15.2.12

Chung quanh Nghị quyết 12-NQ/TW



Ngày 18/1, BCH/TW đảng Cộng sản Việt Nam phổ biến Nghị quyết của Hội nghị TW khóa XI do ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ngày 16/1. Nghị quyết mang số 12-NQ/TW.

Đọc toàn bản văn 9 trang, độc giả thấy những gì viết về tình hình suy đồi của đảng, nguyên nhân và biện pháp sửa chữa đều đã được nói đến nhiều lần sau mỗi lần họp Đại hội Đảng hay TW Đảng, ít nhất kể từ Đại hội 6 năm 1986 sau khi đảng Cộng sản Việt Nam thi hành chính sách “đổi mới”.
Cũng như các Nghị quyết khác, Nghị quyết 12-NQ/TW chan chứa lời lẽ tha thiết, phân tích bệnh hoạn xã hội sâu sắc, đề ra phương thuốc sửa chữa nghiêm khắc thấu đáo, tưởng chừng như con bệnh xã hội Việt Nam sắp có thuốc tiên.
Về tình hình Nghị quyết viết:
“Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Nổi lên một số vấn đề cấp bách sau đây:
Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…
Đội ngũ cán bộ cấp Trung ương, cấp chiến lược rất quan trọng nhưng chưa được xây dựng một cách cơ bản. Công tác quy hoạch cán bộ mới tập trung thực hiện ở địa phương, chưa thực hiện được ở cấp trung ương, dẫn đến sự hẫng hụt, chắp vá, không đồng bộ và thiếu chủ động trong công tác bố trí, phân công cán bộ. Một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa phương và cả nước.
Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức, do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân.”
Như một điệp khúc, đảng đổ tội cho tình hình khách quan của đổi mới kinh tế và các thế lực thù địch, trước khi chỉ trích sự biến chất của cán bộ đảng viên của mình.
Quy tội cho các thế lực thù địch Nghị quyết viết:
“Tình hình trên đây có nguyên nhân khách quan do việc thực hiện đổi mới kinh tế phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, chưa lường hết được những tác động của mặt trái cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, chưa có sự chuẩn bị thật kỹ về lập trường, tư tưởng và cả cách thức tiếp cận mới cho cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, còn thiếu những cơ chế, chính sách đồng bộ, khoa học để chủ động ngăn ngừa những vi phạm.
Đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng, phát triển với quy mô ngày càng lớn, một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý nắm giữ khối lượng tài sản, nguồn vốn lớn của tập thể, của Nhà nước, đó là môi trường để chủ nghĩa cá nhân vụ lợi, thực dụng phát triển.
Trong khi đó, các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tăng cường hoạt động chống phá, chia rẽ nội bộ Đảng và phá hoại mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng.”
Phê bình cán bộ biến chất, Nghị quyết viết:
Cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở một số nơi chưa đến nơi đến chốn, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, nói không đi đôi với làm, hoặc làm chiếu lệ.
Các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi vừa bị buông lỏng trong thực hiện, vừa chưa được quy định cụ thể để làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát. Việc nghiên cứu, sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật thích ứng với quá trình vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa kịp thời; nhiều văn bản quy định thiếu chế tài cụ thể. Đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nể nang, cục bộ, chưa chú trọng phát hiện và có cơ chế thật sự để trọng dụng người có đức, có tài; không kiên quyết thay thế người vi phạm, uy tín giảm sút, năng lực yếu kém.
Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống nhiều khi còn hình thức, chưa đủ sức động viên và thường xuyên nâng cao ý chí cách mạng của cán bộ, đảng viên; một số nơi có tình trạng những việc làm đúng, gương người tốt không được đề cao, bảo vệ; những sai sót, vi phạm không được phê phán, xử lý nghiêm minh. Công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi, nhiều cấp chưa thường xuyên, ráo riết; đấu tranh với những vi phạm còn nể nang, không nghiêm túc. Vai trò giám sát của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội chưa được phát huy, hiệu quả chưa cao.”
Sau đó Nghị quyết đưa ra 8 phương thuốc gọi là:
“8 nhiệm vụ trong công tác xây dựng Đảng mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã đề ra,”
Trong đó có 3 nhiệm vụ quan trọng hàng đầu:
Một là, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng.
Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Ba là, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Trong ba vấn đề trên, vấn đề thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất”
Sau khi đề ra tình hình, Nghị quyết đưa ra gỉai pháp:
Thứ nhất là phê bình và tự phê bình
“… Nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên. Một là, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương tập trung kiểm điểm, đánh giá làm rõ tại sao những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra nhiều năm nhưng chậm được khắc phục, có mặt còn yếu kém, phức tạp thêm; làm rõ nguyên nhân trở ngại trong việc lãnh đạo thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng. Hai là, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương tiến hành kiểm điểm, đánh giá liên hệ bản thân về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến một số vấn đề cấp bách nêu trong Nghị quyết này, đề ra biện pháp khắc phục. Tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân, gương mẫu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức, lối sống. Ba là, các đồng chí ủy viên ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các ban của Trung ương Đảng, ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy và cấp ủy các cấp nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, nêu gương bằng hành động thực tế”
Sau đó là tránh chồng chéo giữa chức năng của cán bộ đảng với cán bộ nhà nước, bằng cách:
… thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện; gắn với xây dựng quy chế kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực sự có hiệu quả, ngăn chặn sự lạm quyền, độc đoán. Sơ kết rút kinh nghiệm để có chủ trương về việc đại hội đảng bộ từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở trực tiếp bầu bí thư cấp ủy có số dư.
Sau cùng nâng cao hiệu quả chống tham nhũng bằng cách:
“ … tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Sớm tổng kết toàn diện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; bổ sung, sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng. Kiện toàn và tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan phòng, chống tham nhũng. Xét xử nghiêm những vụ án tham nhũng, trước hết là những vụ nghiêm trọng, phức tạp, được nhân dân quan tâm”
Nghị quyết còn đi qua sự cải tổ cơ chế và chính sách, cải tổ công tác giáo dục và tư tưởng, phân công thực hiện làm tốt từ Bộ chính trị trở xuống các chi bộ đảng thấp nhất.
Và sau cùng, Nghị quyết kết luận:
“Ban Chấp hành Trung ương Đảng tin tưởng, với truyền thống và bản chất tốt đẹp của Đảng, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, nhất định chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết này, tạo bước chuyển biến mới trong công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.”
**
Bản Nghị quyết là một bản văn hòan chỉnh về cách đặt vấn đề, cấu trúc và hành văn. Nếu là một bài luận án của một sinh viên ban cao học thì đó là một luận án xuất sắc.
Nhưng đây là một Nghị quyết của đảng. Nội dung bản Nghị quyết có 3 điểm đáng quan tâm:
Thứ nhất: Những gì viết trong Nghị quyết từ ý tưởng cho đến cách hành văn đều rất quen thuộc, nghĩa là nhân dân đã được nghe và được đảng hứa nhiều lần. Không phải nhân dân mà các đảng viên khi đọc Nghị quyết (nếu họ có đủ kiên nhẫn để đọc) sẽ không khỏi than thầm “khổ quá biết rồi nói mãi”.
Thứ hai: Ai cũng biết những gì Nghị quyết đề ra sẽ không thực hiện được. Không phải vì người ta nghi ngờ thiện chí của những người viết và ký Nghị quyết. Một số thành phần dân chúng vẫn còn kiên nhẫn để tin rằng một số không ít đảng viên lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam còn có lòng muốn làm điều tốt, nhưng người ta biết họ không thực hiện được vì cơ chế tròng tréo không cho phép ai có chiếc đũa thần để thực hiện Nghị quyết thành công.
Bản Nghị quyết như tiếng kèn thúc quân, thúc đảng hãy nhìn vào thực tế suy đồi của quốc gia đứng lên cải tổ đảng, lãnh đạo nhân dân, như một võ sĩ quyết mang gươm qúy xuống núi phù suy diệt bạo. Nhưng trước khi xuống núi võ sĩ đã tự buộc hai cánh tay mình nên không thể vung kiếm thi hành sứ mạng.
Cứ cho rằng Đảng muốn chống tham nhũng. Nhưng chống tham nhũng cần báo chí tự do để phanh phui tham nhũng. Và khi được phanh phui cần có cơ chế độc lập điều tra, và khi hồ sơ hoàn tất cần có tòa án độc lập để xét xử. Việt Nam dưới chế độ Cộng sản hôm nay không có tự do báo chí. Ký giả phanh phui tham nhũng đụng phải nhân vật gốc lớn thì đi tù. Cơ quan điều tra tham nhũng chỉ được đụng chạm viên chức cỡ nhỏ hoặc nằm trong tầm ngắm bị loại bỏ. Và nếu ra toà, quan tòa chờ chỉ thị của Đảng để xử và định án.
Đảng nắm tòan quyền mọi sinh hoạt quốc gia. Sự hiểu biết của tập thể lãnh đạo gồm TW đảng và Bộ chính trị có giới hạn. Trong khi đó các nghiên cứu có tính độc lập và khoa học trong mọi lĩnh vực nhất là lĩnh vực kinh tế tài chánh đều bị sàn lọc qua cái khối hiểu biết giới hạn nhưng có quyền lấy quyết định tối hậu đó.
Vấn đề bức xúc đang tạo ra sự ngột ngạt quốc gia là việc sung công đất đai của dân chúng (nhất là các vùng đất tốt chung quanh các đô thị) để xây dựng nhà máy trong chương trình phát triển kinh tế. Dân có đất bị sung công được bồi hoàn với giá rất thấp so với giá thị trường. Các viên chức chính phủ bằng móc ngoặc bỏ túi một phần số tiền khác biệt này chỉ một phần nhỏ được sung vào ngân sách quốc gia. Từ số tiền (xem như cướp đất của dân mà ra) nhà cửa, biệt thự mọc lên như nấm và hầu hết là tài sản của cán bộ đảng viên có chức có quyền ăn chia nhau từ địa phương đến Trung ương. Tại các nước tự do có luật lệ thuế khóa thông thóang, thuế nhà cửa (property tax) là một nguồn thu quan trọng của ngân sách. Tại Việt Nam trong đà phát triển xây cất nhà cửa hiện nay, thuế nhà cửa là một thuận lý và cần thiết, nhưng không ai nhắc tới vì đảng không muốn đánh thuế trên tài sản của mình. Phải chi có thuế nhà cửa để có ngân sách bồi hoàn xứng đáng cho dân bị lấy đất thì đã tránh được vấn nạn đau lòng từng đòan “dân oan” kéo nhau đi kiện rần rần từ Sài gòn đến Hà Nội.
Bầu cử tại Việt Nam dưới luật lệ của đảng được dân chúng miêu tả bằng nhóm chữ rất ấn tượng và chính xác “đảng cử dân bầu ”. Đảng đủ nhạy bén để thấy cái mũi kim chích nhẹ mà rất đau đó nên trong Nghị quyết này ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ thị các cấp ủy:
“… rút kinh nghiệm để có chủ trương về việc đại hội đảng bộ từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở trực tiếp bầu bí thư cấp ủy có số dư. “
Thay vì đề cử nhiều người để đảng viên có quyền chọn lựa một cấp ủy tương đối tốt nhất thì ông Tổng bí thư chỉ dám chỉ thị “bầu bí thư cấp ủy có số dư” nghĩa là dư một vài người lót đường cho có vẻ dân chủ chứ người đắc cử thì “cấp ủy trên” đã chọn rồi và thường không phải là đảng viên giỏi nhất mà có gốc to nhất. Quy tắc “có số dư” này cũng được áp dụng chặt chẽ trong các cuộc bầu cử dân biểu quốc hội, kết quả các dân biểu của quốc hội trên nguyên tắc phải do dân bầu thì trên thực tế chỉ là những đảng viên do đảng chọn có nhiệm vụ đóng dấu vào các quyết định của Bộ chính trị.
Trong sinh hoạt nơi nào cũng có bàn tay của đảng như vậy, nếu có ai tin Nghị quyết 12-NQ/TW sẽ thành công như lời quả quyết của kết luận Nghị quyết thì người đó phải có một khối óc bất bình thường.
Muốn Nghị quyết thành công đảng Cộng sản Việt Nam cần cởi trói hệ thống chính trị độc đảng bằng cách để cho nhân dân chọn người/đảng lãnh đạo đất nước qua bầu cử tự do. Bắt đầu tiến trình bằng bỏ Điều 4 Hiến pháp, bầu một quốc hội đại diện cho nhân dân, và quốc hội đó sẽ bầu ra Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân của dân, phục vụ dân chứ không phải để phục vụ quyền lợi của đảng trên xương máu của nhân dân và tài nguyên của đất nước.
Ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước có nói đại ý, “dù ai nói ngả nói nghiêng bỏ Điều 4 Hiến pháp là (đảng) tự sát”. (Bỏ 4 là tự sát ). Nhưng nếu “đảng tự sát” cho “đất nước tự sinh” thì đó phải chăng cũng là mục tiêu tối thượng của mọi đáng phái chính trị? Lập đảng không phải để chia xôi thịt, mà lập đảng để phục vụ nhân dân.
Nhưng ông Triết đã mất tự tin vào đảng của ông. Nhiều người nghĩ rằng nếu đảng Cộng sản tu chính Điều 4 Hiến pháp, tranh cử ngang ngửa với các đảng chính trị khác, thì với phương tiện và nhân sự có sẵn họ có nhiều cơ may để chiếm đa số tại quốc hội (ít nhất trong những vòng đầu) và cai trị đất nước một cách chính danh và hợp pháp.
Với cơ chế chính trị mới, báo chí tự do, tòa án độc lập, Việt Nam có điều kiện diệt trừ tham nhũng và bảo vệ tổ quốc chống xâm lăng, và đảng Cộng sản Việt Nam sẽ có một chỗ đứng xứng đáng trong lịch sử vì đã tạo được một sinh khí mới cho sinh hoạt chính trị quốc gia.
Qua tiến trình bầu cử tự do, đảng nào sẽ cầm quyền và cầm quyền bao lâu là do quyết định lá phiếu của dân. Nếu một lúc nào đó đảng Cộng sản không còn được tín nhiệm để cầm quyền thì họ có ra đi cũng còn chút cảm tình của nhân dân. Và đảng Cộng sản Việt Nam vẫn có cơ hội trở lại nếu họ lại được sự tín nhiệm của dân.
Đó là con đường để thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TW thành công và là cách xuống ngựa an tòan của đảng Cộng sản Việt Nam. “Nói lấy được” để bám lấy quyền hành và tư lợi trên xương máu của nhân dân mới là con đường tự sát.
Feb. 14, 2012
Trần Bình Nam

Không có nhận xét nào: