8.2.12

Miến Điện: kiểm duyệt báo chí có dấu hiệu cáo chung. Trung Quốc: chủ trang blog phải đăng ký tên thật



Trọng Nghĩa (RFI) - Tại Miến Điện, chế độ kiểm duyệt báo chí phải chăng đang sống những giờ phút cuối cùng ? Đây là câu hỏi mà giới quan sát đang nêu lên vào lúc chính quyền dân sự Miến Điện cam kết sẽ thông qua ngay trong năm nay một bộ luật về truyền thông sẽ bãi bỏ nạn kiểm duyệt. 

Cho đến gần đây, Miến Điện là quốc gia bị liệt vào diện những nước có chế độ kiểm duyệt báo chí thuộc loại khắc nghiệt nhất. Theo tổ chức bảo vệ nhà báo Phóng viên Không Biên giới, trong bảng xếp hạng 179 nước về mức độ tôn trọng quyền tự do báo chí, Miến Điện bị xếp hạng thứ 169. 

Thế nhưng, chính quyền dân sự mới lên cầm quyền tại Miến Điện, trong thời gian qua đã thực hiện một loạt cải cách chính trị, và đang có dấu hiệu muốn áp dụng cho giới truyền thông chính sách cởi mở hiện hành, trong đó có việc trả tự do cho nhiều nhà báo bị cầm tù, biện pháp đã từng được sử dụng cho các nhân vật đối lập chính trị. 

Tín hiệu rõ nhất mà chính quyền Naypyidaw tung ra trong lãnh vực cởi trói cho báo chí là việc Vụ Đăng kiểm Báo chí PSRD sẽ bị giải thể. Trả lời hãng tin Pháp AFP, ông Ye Htut, một tổng giám đốc thuộc bộ Thông tin Miến Điện đã xác nhận: «Trừ phi kế hoạch thay đổi, sẽ không còn ủy ban kiểm duyệt nữa. Ở Quốc hội mọi người đều đồng ý là nên dẹp bỏ ủy ban này». 

Theo hãng tin AFP, nội dung dự luật về báo chí chưa được công bố, nhưng nhiều tờ báo Miến Điện đã được tham khảo ý kiến về những điều họ muốn ghi vào văn kiện này. Theo tuần báo Anh ngữ Myanmar Times, thì dự luật gồm 11 điều khoản, quy định quyền hạn và trách nhiệm của nhà báo, đạo đức nghề nghiệp, cũng như các nguyên tắc đăng ký nhà in và nhà phát hành.

Ảnh - PRESS burma myanmar (Reuters)

Theo ông Tint Swe, Vụ phó vụ Đăng kiểm Báo chí PSRP, thì dự thảo luật đã đươc đưa lên tổng biện lý để tham khảo ý kiến, và đạo luật có thể được thông qua ngay trong năm nay cho dù khóa họp hiện nay của Quốc hội chủ yếu tập trung vào vấn đề ngân sách. Và nhân vật này khẳng định như đinh đóng cột: «Sau đó sẽ không còn kiểm duyệt». 

Phải nói là từ nhiều tháng nay, chế độ kiểm duyệt tại Miến Điện đã ngày càng được giảm nhẹ. Theo hãng tin AFP, chỉ cần xem những thông tin liên quan đến lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi, kẻ thù số một của chế độ trước đây là thấy rõ những tiến bộ. 

Kể từ tháng Chín năm ngoái, tên của bà bắt đầu được báo chí Miến Điện nhắc đến. Một nhà báo Miến Điện đã thú nhận: «Từ khi ấy, chúng tôi không còn sợ hãi khi đến nơi làm việc nữa»

Qua tháng Giêng, ngày mùng 4, tuần báo Eleven News đã đưa trên trang nhất hình bà Aung San Suu Kyi bên cạnh Tổng thống Thein Sein dưới hàng chữ «Nhân vật nổi bật trong Năm». Hai tuần sau tờ báo này lại đăng ảnh tù nhân chính trị được ân xá dưới hàng tựa "Freedom from Fear" (nghĩa là "Được giải thoát khỏi sự sợ hãi"), công khai gợi lên một quyển sách được bà Aung San Suu Kyi xuất bản vào năm 1991. 

Báo giới lưu vong theo dõi sát sao tiến trình cởi mở đối với nhà báo nói trên vì họ đang muốn thành lập chi nhánh trong nưóc như hãng tin Mizzima, hay nhóm truyền thanh truyền hình DVB hoặc báo trên mạng Irrawaddy. Báo giới trong nước cũng đang nôn nóng chờ đợi luật để có thể cạnh tranh với tờ New Light of Myanmar xem như độc quyền từ bao lâu nay.


*

Trung Quốc ra tối hậu thư buộc các chủ trang tiểu blog phải đăng ký tên thật

Thanh Phương (RFI) - Hôm nay 08/02/2012, một giới chức chính phủ Trung Quốc cho hãng tin AFP biết là kể từ ngày 16/03/2012, những người sử dụng Internet tại Trung Quốc không đăng ký tên thật sẽ bị cấm đăng bài và chuyển bài viết trên các trang tiểu blog. 

Về phần Tân Hoa Xã thì nói rõ hơn là những blogger không đăng ký tên thật không bị cấm hoàn toàn trên các mạng tiểu blog, nhưng sẽ không thể viết được nữa, mà chỉ có thể đọc trang blog của những người khác. 

Ảnh: Mạng xã hội Sina Weibo có nhiều thành viên mở trang blog (DR)

Các trang tiểu blog hiện đang gây lo ngại cho giới lãnh đạo Bắc Kinh, vì những trang này có thể phổ biến nhanh chóng những thông tin mà chính quyền không thể kiểm soát được. Theo các nhà quan sát, các trang tiểu blog đã trở thành một không gian có ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ, quan điểm của người dân. 

Kể từ cuối năm 2011, người dân Trung Quốc buộc phải khai tên thật khi đăng ký mở trang tiểu blog trên các mạng xã hội của nước này. Trong những tháng gần đây, chính quyền Bắc Kinh đã siết chặt hơn nữa sự kiểm soát lên cộng đồng sử dụng Internet. Đảng Cộng sản Trung Quốc thấy rằng các mạng xã hội đã đóng vai trò là công cụ huy động quần chúng một cách nhanh chóng trong những phong trào dân chủ tại các nước Ả Rập.  

Tính đến cuối năm 2011, ở Trung Quốc có tổng cộng 513 triệu người sử dụng Internet, trong đó phân nửa sử dụng các trang tiểu blog. 

Không có nhận xét nào: