Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Cộng Hòa Ý một Hội đồng chính phủ hoàn toàn 100% là “chuyên gia”, nói theo cách nói của báo chí là “phi chính trị” bởi vì chẳng có thành viên nào thuộc vào một lực lượng chính trị nào cả. Hoặc nói theo ngôn từ thời thượng thì đây là một Hội đồng chính phủ kỹ trị.
Ý trong những tháng gần đây đang đứng trên bờ vực thẳm với một cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh sâu rộng và hiểm nguy vỡ nợ nhà nước rất lớn. Trong khi đó chính phủ trước đây của Berlusconi thì hoàn toàn tê liệt và không hề có một uy tín nào trong cũng như ngoài nước để có hy vọng cứu nước Ý. Tệ hại hơn nữa là các lực lượng chính trị, phía chính phủ cũng như phe đối lập không bên nào có đủ khả năng đưa ra một biện pháp cụ thể để đối phó với tình hình trầm trọng của nước Ý.
Trước nguy cơ nói trên, công luận và nhất là Tổng thống Ý, ông Giorgio Napolitano, đã lên tiếng kêu gọi đoàn kết rộng rãi vây quanh một chính phủ mới với những chuyên gia cao cấp để nhanh chóng đưa nước Ý ra cơn hiểm nghèo và sau đó mới nghĩ đến chuyện đi bầu lại Quốc hội để đưa đời sống chính trị trở lại bình thường.
Vì toàn bộ phần lớn của các Bộ trưởng đều là những người trong giới hàn lâm, rất nhiều người đã từng là giáo sư giảng dạy ở đại học Bocconi, một đại học nổi tiếng của nước Ý, nơi đã sản xuất ra nhiều chuyên gia nổi tiếng và có uy tín thế giới trong lãnh vực kinh tế tài chánh, nên báo chí đã nhanh chóng mệnh danh là Chính phủ của các giảng sư, hoặc Chính phủ của các thầy Hiệu trưởng đại học.
Theo những tuyên bố của các lực lượng chính trị thì đến nay, Hội đồng chính phủ mới sẽ được sự ủng hộ của hầu hết đảng có mặt trong chính phủ, kể luôn cả đảng Tự Do của Berlusconi. Đảng duy nhất tuyên bố đối lập là Đảng Liên Đoàn Phương Bắc (Lega Nord) của ông Umberto Bossi, vốn là liên minh kỳ cựu của Berlusconi, là một Đảng chỉ có tầm hoạt động mạnh ở địa phương vùng mạn Bắc nước Ý nhưng lại là vùng tập trung công nghệ và vùng đóng góp phần lớn sản lượng quốc gia. Nhưng đây cũng là một đảng kỳ thị bài ngoại và có những chính sách mị dân, do đó, quyết định lấy thế đứng đối lập với chính phủ mới của Mario Monti cũng nằm trong chính sách mị dân của Đảng Lega Nord
Nội hôm nay, Hội đồng chính phủ sẽ trình diện trước Quốc hội để được bỏ phiếu tín nhiệm. Theo các tuyên bố của các đảng chính trị, thì Hội đồng chính phủ mới của Mario Monti sẽ không gặp một trở ngại nào để có được tín nhiệm của Quốc hội: theo ước tính thì ở Thượng viện ông Mario Monti sẽ được 295 phiếu trên số 321 nghị sĩ, và ở Hạ viện sẽ có 569 phiếu tín nhiệm trên con số 630 dân biểu.
Về thành phần Bộ trưởng thì có một vài nét đáng nói
Trước nhất là ông Mario Monti, Thủ tướng chính phủ, một chuyên gia kinh tế tài chánh lỗi lạc và có uy tín thế giới, sẽ kiêm nhiệm luôn chsc Bộ trưởng kinh tế tài chánh. Và đây là Bộ then chốt của Hội đồng chính phủ trong cảnh dầu sôi lửa bỏng hôm nay. Quyết định kiêm nhiệm có thể được coi như là một lưu ý đặc biệt mà nội các mới muốn nhấn mạnh với công luận và với giới thị trường tài chánh thế giới vốn đang gây nhiều áp lực với Ý trong những tháng gần đây.
Điều kế tiếp là Bộ Phát triển kinh tế và Bộ Quản lý hạ tầng cơ sở sẽ phối hợp thành một Bộ duy nhất và sẽ do ông Corrado Passera, Giám đốc ngân hàng Intesa San Paolo, ngân hàng lớn thứ hai ở Ý, điều này được chính tân Thủ tướng Mario Monti nhấn mạnh coi như là mục tiêu của chính phủ muốn đưa một chuyên gia cao cấp trong lãnh vực kinh tế với nhiều kinh nghiệm về tài chánh vào Bộ phát triển kinh tế là để nhanh chóng nâng cao phát triển nền kinh tế sản xuất, một trong những yêu cầu then chốt của chiến lược kinh tế trong thời gian tới.
Nét quan trọng thứ ba là ghế Bộ trưởng Nội vụ được trao cho một phụ nữ, bà Anna Maria Cancellieri, đã từng là Trưởng Ty cảnh sát ở nhiều thành phố lớn ở nước Ý, và đây là dấu ấn cho thấy là Hội đồng chính phủ muốn nhấn mạnh đến chuyên môn của các nhân vật được bổ vào các ghế Bộ Trưởng.
Về phía đối ngoại thì ghế Ngoại trưởng được giao cho một nhân vật xuất sắc trong giới ngoại giao của Ý, đại sứ Giulio Terzi Sant’Agata, đã từng là đại sứ của Ý ở Hoa Thịnh Đốn, ở Israel. Về việc bổ nhiệm Bộ trưởng ngoại giao, trước khi Hội đồng chính phủ mới ra mắt công chúng, theo tin báo chí Ý, khoảng 24 giờ trước đó, cũng đã có những bàn cãi khá mạnh giữa ông Mario Monti và các đảng chính trị. Phía ông Mario Monti thì muốn đưa một nhân vật chính trị có nhiều uy tín trên sân khấu quốc tế, và cũng đã từng là Thủ tướng Ý, ông Giuliano Amato, nhưng trong trường hợp đó, với lý do là có một nhân vật chính trị trong Hội đồng bộ trưởng, mỗi đảng chính trị lại sẽ đề cử người của mình, và như thế thì hóa ra nội các mới sẽ không còn đậm nét kỹ trị như mục tiêu đề ra trước đây.
Điển hình là phe đảng của Berlusconi sẽ đề nghị ông Gianni Letta, cánh tay mặt của Berlusconi trong tất cả các nội các trước đây của Berlusconi và điều này chắc chắn sẽ gây ra phản ứng bất tín nhiệm của nhiều đảng chính trị, trước nhất là đảng Dân Chủ, đảng đối lập lớn nhất ở thời chính phủ Berlusconi trước đây. Do đó sau cùng ông Mario Monti đã phải rút lại ý kiến của mình.
Trong các giáo sư hiệu trưởng chuyên gia kỹ trị, trong hội đồng bộ trưởng cũng có 3 nhân vật lớn đến từ giới Công giáo, đó là giáo sư Lorenzo Ornaghi, giảng sư ở Đại học Công Giáo Sacro Cuore ở Milano được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Văn Hóa , và Andrea Riaccardi, giáo sư về sử học cận đại, và là một trong những sáng lập viên của Cộng đồng Sant’Egidio gần với Tòa thánh Vatican, giử ghế Bộ trưởng Bộ Hợp tác quốc tế, ông Renato Balduzzi, giáo sư về luật hiến pháp, giữ chức Bộ trưởng Y tế.
Dĩ nhiên là cho đến nay, chẳng ai có thể tiên đoán trước được rằng nội các mới của ông Mario Monti sẽ có thành công trong mục tiêu đưa nước Ý sớm thoát cảnh “dầu sôi lửa bỏng” hiện nay hay không, nhưng công luận hầu như ai cũng đặt hết kỳ vọng vào ông Mario Monti.
Bên cạnh sự ủng hộ của các lực lượng chính trị, việc báo chí đăng tải những tin tức “cá nhân” về cách sống của Mario Monti như một con người kín đáo, không thích ồn ào kiểu phát ngôn “dao to búa lớn”, tránh tiêu xài phung phí vô ích (chẳng hạn như trong những ngày qua ông tạm trú trong một khách sạn ở Roma với giá 140 Euro cho một phòng đôi cho hai vợ chồng của ông), cho thấy là cung cách sống của tân Thủ tướng Ý khác hẳn kiểu sống ồn ào phô trương và sa đọa của vị Thủ tướng Berlusconi.
Hoặc chẳng hạn khi báo chí chụp cảnh hai vợ chồng ông Mario Monti hôm chúa nhật vừa qua, trước khi bắt đầu những buổi tiếp xúc với giới chính trị để thành lập Hội đồng chính phủ, đã đi cầu nguyện ở nhà thờ. Điều này là một biểu tượng để cho thấy là bên cạnh các lực lượng chính trị, vị tân Thủ tướng Ý chắc chắn cũng đã có được sự hậu thuẫn “tinh thần” của Tòa thánh Vatican, một trong những “diễn viên” quan trọng trong đời sống chính trị xã hội ở Ý.
Nhưng dù thành quả tương lai của tân Hội đồng chính phủ ra sao đi nữa, thì trước mắt công luận có thể rút ra ba điều :
Điều thứ nhất là với sự từ chức của ông Silvio Berlusconi, người ta coi như là lịch sử nước Ý đã sang trang, chấm dứt một nền Cộng hòa “bunga-bunga”, trong đó mâu thuẫn quyền lợi của một đại gia đứng ra làm Thủ tướng đã vừa đánh trống vừa thổi kèn trong gần 2 thập niên đã dẫn dắt nước Ý vào một thời điểm đen tối, gây tụt hậu cho nước Ý trong khi thế giới toàn cầu đã bước vào một niên kỷ mới.
Điều thứ hai là phải thực sự nhìn nhận rằng phải đợi đến áp lực của Châu Âu, và nhất là áp lực của thị trường, Thủ tướng Berlusconi mới phải từ chức, điều mà trong suốt mấy năm trời các lực lượng chính trị đối lập ở Ý đã không đủ sức để thực hiện. Điều này cho thấy sự phá sản của giai cấp lãnh đạo chính trị ở Ý, điều mà trong những năm gần đây công luận đã chỉ trích khá nhiều khi nói đến một “đẳng cấp chính trị” với những đặc quyền đặc lợi trong khi ra rả mỗi ngày kêu gọi hy sinh đóng góp của người dân.
Điều thứ ba, là song song song với ông Mario Monti ở Ý, ở Hy Lạp tân Thủ tướng là ông Lucas Papademos, cũng là một “quen biết” với ông Mario Monti trong lãnh vực kinh tế tài chánh quốc tế, và cũng là một “chuyên gia kỹ trị” như Mario Monti.
Cả hai quốc gia Ý và Hy Lạp đều đang gặp khủng hoảng kinh tế tài chánh với nguy cơ vỡ nợ nhà nước. Sự kiện này cho thấy nền dân chủ chính trị nghị viện truyền thống ở Châu Âu đang lần lần được thay thế bởi một nền dân chủ kỹ trị mà trong đó “thị trường” là nhân tố huyết mạch của đời sống dân chủ. Đây chỉ là những bước đầu của một cuộc cách mạng chính trị to lớn mà Châu Âu đang bắt đầu, chưa ai biết cái “quả” sẽ ra sao khi gieo những cái “nhân” mới này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét