8.11.11

Tại Sao Sửa Tấm Cám?


Trần Khải
Đúng ra, chúng ta có thể đặt câu hỏi cách khác: thay vì hỏi rằng tại sao sách giáo khoa ngữ văn lớp 10 đã sửa đoạn kết Tấm Cám và có nên hay không, thì nên hỏi rằng tại sao nhân dân lại có quyền chất vấn về khả năng hư cấu của nhà nước?

Nghĩa là, nên đặt cau hỏi: tại sao nhân dân và giới sáng tác (nghệ thuật, văn học...) trước giờ vẫn than phiền về chuyện chính phủ áp đặt chế độ kiểm duyệt khắt khe chỉ để tô hồng chế độ, vậy mà bây giờ nhân dân và giới sáng tác lại đòi kiểm duyệt quyền sáng tác, quyền sửa đổi và quyền bôi xóa (đoạn kết, kể cả đoạn đầu, nếu cần) của chính phủ?
Nếu nhân dân không tôn trọng quyền tự do sáng tác của chính phủ, thì tại sao lại đòi chính phủ phải tôn trọng quyền tự do sáng tác của nhân dân?
Nói ngắn gọn, những chuyện tình 'thơ mộng' của ông Hồ Chí Minh còn được sửa đổi, thì đoạn kết truyện cổ tích Tấm Cám là cái gì mà chính phủ không sửa đổi được.
Cuộc tranh cãi được mô tả trong bản tin báo Tuổi Trẻ hôm Thứ Bảy 5/11/2011, với bản tin nhan đề “Sách giáo khoa sửa truyện Tấm Cám,” trong đó nêu vấn đề về sách giáo khoa sửa truyện cổ tích. Bản tin trích:
“Dư luận đang có nhiều phản ứng khác nhau khi phát hiện văn bản truyện cổ tích Tấm Cám trong sách giáo khoa ngữ văn lớp 10 đã sửa lại đoạn cuối.
Cụ thể, theo sách giáo khoa ngữ văn lớp 10, ở đoạn cuối truyện, khi Cám hỏi: “Chị làm thế nào mà đẹp thế?”, Tấm hỏi lại: “Có muốn đẹp không để chị giúp?”, sau đó “Tấm sai quân hầu đào một cái hố sâu và đun một nồi nước sôi. Tấm bảo Cám xuống hố rồi sai quân hầu giội nước sôi vào hố. Cám chết. Mụ dì ghẻ thấy vậy cũng lăn đùng ra chết”.
Trong khi đó, các bản Tấm Cám trước đây có phần kết với nội dung sau khi Cám chết, Tấm đem làm mắm và gửi dì ghẻ ăn...”(hết trích)
Nhưng truyện Tấm Cám  có vấn đề gì mà chính phủ Hà Nội lo sợ như thế? Có liên hệ gì tới đàn anh Trung Quốc không? Có liên hệ gì tới những mối tình của Ông Hồ không? Có dính tới các vụ tham nhũng tiền ODA từ Nhật Bản không? Có nhắc tới vụ đổi tiền giấy để in tiền polymer không? Có lời than khóc của ngư dân Việt khi bị 'tàu lạ' tông chìm hay không? Hình như là không các thứ như thế.
Tóm tắt truyện Tấm Cám được Diễn Đàn Kiến Thức, một trang chuyên về khuyến học tại VN, ghi cô đọng như sau:
“Tấm là cô gái hiền lành, chăm chỉ, mẹ cha mất sớm, phải ở với mẹ con dì ghẻ. Tấm bị Cám, con gái của dì ghẻ lừa lấy hết giỏ tép. Bụt hiện lên cho Tấm cá bống làm bạn, nhưng mẹ con Cám cũng lừa ăn thịt mất Bống. Bụt giúp Tấm tìm và chôn xương bống. Ngày hội, mẹ con Cám bắt Tấm nhặt thóc gạo, không cho đi dự. Bụt hiện lên giúp và chỉ cho Tấm cách có quần áo đẹp đi dự hội. Tấm đánh rơi chiếc giày, vua nhặt được và nhờ đó cô được chọn làm hoàng hậu. Ngày giỗ cha, Tấm về trèo hái cau, bị dì ghẻ chặt cây,Tấm ngã xuống ao chết đuối, biến thành chim vàng anh. Cám thế chân chị trong cung vua. Chim vàng anh quấn qu?yt bên vua, bị Cám giết thịt, lông chim lại biến thành cây xoan đào che mát cho vua. Cám chặt xoan đào, dóng khung cửi, bị khung cửi mắng, liền đốt khung, vứt tro ven đường. Từ đống tro tàn, một cây thị mọc lên, thị chín, rơi vào bị của bà lão hàng nước. Ngày ngày, Tấm chui ra từ quả thị, giúp bà hàng nước dọn dẹp nhà cửa và nấu cơm nước. Bà cụ xé vỏ thị, Tấm trở lại làm người sống cùng bà lão. Nhà vua đi qua, nghỉ chân tại hàng nước, nhận ra miếng trầu têm cánh phượng của Tấm. Tấm được đón trở lại cung làm hoàng hậu. Cám bị Tấm trừng trị, dì ghẻ cũng lăn ra chết theo con. Tấm sống hạnh phúc suốt đời.”(hết trích)
Truyện chi tiết rất gay cấn, ly kỳ, hấp dẫn... có thể làm phim nhiều tập, vì có đủ yếu tố thiện ác, vui buồn, mưu mô gầi bẫy, vân vân. Nhưng tóm lược như thế là theo bản đã sửa. Bản gốc thì có đoạn kết khác.
Báo Lao Động hôm Thứ Hai 7-11-2011 trong bản tin tổng hợp về Tấm Cám có nên sửa đoạn kết hay không, đã ghi trích nội dung bản chính truyện cổ tích này, và một số ý kiến nên sửa và không nên sửa, trích như sau:
“...Trong các bản truyện cổ tích “Tấm Cám” trước đây được kể trong dân gian và in trong các truyện cổ tích Việt Nam, đoạn kết được ghi lại như thế này: “Cám thấy Tấm vẫn còn sống mà lại trắng đẹp hơn xưa nên băn khoăn tự hỏi vì sao. Tấm bày cho Cám tắm với nước sôi thì sẽ đẹp. Cám hí hửng làm theo, đổ một bồn nước sôi rồi tắm sau đó chết ngay tức khắc. Tấm sai người lấy thịt Cám làm cỗ mắm rồi gửi cho dì ghẻ. Thấy Tấm có lòng tốt, dì ghẻ nhận và không tỏ ra nghi ngờ. Đến khi ăn gần hết, mẹ Cám mới nhìn thấy chiếc đầu lâu. Một con quạ chợt đậu lại bên cửa sổ, nhìn vào và nói: “Ngon gì mà ngon. Mẹ ăn thịt con, có còn xin miếng”. Mẹ Cám nhận ra cỗ mắm mà Tấm gửi thật ra là thịt của con mình nên đã lăn đùng ra chết”...
“... việc thay đổi kết truyện Tấm Cám như trên đã tạo ra nhiều cách nghĩ khác nhau. Bạn Nguyễn Thị Quyên (SV khoa Văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết,  truyện cổ tích đã đi vào lòng người Việt chúng ta, từ trẻ em đến người lớn đều nằm lòng nội dung câu chuyện Tấm Cám. Nếu đoạn kết thay theo kiểu "Tấm tha chết cho hai mẹ con Cám nhưng rồi họ cũng bị trời trừng phạt" thì sẽ hay và có nhân tính hơn, chứ như cô Tấm trong nguyên bản thì thâm độc và ác quá.”(hết trích)
Quả nhiên là cuộc tranh luận sôi nổi. Hình như ai cũng mơ hồ thấy truyện cổ tích dân gian là một phần trong máu huyết mình. Có vẻ như nói tới Tấm Cám là tới tới phương cách suy nghĩ của ông bà mình.
Do vậy, một học giả có thế lực lớn ở Hà Nội đã đưa ra cách giảỉ thích từ trong gan ruột. Báo Lao Động ghi một lời tán thành việc sửa này như sau:
“... việc sửa đổi sẽ không phù hợp và làm mất ý nghĩa mà người xưa muốn truyền lại cho đời sau. GS.TS Nguyễn Xuân Kính - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá cho rằng, việc Tấm phải trả thù và tiêu diệt mẹ con Cám là tất yếu, hành động đó không có gì là xa lạ với cách nghĩ và tâm lý dân tộc.”(hết trích)
Như thế là minh bạch rồi. Tấm phải trả thù và tiêu diệt mẹ con Cám là tất yếu... Đúng thế. Hành động đó không có gì là xa lạ với cách nghĩ và tâm lý dân tộc... Đúng thế. Đó là lời của GS.TS Nguyễn Xuân Kính, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa.
Tại sao như thế? Tấm Cám là chị em? Có sao đâu?
Nhưng, câu hỏi là: Hoa Lục có xua quân trả thù và tiêu diệt Đài Loan đâu? Bắc Hàn có xẻ dọc Núi Kim Cương để trả thù và tiêu diệt Nam Hàn đâu? Đông Đức có đưa súng cho trai trẻ vị thành niên ra trận để tru diệt Tây Đức không?
Trong khi đó, truyện Tấm Cám đã cho thấy cô Tấm thực hiện những trận du kích chiến cực kỳ xuất sắc, tự biến thành chim vàng anh, tự biến thành cây xoan đào, tự biến từ tro thành cây thị, và từ quả thị chui ra nằm vùng cho tới ngày chiến thắng. Đọc truyện Tấm Cám, ai cũng mơ hồ thấy chuyện Bắc Quân Việt Nam xua quân tiến đánh Nam Quân VN, nhưng vẫn còn chưa tới mức Cô Tấm Hà Nội xay nát xương thịt chiến binh Cô Cám Sài Gòn để làm mắm cho hả giận.
Tuyệt vời, cũng là trả thù và tiêu diệt. Bắt ở tù cải tạo, bắt đi kinh tế mới, đốt sách Miền Nam, cấm văn nghệ sĩ sáng tác nếu chưa  có giấy phép của cô Tấm Hà Nội, còn những cô Cám Sài Gòn nào vượt biên chết thì ráng chịu, có dựng bia đá tưởng niệm ở Indonesia và Mã Lai thì cũng bị cô Tấm cho truy tận cùng để đập vỡ, và vân vân.
Ít nhất, cô Tấm Hà Nội thời nay có thể tự hào rằng, cô chưa hề làm mắm cô Cám Sài Gòn như kiểu truyện cổ tích của ông bà mình.
Tuy nhiên, để có một khuôn mặt đẹp cho đời sau, đoạn kết truyện cổ tích phải bị sửa lại. Và chính phủ Hà Nội yêu cầu toàn dân phải tôn trọng quyền tự do sáng tác văn học của Đảng.
Thế là, thời xửa thời xưa, trong thời nhà Hồ...

Không có nhận xét nào: