Tiếng dân từ đất Quảng
Tôi biết hiện nay có nhiều kịch bản đang xây dựng nhắm vào gia đình chúng tôi, nhằm mục tiêu triệt hạ tôi và các cháu, nhưng tôi cũng biết rằng thời đại ngày nay với sự sụp đổ tất yếu của các chế độ độc tài, CSVN không dễ dàng thực hiện tội ác mà không bị trừng trị.
Huỳnh Ngọc Tuấn
Qua bài “Tiếng Dân (1927 – 1934) : Vài Tư Liệu Mới”, tôi được tác giả (Chính Đạo) chỉ dậy cho đôi điều thú vị:
“Ngày 8/10/1926, Huỳnh Thúc Kháng chính thức làm đơn gửi XLTV Toàn quyền Pierre Pasquier (10/1926-5/1927), xin được phép xuất bản một tờ báo bằng chữ Việt mới [Quốc ngữ], với tên Tiếng Dân, đặt trụ sở tại Tourane (Đà Nẵng). Mục đích nhắm sử dụng cơ quan ngôn luận này để phổ biến những tư tưởng ôn hòa hầu đưa vào kỷ luật những khuynh hướng dị biệt biểu lộ tại một khúc quanh khó khăn của sự tiến hóa tại An Nam (Trung kỳ), và hướng dẫn dân chúng tiến bộ trong trật tự và hòa bình. Về khuôn khổ, giống như những báo quốc ngữ đang lưu hành ở Đông Dương. Về phương diện pháp lý, sẽ tuân theo luật lệ hiện hành…. Ngày 12/2/1927, Pasquier ký Nghị định (Arreté) cho phép Huỳnh Thúc Kháng xuất bản tờ Tiếng Dân.”
….
….
“Bán tuần san Tiếng Dân – dù không gây nhiều tiếng vang hay được nghiên cứu sâu rộng như Nam Phong, Trung Bắc Tân Văn, La Cloche Fêlée, La Lutte, Thanh Nghị, v.. v.. – có giá trị lịch sử của nó.
Tiếng Dân là cơ quan ngôn luận tư nhân bằng Việt ngữ đầu tiên xuất bản tại Huế và phục vụ độc giả An Nam (Trung Kỳ) suốt hơn 15 năm dài. Huỳnh Thúc Kháng – giống như những tri kỷ của ông từng hy sinh đời mình cho giấc mộng hiện đại hóa đất nước một cách ôn hòa – đã kiên nhẫn tối đa, dùng Tiếng Dân như một phương tiện giáo hóa đám đông mà theo ông còn ‘chậm tiến,’ chưa đủ sức chen vai, thích cánh với thế giới của Luật kẻ mạnh.”
Tiếng Dân là cơ quan ngôn luận tư nhân bằng Việt ngữ đầu tiên xuất bản tại Huế và phục vụ độc giả An Nam (Trung Kỳ) suốt hơn 15 năm dài. Huỳnh Thúc Kháng – giống như những tri kỷ của ông từng hy sinh đời mình cho giấc mộng hiện đại hóa đất nước một cách ôn hòa – đã kiên nhẫn tối đa, dùng Tiếng Dân như một phương tiện giáo hóa đám đông mà theo ông còn ‘chậm tiến,’ chưa đủ sức chen vai, thích cánh với thế giới của Luật kẻ mạnh.”
“Một mặt, chính quyền bảo hộ Pháp, liên tục theo dõi và kiểm duyệt chặt chẽ. Điều này cũng dễ hiểu. Và chưa hẳn chỉ có thực dân Pháp mới đàn áp giới văn bút.”
Toà soạn báo Tiếng Dân. Nguồn ảnh: internet
“Tại miền Bắc Việt Nam, sau sự cố Nhân Văn-Giai Phẩm, từ năm 1957 không còn một tờ báo tư nhân nào. Sau năm 1975, tình trạng triệt tiêu báo tư nhân trải rộng khắp nước. Những đòi hỏi về quyền tự do cơ bản mà nhóm Nguyễn Ái Quấc đưa ra trước Hội nghị Versailles ngày 18/6/1919 – nhất là tự do tư tưởng và phát biểu, tự do hội họp – đều có thể lập lại vào đầu thế kỷ XXI, ngay tại Việt Nam. Ngoài ra, còn những pháp lệnh và ‘Luật bảo vệ an ninh quốc gia,’ cho phép tịch thu mọi ấn loát phẩm, trừng phạt những người tàng trữ.”
Vụ tịch thu “mọi ấn loát phẩm” và “trừng phạt nhũng người tàng trữ” lại mới xẩy ra tại Việt Nam, theo như tin vừa loan trên web Đàn Chim Việt:
“Vào lúc 8 giờ sáng nay, 8/11/2011, hàng trăm công an tỉnh Quảng Nam kết hợp cùng công an huyện Tam Kỳ đã tới bao vây, khám xét gia đình tác giả Huỳnh Ngọc Tuấn.
Theo nhận định của gia chủ, lực lượng hùng hậu công an, cả chìm lẫn nổi vào khoảng 200 người. Công an đặt chốt chặn các ngả đường xung quang, bao vây toàn bộ ngôi nhà và vài chục người xông vào khám xét. Lệnh khám nhà do công an tỉnh Quảng Nam ký.
Lý do khám xét là do các thành viên trong gia đình – tác giả Huỳnh Ngọc Tuấn cùng 2 con Huỳnh Thục Vy, Huỳnh Trọng Hiếu- đã viết các bài viết tung lên mạng “đi ngược lại chính sách đoàn kết dân tộc, phủ nhận thành quả cách mạng”.
“Sau nhiều tiếng lục tung mọi ngóc ngách, họ đã tịch thu 2 bộ dàn vi tính, một bộ loa đài, máy in, những vật dụng được cho là đã ‘sản xuất ra các tài liệu phản động’; cùng một số giấy tờ sổ sách. Điện thoại của những người trong gia đình đều bị công an kiểm tra và định tịch thu, nhưng do các thành viên trong gia đình phản đối quyết liệt nên họ đã trả lại.”
“Cũng sau cuộc khám xét này, điện thoại tường và Internet của gia đình đã bị nhà cung cấp dịch vụ cắt mà không hề có bất kỳ văn bản thông báo nào. Anh Huỳnh Ngọc Tuấn sang nhà anh trai để dùng Internet nhờ, với mục đích thông báo cho bạn hữu và các cơ quan truyền thông hải ngoại biết tin, thì Internet của gia đình người anh cũng bị cắt ngay sau đó…”
“Tác giả Huỳnh Ngọc Tuấn là cựu tù nhân chính trị, từng ngồi tù từ năm 1992 tới năm 2002 vì gửi một số bài viết ra nước ngoài. Giai đoạn tù đày này đã được tác giả mô tả trong cuốn hồi ký Sống Thừa. Gần đây, các con của tác giả là Huỳnh Thục Vy và Huỳnh Trọng Hiếuđược biết tới như những cây bút trẻ nhiều triển vọng.”
Cụ Huỳnh Thúc Kháng sinh năm 1876 tại Quảng Nam, nơi mà “hàng trăm công an tỉnh kết hợp cùng công an huyện Tam Kỳ đã tới bao vây, khám xét gia đình tác giả Huỳnh Ngọc Tuấn” – vào hôm 8 tháng 11 năm 2011 vừa qua. Nếu ông Tuấn cũng sinh cùng thời với cụ Huỳnh Thúc Kháng thì cuộc đời – không chừng – đã khác, đỡ bầm dập hơn nhiều. Dưới chế độ thực dân không ai phải ngồi tù (hàng chục năm) chỉ “vì viết một truyện ngắn với nội dung … bị cho là chống phá!”
Không những thế ông Huỳnh Ngọc Tuấn còn (dám) được cụ Huỳnh Thúc Kháng coi là người tri kỷ, và mời vào ban biên tập của tờ Tiếng Dân. Và nếu không được thế thì ba cha con ông vẫn có thể làm đơn xin phép bọn đế quốc sài lang để ra một tờ báo đàng hoàng tử tế – có thể “gây được tiếng vang khắp miền Trung” – như cụ Huỳnh Thúc Kháng đã làm, khi đất nước còn trong vòng nô lệ.
Huỳnh Thúc Kháng qua đời ngày 21 tháng 4 năm 1947. Vào thời điểm này, lịch sử đã sang trang. “Cả dân tộc đã đi xuyên suốt một chặng đường máu lửa để chuyển từ cái lồng sắt đen sì của chế độ thuộc địa sang cái lồng sơn son thiếp vàng lòe loẹt của chủ nghĩa xã hội ” – theo như cách nói ví von (và cay đắng ) của tác giả Vũ Cao Quận!
Cái lồng thứ hai mỹ miều hơn gấp bội chỉ tội cái là hơi bị chật, chật hơn cái lồng cũ thấy rõ – như nhận xét của rất nhiều người:
Khi đọc tham luận đọc trước Đại hội Nhà văn Việt Nam (lần thứ VII) nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã khẳng định như sau:
“Mà thằng Tây gian ác cũng lạ… Nó cóc có Ban Tư tưởng, cóc có A25, cóc có hàng chục cơ quan, hàng trăm người thò tay, thò chân vào nắn nắn từng con chữ như chế độ độc lập, tự do bây giờ. Trong thời Tây, nô lệ muôn vàn, gian ác muôn vàn, không hiểu các bố nhà văn ta hồi ấy tự do sáng tác ở đâu ra mà sinh ra không biết bao nhiêu là kiệt tác truyền tới hôm nay…”
Trong một bài tham luận khác, nhà vănBùi Ngọc Tấn cũng đã phát biểu những điều tương tự:
“Nếu nhà nước bảo hộ là thực dân Pháp hồi đó cũng ngặt nghèo như ông Phan Khắc Hải, như sự không kiểm duyệt mà hoá ra siêu kiểm duyệt hôm nay thì làm sao chúng ta và con cháu chúng ta được đọc Số đỏ, một kiệt tác làm vinh dự cho văn học Việt Nam. Thật may! Thực dân Pháp và triều đình Huế đã không làm như vậy!”
Trên diễn đàn BBC, nhà văn Võ Thị Hảo cũng than phiền y (chang) như thế:
“Trước đây Việt Nam đánh đuổi Pháp đi và lên án đủ điều. Nhưng chính hồi đó chính Pháp cho rằng việc thành lập nhà xuất bản hay báo chí tư nhân là đương nhiên… Chỉ riêng sự việc đó thôi cũng có thể cho thấy dân chủ ở Việt Nam tới mức nào.”
Cha con ông Huỳnh Ngọc Tuấn đều không đui và không điếc. Họ, tất nhiên, cũng có những nhận định không khác gì những tác giả thượng dẫn. Đã thế, cũng như cụ Huỳnh Thúc Kháng, họ lại sinh trưởng ở đất Quảng Nam. Dân xứ này mà không cãi, và cứ nhẫn nhục chịu nhịn mãi những điều bất công sai trái thì mới là chuyện lạ…
Trên báo Tiếng Dân – số ra mắt, ngày 10 tháng 8 năm 1926 – Huỳnh Thúc Kháng tuyên bố:
“Nếu không có quyền nói thì ít ra cũng giữ được cái quyền không nói những điều người ta buộc nói.”
“Nếu không có quyền nói thì ít ra cũng giữ được cái quyền không nói những điều người ta buộc nói.”
Tám mươi lăm năm sau, vào ngày 13 tháng 8 năm 2011, trưởng nữ của ông Huỳnh Ngọc Tuấn, blogger Huỳnh Thục Vy (sinh năm 1985) cũng lên tiếng hùng hồn y như vậy:
“Im lặng trước nghịch lý chính là đồng ý với sự nghịch lý đang diễn ra và điều ấy là thiếu trách nhiệm với bản thân mình, cũng như thiếu tinh thần xã hội với đất nước. Chúng ta phải lựa chọn cho chính mình một xã hội tiến bộ, trong đó quyền bầu cử, ứng cử phải được diễn ra trong công bằng, dân chủ và tự do đúng nghĩa”.
Thứ nam của ông Huỳnh Ngọc Tuấn, blogger Huỳnh Trọng Hiếu (sinh năm 1989) cũng khẳng khái không kém: “Đứng trước hành động tội ác, sự im lặng được hiểu là đồng thuận, và sự thỏa hiệp với tội ác là một hành động tội ác.”
Những lời lẽ cương trực, thượng dẫn, từ Quảng Nam của thế hệ cháu chắt Huỳnh Thúc Kháng được những cơ quan truyền thông của nhà nước CHXHCNVN (Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc) đồng loạt – thay mặt hệ thống tư pháp của xứ sở này – tuyên án như sau:
- “hành vi chống phá nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.” Trương Gia Hân, báo Pháp Luật Việt Nam, số ra ngày 8 tháng 11 năm 2011.
- “phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.” Nguyên Dũng, báo Công An Thành Phố Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 11 năm 2011.
- “có hành vi tuyên truyền chống phá Nhà nước.” Lê Phi – Thanh Hữu, báo Pháp Luật Thành Phố HCM, ngày 9 tháng 11 năm 2011.
- “liên tục viết và phát tán những bài viết có tính chất phản động, chống phá nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. N.khôi – XThiều, báo Sài Gòn Giải Phóng, ngày 8 tháng 11 năm 2011.
- “tàng trữ tài liệu chống phá nhà nước. Th. Phương, báo Người Lao Động, ngày 10 tháng 11 năm 2011.
Những lời kết án hùng hổ vừa nêu khiến tôi vô cùng ái ngại, không phải ái ngại cho sự an nguy của những thành viên trong gia đình ông Huỳnh Ngọc Tuấn (vì họ đã chuẩn bị tinh thần để sẵn sàng đối phó với cường quyền và bạo lực từ lâu) mà cho sự vô liêm sỉ của không ít người – trong giới báo chí – ở Việt Nam.
Tưởng Năng Tiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét