Bút Lông - Kết quả kiểm nghiệm một mẫu xăng RON 92 tại Cầu Giấy (Hà Nội) do Trung tâm Kỹ thuật Đo lường Chất lượng I vừa công bố cho thấy hàm lượng methanol có trong xăng lên đến 15,3%, gấp trên ba lần mức độ thông thường mà các ô tô, xe máy hoạt động bình thường có thể chịu đựng được.
Kết quả này dường như đã bắt đầu hé mở con đường tìm ra thủ phạm gây ra hàng loạt vụ cháy xe thời gian qua khiến dư luận hết sức hoang mang, lo lắng.
Cùng thời điểm, lãnh đạo Cục Thú y tuyên bố đã chuyển cơ quan điều tra xác minh các chứng thư giả nhập thịt bò Kobe vào Việt Nam thời gian qua, bởi rất đơn giản là Cục chưa hề cấp bất cứ giấy phép nhập khẩu nào từ trước đến nay. Tuyên bố đó của lãnh đạo Cục vừa khiến cho các nhà hàng treo biển quảng cáo loại thịt này phải rút vào bí mật, vừa làm cho những người xơi đặc sản bò Kobe với giá đắt phải ngậm ngùi...
Hai câu chuyện đang xôn xao dư luận này sở dĩ phải nhắc lại bởi vì nếu cơ quan chuyên môn mà không công bố thì các loại hàng hóa này vẫn đường hoàng bày bán công khai, đường hoàng quảng cáo. Và người tiêu dùng vẫn sẽ vui vẻ móc tiền chi trả cho thứ sản phẩm không đảm bảo chất lượng, thậm chí có nguy cơ gây tổn hại cho tính mạng, tài sản của họ.
Vậy tại sao Luật Bảo vệ người tiêu dùng với các điều khoản quy định bảo đảm cho người dân được sử dụng sản phẩm an toàn, có chất lượng mà thực tế điều này lại chậm có hiệu lực?
Từ khi luật này có hiệu lực (1-7-2011), chức năng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được chuyển giao từ Bộ KHCN (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) sang Bộ Công Thương (Cục Quản lý cạnh tranh). Tuy nhiên, cơ quan này nghe “to” nhưng thực tế quyền chỉ ngang cấp cục. Hơn nữa, vài chục nhân sự của cơ quan này thụ lý vài vụ kiểu kiện cáo nhau thống lĩnh độc quyền đã quá tải, nói gì đến chuyện giám sát hàng triệu hoạt động mua bán, trao đổi, tranh chấp trên toàn quốc mỗi ngày để mà từ đó trưng cầu các cơ quan chuyên môn khác tham gia?! Trong khi đó, cơ chế tự động để cơ quan nhà nước liên quan khác tham gia khi có biểu hiện xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng thì lại quá mờ nhạt và thiếu tính khả thi...
Vì thế giải pháp để khắc phục tình trạng này chỉ còn một con đường là xã hội hóa hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mà ở đó Hội Bảo vệ người tiêu dùng, các văn phòng luật sư hay các tổ chức xã hội đều phải được trao quyền yêu cầu các cơ quan nhà nước liên quan vào cuộc khi có bất kỳ sự yêu cầu và ủy quyền nào từ người tiêu dùng.
Bút Lông
3 comments
Đăng một Nhận xét