Trong nỗ lực phá vỡ tình trạng bế tắc chính trị, Tổng thống Hy Lạp Karolos Papoulias chiều tối hôm qua đã họp kín với Thủ tướng George Papandreou và lãnh tụ phe đối lập Antonis Samaras.

Đám đông phóng viên báo chí tụ tập bên ngoài các cổng của dinh tổng thống tại thủ đô Athens, sẵn sàng loan tải các tuyên bố có được vài giờ sau đó.

Phóng viên của cơ quan truyền thông quốc gia Hy Lạp loan tải tuyên bố của văn phòng chính phủ

Tuyên bố nói rằng ông Papandreou và lãnh tụ Đảng Tân Dân chủ Antonis Samaras đạt được một thỏa thuận sơ khởi về việc thành lập một chính phủ lâm thời, và rằng ông Papandreou sẽ không lãnh đạo tân chính phủ.

Tuyên bố nói thêm rằng hai ông dự liệu sẽ họp lại trong ngày hôm nay, thứ Hai, để thảo luận chi tiết cho kế hoạch này, trong đó có vấn đề ai sẽ là người lãnh đạo chính phủ để tổ chức cuộc bầu cử sớm.

Trước đó trong ngày hôm qua, ông Samaras nói rằng thủ tướng phải từ chức.

Ông Samaras nói: "Ông Papandreou gây cản trở đối với bất cứ giải pháp nào. Và nếu ông Papandreou không từ chức, ông ấy sẽ không cho phép hiến pháp được thực thi một cách đúng đắn. Do đó, nếu ông Papandreou không từ chức, thì mọi chuyện sẽ diễn tiến như đã dự đoán."

Ông Papandreou đã đồng ý từ chức miễn là Athens có thể nhận được khoản vay để giúp Hy Lạp tránh vỡ nợ. Bộ trưởng tài chánh Hy Lạp nói rằng Athens cần 11 tỉ đôla từ quỹ cứu nguy trong những tuần lễ sắp tới để có thể thoát ra khỏi cơn khó khăn.

Phản ứng của công chúng Hy Lạp trái ngược nhau đối với các diễn biến ngày hôm qua.

Trong khi anh thanh niên 22 tuổi này nói rằng anh không lạc quan tí nào về tương lai của Hy Lạp, thì người phụ nữ 33 tuổi này lại tỏ ra hy vọng đối với thỏa thuận chính trị vừa đạt được. 

Người phụ nữ này nói rằng chị cảm thấy lạc quan, nếu các nhà lãnh đạo chính trị làm được điều đó, thì chị cảm thấy rất phấn khởi bởi vì đất nước phải chứng tỏ được là một thể thống nhất. 

Chính phủ lâm thời theo trù định sẽ trình quốc hội và nội các để chấp nhận các điều kiện của một thỏa thuận mới với Liên hiệp châu Aâu, đòi hỏi Hy Lạp phải tăng thuế đồng thời cắt giảm chi tiêu của chính phủ nhiều hơn nữa.

Cuối tháng trước, các quốc gia trong khối euro đã đồng ý cấp cho Hy Lạp các khoản vay thêm. Sau đó ông Papandreou lại loan báo ý định muốn đưa thỏa thuận vay nợ ra trưng cầu ý dân. Sau đó ông đã rút lại kế hoạch này.

Các bộ trưởng tài chánh của khu vực sử dụng đồng euro theo dự liệu sẽ họp tại Brussels trong ngày hôm nay, thứ Hai, để thảo luận kế hoạch giải ngân hàng tỉ đôla từ quỹ cứu nguy cho Hy Lạp.