10.2.12

Dư luận về việc thông qua Dự luật nhân quyền VN



2012-02-09
Dự thảo luật cấm Hoa Kỳ viện trợ cho Việt Nam nếu chánh quyền Hà Nội không cải tiến quyền làm người, vừa được Hạ viện Mỹ thông qua.
RFA PHOTO
Dân biểu Chris Smith (áo xanh) tại cuộc họp báo về nhân quyền ở Washington DC hồi năm 2010.

Đòi hỏi tôn trọng nhân quyền

Dự luật mang tên “Viêtnam Human Rights Act of 2012”, số hiệu là HR 1410, cũng đòi hỏi Hà Nội trả tự do cho các tù nhân lương tâm vì đấu tranh ôn hòa cho dân chủ, tôn giáo và nhân quyền. Đỗ Hiếu ghi nhận ý kiến một số người Việt định cư hải ngoại, thường xuyên theo dõi thời cuộc Việt Nam, trong đó có một phụ nữ là nạn nhân của đường giây buôn người.
Dân biểu Chris Smith, đảng Cộng Hòa, bang New Jersey, Chủ tịch Tiểu ban về các vấn đề nhân quyền và Châu Phi, thuộc Ủy ban Đối ngoại, Hạ viện Hoa Kỳ, hôm thứ tư 8 tháng 2, 2012, loan báo với báo chí rằng, Tiểu ban do ông phụ trách mới thông qua dự luật về nhân quyền tại Việt Nam, năm 2012.
Hoa Kỳ nêu rõ vấn đề nhân quyền, chính là để giúp người dân tất cả các xứ thấy rõ hơn hành động của cộng sản.
BS Trương Tấn Trung
Ông Smith nhấn mạnh, đây là một “thông điệp dứt khoát” mà hành pháp Hoa Kỳ muốn gởi tới nhà nước Việt Nam, để yêu cầu họ phải chấm dứt tức khắc tình trạng vi phạm nghiêm trọng quyền con người, đối với các công dân của họ. 
Dân biểu Chris Smith cho biết, tiểu ban do ông phụ trách được xem những hình ảnh đau lòng về bằng chứng có những người bị tra tấn tại Việt Nam.
Được biết, dự luật nhân quyền HR 1410 ngăn cấm các khoản viện trợ không có mục đích nhân đạo dành cho chánh phủ Việt Nam, nếu Tổng thống Hoa Kỳ không xác nhận được với quốc hội rằng, Hà Nội đã cải thiện nhân quyền, trả tự do cho tù nhân chính trị và tôn giáo, bảo vệ quyền tự do hội họp, tự do thể hiện niềm tin tôn giáo. 
Qua thông tin do giới truyền thông quốc tế phổ biến thời gian gần đây, thì Việt Nam đang gia tăng trấn áp, bỏ tù những người đối kháng, theo đuổi hoạt động tôn giáo, các nhóm dân tộc thiểu số.
Mặt khác, chánh phủ Mỹ cũng hối thúc Hà Nội tôn trọng quyền con người thì mới nói đến chuyện mở rộng hợp tác song phương trên nhiều lãnh vực khác, kể cả chương trình hợp tác quân sự, trong đó có việc Mỹ cung cấp võ khí và chiến cụ cho Hà Nội.
Xin được nhắc lại là trước đây, dự luật nhân quyền cho Việt Nam đã được tiểu ban của dân biểu Chris Smith hai lần đề nghị và được Hạ viện thông qua, nhưng khi đến thượng viện đã không được mang ra thảo luận. Ông Smith hy vọng lần này kết quả sẽ khả quan hơn.
Góp ý với RFA về tin “Hạ viện Mỹ khởi động tiến trình thông qua dự luật “Nhân Quyền Việt Nam 2012”, bác sĩ Francois Trương Tấn Trung từ Paris, Pháp cho biết:
us-senators-met-vn-dissidents-2012-250.jpg
Từ trái: TNS Sheldon Whitehouse, LS Nguyễn văn Đài, TNS John McCain, BS Phạm Hồng Sơn, TNS Joseph Lieberman, LS Lê Quốc Quân và TNS Kelly Ayotte, trong cuộc gặp gỡ tại Hà Nội hôm 20-01-2012. Photo courtesy of NVD.
“Trước đây Mỹ đã từng có áp lực với Hà Nội về nhân quyền, tuy nhiên vẫn tiếp tục các chương trình viện trợ nhân đạo, tuy Việt Nam nhận những khoản tiền viện trợ đó, tức là đã có sự cam kết giữa đôi bên, nhưng họ vẫn không làm, lâu nay họ thường hứa mà vẫn không bao giờ làm. Mặt khác, Việt Nam cũng đã gia nhập các cơ quan quốc tế, mà cơ quan nào cũng đặt vấn đề tôn trọng nhân quyền. Cơ quan thương mại quốc tế (WTO) cũng đặt vần đề cấm buôn bán người, nhưng nạn buôn người vẫn tồn tại, hoặc xuất khẩu lao động, làm việc như nô lệ. Nay, nếu Hoa Kỳ nêu rõ vấn đề nhân quyền, chính là để giúp người dân tất cả các xứ thấy rõ hơn hành động của cộng sản, họ thường làm như vậy. Còn việc cải thiện nhân quyền ở Việt Nam thì đó là bước tiến kiên quyết, phải nói là tối thiểu, mà Việt Nam phải làm cho chính mình và cho cả khu vực Châu Á, vì trong những cuộc thương lượng, mua bán với quốc tế, thì vấn đề nhân quyền cần phải rõ ràng.”

Mong người dân sống hòa bình

Tiến sĩ Âu Dương Thệ từ Dormund, Đức Quốc xem đây là một tin vui, đồng thời cũng tin rằng với áp lực mạnh mẽ của công luận quốc tế, hy vọng rồi đây xứ sở Việt Nam sớm có dân chủ, nhân quyền:
Đã đến lúc nhà nước Việt Nam phải nhìn ra sự sai trái của họ và họ phải dừng lại ngay lập tức, khi mà tất cả mọi việc vẫn còn có thể.
Cô Vũ Phương Anh
“Rất vui, rất mừng trước tin này, nhất là vào dịp đầu năm, đây là kết quả tranh đấu của nhiều tổ chức, cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, là một thành công rất lớn. Trong cuộc đấu tranh hiện nay, kết quả đó sẽ làm những người lãnh đạo ở Việt Nam phải suy nghĩ lại, tính toán lại, nếu họ cứ đàn áp những người có chính kiến khác nhau, nhất là trong cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo, bảo vệ chủ quyền đất nước, mà bị tù tội như nhiều tu sĩ, trí thức, cũng như là một số phụ nữ nổi tiếng ở Việt Nam hiện nay. Chế độ độc tài đó, chỉ khi nào họ phải đối đầu với dư luận, lúc đó họ mới phải có thái độ thực tế hơn, thí dụ như vụ Tiên Lãng, nếu không có dư luận, trong và ngoài nước lên tiếng, thì có lẽ Hà Nội chưa có thái độ rõ ràng. Dư luận trong nước và quốc tế đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc đấu tranh cho dân chủ Việt Nam.”
Từ vương quốc Na Uy, Bắc Âu, ông Tôn Thất Sơn, cựu bác sĩ quân y Việt Nam Cộng Hòa không tin Việt Nam có nhân quyền, nếu chế độ hiện hữu vẫn tồn tại:
“Tất cả người Việt Nam tỵ nạn cộng sản trên thế giới đều biết Việt Nam vi phạm nhân quyền một cách trầm trọng, không những thế, Việt Nam ngày càng đối xử tàn tệ đối với người dân của mình. Áp lực kinh tế đối với Việt Nam, vào lúc này, rất cần thiết, bởi vậy tôi hoan nghênh, hoan hô, dự luật nhân quyền của hạ viện Mỹ mới thông qua. Khi Việt Nam có nhân quyền, hy vọng tình hình dân chủ, tự do, trong nước ngày càng khá hơn. Tuy nhiên, đến bây giờ tôi vẫn không tin tưởng là nhà nước Việt Nam sẽ tôn trọng nhân quyền.” 
Tháng trước, tiểu ban Nhân Quyền, hạ viện Hoa Kỳ đã nghe một phụ nữ Việt Nam trình bày chứng cớ về nạn buôn người tại Việt Nam, mà cô cho là có sự bao che của các quan chức Việt Nam. Cô cho biết công nhân Việt Nam xuất khẩu lao động, bị ép buộc làm việc nặng nhọc với đồng lương eo hẹp, đôi khi còn bị chủ đánh đập.
Nạn nhân ấy, cô Vũ Phương Anh, nay được định cư tại Hoa Kỳ, cho RFA biết cảm tưởng và kỳ vọng của mình, khi hay tin dự luật nhân quyền vừa được thông qua:
“Đó là một việc rất tốt, cái điều mà người dân Việt Nam, tất cả những người tỵ nạn cộng sản, người dân trong nước, đều mong đất nước Việt Nam được trở lại như xưa, có được cuộc sống hòa bình. Đã đến lúc nhà nước Việt Nam phải nhìn ra sự sai trái của họ và họ phải dừng lại ngay lập tức, khi mà tất cả mọi việc vẫn còn có thể.”
Việt Nam cho rằng “cái gọi là dự luật nhân quyền” vừa được hạ viện Mỹ thông qua là một hành động thiếu công bằng, không phản ánh đúng sự thật khách quan về những gì đang diễn ra tại Việt Nam.

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào: