27.2.12

Hà Nội lo ngại dịch viêm màng não mô cầu



2012-02-26
Giới chức y tế thành phố Hà Nội quan ngại về bệnh viêm màng não mô cầu tại bốn quận huyện trong thành phố mà tin nói đã có bốn ca tử vong nơi trẻ bị nhiễm.

RFA photo
Một BS nhi khoa đang khám bệnh tại một bệnh viện công ở Hà Nội hôm 17/08/2011. (Ảnh có tính cách minh họa)
Thanh Trúc phỏng vấn bác sĩ Phạm Nhật An, phó giám đốc Bệnh Viện Nhi Trung Ương kiêm trưởng Khoa Truyền Nhiễm Bệnh Viện Nhi Trung Ương, được ông báo cho biết:

Chưa có dấu hiệu

BS Phạm Nhật An: Chỗ tôi là chỗ tiếp nhận các cháu thì hiện có hai trường hợp não mô cầu nhưng chả có cháu nào chết cả, chúng nó khỏi, còn bốn có thể là ở nơi khác chứ không phải ở đây. Thường những trường hợp nặng họ phải đưa đến chỗ chúng tôi, còn nếu họ không đưa đến thì mình không biết. Ngay chỗ tôi tức Bệnh Viện Nhi Trung Ương có Khoa Truyền Nhiễm thì những trường hợp nặng phải đưa đến, tất cả các thể nặng ở đây thì tôi không thấy trường hợp tử vong nào.
Thanh Trúc: Xin bác sĩ giải thích vì sao gọi là viêm màng não mô cầu?
BS Phạm Nhật An: Một trong những căn nguyên là có một loại vi khuẩn. Nếu mà đúng ra phải gọi là viêm màng não do con vi khuẩn não mô cầu. Có rất nhiều thể bệnh nhưng rất nguy hiểm là thể bệnh màng não cho nên gọi nó là não mô cầu, tiếng Anh gọi là meningococcus.
Bệnh này có thể lây lan mà cũng có thể xảy ra lẻ tẻ thôi, thực ra thì năm nào cũng gặp. Tất nhiên khi xảy ra cho nhiều bệnh nhân hơn thì người ta phải để ý phòng dịch cho không lây lan chứ thực ra không có vấn đề gì đặc biệt lắm đâu.
Vi khuẩn não mô cầu trừ những vùng ở Châu Phi hay có dịch thì nó giết hàng đầu hay hàng thứ hai thôi, còn trên thế giới thì nó giết hàng thứ ba chứ không phải hàng đầu. Ở Việt Nam vẫn có nghiên cứu và theo dõi hàng năm thì não mô cầu không phải là căn nguyên thường gặp.

Triệu chứng

benh-vien-nhi-trung-uong-250.jpg
Bệnh viện Nhi Trung Ương - Hà Nội. Photo courtesy of phunutoday.vn.
Thanh Trúc: Thưa bác sĩ, những triệu chứng lâm sàng của viêm màng não mô cầu như thế nào?
BS Phạm Nhật An:Cái này giống những triệu chứng của viêm màng não cấp khác, nhưng mà nó cũng có biểu hiện hiếm khi gặp ở các con vi khuẩn khác tức là nó có thể gây ra thể xuất huyết hoại tử. Xuất huyết hoại tử thì không phải trường hợp nào cũng gặp cả, về lâm sàng nếu có biểu hiện đấy thì người ta gọi là xuất huyết hoại tử hình sao, một dấu hiệu rất đặc thù của viêm màng não mô cầu. Cái này thực ra là vấn đề chuyên môn.
Thanh Trúc: Thưa ông vì sao trẻ em thường dễ bị nhiễm vi khuẩn gây viêm màng não mô cầu hơn là người lớn?
BS Phạm Nhật An: Là vì não mô cầu có rất nhiều chủng, có những chủng không gây bệnh cho người lớn vì người lớn có thể nhiễm từ trước mà không phát bệnh vì đã gây ra miễn dịch rồi. Người lớn không biểu hiện bệnh nhưng mà nó lây cho trẻ con thành ra bệnh hay gặp ở trẻ em hơn. Người lớn chỉ bị lây những thể có động lực mạnh từ người khác thôi.
Triệu chứng đầu tiên là sốt cao, đau đầu, nôn, gọi là những dấu hiệu cơ năng, kèm theo các dấu hiệu của màng não khác.
BS Phạm Nhật An
Một cách ngắn gọn thì đây là vi khuẩn lây lan theo đường hô hấp, truyền từ người sang người theo đường hô hấp. Thời gian tiếp xúc, bị lây nhiễm đến lúc khởi bệnh từ hai đến năm ngày nhưng mà thông thường thì chỉ bốn năm ngày.
Thanh Trúc: Thưa làm thế nào để phát hiện trẻ đã nhiễm vi khuẩn gây viêm màng não mô cầu?
BS Phạm Nhật An: Triệu chứng đầu tiên là sốt cao, đau đầu, nôn, gọi là những dấu hiệu cơ năng, kèm theo các dấu hiệu của màng não khác. Thực ra phải có chuyên môn mới chẩn đoán được chứ không phải có thể phân biệt dễ dàng ngay từ cộng đồng đâu. Thì trong những trường hợp này người ta chí ít phải nghĩ ngay đến viêm não mô cầu và phải dùng kháng sinh trước, đồng thời chuẩn bị lấy máu và lấy dịch não tủy để cấy và có thể là lấy dịch học. Đó là ba chỗ thường lấy để tìm vi khuẩn não mô cầu.

Cách điều trị

Thanh Trúc: Thưa bác sĩ, phải chăng trẻ bị viêm màng não mô cầu có thể lành bịnh nếu được nhập viện sớm và được chữa trị đúng theo phương pháp chuyên môn? 
BS Phạm Nhật An: Vâng, cái này phải đến bệnh viện, phải có liệu pháp kháng sinh, phải được chữa trị các dấu hiệu của thần kinh, các dấu hiệu phù não. Trường hợp nặng có thể còn có tình trạng bị sốc thì còn phải qua chữa trị rất là đặc biệt nữa. Viêm màng não mô cầu thì không thể chữa ở ngoài bệnh viện được. Chữa trong bệnh viện thì cũng tùy thuộc vào các thể bệnh, thể nặng thì có nhiều trường hợp phải can thiệp rất nhiều thứ. Nếu thể nhẹ thì có thể chỉ dùng kháng sinh là chính thôi.
Vâng, cái này phải đến bệnh viện, phải có liệu pháp kháng sinh, phải được chữa trị các dấu hiệu của thần kinh, các dấu hiệu phù não.
BS Phạm Nhật An
Tử vong cao hay thấp thì nó tùy thuộc vào thể bệnh là chính. Những trường hợp gọi là tối cấp thì có thể gây tử vong. Những trường hợp thường thì nó không phải là bệnh gây tử vong cao lắm.
Vì nó lây lan theo đường hô hấp cho nên phải giữ vệ sinh đường hô hấp, cách ly với người bệnh. Và như cái phác đồ của bên Hoa Kỳ thì người ta cho uống kháng sinh để dự phòng, từ một đến hai ngày thôi. Thế còn ở những vùng đã có nhiều cháu bị hoặc nhiều bệnh nhân bị thì người ta sẽ tổ chức cho tiêm phòng, trẻ nhỏ cũng có thể được tiêm phòng để tránh bệnh, chỉ có điều vắc xin cũng không loại chữa hết các loại vi khuẩn đâu, không phải tiêm vắc xin là phòng được hoàn toàn. Tất nhiên là nó giảm thiểu đi rất nhiều nhưng vẫn có một tỷ lệ có thể mắc được.
Thanh Trúc: Xin cảm ơn bác sĩ Phạm Nhật An và thời giờ của ông để giải thích về cách điều trị bệnh viêm màng não mô cầu nơi trẻ.

Theo dòng thời sự:

Ý kiến của Bạn

Không có nhận xét nào: