Nam Á, 2011, trang 72-73), tôi có viết về tuyên bố chủ quyền của Philippines đối với Bãi cạn Scarborough như sau:Mặc dù Bãi cạn Scarborough nằm ngoài giới hạn đặt ra bởi Hiệp định Paris và các thoả thuận quốc tế khác quy định về lãnh thổ của Philippines, nhưng Philippines vẫn coi Bãi cạn Scarborough – một nhóm đảo, rặng và đá ở Biển Đông cách vịnh Subic của đảo Luzon 200km về phía Tây – là một phần của quần đảo Philippines. Nó đã trở thành bối cảnh chung trong các hoạt động của nước này. Trong nhiều thế kỷ qua, ngư dân Philippines đã đánh cá trong các vùng nước và cư ngụ ở các phá của bãi cạn này. Khi còn nắm quyền kiểm soát các căn cứ quân sự lớn ở Philippines, không quân Mỹ và Philippines đã dùng Scarborough làm mục tiêu để luyện tập. Giới truyền thông cho rằng Philippines đã xây dựng một ngọn hải đăng và kéo quốc kỳ lên đó tại bãi cạn vào những nam 1960. Hải quân Philippines đã hoạt động trong khu vực này và đôi lúc bắt giữ hoặc xua đuổi các tàu cá nước ngoài, đặc biệt là những tàu cá sử dụng phương pháp đánh bắt trái phép. Tên chính thức của Bãi cạn Scarborough theo cách gọi của Philippines là Bajo de Masinloc, trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “bên dưới Masinloc”, tức nói đến thị trấn Masinloc thuộc tỉnh Zambales. Rõ ràng tên tiếng Tây Ban Nha của Scarborough có từ thời kỳ đô hộ của Tây Ban Nha.Cả Trung Quốc và Việt Nam đều bác bỏ tuyên bố chủ quyền này của Philippines.Rất nhiều học giả và nhà hoạch định chính sách đã kêu gọi hợp tác “phát triển chung” để làm giảm căng thẳng và xây dựng lòng tin khu vực Biển Đông, và để phát triển cho đến khi có cách giải quyết các tranh chấp về chủ quyền và quyền tại phán ở khu vực này. Tuy nhiên, những lời kêu gọi này không hề nhắc đến việc “phát triển chung” sẽ diễn ra ở đâu và theo luật pháp của nước nào. Không ai có thể trả lời những câu hỏi này và do đó việc “phát triển chung” cũng không thể thực hiện được cho đến khi bản chất và phạm vi của các tuyên bố chủ quyền được làm rõ hơn.Gần đây, các nước yêu sách Đông Nam Á đã đưa các tuyên bố của họ đến gần sát hơn với những quy định của Công ước Luật biển 1982. Tháng 3 năm 2009, Philippines đã thông qua bộ luật điều chỉnh đường cơ sở quần đảo của mình cho phù hợp với Công ước và trích dẫn rõ điều 121 của Công ước, khẳng định “quy chế đảo” dành cho các điểm đảo ở Biển Đông. Đệ trình chung của Việt Nam và Malaysia tháng 5 năm 2009 về thềm lục địa mở rộng lên Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc đã ước định thềm lục địa của họ từ bờ biển trên đất liền chứ không phải từ các điểm đất liền mà hai nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Brunei và Malaysia dường như đã dàn xếp ổn thoả các tuyên bố chủ quyền chồng chất lấn đối với một phần của Biển Đông. Mặc dù chi tiết của bản thoả thuận không được công bố nhưng vào tháng 5 năm 2010 ông Abdulah Ahmad Badawi đã khẳng định sự tồn tại của bản thoả thuận đó và cũng thừa nhận rằng ông đã ký bản thoả thuận hồi tháng 3 năm 2009 khi ông là Thủ tướng Malaysia. Mặt khác, cả Bắc Kinh và Đài Bắc đều không có bất kỳ động thái nào để làm rõ, chưa nói đến sửa đổi, đường chín đoạn trên bản đồ của mình và các tuyên bố chủ quyền khác trái ngược với Công ước Luật biển 1982.Song phương hay Đa phương?Bắc Kinh đã liên tục cho thấy mong muốn đàm phán song phương để xử lý tình hình tại Biển Đông và phản đối “đa phương hoá” hay quốc tế hoá” tình hình. Điều này có thể được hiểu rằng Bắc Kinh muốn cùng lúc giải quyết tranh chấp với các đối thủ yêu sách chủ quyền một cách đơn lẻ hơn là với tập thể ASEAN, chống lại nỗ lực của ASEAN nhằm đưa vấn đề ra cơ quan như Liên Hợp Quốc hay Phong trào Không liên kết, và có lẽ quan trọng nhất, đó là cách để giữ cho Mỹ, cường quốc duy nhất có thể thách thức Trung Quốc về mặt quân sự, đứng ngoài vấn đề.Thực sự thì các vấn đề chủ quyền và quyền tài phán chỉ có thể và nên được giải quyết chỉ bởi chính các nước tuyên bố chủ quyền. Trên thực tế, chỉ ở quần đảo Hoàng Sa mới có ít hơn hai bên tranh chấp, còn phần lớn khu vực quần đảo Trường Sa có nhiều bên cùng tuyên bố chủ quyền. Vậy “song phương” về các bên đó là gì? Các nước phụ thuộc về thương mại hay có quan hệ thương mại rộng rãi với khu vực Đông Á – như Hàn Quốc, Nhật Bản, hầu hết các nước Đông Nam Á, các nước xuất khẩu dầu mỏ Trung Đông, Đài Loan, Hồng Kông, và bản thân khu vực bở biển phía Đông và Nam Trung Quốc – tất cả đều có lợi ích trong vấn đề hòa bình và ổn định tại khu vực Biển Đông cũng như trong vấn đề tự do hàng hải và hàng không qua đây. Do đó tất cả các nước này, bao gồm cả những nước không tuyên bố chủ quyền, cần phải có tiếng nói đối với tình hình liên quan đến các lợi ích trên Biển Đông. Hơn nữa, toàn thể cộng đồng quốc tế cũng có lợi ích khi thấy rằng việc sử dụng thuốc nổ, cyanua và các cách đánh bắt tàn phá khác cùng với việc buôn lậu các loài quý hiếm, vốn tràn lan ở Biển Đông, bị đình chỉ hoặc giảm thiểu.Bắc Kinh đã luôn phản đối việc tham vấn giữa các nước ASEAN tuyên bố chủ quyền trước khi thảo luận với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Mặc dù “bản hướng dẫn” (thực hiện DOC – ND) dường như được thông qua nhanh chóng bởi Bộ truonwgr và quan chức cấp cao ASEAN và Trung Quốc hồi tháng 7 năm 2011 không đề cập đến việc tham vấn như vậy nhưng không có gì ngăn cản các nước ASEAN, với tư cách một nhóm hay một vài nước thành viên, tham vấn về bất cứ chủ đề gì mà họ muốn. Sau cùng, các đoàn đại biểu châu Á tới tham gia Diễn đàn Á – Âu (ASEM) trong đó có Trung Quốc, đã có các cuộc tham vấn không chính thức trước khi gặp gỡ những người đồng cấp châu Âu. Trong phạm vi ASEAN, việc tham vấn đều đặn được thực hiện bởi Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam về các vấn đề gắn liền với họ như là về các thành viên mới hay các quốc gia nằm trên khu vực đất liền Đông Nam Á. Về vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng các nước ASEAN đã ra Tuyên bố ASEAN về Biển Đông năm 1992. Biển Đông cũng là chủ đề thường xuyên xuất hiện trong các cuộc đối thoại cấp Bộ trưởng ASEAN – Trung Quốc và các cuộc đối thoại khác. Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông năm 2002 đã được đàm phán bởi tất cả các nước ASEAN, cả các nước tuyên bố chủ quyền hoặc không, trước là giữa các nước ASEAN và sau là với Trung Quốc. Tuyên bố này được đưa ra nhân Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc năm 2002. Việc thực hiện Tuyên bố luôn xuất hiện trong các cuộc thảo luận giữa các quan chức ASEAN đến từ cả các nước tuyên bố chủ quyền và không tuyên bố chủ quyền, và với cả người đồng cấp Trung Quốc của họ. Bản thân bản “hướng dẫn thực hiện DOC” gần đây được hoàn toàn dựa trên dự thảo của ASEAN và được ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc thông qua tại HỘi nghị sau Bộ trưởng ASEAN – Trung Quốc tháng 7 năm 2011 theo đề xuất của các quan chức cấp cao các bên.Bài phát biểu của chủ toạ trong Hội nghị sau Bộ trưởng ASEAN – Trung Quốc tháng 7 năm 2011 có đoạn nói:Hội nghị đã tái khẳng định tầm quan trọng của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thể hiện cam kết chung của các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc trong việc thúc đẩy hoà bình, ổn định và tin tưởng lẫn nhau và đảm bảo giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông một cách hoà bình. Về điểm này, HỘi nghị hoan nghênh các tiến triển trong việc thực hiện DOC và chính thức tán thành các Đường lối chỉ đạo về việc thực hiện DOC như Hội nghị các Quan chức cấp cao ASEAN – Trung Quốc về DOC đã đề xuất và nhất trí ngày 20 tháng 7 năm 2011 tại Bali, Indonesia. Hội nghị cũng cho rằng đây là một kết quả quan trọng và bước tiến trong việc thực hiện DOC, đóng góp nhiều hơn vào việc thúc đẩy hoà bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực, đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập Quan hệ đối thoại ASEAN – Trung Quốc.“Hướng dẫn thực hiện DOC”Bản “hướng dẫn thực hiện DOC” đã được ca ngợi như là một bước đột phá, một cột mốc, quan trọng và/hoặc đầy ý nghĩa. Tôi tin tưởng rằng tầm quan trọng của nó không nằm ở nội dung văn bản chỉ gồm một trang và vốn rất mơ hồ và chung chung thậm chí hơn cả bản thân Tuyên bố, mà nằm ở một thực tế rằng cuối cùng nó đã được đưa ra gần chín năm sau khi có Tuyên bố năm 2002. Việc đưa ra các hướng dẫn này cho thấy những tiến bộ nhất định và do đó có thể đóng vai trò làm giảm căng thẳng từ các tranh chấp và tuyên bố chủ quyền chống lấn, đó dường như là mục tiêu của tất cả mọi người. Và vẫn còn phải chờ xem liệu nó có thực sự làm được như vậy hay không.Rất nhiều người trong các nhóm chính sách, cả trong ASEAN, đã kêu gọi ASEAN và Trung Quốc tiến xa hơn Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông 2002 để đi đến Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cho đến khi có phương án giải quyết dứt điểm các tranh chấp. Đối với tôi, sự khác biệt giữa một tuyên bố chính trị và một bộ quy tắc được cho là “ràng buộc về mặt pháp lý” xét theo khả năng thực thi chưa bao giờ rõ ràng. Và cũng chưa có giải thích rõ ràng về việc các bên tham gia vào bộ quy tắc này có thể vượt qua nhân tố đó – cụ thể là phạm vi áp dụng không rõ ràng của nó – điều mà đã làm giảm ý nghĩa ban đầu của một bộ quy tắc ràng buộc về mặt pháp lý xuống chỉ còn là một tuyên bố chính trị “đơn thuần”. Nên chăng thời gian và công sức để kêu gọi đưa ra một bộ quy tắc ứng xử chúng ta nên dành cho việc xây dựng khái niệm “kiềm chế”, mà Tuyên bố ASEAN về Biển Đông năm 1992, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông 2002 và các tuyên bố khác đã kêu gọi tất cả các bên kiềm chế không tăng cường hoặc củng cố cơ sở vật chất đã xây dựng trên các điểm đất liền đang được sở hữu?Lợi ích quốc gia và khu vực Biển ĐôngHầu hết các quốc gia đều có lợi ích trong vấn đề pháp quyền và sự mở rộng của nó vì nó có thể làm tăng sự chắc chắn trong quan hệ giữa các quốc gia, điều vốn có lợi cho hoà bình, ổn định, phát triển kinh tế và thương mại. Tuy nhiên, một số quốc gia, lúc này hay lúc khác, thấy rằng hoặc vờ thấy rằng họ có những lợi ích quốc gia ngang bằng hay lớn hơn cả việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Nhưng trong mọi trường hợp họ lại viện dẫn luật pháp quốc tế để thúc đẩy những gì họ coi hoặc vờ coi là lợi ích quốc gia. Câu hỏi đặt ra là: liệu những quốc gia đó có dùng vũ lực hay đi ngược lại luật pháp quốc tế và rất nhiều các cam kết khác để theo đuổi lợi ích quốc gia mà họ đã tuyên bố hay không? Trong bất cứ trường hợp nào, việc theo đuổi các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông sẽ động chạm đến lợi ích quốc gia cũng như là luật pháp quốc tế.Ví dụ, trong Chiến tranh Thái Bình Dương, Philippines bị Nhật Bản xâm lược từ các căn cứ quân sự ở Biển Đông và do đó nhất định kiểm soát cánh phía Tây nhằm giảm khả năng bị tấn công từ phía này. Hơn nữa, người ta cho rằng có các nguồn hydrocarbon dưới đáy Biển Đông mà Philippines nỗ lực tìm kiếm để thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn dầu nhập khẩu lâu nay và tình trạng thâm hụt lớn trong cán cân thanh toán của nước này. Có những đội tàu đánh cá của Philippines sục sạo khắp các vùng nước ở Biển Đông tìm những mẻ cá để nuôi sống những người dân Philippines vốn quen ăn cá và cả những chính trị gia mà ngư dân và hoặc những người thích ăn cá đã bầu ra. Cũng có cả những trách nhiệm mà các tổ chức môi trường đang hoạt động ngày càng mạnh mẽ đặt ra cho Chính phủ Philippines về việc bảo vệ môi trường, trong đó có những nguồn cá, khỏi sự tàn phá do đánh bắt cá bằng thuốc nổ, cyanua hay các cách huỷ diệt khác, và bảo vệ các loài quý hiếm như rùa khỏi nạn săn bắt trộm ở các vùng đặc quyền kinh tế mà Philippines tuyên bố chủ quyền và thậm chí là ở các vùng nội thuỷ, lãnh hải hay quần đảo không bị tranh chấp của nước này.Có một phần của Biển Đông không chỉ chia cách Đông và Tây Malaysia và còn nối cả hai bờ của nước này. Do đó có thể hiểu được tại sao Malaysia cố gắng kiểm soát phần mở rộng của Biển Đông giữa hai bờ Đông và Tây bằng cách giữ chắc tuyên bố chủ quyền của mình tại khu vực này, mặc dù những tuyên bố chủ quyền đó có thể chồng lấn với yêu sách của Philippines, Việt Nam, Trung Quốc/Đài Loan và Brunei.Mặc dù Brunei không công khai tuyên bố chủ quyền đối với bất kỳ điểm đảo nào ở Biển Đông, nhưng nước này có lợi ích trong việc ước định tính toán vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và “vùng đánh cá” từ bờ biển của mình, và thực tế Brunei đã làm như vậy.Tại khu vực Biển Đông, Trung Quốc cũng có những lợi ích quốc gia “cốt lõi”, một thuật ngữ được cho là của các quan chức cấp cao nước này. Bắc Kinh dường như cố gắng đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ không bị tấn công hay xâm lược từ Biển Đông một lần nữa như các cường quốc Châu Âu đã từng làm hồi thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc đối với tất cả hoặc một phần của Biển Đông có lẽ cũng là một phần trong quyết tâm làm giảm, nếu không phải là xoá bỏ, sự thống trị các vùng biển châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cho rằng đang cố gắng cản trợ sự “vươn lên một cách hoà bình” của nước này và bao vây, “kìm hãm” điều đó. Bất cứ động thái nào nhằm thoả hiệp về phạm vi của các tuyên bố chủ quyền cũng có thể làm lung lay tính chính đáng về sự lãnh đạo ở Trung Quốc và Đài Loan. Ít nhất thì các nhà cầm quyền ở Đài Bắc, những người đầu tiên đưa ra tấm bản đồ Trung Quốc có vẽ đường chín đoạn và có cùng lập trường với Trung Quốc đối với các vấn đề lãnh thổ, không thể chịu được việc bị nhìn nhận, đặc biệt là bởi người dân Đài Loan, là kém tích cực hơn Bắc Kinh trong việc theo đuổi các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và biển.Cần nhắc lại rằng quân đội (miền Nam) Việt Nam đã nắm giữ một nửa quần đảo Hoàng Sa, và Trung Quốc, trước là Dân quốc và sau là Cộng sản, nắm giữ một nửa còn lại cho đến khi Trung Quốc dưới chế độ Cộng sản đánh bật quân Việt Nam ra khỏi Hoàng Sa đầu năm 1974. Sự kiện này xảy ra ngay trước ngày Việt Nam thống nhất dưới chế độ Công sản ở Miền Bắc và tại thời điểm đó đồng minh Mỹ của miền Nam Việt Nam đã quyết định rút khỏi vũng lầy Đông Dương. Quân đội miền Nam Việt Nam rút khỏi quần đảo Trường Sa. Tháng 4 năm 1975, Miền Bắc tiếp quản các điểm đảo ở khu vực quần đảo Trường Sa vốn do miền Nam nắm giữ, trước cả khi Sài Gòn sụp đổ và Việt Nam thống nhất.Tháng 3 năm 1988, Trung Quốc đẩy Việt Nam vào trận hải chiến gần Bãi đá Gạc Ma (Johnson Reef) thuộc quần đảo Trường Sa, giết hơn 70 lính hải quân Việt Nam, đánh chìm 1 tàu và làm hư hỏng 2 tàu khác của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên chiến thắng của Trung Quốc trực tiếp dẫn đến việc Bắc Kinh chiếm giữ các điểm đảo ở khu vực Trường Sa. (Quân đội Đài Loan trước đó đang nắm giữ đảo lớn nhất – Itu Aba hay Ba Bình).Mặc dù Bắc Kinh và Hà Nội đã ký kết các hiệp định về biên giới trên đất liền tháng 12 năm 1999 và biên giới trên biển khu vực Vịnh Tonkin (Beibwan trong tiếng Trung và Vịnh Bắc Bộ trong tiếng Việt) tháng 12 năm 2000, hai nước vẫn chưa đạt được thoả thuận về các điểm đảo và các vùng nước, cả của quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa ở Biển Đông, và có lẽ cũng chưa thể thực hiện được việc đó trong tương lai gần. Trong bất cứ trường hợp nào, trừ khi Trung Quốc điều chỉnh các tuyên bố chủ quyền của mình cho phù hợp với Công ước Luật biển năm 1982, Việt Nam sẽ không chỉ bị ám ảnh bởi ký ức về thất bại quân sự trước Trung Quốc mà còn hoàn toàn bị bao quanh bởi đất liền và các vùng nước của Trung Quốc hoặc của các khu vực mà Trung Quốc yêu sách, một điều mà không Chính phủ Việt Nam nào có thể cho phép khi quyền lợi hợp pháp của mình bị xâm hại, và do đó cũng sẽ không có bất cứ nhượng bộ nào về chủ quyền trong khu vực mà Việt Nam gọi là Biển Đông.Va chạm lợi ích giữa Trung Quốc và MỹXét trong bối cảnh lớn hơn về sự đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ để tranh giành vị trí bá chủ trong khu vực, nếu không muốn nói là thế giới, thì va chạm lợi ích giữa Trung Quốc và Mỹ, ẩn dưới sự khác biệt trong cách hiểu về luật pháp quốc tế, là một trong các nhân tố để có thể xem Biển Đông như là một điểm nóng xung đột.Đầu tháng 4 năm 2001, một chiếc EP3 – máy bay “do thám tín hiệu” của Mỹ – khi bay cách đảo Hải Nam 70 dặm đã va chạm với một chiếc máy bay chiến đấu J-8 của Trung Quốc, vốn là một trong hai chiếc máy bay của Trung Quốc đã cất cánh để ngăn chặn nó. Vụ va chạm làm một phi công Trung Quốc thiệt mạng và khiến chiếc EP3 phải hạ cánh khẩn cấp lên đảo Hải Nam. Phi hành đoàn 24 người của Mỹ đã được thả sau đó và chiếc máy bay bị hư hỏng cũng được trả lại. Tháng 3 năm 2009, tàu hải quân “giám sát đại dương” Impeccable của Mỹ bị “theo dõi” – “quấy nhiễu” theo cách nói của Lầu Năm Góc – bởi năm tàu dân sự của Trung Quốc khi cách đảo Hải Nam 75 dặm về phía Nam và bị xua đuổi, dẫn đến sự tranh cãi gay gắt giữa chính phủ Mỹ và Trung Quốc.Hai sự kiện trên diễn ra ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, và phía Mỹ cũng không phủ nhận chi tiết đó. Hai sự kiện đó bắt nguồn từ sự khác biệt trong cách hiểu về Công ước Luật biển 1982. Điều 58 nói rằng “tất cả các quốc gia.. được hưởng… quyền tự do… hàng hải và hàng không”, nhưng “các quốc gia phải tính đến các quyền và các nghĩa vụ của quốc gia ven biển và tuân thủ các luật và quy định mà quốc gia ven biển đã ban hành theo đúng các quy định của Công ước và các quy định khác của pháp luật quốc tế trong chừng mực mà các luật và quy định đó không mâu thuẫn với phần này” (Phần V). Trung Quốc đã hiểu điều khoản này là chỉ cho phép các nước khác “qua lại vô hại” và cho phép quốc gia ven biển cấm các hoạt động quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Trái lại, Mỹ cho rằng Công ước cho phép tự do hàng hải đối với máy bay và tàu của tất cả các nước, kể cả phương tiện quân sự, trên biển cả bao gồm vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển.Căn bản hơn, Mỹ cảm thấy cần phải triển khai các máy bay và tau do thám, như trong sự kiện EP3 và tàu Impeccable, gần bờ biển đảo Hải Nam nơi có căn cứ tàu ngầm lớn của Trung Quốc, một phần do Mỹ vin cớ có sự thiếu minh bạch trong các hoạt động quân sự của Trung Quốc. Mặt khác, Trung Quốc khăng khăng cho rằng họ có quyền bảo vệ hoạt động quân sự của mình khỏi sự nhòm ngó của nước ngoài.Thế lưỡng nan trong quan hệ Trung Quốc – Đông Nam ÁCác tuyên bố chủ quyền đối với các điểm đảo và các vùng nước ở Biển Đông và các xung đột giữa chúng cũng đồng thời đẩy các nước Đông Nam Á và Trung Quốc/Đài Loan vào một số các tình thế tiến thoái lưỡng nan.Trung Quốc đã trở thành một đối tác thương mại hàng đầu của hầu hết các nước Đông Nam Á và nổi tiếng là một nguồn đầu tư và viện trợ chính thức lớn đối với một số nước trong khu vựcnày. Có một thức tế là rất nhiều các hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước phát triển có các thành phần cáu thành được sản xuất ở Đông Nam Á. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của cả khối ASEAN, tiêu thụ rất nhiều hàng hoá của khu vực này. Do đó, tất cả các thành viên ASEAN đều có lợi ích thiết yếu đối với sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc. Đồng thời, do có sự gần gũi về vị trí địa lý, Trung Quốc luôn duy trì sự hiện diện của mình tại khu vực. Các nước Đông Nam Á ý thức rõ về sức mạnh quân sự và tiềm lực kinh tế của Trung Quốc. Ít nhất họ cũng quan ngại về khả năng bá quyền của nước này tại khu vực. Họ không chấp nhận và cũng rất cảnh giác trước việc có thể bị thôn tính bởi các cường quốc khác, trong đó có Trung Quốc.Trong bất cứ hoàn cảnh nào, khi nói về sự đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ, trên phạm vi khu vực hay thế giới, các quốc gia Đông Nam Á đã công khai tuyên bố rằng họ mong muốn tránh việc phải lựa chọn giữa hai bên. Trên thực tế, tại tất cả các cơ chế khu vực lấy ASEAN làm trọng tâm về vấn đề an ninh – Diễn đàn khu vực ASEAN, ASEAN +3, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng – thì ASEAN, theo đúng tinh thần làm bạn với tất cả các nước và không thù địch với nước nào, đã luôn cố gắng để Trung Quốc đóng vai trò là bên đối thoại không thể thiếu trong các vấn đề an ninh khu vực, ngay cả khi một số nước thành viên ASEAN vẫn mong muốn tìm kiếm sự đảm bảo rằng Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện quân sự của mình tại Đông Nam Á.Mặt khác, Trung Quốc luôn coi các nước Đông Nam Á là láng giềng của mình, và do đó cố gắng duy trì mối quan hệ tốt với các nước này. Ngoại trừ ảnh hưởng xấu của các tranh chấp ở Biển Đông, những mối quan hệ này nhìn chung là tốt. Thách thức dành cho Bắc Kinh là làm thế nào để cân bằng giữa tham vọng và sự cần thiết duy trì mối quan hệ tốt với Đông Nam Á cùng những lợi ích ở Biển Đông mà Trung Quốc nhìn nhận từ lập trường của mình. Việc Đài Bắc được xếp ở đâu và nhìn nhận như thế nào trong tất cả những tính toán này vẫn rất mờ mịt.Tổng kếtCác vấn đề gắn liền với Biển Đông vẫn còn rất nhiều, bao gồm việc phân biệt giữa các điểm đảo và các vùng nước, giữa đảo và đá như được định nghĩa tại Điều 121 Cơng ước Luật biển 1982. Một vấn đề nữa là làm thế nào để điều chỉnh tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc đối với Biển Đông cho phù hợp với thực tế rằng bản thân tuyên bố đó vẫn còn đang gây tranh cãi. Bên cạnh đó, đường chín đoạn trên các bản đồ Trung Quốc cũng cần được định nghĩa và làm rõ. Vẫn còn nhiều bất đồng đối với việc Trung Quốc tuyên bố muốn tiến hành đàm phán song phương với từng đối thủ tuyên bố chủ quyền của họ và phản đối việc “đa phương hoá” hay “quốc tế hoá” các vấn đề ở Biển Đông. Sự khác biệt, nếu có, trong khả năng thực thi một Bộ quy tắc ứng xử và tuyên bố chính trị cần được thẩm tra lại.Cuối cùng, câu hỏi nên được đặt ra là: Điều gì xảy ra nếu một nước tuyên bố chủ quyền thấy rằng quy định pháp luật mà tất cả các nước đã cam kết mâu thuẫn với lợi ích quốc gia hoặc chế độ mà nước đó coi là sống còn – hoặc “cốt lõi”?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét