Nhật Bản, nền kinh tế đứng hàng thứ ba thế giới, có mức nợ công tương đương 200% tổng sản phẩm quốc nội. Đây là tỷ lệ lớn nhất trong số các quốc gia phát triển. Thế nhưng, Nhật Bản không rơi vào tình trạng căng thẳng như các nước châu Âu bởi vì 95% nợ công của xứ hoa anh đào lại nằm trong tay các nhà đầu tư Nhật Bản và nước này có mức dự trữ ngoại tệ rất lớn, đứng hàng thứ hai thế giới.
Tuy vậy, trong cuộc họp báo tại Tokyo ngày hôm nay, bà Lagarde cảnh báo là không một nước nào, cho dù là quốc gia phát triển hoặc đang trỗi dậy, ở gần hoặc cách xa châu Âu, có thể tránh được tác động của khủng hoảng, kể cả Nhật Bản.
Theo giải thích của tổng giám đốc IMF, khủng hoảng nợ công lây lan theo hai con đường : thương mại và tài chính. Nhật Bản là một nước xuất khẩu nhiều và sẽ chịu ảnh hưởng nếu các khách hàng chính của Nhật Bản gặp khó khăn nghiêm trọng. Mặt khác, các định chế tài chính, ngân hàng, các công ty bảo hiểm là những tác nhân thúc đẩy nhanh quá trình lây lan khủng hoảng.
40% thâm hụt ngân sách của Nhật Bản được tài trợ qua phát hành công trái. Mức thâm thủng này có nguy cơ gia tăng, lên tới 100 tỷ euro, do nhu cầu tái thiết vùng phía đông bắc bị tàn phá bởi trận động đất và sóng thần, gây ra thảm họa hạt nhân Fukushima, hồi tháng Ba năm nay.
Trong tháng Tám, cơ quan thẩm định tài chính quốc tế Moody’s đã hạ một nấc điểm tín nhiệm của Nhật Bản, xuống còn Aa3, do mức nợ công của nước này tăng mạnh, sau thảm họa thiên tai. Hai công ty thẩm định khác là Standard&Poor’s và Fitch cũng dự tính sẽ hạ điểm của Nhật Bản trong thời gian tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét