Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - Không chỉ duy nhất anh em ông Đoàn Văn Vươn phải đứng trước vành móng ngựa, không ít người có cùng nhận xét này. Nếu nhà nước khẳng định: Mọi công dân đều bình đẳng trước Pháp Luật và cho rằng lòng người đã yên ả sau những ngày “dậy sóng” bởi cơn lốc cưỡng chế ao đầm trái pháp luật, nhà tan, cửa nát, súng nổ, máu rơi ở Vinh Quang, Tiên Lãng vừa qua thì công lý vẫn còn bị chà đạp.
Đã là muộn, nếu công lý thật sự quang minh chính trực để bắt giữ, khởi tố ít nhất cũng vài kẻ“lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng”, còn đến sau ngày 10/2 (có kết luận chính thức việc cưỡng chế đó là sai pháp luật) thì Công Lý như đang bị thách thức bởi sự không công bằng.
Trong khi ông Vươn và người thân nhanh chóng trình diện và bị bắt giữ ngay sau khi có hành vi chống trả lực lượng cưỡng chế (đúng, sai còn chờ xét xử) thì những kẻ sai phạm tới mười mươi, tang chứng vật chứng rõ như ban ngày thì về nằm nhà nghỉ ngơi “nghiên cứu” tìm mọi lý do có yếu tố ‘thiếu sót hay “sai sót” để sáng tạo trong kịch bản “Kiểm Điểm” trình cấp trên hầu bảo vệ “cái ghế” của mình.
Các nhà luật học và luật sư xác định: Sau khi lực lượng vũ trang xâm nhập phá hủy căn nhà 2 tầng trên khu đất gia đình ông Vươn, ông Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền nói thẳng với phóng viên, hôm sau báo chí đăng đầy, rằng: “Ngôi nhà nằm trong diện tích đất chưa bị cưỡng chế. Nhưng vì đây là nơi các đối tượng cố thủ và tấn công các lực lượng cưỡng chế, nên áp dụng biện pháp phá hủy ngôi nhà!?” thì Lê Văn Hiền CT/UB huyện và Đỗ Hữu Ca GĐ/CA/TP/HP phải bị bắt giữ tức khắc vì phạm pháp quả tang do tùy tiện trang bị vũ khí xâm nhập gia cư bất hợp pháp vì “Ngôi nhà nằm trong diện tích đất chưa bị cưỡng chế.” Có nghĩa quyền sở hửu đang được pháp luật bảo hộ. Và sau ngày 10/2 còn củng cố thêm 2 văn bản trái pháp luật, các Quyết định số 460/QĐ-UBND ngày 23/4/2008, Quyết định số 461/QĐ-UBND ngày 07/4/2009 của UBND huyện xin phê chuẩn kế hoạch cưỡng chế thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn. Với tính chất và hậu quả nghiêm trọng của vụ việc thì không thể chờ ở các cá nhân sai phạm tự kiểm điểm nghiêm túc, tự nhận hình thức kỷ luật. Mà Tòa án và Viện KSND Hải Phòng cần căn cứ vào hành vi và mức độ sai phạm đã xãy ra để xác định hình thức đề nghị khởi tố, đó mới là sự quang minh của “pháp bất vị thân”.
Ngay cả ông Đỗ Trung Thoại PCT/UB/TP/Hải Phòng (phụ trách Nông Nghiệp) người “tiến cử” rất nhiều công văn cưỡng chế sai trái để thu hồi đất trái pháp luật của nhiều hộ nông dân, không riêng gì Tiên Lãng,trong đó có ao đầm nhà ông Đoàn Văn Vươn cho UBND/TP/HP gật đầu chuẩn thuận, cũng không thể loại trừ khả năng, phải bị truy tố.
Bởi có khá nhiều hộ nông dân nghèo bỏ công lao đi lấn biển mở đất bãi bồi đã bị ông Thoại và Huyện Tiên Lãng (còn huyện nào nữa không?) tước mất cái quyền luật định sử dụng 20 năm và còn được tiếp tục nếu còn tha thiết với mảnh đất bãi bồi mà mình gắn bó, thậm chí khi bị thu hồi hầu hết các hộ đều trắng tay không có một xu bồi hoàn trong khi nghị định 84 của CP. Hướng dẫn rất chi tiết, phải qua các bước, từ chủ trương, lý do thu hồi đất, kiểm đếm tài sản, lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư tổng thể, ban hành quyết định thu hồi đất gửi đến từng hộ gia đình, chi tiết của kế hoạch công bố công khai tại trụ sở xã để tiếp nhận đóng góp ý kiến của người dân, bảo đảm mọi quyền lợi của người bị thu hồi đất không ai xâm phạm...
Nhưng dưới mắt ông PCT/UB/TP/HP Đỗ Trung Thoại và Lê Văn Hiền CTUB/Tiên Lãng thì không bao giờ “bước” đi cùng nông dân trong thu hồi đất trên cơ sở của luật Đất Đai. Trong quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng đối với diện tích 19,3ha của ông Đoàn văn Vươn cũng không có nội dung đề cập “bước” nào phù hợp nghị định 84, có nghĩa ông Vươn mất đất,trắng tay và đây cũng là một trong những nổi uất hận khiến ông Vươn như cuồng trí “bước” tới khẩu súng hoa cải tự chế của mình.
Không thể thuyết phục công luận và phù hợp pháp luật khi nói các hành vi sai trái đó là do “thiếu sót hay sai sót”. Làm sao thiếu sót được. Ngay từ năm 2008 Báo đối ngoại Việt Nam Economic News (VEN) thuộc Bộ Công Thương đã có loạt bài phóng sự “Cống Rộc – Thách thức không đến từ biển” (mà từ những con người nhân danh nhà nước quả lý các đồng đất bãi bồi nơi này) trên cơ sở đơn thư khiếu nại khẩn thiết của người dân, toà soạn đã cử phóng viên về “ba chung” tại Cống Rộc, cẩn thận,nghiêm túc nghiên cứu hồ sơ,thực hiện chặt chẻ các qui trình trước khi cho đăng toàn bộ những sai trái và bất cập trong việc thực thi luật đất đai ở nơi này trên ấn phẩm Kinh Tế Việt Nam sau đó đăng lại trên trang mạng điện tử (http://www.ven.vn ) thuộc báo Đối Ngoại VietNam Economic New.
Và một năm sau (2009) hình như sở Tư Pháp TP/Hải Phòng “giật mình” qua bài báo nói trên nên đã kiểm tra lại các văn bản liên quan đến đất đai do huyện Tiên Lãng ban hành, phát hiện vi phạm nghiêm trọng pháp luật đất đai liền ban hành một công văn do ông Ngô Minh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP/HP ký, công văn số 408/TB-STP cảnh cáo rằng: “UBND huyện Tiên Lãng quy định cho phép mình được quyền quản lý diện tích đất này là chưa phù hợp về thẩm quyền và không thống nhất với tên gọi của văn bản. UBND huyện Tiên Lãng quy định việc thu hồi đất hết thời hạn để chuyển sang hình thức thuê đất, đấu giá, đấu thầu là không phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 67, khoản 10 Điều 38 Luật Đất đai và không thống nhất với điều 7 của chính quyết định này.
Và việc quản lý, sử dụng và bảo vệ đối với phần diện tích theo quy định này chỉ có Chính phủ mới có thẩm quyền quy định. UBND các quận,huyện không có thẩm quyền quy định...”(Sở Tư Pháp/HP).
Nhưng UBND xã, huyện Tiên Lãng và TP/Hải Phòng, quen rồi với cách nghĩ “Lệnh vua thua lệ làng” cứ thích “sai sót, sai sót và sai sót trải đều gần chục năm lộng quyền quản lý để... không còn “sót” cái ao đầm bãi bồi nào mà không lãnh đủ cái “sai” có lợi rất nhiều cho cán bộ chính quyền địa phương nhưng thiệt hại rất cay đắng về phía nông dân.
Nhân dân, công luận tự hỏi: Tất cả các vị ấy đang ăn lương hàng tháng từ nhân dân, sao một việc làm đúng Pháp Luật có lợi cho người dân, nó nhẹ nhàng qua “clik” một cái trên laptop để đối chiếu với luật đất đai tránh sai sót nhưng sao họ không làm nỗi, hay chính xác là không muốn làm,nếu không có lợi cho mình? dù đó là bắt buộc theo Pháp Luật cũng là trách nhiệm và bổn phận của họ.
Sao họ không một lần lội xuống đồng sâu nước mặn, thử làm kiếp dã tràng quai đê lấn biển để tự tìm lấy cái “bát vàng mà họ muốn, ngồi ăn trong bóng mát”?
2 Ý kiến:
Lưu Ý :
- Những phản hồi sử dụng "Nặc danh/Ẩn danh"sẽ không được xuất hiện. Các bạn có thể chọn một nickname cho mình khi phản hồi bằng cách sử dụng các chức năng : "Tên/Url", hoặc bằng tài khoản Google
- Nếu nội dung phản hồi quá dài sẽ bị máy chủ BlogSpot hiểu lầm là Spam (không cho hiện lên), xin bạn vui lòng chia nội dung thành nhiều phần, hoặc chờ Dân Làm Báo cho xuất hiện lại phản hồi
- Những phản hồi chữ Việt không dấu cũng sẽ bị xóa.