Có ít nhất 31 thường dân và binh sĩ Syria bị giết chết trong các cuộc đụng độ lan rộng khắp nơi hôm Chủ nhật, giữa lúc cử tri đi bỏ phiếu về một hiến pháp mới bị phe đối lập và nhiều nước Tây phương mỉa mai.




Văn kiện được đề nghị, nếu được chấp thuận, sẽ thành lập một hệ thống đa đảng tại Syria, cho tới nay vẫn nằm dưới quyền điều khiển duy nhất của đảng Baath kể từ cuộc đảo chính năm 1963, nhưng giữ lại quyền hành rộng lớn trong tay Tổng thống Bashar al-assad. 


Phe đối lập nói những thay đổi được đề nghị chỉ là hình thức và chỉ có mỗi một giải pháp là lật đổ ông Assad mới đáp ứng đủ trước vụ đàn áp tàn bạo bằng quân sự nhắm vào vụ nổi dậy chống chính phủ kéo dài 11 tháng nay. Hai tổ chức đối lập chính qui tụ các tổ chức đối lập là Hội đồng Quốc gia Syria và Tổ chức Phối hợp Toàn quốc cho Thay đổi Dân chủ của Syria, đã kêu gọi tẩy chay bầu cử. 


Trong lúc cuộc trưng cầu dân ý được tiến hành hôm Chủ nhật, các tổ chức hoạt động tranh đấu cho hay các vụ pháo kích của quân đội nhắm vào trung tâm phản kháng tại Homs đã khiến 9 thường dân thiệt mạng, trong khi các chiến binh nổi dậy hạ sát 4 binh sỹ trong thành phố. Tổ chức Quan sát Nhân quyền trụ sở tại nước Anh cho biết 8 thường dân và 10 người thuộc lực lượng an ninh đã thiệt mạng trong các vụ bạo động ở những nơi khác của Syria.


Bộ trưởng Ngoại giao Đức Guido Westerwelle gọi cuộc trưng cầu dân ý của Syria là "trò hề," trong lúc Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton hối thúc giới doanh gia và quân đội Syria vẫn còn ủng hộ ông Assad hãy quay sang chống lại ông ta. Bà nói các binh sỹ vẫn còn ủng hộ cho ông Assad đang làm ô danh của chính họ, và những ai quay lưng lại với bạo lực là những anh hùng. 


Nhưng bà cũng lưu ý các chính phủ nước ngoài phải thận trọng trong việc trao vũ khí cho phe nổi dậy Syria. Bà nói cả hai nhóm khủng bố al-Qaida và Hamas đều ủng hộ quân nổi dậy. Bà nói không giống như Libya, nơi bà biết rõ ai đứng đằng sau những nỗ lực lật đổ ông Moammar Ghadafi, người ta không biết ai đang lãnh đạo những chiến binh đối lập của Syria. Bà nói không ai biết là súng đạn, vũ khí sẽ rơi vào tay ai.


Tại các khu vực như Homs, nơi hàng trăm người đã thiệt mạng vì những cuộc pháo lích do chính phủ Syria thực hiện, và tại các cứ địa của phe nổi dậy như Idlib ở Tây-Bắc Syria và Daraa ở miền Nam, tỷ lệ cử tri đi bầu sẽ không đáng kể. 


Các nhân vật tranh đấu tích cực tại Homs nói dường như không có cuộc biểu quyết nào diễn ra tại dây, và các băng video cho thấy một số người đã vứt lá phiếu vào sọt rác.


Bất chấp tình trạng bạo động tại nhiều thành phố trên khắp Syria, cuộc biểu quyết về bản hiến pháp mới vẫn diễn ra tại các khu vực nơi tình hình yên ổn hơn. 


Tại thủ đô Damascus, nơi Tổng Thống Bashar al-Assad vẫn duy trì sự ủng hộ trong các nhóm sắc tộc tôn giáo và giới doanh nhân, rất nhiều người nói rằng họ nóng lòng muốn đi bầu.