Nhân vụ Uỷ Ban Thường Vụ Quốc Hội thảo luận về tu chính hiến pháp vào đầu tháng 8 vừa qua, vấn đề duy trì hay huỷ bỏ điều 4 Hiến Pháp lại được đặt ra. Đây là điều khoản quy định ngôi vị lãnh đạo độc tôn của đảng CSVN, nguyên văn như sau (trích):
“Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật" (hết trích).
Đã có nhiều bài viết đăng tải trên báo chí, phát biểu trong các buổi phát thanh bàn thảo về điều khoản này. Những bài viết, phát biểu trên các báo, đài của Đảng thì đương nhiên cổ suý cho Điều 4. Còn những phân tích, lập luận trên các cơ quan truyền thông không do Đảng kiểm soát, thường được gọi là thuộc "lề trái", thì trình bày sự phi lý, phản dân chủ của điều khoản này.
Mới đây, trên trang mạng Bauxite Việt Nam, có đăng bài "Đi tìm nghĩa của điều 4 trong Hiến Pháp năm 1992", tác giả là ông Phan Thành Đạt. Điểm đáng nói về bài viết này là, mặc dù đăng trên một trang mạng không thuộc "lề phải", tức có tính cách độc lập, không do Đảng lập ra, và tác giả tự nhận là "một nhà nghiên cứu luật", nhưng bài viết trình bày nhiều sự kiện sai lạc, nhiều đề nghị ngây ngô, gây ngộ nhận tai hại, nếu không muốn nói đã hàm ý biện minh cho sự hiện hữu của Điều 4.
Trong số các sự kiện thiếu chính xác, các chi tiết sai lạc, đáng nói nhất là lối trình bày mập mờ khiến cho người đọc nghĩ rằng Điều 4 được đảng CSVN thêm vào Hiến Pháp năm 1992 để bảo đảm sự ổn định chính trị trong lúc áp dụng những biện pháp cởi mở về kinh tế và xã hội.
Theo tác giả, Điều 4 có gốc gác từ Điều 6 Hiến Pháp năm 1977 của Nga Sô. Nó được thêm vào Hiến Pháp Việt Nam vào năm 1992, lúc Việt Nam đối phó với những khó khăn của tình hình do các Chế độ Xã Hội sụp đổ ở Nga và Đông Âu, cộng thêm đời sống dân chúng suy thoái, buộc Đảng CSVN phải đổi mới chính sách kinh tế theo mô thức Đặng Tiểu Bình. Đảng cần Điều 4 để tránh những xáo trộn chính trị. Nhưng để giữ bản sắc dân tộc nên bên cạnh "chủ nghĩa Mác-Lênin", Đảng đã thêm vào cụm từ "tư tưởng Hồ Chí Minh".
Không hiểu vô tình hay cố ý, và mặc dù tự nhận là "một nhà nghiên cứu luật", Ông Đạt đã quên mất sự kiện là Điều 4 đã hiện hữu trong Hiến Pháp Việt Nam từ năm 1980, chứ không phải đợi đến năm 1992, để "tạo ổng định chính trị" như ông Đạt suy diễn.
Thật vậy, Hiến Pháp năm 1980 đã có Điều 4, nguyên văn như sau (trích):
"Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam, được vũ trang bằng học thuyết Mác - Lênin, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội; là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Đảng tồn tại và phấn đấu vì lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam.
Các tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp." (hết trích)
Như vậy, chỉ 3 năm sau khi Liên Sô sáng chế ra điều 6 để hiến định hoá ngôi vị độc tôn của đảng CS Liên Sô, thì đảng CSVN đã bắt chước quan thày, đẻ ra Điều 4 để xác định vai trò Đảng là chủ nhân ông đất nước duy nhất và vĩnh viễn.
Năm 1992 chỉ là thời điểm Đảng thêm cái gọi là "tư tưởng Hồ Chí Minh" vào Điều 4. Lý do rất dễ hiểu là vì lúc đó "học thuyết Mác-Lênin" đã bị chính nhân dân Nga ném vào sọt rác lịch sử nên Đảng đã phải sử dụng lá bài "thần tượng Hồ Chí Minh" để mong tạo được tính chính thống cho Đảng. Cũng cần biết thêm, trong kỳ tu chính năm 1992 này, Đảng CSVN đã sửa lại Lời Nói Đầu của Hiến Pháp, bỏ hẳn câu "...chống bọn phản động Cam-pu-chia ở biên giới Tây Nam và chống bọn bá quyền Trung Quốc ở biên giới phía Bắc...". Lý do là vì lúc đó Khối Cộng đã sụp đổ, Hà Nội vội vã quỵ luỵ với Bắc Kinh để tạo thêm chân đứng cho chiếc ghế độc tôn đang bị lung lay!
Nêu những sự kiện trên để thấy rằng, khác với những gì tác giả bài "Đi tìm nghĩa của điều 4 trong Hiến Pháp năm 1992" luận giải, Điều 4 Hiến Pháp được Đảng CSVN cóp nhặt của quan thày Nga Sô từ năm 1980, sử dụng như là một chỗ dựa pháp lý để bảo vệ ngôi vị độc tôn lãnh đạo của Đảng.
Nội dung Điều 4 hoàn toàn đi ngược lại nguyên tắc cơ bản, nhưng vô cùng quan trọng của ý niệm dân chủ; đó là không một cá nhân, một đảng phái nào lại được phép đứng trên đầu, trên cổ nhân dân vĩnh viễn, mãi mãi. Vì vậy, không thể nào đem nó ra trưng cầu dân ý như một số người đề nghị. Và lại càng ngô nghê khi đề nghị thành lập Toà án Hiến Pháp để giải thích ý nghĩa Điều 4.
Việt Nam muốn có dân chủ đích thực phải nhất quyết dẹp bỏ Điều 4 lố bịch này./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét