29.2.12

Gia tăng hợp tác quốc tế hạn chế đánh cá, cứu đại dương



Hội Greenpeace Nhật Bản phản đối ngành ngư nghiệp nước này đánh bắt cá voi. Phía sau chiếc thuyền Greenpeace là tàu đánh cá Nhật
Hội Greenpeace Nhật Bản phản đối ngành ngư nghiệp nước này đánh bắt cá voi. Phía sau chiếc thuyền Greenpeace là tàu đánh cá Nhật
Ảnh Greenpeace

Trọng Thành
Trong những tuần vừa qua, trên thế giới liên tục có các nỗ lực nhằm gia tăng các hợp tác quốc tế trong việc hạn chế đánh bắt hải sản để cứu nguy biển cả. Trong các nỗ lực đó, đặc biệt đáng chú ý có đề nghị thiết lập cơ chế hợp tác toàn cầu bảo vệ đại dương của Ngân hàng Thế giới, đề nghị bảo tồn 3,6 triệu km² biển Nam Cực của liên minh 16 tổ chức bảo vệ thiên nhiên và kêu gọi của hiệp hội Pew hạn chế đánh bắt cá tại vùng biển Bắc Đại Tây Dương.

Thứ Sáu 24/02/2012, trong một cuộc họp báo về biển tại Singapore, chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick đưa ra tuyên bố, đề nghị « một hợp tác quốc tế để cứu nguy các đại dương». theo lãnh đạo Ngân hàng Thế giới, khoảng 85% các vùng đánh cá đã bị khai thác cạn kiệt. Ông nhấn mạnh, các đại dương « sẽ mắc bệnh và chết », « nếu chúng ta không hành động ».
Ngân hàng Thế giới đề nghị quốc tế phối hợp cứu các đại dương
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick đưa ra nhiều mục tiêu để bảo vệ biển trong mười năm tới, trong đó có chỉ tiêu khôi phục lại một nửa lượng cá dự trữ và tăng gấp đôi khu bảo tồn biển (hiện nay, chỉ có 2% diện tích biển được bảo tồn, so với 12% diện tích đất liền).
Hiện tại, nhiều tổ chức phi chính phủ, các quốc gia đã đầu tư hàng trăm triệu đô la để bảo vệ các đại dương, tuy nhiên, theo lãnh đạo Ngân hàng Thế giới, để « biển cả trở lại sạch sẽ và là nguồn cung cấp hải sản dồi dào, chúng ta cần hợp tác nhiều hơn, cần đến một hành động toàn cầu, để cho các nỗ lực của chúng ta có thể hợp nhất lại được với nhau, thay vì các hoạt động riêng rẽ ».
Một cuộc họp đầu tiên để chuẩn bị đưa sáng kiến này trở thành hiện thực sẽ diễn ra tại Washington vào tháng Tư tới.
Đề nghị bảo tồn 3,6 triệu km² tại Nam Cực của Liên minh The Antartic Ocean Alliance
Cũng theo hướng tăng cường hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ biển cả, ngày hôm nay, thứ Ba 28/02/2012, ba tổ chức quốc tế Greenpeace, Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên WWF và Human Society International đã kêu gọi lập ra một khu bảo tồn đại dương lớn nhất thế giới tại biển Rosse, ở Nam Cực, với diện tích bề mặt 3,6 triệu km², để chống lại nguy cơ tàn phá của ngành công nghiệp đánh cá. Đề nghị này được đưa ra trong bối cảnh trữ lượng cá tại các khu vực khác giảm sút, rất nhiều khả năng vùng biển giàu hải sản này sẽ trở thành đối tượng khai thác cấp tập trong thời gian tới.
Từ Wellington (New Zealand), ông Chuck Fox, một đại diện của Liên minh bảo vệ Biển Nam Cực - The Antarctic Ocean Alliance - bao gồm 16 hiệp hội, cho biết : Cho đến nay, biển Rosse là một trong các vùng biển tương đối còn nguyên vẹn. Hiện tại, New Zealand và Hoa Kỳ đã công bố các dự án bảo vệ vùng biển này, tuy nhiên, chính quyền hai nước lại không chủ trương cấm đánh cá.
Để bảo vệ biển Nam Cực, hiện nay có Hiệp ước bảo tồn sinh vật biển Nam Cực (CCAMLR). Cơ chế liên chính phủ này có nhiệm vụ thiết lập một mạng lưới các khu bảo tồn biển trong năm nay. Theo Liên minh bảo vệ Biển Nam Cực, cơ chế liên chính phủ này cần phải minh bạch các hoạt động của mình với công chúng. Liên minh vừa tung ra một cuộc lấy chữ ký rộng rãi để gây sức ép trong vấn đề này.
Hiệp hội Pew yêu cầu Châu Âu điều chỉnh cách đánh bắt hải sản ở Đông - Bắc Đại Tây Dương
Liên quan đến vùng biển phía Bắc Đại Tây Dương, tổ chức bảo vệ môi trường Pew (Pew Environnement Group) có trụ sở tại Washington, ngày 27/01/2012, đã kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu cần có các cải cách cơ bản trong việc « đánh cá ở vùng nước sâu » để bảo đảm sự bền vững của hệ đa dạng sinh thái tại khu vực Đông – Bắc Đại Tây Dương. Lời kêu gọi này được đưa ra vào lúc Ủy Ban Châu Âu đang chuẩn bị công bố kiến nghị về quy chế khai thác hải sản tại các vùng nước sâu.
Theo Pew, các tàu đánh cá nước sâu của Liên Hiệp Châu Âu thuộc loại lớn nhất thế giới, nếu thực hiện các cải cách, Liên Hiệp Châu Âu sẽ trở thành mẫu mực cho toàn thế giới noi theo. Hiện tại, theo Pew, các hoạt động đánh cá của Liên Hiệp Châu Âu tại khu vực này không phù hợp với các hiệp ước quốc tế. Nhiều nghiên cứu cho thấy đánh bắt hải sản bằng lưới rê tại vùng nước sâu là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với các sinh vật biển và các hệ sinh thái mỏng manh tại đây.
TAGS: MÔI TRƯỜNG - NÔNG NGHIỆP - NGƯ NGHIỆP - QUỐC TẾ - THEO DÒNG THỜI SỰ - ĐẠI DƯƠNG

Không có nhận xét nào: